Góc nhìn của HLV Park Hang-seo về V-League

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Về nguyên tắc, HLV Park và các trợ lý không thể đưa ra đánh giá một cách công khai, nhưng danh sách tập trung đội tuyển Việt Nam có thể xem là một kiểu tổng kết thu nhỏ, đáng tham khảo ở khía cạnh chuyên môn.
Góc nhìn của HLV Park Hang-seo về V-League
Ảnh minh họa

Trước khi tìm hiểu góc nhìn của HLV Park Hang-seo và hệ thống trợ lý của ông về V-League, cần thừa nhận một yếu tố quan trọng: đa số các HLV ở cấp ĐTQG trên thế giới luôn tuân theo một số nguyên tắc nhất định khi triệu tập cầu thủ.

Tiêu chí quan trọng, mang tính cốt lõi, đó là đẳng cấp và sự ổn định đội hình. Đây chính là khác biệt rất cơ bản giữa họ so với các đồng nghiệp cấp CLB - vốn đề cao yếu tố phong độ cầu thủ. Gần như mặc định, HLV đội tuyển thường điền tên những cầu thủ đang thi đấu ở những giải vô địch danh tiếng nhất, ngoại trừ các trường hợp bất khả kháng vì chấn thương. Dù có ngồi dự bị tại những CLB đó, họ vẫn được ưu tiên triệu tập nhờ yếu tố đẳng cấp. Đức, Tây Ban Nha, hay Brazil, Argentina... cũng tuân thủ nguyên tắc này. Đây chính là lý do HLV Park triệu tập Công Phượng năm 2019 dù anh hầu như không được thi đấu ở Trint-Struident (Bỉ) và bây giờ là trường hợp của Đặng Văn Lâm tại Cezero Osaka (Nhật Bản).

Kế đến, chính là yếu tố ổn định. Do tính chất thi đấu không thường xuyên của ĐTQG, nên các HLV thường chọn con người dựa trên triết lý bóng đá riêng, cũng như sơ đồ thi đấu đã định sẵn từ lúc nhậm chức. Họ thường không mạo hiểm thay đổi lối chơi, bởi ở cấp CLB rất dễ dàng đổi đấu pháp theo từng tuần, nhưng ở đội tuyển quốc gia, mỗi lần tập trung cũng chỉ đá hai-ba trận rồi lại giải tán. Không thể mỗi lần tập trung lại tập những bài vở khác nhau.

Nếu căn cứ trên những thói quen ấy, lần triệu tập này của HLV Park sẽ nói lên được nhiều điều ở V-League, cũng như giải thích được vài lựa chọn khó hiểu của nhà cầm quân Hàn Quốc.

Trong danh sách của ông, có đến bảy cầu thủ trong tổng số 10 người có thể xếp đá phòng ngự đến từ CLB Hà Nội, chưa kể thủ môn Bùi Tấn Trường. Nó lạ ở chỗ, Hà Nội vốn dĩ là đội bóng chơi tấn công, toàn diện và ở mùa giải hiện tại, họ chẳng có phong độ tốt cả ở công lẫn thủ. Như vậy, theo HLV Park, Hà Nội vẫn có đẳng cấp cao nhất tại V-League, kể cả khi họ đang đối diện với nguy cơ rơi vào nhóm tám đội tranh quyền trụ hạng. HLV Park gần như "vét sạch" các cầu thủ Hà Nội để đưa lên đội tuyển, ngoài trường hợp của Đỗ Hùng Dũng. Thế nhưng, điều đặc biệt là ông vẫn nói không với tiền đạo Nguyễn Văn Quyết. Chi tiết này một lần nữa khẳng định nguyên tắc: Đẳng cấp cầu thủ đi kèm sự ổn định của sơ đồ thi đấu. Mà Văn Quyết chưa từng có chỗ đứng trong chiến thuật của HLV Park.

Trở lại với câu chuyện về quân số của Hà Nội. Dưới góc nhìn của HLV Park, đây vẫn là đội bóng mạnh nhất V-League. Điều này càng chứng tỏ Hà Nội đang có mùa giải thất bại rõ ràng, không thể đổ lỗi cho chấn thương hay kém may mắn. Cũng vì thế, việc họ thay HLV là hợp lý, dù có nhiều ý kiến cho rằng để ông Chu Đình Nghiêm ra đi là sai lầm. Lực lượng mạnh mà thành tích không tốt, nghĩa là có sức ì về chuyên môn, không thay đổi sớm, có khi lỡ thời cơ.

Và cũng chính vì dàn hậu vệ đông đảo của Hà Nội, nên một trung vệ được đánh giá là có phong độ tốt như Nguyễn Hữu Tuấn mới không thể lên tuyển. Trong tay đang có bộ đôi Quế Ngọc Hải – Bùi Tiến Dũng của Viettel chơi ổn định, vậy mà ông Park vẫn gọi đến bảy cầu thủ đá phòng ngự khác từ Hà Nội, với số lượng đông đảo như thế thì bổ sung Nguyễn Hữu Tuấn cũng chắc chắn phải về sớm. Nói cách khác, khu vực này đang "thừa" người, nên bên cạnh yếu tố đẳng cấp, ông chọn tiếp sự ổn định của những người quen thuộc.

Một góc nhìn khác: Có đến 16 cầu thủ thuộc vị trí hậu vệ được gọi, chiếm tỷ lệ đến 42% trong tổng số 37 người. Điều này cho thấy V-League là giải đấu thiên về phòng thủ. Góc nhìn này hoàn toàn chuẩn xác bởi tỷ lệ trung bình bàn thắng của V-League là 2,13 bàn/trận. Những đội bóng đang dẫn đầu V-League như HAGL hay Viettel đều thành công nhờ ít bị thủng lưới chứ không phải ghi nhiều bàn. Với một giải nội địa có quá ít bàn, cũng đừng thắc mắc vì sao lối chơi mà HLV Park áp dụng cho ĐTQG có xu hướng kiểm soát bóng, bảo vệ sự an toàn phần sân nhà từ xa, và ghi bàn tương đối hạn chế.

Tuy nhiên, cũng vì việc gọi quá nhiều cầu thủ đá phòng ngự, cho thấy HLV Park đang đối diện với vấn đề chất lượng. Cũng có thể nói thẳng ra là ông đang bối rối. Nếu ở một phần ba sân bên trên, dàn cầu thủ tấn công chẳng gây ra bất kỳ tranh cãi nào, thì từ vị trí tiền vệ trung tâm trở xuống, chiếm đến 50% quân số, mỗi vị trí có đến ba-bốn cái tên, đấy là chưa nói đến hai cầu thủ đang ở tình trạng chấn thương chưa hồi phục là Trọng Hoàng và Văn Hậu. Có vẻ như ông Park chưa chắc chắn lắm về chất lượng con người ở hàng thủ, buộc phải sàng lọc trong vài ngày tới. Thực tế là ở V-League, có nhiều CLB đang phải sử dụng ngoại binh đá phòng thủ, như tại HAGL, Bình Định, TP HCM hay Sài Gòn FC.

Mối lo của HLV Park là có cơ sở. Ba trận đấu cuối cùng của tuyển Việt Nam, về lý thuyết thì các đối thủ như Malaysia và UAE đều muốn đánh bại chúng ta để giành quyền tự quyết. Đội tuyển của HLV Park đang là đội đầu bảng ghi được ít bàn nhất vòng loại World Cup 2022. Việt Nam đang có lợi thế nhờ việc chỉ mới để thủng lưới một bàn, thành tích chỉ kém Nhật Bản của bảng F, đội đã chắc suất vào vòng loại cuối cùng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật