Niềm tự hào Pencak Silat Quảng Ninh

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Dù “sinh sau đẻ muộn“ nhưng Pencak Silat Quảng Ninh từng có một thời hoàng kim với nhiều tài năng nổi trội, vươn tầm châu lục và thế giới, làm rạng danh cho thể thao tỉnh nhà.
Niềm tự hào Pencak Silat Quảng Ninh
 2 VĐV Lê Thị Hằng (trái) và Lâm Thị Hương cùng đoạt HCV, góp công vào thành tích đoạt cúp toàn đoàn tại Giải Vô địch Thế giới Pencak Silat 2002. Ảnh tư liệu của Trường TDTT.

Pencak Silat là môn mới du nhập và được chọn để thay thế môn võ cổ truyền Nhất Nam tại Quảng Ninh từ năm 1996. Không có bề dày như bóng đá, bóng chuyền, điền kinh, nhưng khi nhắc tới Pencak Silat của Quảng Ninh giai đoạn này ai cũng tự hào.

Và một trong những người gắn bó đầu tiên với môn võ này là ông Dương Bá Cường, nguyên là HLV môn Pencak Silat, hiện là Hiệu trưởng Trường TDTT tỉnh. “Có duyên với vùng Mỏ, tôi cùng nhiều đồng nghiệp vinh dự là những người đầu tiên đặt nền móng cho môn võ Nhất Nam và sau đó là Pencak Silat. Năm 1996, đồng chí Đồng Thị Tám, lúc đó là Hiệu trưởng Trường Thể thao tỉnh (nay là Trường TDTT) mời tôi về mở lớp Pencak Silat. Vốn là võ sư môn Nhất Nam, dù bỡ ngỡ nhưng chuyển sang môn võ khác cũng có lợi thế nhất định. Ban đầu chỉ biết cố gắng nhưng thật không ngờ, thể thao vùng Mỏ lại có giai đoạn thành công vang dội với Pencak Silat như vậy" - HLV Dương Bá Cường chia sẻ.

Nhờ mối quan hệ trong giới võ thuật, HLV Dương Bá Cường cùng các đồng nghiệp mời Liên đoàn võ thuật Hà Nội tập huấn, phát triển phong trào Pencak Silat tại Quảng Ninh. Tháng 4/1996, môn võ mới này chính thức đưa vào dạy tại Trường Thể thao. Lớp nghiệp dư Silat đầu tiên của tỉnh được ra mắt lần đầu tại TP Hạ Long. Mới thành lập, lớp học khởi đầu với 6 học viên (5 nam, 1 nữ) này gặp không ít khó khăn. Lớp hoạt động được là nhờ sự hỗ trợ một phần kinh phí của Sở TDTT (nay là Sở VH-TT). Phần còn lại do gia đình các VĐV đóng góp.

Điểm quan trọng trong thành công này chính là phát triển phong trào. Trong thời gian ngắn, mạng lưới lớp học Silat phát triển rất nhanh, không chỉ Hạ Long mà lan ra rộng khắp ở Cẩm Phả, Hoành Bồ, Uông Bí... Một số VĐV Nhất Nam cũng chuyển sang tập môn mới này. So với Karatedo, Nhất Nam hay Tây Sơn Bắc phái..., Silat dù ra sau nhưng có lượng người tập đông nhất, phát triển mạnh từ cơ sở tới cấp tỉnh.

"Ngoài những người thầy dẫn đường chỉ lối, các VĐV thế hệ đó tập luyện hăng say, có niềm đam mê riêng. Dù điều kiện kinh tế, cơ sở vật chất đều thấp kém thế nhưng mỗi VĐV Silat như chúng tôi ai cũng mang trong mình quyết tâm với ngọn lửa đam mê rực cháy, quyết thành tài. Đó là điểm khác biệt làm nên những VĐV giai đoạn đó" - Lâm Thị Hương, VĐV đoạt Huy chương Vàng (HCV) thế giới giai đoạn 2006-2009, nay là HLV Silat Trường TDTT tỉnh, chia sẻ.

Nhờ phong trào phát triển mạnh mà không ít VĐV tài năng đã được lựa chọn và được đào tạo thành tài. Lớp Silat nghiệp dư đầu tiên, chỉ sau 4 tháng tập luyện đã lựa chọn được 3 gương mặt (2 nam,1 nữ) đi tham gia Giải Pencak Silat trẻ toàn quốc năm 1996 tại Thanh Hoá. Thật bất ngờ, có 2 gương mặt đoạt giải cao gồm: Nguyễn Thị Huyền, HCB hạng cân 45kg và Phạm Văn Sơn, HCĐ hạng cân 50kg.

Thi đấu Pencak Silat tại Đại hội TDTT Quảng Ninh lần thứ V năm 2005. Ảnh tư liệu.

Thành quả sớm đã động viên cả thầy và trò tập luyện hăng say, các lớp nghiệp dư đều phấn đấu đóng góp VĐV thành lập nên các đội tuyển tỉnh mạnh đi thi quốc gia. Tiếp nối thành công, năm 1997, Pencak Silat Quảng Ninh giành 9 huy chương, trong đó có 3 HCV ở 2 giải cấp Quốc gia và giải Hà Nội mở rộng. Trong đó, VĐV Lê Thị Hằng, một trong những VĐV khoá đầu giành 2 HCV, được phong VĐV Cấp 1 Quốc gia. Từ đó, Pencak Silat được bổ sung vào môn đào tạo và thi đấu chính thức của thể thao Quảng Ninh. Nhiều VĐV tiềm năng đã được rèn giũa thành tài, nức tiếng như: Lê Thị Hằng, Lâm Thị Hương, Nguyễn Mạnh Hoàng Long...Từ đây, Pencak Silat Quảng Ninh luôn khẳng định mình ở các giải lớn.

Khẳng định mình trong nước, thầy trò Pencak Silat Quảng Ninh nỗ lực vươn tầm châu lục và thế giới. Và cũng chính quyết tâm đó đã khẳng định tài năng, tên tuổi của VĐV những khoá đầu như: Lê Thị Hằng, Lâm Thị Hương, Lê Thị Thu Hương. Năm 1999, VĐV Lê Thị Hằng được tham gia đội tuyển Quốc gia thi đấu SEA Games 20 đã giành HCĐ hạng cân 50kg. Sau đó, trong giai đoạn 2002-2005, Quảng Ninh luôn có bộ 3: Lê Thị Hằng, Lâm Thị Hương, Lê Thị Thu Hương tham gia đội tuyển quốc gia thi đấu các giải quốc tế và toả sáng ở đấu trường quốc tế.

Cụ thể, là: Lê Thị Hằng giành 3 HCV tại giải Vô địch thế giới các năm 2000, 2002 và 2004; 2 HCV giải Vô địch Châu Á -Thái Bình Dương; 4 huy chương trong đó có 2 HCV tại SEA Games 20, 21, 22 và 23. Ở giai đoạn 2006 - 2009, Lâm Thị Hương có 1 lần Vô địch thế giới, 1 lần vô địch châu Á  và 2 HCB SEA Games hạng 70kg; Lê Thị Thu Hương HCV ở giải Vô địch thế giới hạng 75kg... Tiếp nối thế hệ vàng sau này có VĐV Vũ Thái Linh đoạt HCV hạng 60kg nam Giải Pencak Silat Vô địch châu Á 2017; HCB Pencak Silat tại SEA Games 29 - 2017.

Tính riêng từ 1996 - 2007, Pencak Silat Quảng Ninh đã đoạt 183 huy chương các loại, trong đó có 9 huy chương Giải Vô địch thế giới, 3 huy chương Vô địch Châu Á, 8 huy chương SEA Games, 42 huy chương tại Đại hội TTTD...

VĐV "vàng" Lâm Thị Hương năm xưa nay trở thành HLV Trường TDTT tỉnh, tiếp tục phát hiện và gọt giũa những tài năng Pencak Silat cho tỉnh nhà.

Dễ thấy xen lẫn những thành công, sau thế hệ vàng của những Hằng, Hương và về sau là Thái Linh, Pencak Silat Quảng Ninh đã có những "khoảng lặng" khi các thế hệ sau chưa theo kịp. Cũng có nhiều lý giải bởi so với trước, Pencak Silat  ngày càng được phổ biến rộng rãi, có nhiều quốc gia tập luyện. Indonexia và các nước trong Liên đoàn Pencak Silat Quốc tế có nhiều thay đổi về luật, kỹ thuật thi đấu. Đồng thời, việc phát triển phong trào tập luyện bộ môn này có phần giảm, ảnh hưởng tới việc tuyển chọn tài năng, tập luyện say mê và cả thành tích thi đấu.

Để giữ "lửa’ truyền thống môn thể thao "vàng" này, thể thao Quảng Ninh cũng đã quan tâm đầu tư, đưa lớp VĐV tài năng ngày nào trở thành những HLV giỏi. Và ngày nay, những Lâm Thị Hương, Nguyễn Thái Linh... vẫn miệt mài đào tạo để tiếp tục phát hiện và gọt giũa những tài năng Pencak Silat cho tỉnh nhà.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật