Đại sứ Myanmar tại LHQ nghẹn ngào phản đối đảo chính

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đại sứ Myanmar Kyaw Moe Tun kêu gọi Liên Hợp Quốc “dùng bất kỳ biện pháp nào cần thiết để chống lại quân đội Myanmar“, khôi phục nền dân chủ.
Đại sứ Myanmar tại LHQ nghẹn ngào phản đối đảo chính
Ảnh minh họa

"Chúng ta cần có những hành động mạnh mẽ hơn nữa từ cộng đồng quốc tế để chấm dứt ngay lập tức cuộc đảo chính quân sự, ngăn chặn áp bức người dân vô tội, trả lại quyền lực nhà nước cho nhân dân và khôi phục nền dân chủ", Đại sứ Myanmar tại Liên Hợp Quốc Kyaw Moe Tun phát biểu trước Đại hội đồng 193 thành viên hôm 26/2.

Việc một đại sứ tại Liên Hợp Quốc phát biểu phản đối những người đang nắm quyền trong nước là điều rất hiếm. Kyaw Moe Tun tỏ ra xúc động, đôi lúc bị nghẹn giọng, khi đọc tuyên bố thay mặt nhóm chính trị gia được bầu mà ông nói họ mới chính là đại diện cho chính phủ hợp pháp của đất nước.

Kyaw Moe Tun nhấn mạnh ông sẽ sát cánh cùng những người tiếp tục "đấu tranh cho chính phủ của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân", đồng thời kết thúc bài phát biểu bằng cách giơ ba ngón tay, một biểu tượng thường xuyên xuất hiện trong các cuộc biểu tình phản đối đảo chính ở Myanmar. Bài phát biểu của ông được đại sứ từ các nước phương Tây và Hồi giáo vỗ tay tán thưởng.

"Thế giới nên hoan nghênh sự dũng cảm của đại sứ Kyaw Moe Tun vì đã đưa ra tuyên bố mạnh mẽ như vậy thay mặt người dân Myanmar, không phải quân đội bất hợp pháp", Akila Radhakrishnan, chủ tịch Trung tâm Công lý Toàn cầu, một tổ chức nhân quyền và luật nhân quyền, cho biết trong một tuyên bố. "Cộng đồng quốc tế phải khen ngợi lòng dũng cảm đó bằng cách thực hiện lời kêu gọi của ông ấy về hành động ngay lập tức, dứt khoát để buộc quân đội phải chịu trách nhiệm".

Đại sứ Myanmar phát biểu trước Đại hội đồng sau khi đặc phái viên Liên Hợp Quốc về Myanmar Christine Schraner Burgener kêu gọi các nước không công nhận hoặc hợp pháp hóa chính quyền quân sự Myanmar, và các quốc gia "có ảnh hưởng" thúc đẩy quân đội Myanmar cho phép đánh giá độc lập tình hình.

Myanmar rơi vào tình trạng hỗn loạn từ khi quân đội nắm chính quyền, bắt lãnh đạo chính phủ dân sự Aung San Suu Kyi và phần lớn quan chức đảng Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) với cáo buộc xảy ra gian lận trong cuộc bầu cử tháng 11.

"Rất tiếc, cho đến nay, chế độ hiện hành yêu cầu tôi phải hoãn bất kỳ chuyến thăm nào. Có vẻ như họ muốn tiếp tục bắt giam quy mô lớn và ép buộc mọi người làm chứng chống lại chính phủ NLD. Điều này thật tàn nhẫn và vô nhân đạo", bà Burgener nói.

Tổng thư ký Antonio Guterres cam kết sẽ huy động đủ áp lực quốc tế "để đảm bảo cuộc đảo chính sẽ thất bại". Hội đồng Bảo an đã bày tỏ quan ngại về tình trạng khẩn cấp, nhưng không lên án cuộc đảo chính.

Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp Quốc Linda Thomas-Greenfield cho biết Mỹ "đã và sẽ tiếp tục thực hiện các hành động phối hợp chặt chẽ với đồng minh và đối tác" để quân đội Myanmar thấy hậu quả những hành động của họ.

"Chúng tôi kêu gọi mọi quốc gia thành viên ở đây sử dụng bất kỳ kênh nào hiện có để nói với quân đội rằng B.L đối với người dân Myanmar sẽ không được dung thứ. Chúng ta cùng nhau cho người dân Myanmar thấy rằng thế giới đang dõi theo. Chúng ta nghe thấy họ và sát cánh với họ", Thomas-Greenfield cho hay.

Đại sứ Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc Trương Quân nói rằng cộng đồng quốc tế nên tôn trọng chủ quyền của Myanmar và "tránh làm gia tăng căng thẳng", trong khi đại sứ Nga nói các quốc gia khác không nên can thiệp "tiến trình nội bộ" của Myanmar.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật