Chồng bảo sinh 1 đứa thì mẹ nhàn thân nhưng sau con đơn độc vất vả lắm

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Mọi người cứ bảo nhà đông con nhiều phúc. Nói thật, câu ấy chưa bao giờ em thấy đúng. Phúc đức đâu chưa thấy chỉ thấy mệt bở hơi tai các chị ạ.
Chồng bảo sinh 1 đứa thì mẹ nhàn thân nhưng sau con đơn độc vất vả lắm
Ảnh minh họa

Cứ tính mà xem, tuổi trung bình phụ nữ lấy chồng là 25, 26, muộn thì 29, 30. Để chăm 1 đứa con cứng cáp gọi là hết tuổi mũi dãi, ho hắng cũng mất ít nhất 5 năm. Lúc ấy con mới gọi là đỡ ốm đau, bố mẹ nhàn thân hơn được 1 chút. Như thế đẻ 2 đứa coi như mất 10 năm, 3 đứa mất 15 năm thì coi như phụ nữ dành cả thanh xuân để chỉ đẻ và chăm con mọn còn gì.

Cũng vì chuyện sinh nở mà vợ chồng em cãi nhau lên bờ xuống ruộng. Chồng em tư tưởng cổ hủ, thích đông con nhiều cháu. Không nói thì thôi, nói là anh ấy lại bảo nhà nhiều con là nhiều của. Nghe thấy nực cười không chịu nổi.

Nói thật, ban đầu em còn tính không sinh, tư tưởng của em cực đơn giản, giống phương tây ấy. Tuổi trẻ là phải đi đây đi đó trải nghiệm, tận hưởng và làm việc kiếm tiền. Về già không còn sức đi, có kinh tế sẽ vào viện dưỡng lão cần gì cứ phải trông mong vào con cái. Thế nhưng chồng em lại bắt đẻ. Anh ấy giải thích:

“Chỉ có cây khô mới không lộc, người độc mới không có con. Còn lại đã lấy vợ lấy chồng đều phải sinh nở, duy trì nòi giống”.

Chồng gây áp lực, sau em cũng phải sinh 1 đứa. Lúc bầu bí là em đã thỏa thuận chỉ đẻ 1, bất kể trai gái gì em cũng sẽ dừng không sinh thêm. Lão đồng ý, vậy mà giờ con được 5 tuổi, em vừa nhàn thân được 1 tí chồng lại bắt sinh thêm với lý do:

“Đẻ ít cũng phải hai đứa cho có anh có em. Đẻ 1 đứa giờ mình nhàn nhưng sau con nó vất vả. Mọi gồng nặng gánh nhẹ đều đến tay con lo, khổ thân nó em ạ”.

Rồi chồng em ngồi lấy ví dụ nhà ông này bà kia chỉ đẻ 1 đứa con trai, lúc nằm viện trông chờ vào 1 đứa trông nom vất cả đôi bên. Hay như đẻ đông, sau đứa này đỡ đứa kia, anh chị em dìu dắt, hỗ trợ nhau đỡ cô độc. Nói chung, để thuyết phục vợ đẻ tiếp, anh ấy sưu tầm nhiều “chuyện nhà người ta” về dọa vợ lắm nhưng được cái tinh thần em vững, chồng dọa thế chứ dọa nữa em cũng kệ.

Nói thẳng ra, đẻ lắm khổ nhiều. Người vất vả trước nhất chính là phụ nữ chúng mình. 9 tháng mang nặng đẻ đau không nói, lúc con ra đời, ốm đau quấy khóc chỉ mình chăm, chồng cùng lắm ngó ngàng được lúc lại bận công bận việc. Đẻ lắm nheo nhóc nhiều mà cứ đẻ cả đống ra, không lo được kinh tế gọi là có ít của để dành cho chúng, sau này lớn lên chúng lại trách bố mẹ nghèo không giúp được các con.

Cái lý thuyết đông con nhiều của ấy đúng với ai thì đúng, còn những tấm gương em thấy hoàn toàn ngược lại. Ngay như hàng xóm nhà em kìa, đẻ tổng cộng 5 đứa con. Để nuôi hết ngần ấy đứa ăn học, bố mẹ nhịn ăn nhịn mặc cả đời chắp bóp.

70 tuổi vợ vẫn chỉ có chiếc xe đạp cũ đi chợ, chồng thì có chiếc Cup 70 rỉ han. Con cái có vợ có chồng rồi chẳng còn để ý gì tới bố mẹ. Đầu năm bác gái nằm viện chục ngày, em vào thăm. Hai ông bà cô đơn ngồi khóc tâm sự rằng mấy đứa con đứa nào cũng bạc, mẹ ốm không vào viện chăm. Đứa nào cũng viện lý do bận con bận công việc. Em nghe cám cảnh thay.

Buồn hơn sau khi bác ấy xuất viện về, vợ chồng tính lập di chúc, chẳng biết phân chia đất cát thế mà mà mấy người con của họ đuổi đánh nhau ngay trước mặt bố mẹ, tuyên bố lìa mặt anh em, cắt tình máu mủ. Bác gái cũng vì chuyện này mà đột quỵ mất. Cả khu phố biết chuyện đều thương vợ chồng bác ấy. Hôm tới viếng đám tang về, em bảo chồng:

“Đấy, đông con nhiều của. Lắm con lắm phúc, anh thấy chưa”.

Lão im lặng không nói gì. Còn em, qua chuyện nhà hàng xóm lại càng kiên định với phương châm của mình, đẻ 1 đứa còn lại dành thời gian mà hưởng thụ, sống cuộc đời có ý nghĩa. Sau già vào viện dưỡng lão cũng được chứ nhất quyết không dành cả thanh xuân chỉ để đẻ với chăm con. Già chắc gì đã được chúng nó báo hiếu.

Ảnh minh họa: Tùng Dương 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật