“Sau 31 năm kinh doanh, tôi chỉ còn thấy ngõ cụt”

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Thêm hơn 500.000 nhân viên ngành dịch vụ ở Mỹ mất việc vào tháng 12. Nhiều người rơi vào bế tắc, không biết phải làm gì để trang trải cuộc sống.
“Sau 31 năm kinh doanh, tôi chỉ còn thấy ngõ cụt”
Ngành dịch vụ ở Mỹ điêu đứng suốt nhiều tháng vì Covid-19. Ảnh: Keiko Hiromi/AFLO.

Trước khi đại dịch ập đến, Jasmine Slater kiếm được 600 USD/tuần khi làm phục vụ tại một nhà hàng ở Orlando. Số tiền này đủ để cô nuôi sống bản thân và hai con.

Kể từ khi bị cho nghỉ việc hồi tháng 3, người phụ nữ 34 tuổi chỉ nhận được 130 USD/tuần trợ cấp thất nghiệp, đồng thời cạn kiệt tiền tiết kiệm. Cô nhận được séc hỗ trợ thêm 600 USD vào tuần trước nhưng đã dùng gần hết chỉ để trả tiền điện.

“Đã 10 tháng trôi qua nhưng tôi vẫn chưa hết sốc và đau buồn. Tôi tiêu hết số tiền tiết kiệm của mình cũng như tận dụng mọi nguồn thu. Hóa đơn vẫn chồng chất mỗi tháng và tôi không còn khả năng chu cấp cho các con”, Jasmine chia sẻ.

Đại dịch Covid-19 tàn phá các lĩnh vực khách sạn, du lịch và bán lẻ kể từ tháng 3. Trong bối cảnh dịch tái bùng phát ở xứ cờ hoa, lực lượng lao động này tiếp tục phải chịu áp lực.

Tháng ngày bấp bênh

Tại thành phố Tampa (bang Florida), Michelle Cooper (51 tuổi) thở phào nhẹ nhõm khi Disney World gọi cô trở lại làm việc ở bộ phận đặt phòng vào cuối tháng 5, sau hơn 2 tháng thất nghiệp.

Cô làm tại nhà với mức lương 15 USD/giờ cho đến đầu tháng 10. Sau đó, Michelle lại bị cho thôi việc. Kể từ đó, người phụ nữ 51 tuổi vẫn chưa tìm được công việc mới tại tiểu bang vốn phụ thuộc kinh tế vào ngành du lịch.

Do mắc bệnh nền hen suyễn, Michelle được đưa vào nhóm dễ bị tổn thương trong thời điểm dịch bệnh. Một công việc văn phòng hoặc nhân viên bán lẻ sẽ gây nguy hiểm cho cô khi phải tiếp xúc gần người khác.

Hiện Michelle có đủ tiền tiết kiệm để sống qua ngày, nhưng cô lo lắng liệu có trụ được trong 1-2 tháng nữa không.

Edward Flores (56 tuổi), chủ sở hữu thế hệ thứ tư của quá cà phê gia đình Juanita’s Cafe, đẩy một chiếc xe qua phố Olvera vắng vẻ ở trung tâm thành phố Los Angeles sau khi đóng cửa nhà hàng tháng 12/2020. Ảnh: Jae C. Hong/AP.

Trợ cấp thất nghiệp tối đa ở bang Florida là 275 USD/tuần - khoản tiền không thấm vào đâu so với chi phí thuê nhà hàng tháng. Con trai 20 tuổi của Michelle cũng mới chuyển về sống cùng cô sau khi mất việc tại công viên Busch Gardens.

“Tôi vốn chẳng giàu có gì nhưng tình thế hiện tại khó khăn hơn trước rất nhiều. Chúng tôi mua ít đồ ăn hơn vì phải chi tiêu dè sẻn”, cô nói.

Chỉ trong tháng 12/2020, 498.000 lao động ngành dịch vụ thất nghiệp, theo báo cáo của Bộ Lao động Mỹ. Các nhân viên nhà hàng và quán bar chiếm khoảng 75%, trong đó chủ yếu là phụ nữ và người d‌a mà‌u.

Dữ liệu liên bang cho thấy tổng số việc làm ở ngành dịch vụ giảm 23% trong thời kỳ đại dịch, vượt xa mọi ngành khác.

“Nhiều nơi đang cố gắng cầm chừng, còn người dân chỉ biết chắp tay cầu nguyện. Tháng 12 vừa qua là một lời nhắc nhở quan trọng rằng có những ngành sẽ không thể phục hồi, trừ khi cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng này kết thúc”, Martha Gimbel, một nhà kinh tế học, cho biết.

Gói cứu trợ đại dịch trị giá 900 tỷ USD mà Quốc hội Mỹ thông qua hồi tháng 12 sẽ khởi động lại Chương trình Bảo vệ Tiền lương (PPP) cho các doanh nghiệp nhỏ. Một số biện pháp như khuyến khích giữ chân nhân nhân viên và xóa nợ cho các nhà hàng nhỏ cũng được triển khai.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng nhiều cơ sở kinh doanh nhà hàng, quán bar, khách sạn và du lịch vẫn có nguy cơ đóng cửa vĩnh viễn. Đối với những nhân viên ngành dịch vụ, viện trợ có thể đến quá muộn. Họ đã thất nghiệp, đi làm lại, rồi thất nghiệp lần nữa.

Một chủ nhà hàng ở Boston đóng quán vì Covid-19. Ảnh: David L. Ryan/The Boston Globe.

Các nhà kinh tế cho biết khoảng 4 triệu công việc ngành giải trí và khách sạn đã bị mất kể từ tháng 2 - cú sốc đáng kinh ngạc đối với ngành công nghiệp từng có 15 triệu lao động.

“Người lao động phải trải qua giai đoạn vô cùng bất ổn vào năm 2020. Ngay cả khi họ giữ được việc làm ở đợt đầu dịch thì họ vẫn có thể mất việc lần nữa. Nó cực kỳ mất ổn định”, nhà kinh tế học Martha cho biết.

Những thành phố ma

Sau nhiều tháng bất ổn, không ít nhân viên đang xem xét rời ngành dịch vụ hoàn toàn.

Michael Matsuse-Panzo, lễ tân tại một khách sạn ở Oahu (bang Hawaii), cho biết anh dự tính chuyển đến East Coast hoặc tìm kiếm một công việc mới nếu ngành du lịch không quay trở lại đảo sớm.

“Chúng tôi đã quá quen với hình ảnh khách du lịch đông đúc, nhộn nhịp trên đảo. Nhưng giờ đây, trông nó như một thị trấn ma. Bãi biển Waikiki chẳng một bóng người hay xe cộ nào. Trông thật đáng sợ”, người đàn ông 32 tuổi gốc Hawaii nói.

Anh nói thêm: “Tôi sẽ chờ đợi thêm một khoảng thời gian nữa xem thế nào. Nhiều nơi vẫn đóng băng hoạt động tuyển dụng. Hơn nữa, khi bạn đã làm việc trong ngành khách sạn được 10 năm, thật khó để chuyển sang một lĩnh vực khác”.

Hawaii chưa từng vắng lặng đến vậy. Ảnh: CTV News.

Đối với những thành phố như Las Vegas, Orlando hay New Orleans, ngành du lịch và dịch vụ là nguồn kinh tế chính của tiểu bang.

“Ở New Orleans, chúng tôi chỉ có ẩm thực, âm nhạc và văn hóa. Đó là thứ giữ cho thành phố này tồn tại và nuôi sống cả tiểu bang Louisiana”, đầu bếp Eric Cook chia sẻ.

Nhà hàng Gris-Gris của anh đóng cửa trong nhiều tháng, mở lại vào mùa hè rồi lại đóng cửa do sự bùng nổ số ca nhiễm mới ở thành phố. Gần đây, nó chỉ được sử dụng để tổ chức những bữa tiệc riêng. Chưa bao giờ nơi này vắng lặng như vậy.

“Cứ như thể chúng tôi bị trừng phạt. Chúng tôi chẳng làm gì sai cả và vẫn bị nhắm đến. Đó là sự đổ lỗi sai lầm lớn nhất tôi từng thấy trên đời”, Eric nói.

Đánh mất sự nghiệp cả đời

Đối với người Mỹ, công việc tại nhà hàng và khách sạn thường là nghề nghiệp đầu tiên trong đời, việc làm khởi đầu cho các thanh niên, sinh viên và những ai vẫn đang “tìm hiểu mọi thứ”.

Nhưng với một số khác, đó là con đường sự nghiệp cả đời, theo Matt Duggan, người mất chức tổng giám đốc của chuỗi nhà hàng Lucques tại Los Angeles hồi tháng 11.

Sau 31 năm kinh doanh trong nghề, Matt thấy con đường sự nghiệp của mình chẳng còn gì ngoài ngõ cụt.

“Chúng tôi từng tự nhủ ‘Cố lên, gắng một chút nữa thôi’ nhưng ánh sáng ở cuối đường hầm chẳng hề đến”, ông nói.

Matt bỏ tiền đầu tư không gian ăn uống ngoài trời để phù hợp với chính sách mở cửa hồi mùa hè, nhưng rồi hoạt động này lại bị đóng cửa. Ông mất việc ngay trước Lễ Tạ ơn.

Nhiều người đánh mất cả sự nghiệp nhiều năm trong mùa dịch. Ảnh: New York Times.

Bambi Stenberg (44 tuổi) từng là phục vụ bàn suốt 15 năm qua cho nhà hàng cao cấp Beast ở Portland (bang Oregon) cho đến khi nơi này đóng cửa.

“Ban đầu, tôi và các nhân viên còn giữ liên lạc với nhau qua Zoom, nhưng những cuộc gọi đó giảm dần. Tôi nghĩ rằng mình sẽ có thời gian đọc một chồng sách khổng lồ, nhưng sự căng thẳng khiến tôi không thể tập trung”, cô chia sẻ.

Bambi lo ngại rằng văn hóa ẩm thực ở Portland sẽ biến mất nếu tình trạng này tiếp tục tiếp diễn. “Các nhà hàng thực sự cần được cứu trợ để duy trì hoạt động”, cô nói.

Hiện Matt đang tập thái cực quyền tại nhà, cố gắng giữ liên lạc với người thân và bạn bè. Giáng sinh vừa qua, vợ chồng ông tự thay trang trí nhà cửa và vẫn giữ nguyên không gian đó cho đến nay. Họ cần chút gì đó đem lại hy vọng.

“Mọi thứ đang tồi tệ về mặt tài chính đối với tôi lúc này. Có công việc nào khác mà tôi có thể sử dụng kinh nghiệm trong lĩnh vực nhà hàng không? Tôi có nên chuyển sang tiểu bang khác để làm việc nếu có cơ hội không?”, Matt chia sẻ.

Ông nói thêm: “Thời gian khủng hoảng kéo dài đằng đẵng này và tác động tổng thể của nó sẽ khiến ngay cả những địa điểm không bị hạn chế cũng sớm ngừng hoạt động”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật