Lo nạn trộm cắp cà phê dịp cuối năm

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hiện đang vào mùa cao điểm thu hoạch và giao dịch mua bán cà phê ở Tây Nguyên, hàng ngàn buôn làng gấp rút thuê nhân công làm việc. Bên cạnh sự kỳ vọng sản phẩm tăng giá là nỗi lo âu nạn trộm cắp cà phê ngay trong ruộng rẫy hoặc gia đình mình.
Lo nạn trộm cắp cà phê dịp cuối năm
Mùa thu hoạch cà phê cần cảnh giác với những đối tượng trộm cắp.

Sơ hở là bị trộm ngay

Nhiều người dân xã Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột, Đăk Lăk) chia sẻ: Là địa bàn trọng điểm trồng cà phê của Tây Nguyên với gần 200.000ha, năm nào cận Tết Nguyên đán cũng xảy ra rất nhiều vụ trộm cắp cà phê. Đối tượng trộm thường là nghiện hút m‌a tú‌y, người từ địa phương khác đến hoặc chính những nhân công vừa thuê được. Có gia đình gom lại chuẩn bị xuất bán thì bị mất hàng chục bao, coi như mất Tết.

Ông Hồ Xuân Thích ở xã Ea M’ Doal (Ma Đ’răk) cho biết: Mới đầu tháng 1/2021 đã có 3 đối tượng vào rẫy định tuốt trộm cà phê đang chín rộ nhưng bị phát hiện nên tri hô mọi người truy đuổi, đối tượng bỏ chạy và không dám quay lại. Không những thế, ngay cả khi cà phê mang về sân phơi của gia đình cứ hở ra là bị xúc trộm ngay. Bởi vậy, phải thay nhau canh phòng rồi kết hợp với chính quyền địa phương để cấp báo kịp thời. Đã có hàng trăm vụ trộm cắp làm ảnh hưởng nặng nề đến đời sống người dân.

Nhiều chủ rẫy cà phê rút kinh nghiệm, khi thuê nhân công cần nắm rõ nhân thân nếu không kẻ xấu trà trộn nắm tình hình rồi sau đó dẫn đồng bọn đến trộm cắp. Không may mắn như ông Thích, gia đình anh Ngọc Thanh ở xã Ia Mnang (huyện Cư Mgar) chỉ vì sơ hở, không tuần tra trên rẫy một buổi mà trộm đã đột nhập và tuốt sạch hàng loạt cây cà phê đang chín rộ.

Cũng là tỉnh có diện tích cà phê lớn, cứ vào cuối năm nạn trộm cắp cà phê lại xảy ra ở Lâm Đồng. Đặc biệt là 3 vùng trồng cà phê trọng điểm của tỉnh này là huyện Di Linh, Bảo Lâm và TP. Bảo Lộc. Có chủ rẫy mất Tết và lâm cảnh nợ nần cũng vì bị trộm.

Vài tuần đã trôi qua, người dân trồng cà phê ngụ tại thị trấn Di Linh (huyện Di Linh) vẫn còn ám ảnh và bức xúc trước sự táo tợn của Trần Linh Tâm (biệt danh Tâm Nhóc) và Nguyễn Đắc Tài (biệt danh Cu Em, 30 tuổi, thị trấn Di Linh). Sa đà vào con đường m‌a tú‌y, giữa tháng 12/2020, 2 đối tượng này đã lợi dụng mọi sơ hở, xông vào nhà bà Ka Nhọi (trú thị trấn Di Linh) vác trộm cà phê đã đóng sẵn thành bao đi tìm nơi tiêu thụ.

Cần cảnh giác

Một số chủ rẫy cà phê ở xã Lộc Ngãi (huyện Bảo Lâm, Lâm Đồng) lo lắng: Giá cà phê không cao, chi phí cao, lời không bao nhiêu, nhất là trong thời điểm dịch bệnh hiện nay, tiêu thụ sản phẩm chậm. Cùng với đó, các đối tượng trộm cắp ngày càng tinh vi. Vậy nên, một số chủ rẫy có điều kiện đã lắp thêm camera chống trộm ngay trong gia đình mình. Các tổ dân cư liên kết cùng nhau để kịp thời phát hiện các đối tượng lạ, khả nghi.

Để ngăn chặn các thủ đoạn trộm cắp, bảo vệ người dân an tâm thu hoạch cà phê, Công an các tỉnh Tây Nguyên liên tục mở các đợt tấn công, trấn áp tội phạm liên quan trộm cắp, đặc biệt là cà phê. Cùng với đó, phân tích rõ các thủ đoạn, mánh khóe và phương thức hoạt động chính của loại tội phạm này để người dân nhận diện và nâng cao cảnh giác.

Các đối tượng trộm cà phê ở Di Linh (Lâm Đồng) vừa bị truy bắt.

Ông Nguyễn Văn Thông, chủ vựa thu mua cà phê ở Đăk Hà (Kon Tum) cho biết: Để đời sống người làm cà phê không bất an, hạn chế nạn trộm cắp, thương lái cũng cần phải cam kết không mua tài sản không rõ nguồn gốc, nông sản của những đối tượng lạ, có dấu hiệu bất thường. Khi thu về cất ở nhà phải cảnh giác, khóa thật kỹ nơi bảo quản cà phê và cổng, cửa. Chú ý những người lạ có biểu hiện quan sát, thăm dò nhà cửa, đường xá, vì có khả năng đây là những đối tượng có ý đồ trộm cắp. Có như vậy hiệu quả chống trộm mới được nâng cao hơn.

Hàng loạt tổ an ninh nhân dân tự quản lý, bảo vệ vườn cây trong mùa thu hoạch ở Đăk Lăk cũng hình thành, thường xuyên tuần tra, kiểm soát chặt chẽ để nắm bắt tình hình, có hướng ngăn chặn kịp thời để không xảy ra các vụ việc đáng tiếc xảy ra để giúp hàng vạn hộ trồng cà phê an tâm thu hoạch, chuẩn bị cho Tết Nguyên đán ấm cúng.

Một số địa phương còn sáng tạo thêm “kẻng an ninh chống trộm”. Theo khung giờ nhất định, kẻng vang lên và các lao động rảnh cùng tham gia đi tuần. Khi có tình huống khẩn cấp, kẻng cũng được vang lên để huy động buôn làng cùng vây bắt kẻ xấu.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật