Đời sống người Mnông ở Tây Nguyên qua “Chúng tôi ăn rừng”

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tác phẩm của nhà dân tộc học Georges Condominas cho biết tường tận về đời sống người Mnông ở Việt Nam những năm giữa thế kỷ 20.
Đời sống người Mnông ở Tây Nguyên qua “Chúng tôi ăn rừng”
Sách Chúng tôi ăn rừng. Ảnh: Omega Plus.

Georges Condominas (1921-2011) là tiến sĩ văn học và khoa học nhân văn. Ông được đánh giá là một trong những nhà dân tộc học xuất sắc nửa sau thế kỷ 20, người đại diện cho trường phái “điền dã" trong nghiên cứu khoa học xã hội.

Condominas nổi tiếng trong giới nghiên cứu với công trình thực địa về văn hóa của dân tộc Mnông (Mnông Gar) ở ngôi làng Sar Luk thuộc vùng Tây Nguyên của Việt Nam cũng như ở phạm vi rộng lớn hơn của vùng Đông Nam Á. Trong đó, Chúng tôi ăn rừng (Nous avons mangé la forêt de la Pierre-Génie Gôo) là một công trình nghiên cứu dân tộc học mang tính kinh điển.

Condominas đóng khố khi sống cùng người Mnông. Nguồn ảnh: Tienphong.

Sinh ra tại Hải Phòng, có cha là người Pháp, mẹ là người Việt, Condominas từng học hội họa tại Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, rồi theo học ngành nhân văn tại Đại học Sorbonne, Paris. Ngay từ những năm 1940, ông bắt đầu chú ý đến ngành dân tộc học, nhận bằng tốt nghiệp tại Trung tâm đào tạo về nghiên cứu dân tộc học ở Paris.

Năm 1948, Condominas 27 tuổi, ông trở lại Việt Nam và lên vùng Tây Nguyên để tiến hành những nghiên cứu dân tộc học về người M’nông tại ngôi làng Sar Luk - nơi gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Ông đã đến ở một thời gian dài tại làng Sar Luk của người Mnông Gar (Đắk Lắk), sống cuộc sống thường ngày theo cách của chính họ.

Condominas cho dựng một ngôi nhà giống mẫu nhà cổ truyền của người Mnông để ở và bắt tay nghiên cứu, sưu tầm. Nhờ biết tiếng nói của người Mnông Gar nên ông đã tham gia vào cuộc sống hàng ngày của dân làng, tiến hành tìm hiểu mà không cần đến người thông dịch.

Từ kiến thức thu thập được thông qua cuộc nghiên cứu điền dã, ông đã hoàn thành nhiều công trình khoa học, trong đó có Chúng tôi ăn rừng.

Xuất bản lần đầu trên tạp chí Mercure de France năm 1957, cuốn sách ngay lập tức được các nhà dân tộc học vĩ đại như Claude Lévi-Strauss và các nhà phê bình văn học như Maurice Nadeau, Édouard Glissant… khen ngợi khi mang đến một góc nhìn mới về cuộc sống cũng như bản mô tả cấu trúc xã hội của người Mnông vào giữa thế kỷ thứ 20.

Chúng tôi ăn rừng trình bày những khía cạnh khác nhau trong đời sống của nhóm người Mnông Gar. Qua đó tác giả dựng lên một mô hình cấu trúc xã hội của người Mnông.

Cụm từ “Chúng tôi đã ăn rừng” được người Mnông Gar dùng để chỉ một năm nào đó. Những người làm rẫy bán du cư của vùng Tây Nguyên không có cách xác định thời gian nào khác ngoài việc căn cứ vào khoảng không gian được đánh dấu bởi những vạt rừng do họ phát và đốt để gieo trồng hàng năm.

Ở Sar Luk, “Chúng tôi đã ăn rừng Đá‑Thần Gôo” là cách nói để chỉ năm 1949 (năm trồng trọt kéo dài từ cuối tháng 11/1948 đến đầu tháng 12/1949). Cuốn sách của Condominas mô tả những sự việc diễn ra tại Sar Luk trong chu kỳ nông nghiệp ấy.

Bằng những ví dụ cụ thể trong sách, người đọc có thể hình dung về đời sống của nhóm người Mnông giữa thế kỷ 20 như: Lễ trao đổi hiến sinh trâu, đám cưới của Srae và Jaang…

Nhà dân tộc học Claude-Lévi Strauss đánh giá về tác phẩm của Condominas: “Chúng tôi ăn rừng đã đánh dấu sự đăng quang trong nền văn học dân tộc học của một thể loại hoàn toàn mới, nổi bật vì sự gắn bó và hiện thực bản địa, sâu sắc hơn tất cả những gì từng có trước nay”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật