Áp lực ‘gà mái mẹ’ ở Trung Quốc

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nỗi sợ con mình không thành công trong tương lai khiến nhiều cha mẹ Trung Quốc trở thành “gà mái mẹ“, thúc ép trẻ học hành từ khi còn ít tuổi.
Áp lực ‘gà mái mẹ’ ở Trung Quốc
Những đứa trẻ mẫu giáo đã phải tham gia các lớp học thêm, ngoại khóa dày đặc.

- "1.500 từ vựng tiếng Anh có đủ cho một đứa trẻ 4 tuổi không?".

- "Tùy thuộc vào nơi bạn sống. Nếu ở Mỹ thì đủ, nhưng nếu sống tại Trung Quốc thì không".

Đó là nội dung đoạn trao đổi trong nhóm WeChat của các phụ huynh Trung Quốc, làm dấy lên nỗi lo lắng của không ít người, khiến họ sợ rằng con mình có xuất phát điểm thấp hơn những đứa trẻ khác.

Trước khi con bắt đầu kỳ nghỉ hè của lớp mẫu giáo, Zhang Jieru đã lên lịch học cho bé vào kỳ nghỉ đông. Mới 6 tuổi, cô bé đã quen với việc "chạy show" tới các trung tâm với lịch học dày đặc.

"Piano, khiêu vũ và tiếng Anh là những lớp phụ đạo thường xuyên của Xiaomin. Trừ một vài ngày nghỉ Tết, chúng tôi cố gắng để lịch học không bị gián đoạn. Ngữ âm tiếng Trung và môn số học của con hơi yếu nên cần học thêm", Zhang vừa nói vừa chỉ tay lên lịch học trên tường.

"Không có chuyện con cái không thể thành nhân tài, chỉ có cha mẹ không nỗ lực", Zhang tin vào câu nói đó. Vì vậy, một năm trước, cô đã bán căn hộ của mình và mua một căn nhỏ hơn ở khu trường học tại Quảng Châu.

Có một thuật ngữ phổ biến trên Internet ở Trung Quốc dùng mô tả các bậc cha mẹ như Zhang là "gà mái mẹ" - những người luôn nỗ lực với mong muốn con cái họ thành đạt trong tương lai.

"Gà mái mẹ" trong thành phố

Xiaomin không phải đứa trẻ duy nhất phải đương đầu với lịch học "căng như dây đàn". Những người bạn trong lớp mẫu giáo của bé cũng phải chạy đua như vậy.

"Một nửa số bạn học của cháu đi học thêm âm nhạc ở bên ngoài, như piano hay violin. Các bạn ấy cũng phải theo rất nhiều lớp, giống như cháu", Xiaomin thật thà kể.

Trong khi Xiaomin học tiếng Anh từ một giáo viên nước ngoài tại trung tâm ngoại ngữ, ở một nơi khác thuộc Nam Sa (Quảng Châu), Deng Xiaoyu - học sinh năm cuối trường phổ thông - đang tham gia các lớp phác thảo và sơn dầu tại trung tâm nghệ thuật.

Theo Deng (cha của Xiaoyu), con trai ông không học tốt các môn văn hóa, vì thế ông và vợ quyết định cho con phát triển kỹ năng nghệ thuật. Bởi những học sinh có năng khiếu nghệ thuật sẽ cần ít điểm vào trường đại học hơn trong kỳ thi gaokao (kỳ thi đại học ở Trung Quốc).

May mắn thay, Xiaoyu thích nghệ thuật. Dù vậy, Deng cũng thuê gia sư riêng cho con.

"Ngay cả khi nó là một sinh viên có ’tài năng đặc biệt’, tôi không muốn những môn văn hóa thành trở ngại ngăn con vào được các trường đại học hàng đầu", Deng nói.

Cha mẹ ở các thành phố lớn tin rằng phải ép con chạy đua từ nhỏ mới mong chúng thành công trong tương lai.

Những "gà mái mẹ" điển hình xuất hiện khắp các đô thị lớn ở xứ tỷ dân, đặc biệt là những thành phố cấp 1 như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến.

Cách nuôi dạy con cái theo lối “tự do” của thế hệ trước không còn. Sự lo lắng về giáo dục đang tăng mạnh, phổ biến trong các hộ gia đình trung lưu.

"Cuộc đua bắt đầu từ lớp mẫu giáo. Không, trên thực tế, nền tảng được đặt ở các lớp giáo dục trước cả khi con đi mẫu giáo", Zhang nói.

Ma Ruiwu, người có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục, cho biết áp lực đối với trẻ em ở các thành phố của Trung Quốc là quá nặng.

"Những lớp học chồng chéo vào cuối tuần bào mòn sức lực của cả học sinh và phụ huynh".

Ma chỉ ra rằng hầu hết cha mẹ đăng ký các lớp học không phải vì con cái họ muốn vậy, mà là để bù đắp những gì họ đã bỏ lỡ trong thời thơ ấu. Ví dụ, cho con đi học piano hay violin vì ngày bé cha mẹ đó không có cơ hội học.

Các em có thể không hứng thú với những lớp học đó nhưng dù sao cũng làm theo, vì không muốn khiến cha mẹ thất vọng. Nhưng những đứa trẻ này lại thường có kết quả bình thường trong lớp.

Con gái của Ma đang học lớp tiểu học 5 tuổi, cô cũng đã chọn khá nhiều môn ngoại khóa cho con. Khi còn ở trường mẫu giáo, cô bé tham gia các lớp học hát hợp xướng, vẽ, chỉnh âm, khiêu vũ, làm người mẫu, guzheng (một loại nhạc cụ dây) và weiqi (một trò chơi hội đồng được thiết kế để thúc đẩy tư duy chiến lược).

Lúc con gái vào tiểu học và bắt đầu biết nói lên ý kiến của mình, Ma đã bỏ các lớp học mà con không thích. Bé tiếp tục học guzheng, vẽ, weiqi, thêm các lớp ngôn ngữ, Toán và tiếng Anh.

Ước mơ của cha mẹ thành bi kịch của con

Bộ phim A Little Reunion (Tiểu Hoan Hỉ) được nhận xét là khắc họa rõ nét một "gà mái mẹ" điển hình. Đó là nhân vật chính Song Qian - một bà mẹ đơn thân đang nuôi con gái là nữ sinh năm cuối cấp 3.

Mặc dù con đã đứng đầu lớp, Song vẫn rất nghiêm khắc và dồn mọi sự chú ý vào cô. Bà lên kế hoạch học tập và từ chối mọi hoạt động có thể ảnh hưởng đến việc học của con mình.

Để tránh việc con gái bị phân tâm, Song đã lắp các bức tường cách âm tại nhà, sau đó thậm chí chuyển sang tường kính để theo dõi mọi hành động của con mình.

Tuy nhiên, áp lực nuôi dạy của bà cuối cùng khiến cô con gái suy sụp tinh thần và tìm cách t‌ּự t‌ּử.

Bộ phim Tiểu Hoan Hỉ được nhận xét đã khắc họa rõ nét hình ảnh của "gà mái mẹ" điển hình.

Trong một gia đình "gà mái mẹ", không bao giờ có thời gian để thư thả. Tất nhiên, bên cạnh đó họ còn có nguồn lực tài chính tốt.

Zhang tính tổng học phí mẫu giáo và các lớp ngoại khóa của Xiaomin là khoảng 100.000 NDT (14.780 USD)/năm. Các lớp học nghệ thuật và tài liệu vẽ của Deng Xiaoyu cũng tiêu tốn số tiền tương đương.

Đó chỉ là con số trung bình ở Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu và Thâm Quyến. Nếu cha mẹ có tiêu chuẩn cao hơn, chẳng hạn như cho con vào trường quốc tế, thì những chi phí đó sẽ vượt quá mức chi của các hộ gia đình trung lưu Trung Quốc.

Điểm chung của "gà mái mẹ" là họ đều tin rằng: "Cha mẹ càng ít cố gắng ở hiện tại, con cái càng ít lựa chọn ở tương lai".

Xiong Bingqi, Phó Giám đốc 21st Century Education Research Institute ở Bắc Kinh, cho biết ẩn sau tư duy nuôi con kiểu "gà mái mẹ" là sự lo lắng và chủ nghĩa thực dụng. Đồng thời, các trung tâm giáo dục đang cố gắng khơi dậy sự lo lắng của phụ huynh, đó là lý do khiến ai nấy đều cho con chạy đua từ khi còn bé.

Xiong nhấn mạnh trong những năm gần đây, mặc dù tài nguyên giáo dục của Trung Quốc đã trở nên phong phú hơn về số lượng và chất lượng, các nguồn lực giáo dục tốt vẫn có hạn. Nếu tất cả đều chiến đấu để con lọt vào nhóm dẫn đầu, nỗi lo lắng chung của các bậc cha mẹ nước này sẽ không bao giờ nguôi ngoai.

Nhiều bậc phụ huynh thậm chí có phần điên loạn và thái quá trong việc ép con học tập. Xiong chỉ ra rằng các phương pháp nuôi dạy không phù hợp đã làm tổn thương trẻ em và các bậc cha mẹ phải trả giá đắt.

Nếu một đứa trẻ được dạy để thành người dẫn đầu, nhưng sau đó lại bỏ cuộc và nhượng bộ, chúng dễ nghĩ rằng mình là kẻ thất bại và đánh mất sự tự tin của bản thân. Một số cha mẹ nói với con rằng nếu không làm việc chăm chỉ, chúng sẽ trở thành kẻ "cấp thấp", đó là cách truyền đạt sai lầm.

Trong những năm gần đây, tại Trung Quốc đã có những lời kêu gọi thay đổi hệ thống đánh giá giáo dục dựa trên điểm số, với hy vọng khuyến khích sự phát triển cá nhân của học sinh. Tuy nhiên ở thời điểm này, đó vẫn là vấn đề nan giải.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật