Giám đốc Google AI: Việt Nam song hành cùng thế giới về AI

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Jeff Dean, Giám đốc AI của Google, khẳng định Việt Nam có thể vận dụng AI ngang các nước lớn trong lĩnh vực giáo dục, y tế.
Giám đốc Google AI: Việt Nam song hành cùng thế giới về AI
Jeff Dean sinh năm 1968, hiện là giám đốc phụ trách về AI của Google. Ảnh: Google.

Google có một trang web nội bộ mang tên "Jeff Dean facts". Đây là nơi tổng hợp những sự thật thú vị về Jeff Dean, người được ví như "trùm cuối" của Google AI. Các kỹ sư ở đây đùa rằng giám đốc của họ không có thật, ông chỉ là một robot AI được Jeff Dean lập trình; hoặc mã PIN của Dean là bốn số cuối cùng của số Pi; hay vài tin đồn vui khác nói bàn phím của Dean chỉ có hai phím "0" và "1"...

Dean gia nhập Google từ năm 1999, là thế hệ kỹ sư tài năng đầu tiên góp phần đưa Google từ một công ty tìm kiếm thành "ông lớn" về trí tuệ nhân tạo. Ông cũng là một trong những người khơi mào cho sự bùng nổ của AI ở Thung lũng Silicon.

Mặc dù giữ cương vị Giám đốc AI của Google, Dean rất ít khi xuất hiện trước phương tiện truyền thông đại chúng. Trong lần gặp gỡ hiếm hoi với báo giới Việt Nam, "trùm cuối" về AI của Google khẳng định Việt Nam có thể song hành với thế giới trong lĩnh vực AI nếu biết cách áp dụng các tiến bộ của các nước đi trước vào lĩnh vực giáo dục, y tế, giao thông...

Điều kỳ diệu nhất của AI

Ở phương Tây nói chung và các tập đoàn lớn như Google nói riêng, việc nghiên cứu về AI đã bắt đầu từ nhiều thập kỷ trước với những khoản đầu tư khổng lồ. "Mùa đông AI" đã qua, giờ là lúc thu hoạch trái ngọt từ trí tuệ nhân tạo. Nhưng ở Việt Nam, AI mới chỉ bắt đầu vài năm trở lại đây. Tuy nhiên, Jeff Dean tin rằng Việt Nam hoàn toàn có thể tận dụng những thành quả nghiên cứu từ các nước lớn và song hành với thế giới trong cuộc cách mạng trí tuệ nhân tạo.

Giám đốc AI của Google cho rằng điều kỳ diệu nhất của AI là mọi quốc gia đều có thể áp dụng tiến bộ công nghệ vào nhiều lĩnh vực mà xã hội cần để giải quyết các vấn đề tồn tại lâu năm. "Việc chăm sóc sức khoẻ, giáo dục cho đến làm sao để tương tác tốt hơn với các thiết bị điện tử trong túi quần, như smartphone, đều có thể cải thiện đáng kể thông qua máy học và trí tuệ nhân tạo", Dean nói.

Theo ông, lĩnh vực đầu tiên Việt Nam có thể ứng dụng trí tuệ nhân tạo là giáo dục. Ông cho rằng tiềm năng của AI và máy học để cải thiện các vấn đề giáo dục là rất lớn. Theo cách tiệm cận truyền thống, phụ huynh hoặc giáo viên có thể dạy kèm một đứa trẻ. Trẻ sẽ tiếp thu rất nhanh. Khi áp dụng AI, việc dạy và học có thể được cá nhân hoá tốt hơn.

Google đã thử nghiệm ở Ấn Độ nền tảng dạy học Bolo cho trẻ nhỏ, sau này được đổi tên thành "Read Along by Google". Nền tảng này đã có sẵn ở 180 quốc gia toàn cầu để dạy mọi người học tiếng Anh và nhiều ngôn ngữ khác. Nền tảng dùng máy học, AI để "lắng nghe" cách học sinh phát âm và chỉ ra những phần phát âm chưa đúng, cách để khắc phục.

Một lĩnh vực khác mà Việt Nam và nhiều nước có thể áp dụng AI ngay là dự báo lũ lụt. Máy móc có thể dự báo các tình huống nguy hiểm khi bão gây ra lượng mưa lớn. Sau khi phân tích, AI có thể đưa ra các thông tin hữu ích cho người dân. Ở những khu vực nhỏ trong thành phố, máy móc có thể cảnh báo về khả năng ngập lụt hoặc gợi ý điều hướng giao thông. Bằng cách sử dụng các mô hình máy học, Google đã đưa ra những dự đoán cụ thể về bão lũ ở Ấn Độ, Bangladesh và nhiều nơi khác.

Tiềm năng lớn hơn mà hệ thống AI của Google hướng đến là mang lại cho con người dịch vụ chăm sóc sức khoẻ tại các bệnh viện. Nhiều người không được tiếp cận dịch vụ y tế đủ tốt. Nhưng qua hệ thống máy học, AI, bệnh nhân sẽ được tư vấn chính xác về tình trạng bệnh tật của mình, như bệnh tiểu đường, võng mạc và các dị tật về mắt.

AI cũng sẽ khiến việc dự đoán, cảnh báo bệnh tật trở nên chính xác và nhanh chóng hơn. Mỗi năm trên thế giới có khoảng 400 triệu người cần được kiểm tra thị lực, nhưng số lượng bác sĩ giới hạn nên nhiều người đã mất thị lực trước khi được thăm khám. Với tiến bộ của máy học và AI, người bệnh sẽ được sàng lọc trên quy mô rộng với các chuyên gia cao cấp trên khắp thế giới.

Đạo đức là tương lai của AI

Jeff Dean đã tự tay thiết kế hầu hết các dự án hạ tầng lớn nhất của Google. Theo ông, bản chất của máy học nói chung và AI nói riêng là không tốt và không xấu hoàn toàn. Nó phụ thuộc nhiều vào cách con người sử dụng AI thế nào để giải quyết vấn đề của mình.

Tuy nhiên, AI cũng mang lại những rủi ro tiềm tàng, như Deepfake, tin giả... Từ nhiều năm trước, Google đã nhận thấy những rủi ro này và đưa ra một bộ nguyên tắc AI, buộc các kỹ sư phải xem xét kỹ lưỡng về tiềm năng, rủi ro khi AI bị lạ‌m dụn‌g vào những việc xấu.

Google cũng vạch ra danh sách những lĩnh vực mà AI sẽ không bao giờ tham gia được, như ngành chế tạo vũ khí vì AI và hệ thống máy học sẽ mang đến nhiều nguy cơ tiêu cực mà các kỹ sư phải tránh xa.

Đạo đức cũng sẽ là vấn đề đặc biệt quan trọng với tương lai AI khi ngày càng nhiều lĩnh vực áp dụng trí tuệ nhân tạo vào giải quyết vấn đề. Đạo đức AI còn liên quan đến thiên vị, phân biệt giới tính, chủ‌ng tộ‌c. Giám đốc AI của Google ví dụ về khả năng nhận diện khuôn mặt trong lĩnh vực y tế: "Nếu không được kiểm soát, thuật toán AI có thể hoạt động tốt với những người có làn da sáng màu và ngược lại với người có làn da sẫm. Đó là sự thiên vị trong AI mà nếu không có các bộ quy tắc, hướng dẫn rõ ràng, các kỹ sư sẽ rất dễ mắc phải".

Theo ông, "Khi phát triển bất kỳ một công nghệ AI nào, các kỹ sư phải trả lời những câu hỏi: Chúng có phù hợp với các nguyên tắc chung không? Chúng giúp con người bằng cách nào? Làm sao để áp dụng những kỹ thuật này? Chúng có giúp thúc đẩy nhân loại phát triển theo hướng tốt không?".

Jeff Dean khẳng định Việt Nam có những nhà nghiên cứu tài năng, vài người trong số họ là đồng nghiệp của ông tại văn phòng Google. Ông đánh cao tài năng, sự hiểu biết và thái độ làm việc chăm chỉ của các kỹ sư AI gốc Việt. Dean cho rằng cơ sở quan trọng nhất để phát triển tài năng AI là Việt Nam có nền tảng giáo dục mạnh mẽ về toán học và khoa học.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật