Phát hiện cuộc đại tuyệt chủng 233 triệu năm trước

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các nhà khảo cổ tìm thấy bằng chứng về một cuộc đại tuyệt chủng xảy ra vào cuối kỷ Tam Điệp, tạo điều kiện cho khủng long phát triển mạnh.
Phát hiện cuộc đại tuyệt chủng 233 triệu năm trước
Cuộc đại tuyệt chủng cuối kỷ Tam Điệp góp phần thúc đẩy khủng long sinh sôi. Ảnh: CNN.

Cuộc đại tuyệt chủng mới phát hiện mang tên Carnian Pluvial Episode, khiến tính đa dạng sinh học giảm nghiêm trọng và xóa sổ 33% sinh vật biển cách đây khoảng 233 triệu năm. Nghiên cứu mới xuất bản trên tạp chí Science Advances hôm 16/9.

Qua việc phân tích bằng chứng địa chất và cổ sinh vật, nhóm nghiên cứu xác định sự suy giảm tính đa dạng sinh học khớp với những thay đổi lớn về mặt hóa học trong đại dương và khí quyển. Họ cho rằng sự thay đổi này do những vụ phun trào núi lửa dữ dội ở khu vực ngày nay là Alaska và British Columbia gây ra. "Các vụ phun trào đạt đỉnh điểm trong giai đoạn Carnian thuộc kỷ Tam Điệp", trưởng nhóm nghiên cứu Jacopo Dal Corso cho biết.

"Núi lửa hoạt động rất dữ dội, giải phóng lượng khí nhà kính khổng lồ và gây ra những đợt ấm lên toàn cầu", Dal Corso, nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học Địa chất Trung Quốc, bổ sung.

Theo nghiên cứu mới và một số nghiên cứu địa chất trước đó, cuối kỷ Tam Điệp, không chỉ nhiệt độ mà độ ẩm và lượng mưa cũng tăng. Khí hậu đột ngột ấm và ẩm hơn khiến nhiều loài vật tuyệt chủng.

Tuy nhiên, sự kiện này có thể đã tạo khoảng trống sinh thái cho nhiều nhóm động thực vật quan trọng sinh sôi, gồm thông, côn trùng, khủng long, cá sấu, thằn lằn, rùa và động vật có v‌ú. Dưới đại dương, san hô xuất hiện với số lượng đông đảo, những nhóm sinh vật phù du hiện đại phát triển mạnh.

"Khủng long xuất hiện khoảng 20 triệu năm trước Carnian Pluvial Episode, nhưng chúng vẫn khá hiếm và không đóng vai trò quan trọng cho đến khi cuộc đại tuyệt chủng này diễn ra. Việc môi trường đột ngột trở nên khô ráo sau giai đoạn ẩm ướt đã tạo cơ hội cho khủng long phát triển", Mike Benton, giáo sư khoa học Trái Đất tại Đại học Bristol, giải thích.

"Trước đây, các nhà cổ sinh vật đã xác định 5 cuộc đại tuyệt chủng lớn trong 500 triệu năm qua. Mỗi sự kiện đều ảnh hưởng mạnh đến sự tiến hóa của Trái Đất và sinh vật sống. Chúng tôi đã xác định thêm một cuộc đại tuyệt chủng nữa. Sự kiện này đóng vai trò quan trọng giúp tái thiết lập sự sống trên cạn và dưới biển, đánh dấu sự hình thành của các hệ sinh thái hiện đại", Dal Corso nói.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật