Viscidi - người thổi lửa ở lò luyện bóng đá Italy

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Vô danh so với công chúng, nhưng điều phối viên kỹ thuật LĐBĐ Italy (FIGC) Maurizio Viscidi thực sự là người tạo nền móng để Italy lột xác trong khoảng hai năm qua.
Viscidi - người thổi lửa ở lò luyện bóng đá Italy
Viscidi đứng lớp chỉ đạo HLV các tuyến trẻ của LĐBĐ Italy (FIGC) trên sân tập Coverciano hồi tháng 1/2020. Ảnh: The Athletic

Trong một sáng ẩm ướt và âm u đầu tháng 1/2020 tại Coverciano, ngoại ô Firenze, khi Covid-19 còn chưa ảnh hưởng nặng nề, cỏ vẫn xanh mướt trên các sân tập trong khuôn viên tổng hành dinh bóng đá Italy. Bầu không khí tại đây cũng ngập tràn sự hứng khởi lạc quan. Italy vừa thắng 11 trận chính thức liên tiếp, phá kỷ lục mà đội quân dưới trướng cố HLV huyền thoại Vittorio Pozzo lập cuối thập niên 1930. Ở trận đấu gần nhất trước đó, Italy khép lại năm 2019 theo kịch bản không thể mỹ mãn hơn, khi nã tới chín bàn vào lưới Armenia trong trận cuối hành trình vòng loại Euro. Năm trong số cầu thủ ghi bàn hôm ấy đều ở độ tuổi dưới 25.

Khi đoàn khách tham quan còn nhâm nhi café, phóng tầm mắt ra cơ ngơi đồ sộ và sang trọng, ngước nhìn những bức tranh được đóng khung cẩn thận và tỉ mỉ, lưu lại khoảng khắc vinh quang của Italy tại Berlin, Madrid, Paris và Rome, HLV Roberto Mancini đã bắt tay ngay vào việc. Ông muốn người hâm mộ tuyển Italy sớm được trải qua những khoảnh khắc như thế.

Mancini - số 10 lịch lãm tài hoa năm nào của Sampdoria - giờ ít khi thị phạm cho các tài năng trẻ đang có mặt tại Coverciano. Ngoài dãy hành lang, âm thanh phát ra từ một bài giảng ngay tại khán phòng mà Andrea Pirlo mới đây hoàn thành bằng HLV Master cùng Luca Toni, Walter Samuel, Paolo Montero và Thiago Motta. Rồi một tràng pháo tay đón chào Maurizio Viscidi, điều phối viên kỹ thuật của Liên đoàn Bóng đá Italy (FIGC), khi ông đến và nói chuyện. Ở Coverciano, Viscidi là nhân vật rất hấp dẫn và lôi cuốn, luôn biết cách thu hút những người đối diện. Hãy cố gắng ghi nhớ cái tên Viscidi vì người này cùng các cộng sự đang có nhiệm vụ nuôi dưỡng và phát triển thế hệ cầu thủ triển vọng tương lai của bóng đá Italy.

Nếu cái tên Viscidi chưa gợi lên điều gì cho bạn, đừng lo lắng. Ông có thể đã được biết đến rộng rãi hơn ngoài lãnh thổ Italy, nếu nhận lời mời từ ars‌enal vài năm trước. Viscidi kể lại với vẻ tự ti: " Tôi đã không chơi bóng đá nhiều. Chỉ loanh quanh ở những hệ thống trẻ thôi. Tôi từng ở CLB quê hương Vicenza, khi đội hãy còn ở Serie A. Sau đó, tôi chuyển đến một đội hạng Ba, rồi một đội hạng Tư, nhưng chưa từng được thi đấu".

Khi Viscidi tròn 20 tuổi, ông quyết định tham gia một khóa học về thể thao tại trường đại học. Là một sinh viên, Viscidi cũng có khoảng thời gian rảnh rỗi sau những giờ học và được cha xứ trong làng chú ý. Thế rồi, ông nhận lời đề nghị của vị linh mục - huấn luyện bọn trẻ trong giáo xứ vài buổi chiều trong tuần. Cùng thời gian, Viscidi tham gia một khóa học huấn luyện tương đương bằng C của UEFA. Người đứng lớp là Maurizio Seno, một chuyên gia đến từ trung tâm Coverciano lừng danh. Một lần, trong học kỳ, Viscidi được yêu cầu phải chọn 11 cầu thủ tốt nhất dưới sự hướng dẫn của ông, đi đá giao hữu tại Stra, một ngôi làng nằm ngoài Venice.

"Chúng tôi thắng 5-0. Đội của tôi chưa từng đá xa nhà và cũng chưa từng chơi một trận đấu dựa trên nền tảng về kỹ thuật và kỹ năng", Viscidi nhớ lại. Seno rất ấn tượng với trận cầu đó, để rồi khi nhận lời phụ trách học viện Padova, ông nhớ đến, và đề nghị Viscidi nắm một trong những đội trẻ của học viện. Nhưng do công việc đòi hỏi phải di chuyển liên tục trong phạm vi 100km quanh vùng Veneto, trong khi Viscidi chưa hoàn thành nghĩa vụ quân sự, ông đã từ chối Seno. Vị HLV trẻ này khi đó chọn hoàn thành nốt việc học và chuẩn bị nhập ngũ.

Del Piero là một trong những viên ngọc thô đầu tiên được Viscidi phát hiện, mài giũa ở Padova, để về sau trở thành siêu sao bóng đá Italy.

Dù vậy, chuông điện thoại thì cứ réo liên tục, vì Seno chưa tìm được cái tên nào ông thấy phù hợp hơn Viscini. Fulvio Fellet, một trung vệ kỳ cựu của Padova, được thuyết phục đảm nhận vị trí, nhưng phút chót đổi ý, rút lại quyết định treo giày để thi đấu Venezia. Vị trí mà Seno để dành cho Viscini vì thế vẫn bỏ trống. Phải đến lúc này, Viscidi mới nhận lời, và nhanh chóng cho thấy sự mát tay khi giúp đội U14 Padova vô địch Italy. Một trong những cậu bé của Viscini ở lứa U14 Padova ấy đến từ khu vực hẻo lánh San Vedemiano, nhưng về sau phát triển vượt bậc, vô địch Champions League cùng Juventus và đoạt World Cup cùng Italy. Cậu bé đó là Alessandro Del Piero.

Cùng thời gian, Seno tổ chức các buổi hội thảo với một đồng nghiệp từ Clairefontaine - trung tâm đào tạo bóng đá trẻ Pháp - mới được thành lập. Đó là những lớp học buổi tối từ sáu đến mười giờ, giảng dạy phương pháp luận mà hiện tại vẫn được sử dụng. Tất cả bài học đưa ra đều cung cấp cái nhìn sâu sắc về mọi thứ ở Clairefontaine xoay quanh kỹ thuật, ứng dụng trong các tình huống cụ thể của trận đấu. Viscidi rất quan tâm và có theo học. Theo kinh nghiệm của riêng ông, người Italy luôn dạy các cầu thủ một kỹ năng hay một mảng miếng kỹ thuật về mặt trừu tượng.

Viscidi giải thích: "Nếu bạn muốn thực hiện một cú vô-lê, bạn sẽ thực hiện những bài tập để sút volley, nhưng họ sẽ không bao giờ đặt bạn vào tình huống phải lựa chọn phương án nào tốt hơn giữa sút volley hay ghìm bóng xuống và kiểm soát nó. Tại Italy, bạn làm việc dựa trên kỹ năng, sau đó mới là trận đấu, cứ như thể đó là hai phần tách biệt. Người Pháp thay vào đó áp dụng kỹ năng vào từng tình huống cụ thể".

Viscidi đã kết hợp những khái niệm này vào triết lý huấn luyện của riêng ông. Mục đích của Viscidi là buộc các cầu thủ phải tư duy. Thay vì đưa ra giải pháp, ông đã thiết kế những bài tập với các vấn đề để họ tự giải quyết. "Tôi tạo ra các tình huống thực tế: một và một, hai và một, hai và hai, tất cả tình huống để học trò của tôi phải suy nghĩ một cách thấu đáo. Điều đó khiến họ thông minh hơn những người khác".

Sau vài năm cống hiến cho Padova, Viscidi xin nghỉ phép một năm. Cách đó hai giờ rưỡi chạy xe, tại Milan, một cuộc cách mạng văn hóa bóng đá đang diễn ra, và sức hút là không thể cưỡng lại. Nơi đó, Arrigo Sacchi không chỉ thay đổi bóng đá Italy bằng khái niệm kèm người theo khu vực, pressing và phong cách tấn công trực diện - tư duy tiên phong so với phần còn lại của Serie A. "Triết lý của Sacchi cứ như một quả bom nguyên tử được phát nổ", Viscidi nói. "Tôi phải đi và nghiên cứu mô hình ấy, vì từ đó trở đi, bóng đá đã thay đổi. Nó sẽ khác".

Miễn cưỡng chấp nhận yêu cầu của Viscidi, Padova chuyển ông sang công tác tại một vị trí ít chuyên sâu hơn trong CLB, để ông có thể đến rồi đi một cách dễ dàng hơn. "Tôi đã thử kết hợp phương pháp luận của Pháp và các lý thuyết về chiến thuật của Sacchi", Viscidi nhớ lại. "Nhưng tôi không biết anh ấy đã truyền tải chúng như thế nào. Tôi không thể theo dõi các buổi tập của AC Milan vì chúng diễn ra sau cánh cổng đóng kín. Vì vậy, mọi thứ tôi học được về giảng dạy đều bắt nguồn từ những lý thuyết được người Pháp truyền lại".

Thành công từ cuộc cách mạng lối chơi mà HLV Arrigo Sacchi thực hiện ở Milan là cảm hứng mạnh mẽ để Viscidi tin tưởng vào quan điểm bóng đá của ông, rồi áp dụng xuyên suốt sự nghiệp về sau.

Nghe danh một "môn đệ" của Sacchi đang thắp sáng con đường cho bóng đá trẻ, AC Milan ngay lập tức liên hệ với Viscidi. Đầu năm 1991, ông đã ký hợp đồng làm việc với đội trẻ Milan, bước đầu hiện thực hóa mong ước làm việc chung trong một tòa nhà với Sacchi, chia sẻ những ý tưởng và dễ dàng hơn trong việc quan sát các buổi tập. Tuy nhiên, tới tháng 4/1991, Milan bị loại khỏi Cup C1 châu Âu sau đêm tai tiếng tại Marseille - dàn đèn hỏng và CEO Adriano Galliani yêu cầu các cầu thủ rời khỏi sân, không chấp nhận kết quả hòa theo gợi ý của UEFA. Như định mệnh sắp đặt, Sacchi ra đi vào cuối mùa giải, và người được Milan chọn lên thay là Fabio Capello - một HLV mà xét về mặt lý tưởng, là đối cực với Viscidi.

"Tôi là người phù hợp, nhưng lại đến sai thời điểm", Viscidi nói, thẳng thắn thừa nhận cá tính mạnh mẽ của bản thân ở tuổi đôi mươi khi đó không phù hợp với Capello. "Họ bảo rằng tôi chỉ làm mảng chiến thuật, nhưng tôi thật sự không làm chiến thuật. Tôi muốn truyền đạt nhận thức về bóng đá. Với tôi, các bài tập hai đấu một không chỉ thuần chiến thuật. Đó là việc nhận thức về vị trí, đồng đội của bạn và thậm chí đối thủ của bạn đang ở đâu. Với góc nhìn của người khác, đó là chiến thuật. Còn với tôi, đó là kỹ thuật được áp dụng thực tế". Dù bất đồng về quan điểm, Viscidi vẫn làm việc cho Milan thêm ba năm tại đại bản doanh Milanello. Chính ông đã mang về cho Milan Demetrio Albertini - tiền vệ trung tâm tài hoa bậc nhất bóng đá Italy những năm 1990 và đóng vai trò quan trọng trong ê-kíp làm việc hiện tại của Viscini ở LĐBĐ Italy (FIGC).

Khi Italy muối mặt rời World Cup 2010 từ vòng bảng, trong bảng đấu gồm Paraguay, Slovakia và New Zealand, HLV Marcelo Lippi mắc sai lầm giống Enzo Bearzot năm 1986 - tin tưởng mù quáng vào dàn trụ cột từng cùng ông thành công bốn năm trước. Phần đông cầu thủ ấy đã qua giai đoạn đỉnh cao sự nghiệp, nhưng Lippi thật sự không có nhiều lựa chọn khác. Sau những Giuseppe Rossi, Davide Santon và Mario Balotelli, có rất ít hoặc gần như không những làn gió mới thổi vào một đội tuyển đang già cỗi. Với tư cách là phó Chủ tịch FIGC, Albertini hiểu rằng bóng đá hình chiếc ủng không thể dựa quá nhiều vào hiện tại. Trọng tâm phát triển là phải hướng tới tương lai, cung cấp cho bóng đá Italy một thế hệ tài năng mới.

"Albertini thảo luận với Giancarlo Abete, chủ tịch FIGC, đòi hỏi cải tổ các đội tuyển quốc gia", Viscidi nhớ lại. "Cậu ấy muốn thay đổi và tạo nguồn động lực mới". Thoạt đầu, Albertini gọi cho Sacchi, nhưng Sacchi không thể một mình làm tất cả. Đó chính là khoảnh khắc mà mối quan hệ lâu năm và khăng khít giữa Viscidi và Albertini lên tiếng. Khi Sacchi đề xuất tìm một trợ lý, và Albertini liền gợi ý: "Ông nghĩ sao về Viscidi? Milan đã phát triển tốt khi ông ấy phụ trách đội trẻ tại đó. Viscidi có cùng tư tưởng với ông. Hãy gọi cho ông ta nhé". Sacchi nghe lời, nhấc máy: "Anh sẽ là cánh tay phải của tôi chứ?".

Dự án mà Sacchi và Albertini thực hiện ở LĐBĐ Italy từ 2010 giúp Viscidi có đất dụng võ.

Vai trò của điều phối viên kỹ thuật không thực sự tồn tại trong FIGC. Sacchi sẽ không tham gia vào phần việc của người khác và di chuyển bảng trắng của ông vào văn phòng của người tiền nhiệm ở Coverciano. Viscidi tin rằng người cuối cùng có nhiệm vụ như ông là Sergio Vatta, huyền thoại mới qua đời hồi tháng Bảy. Vatta là tuyển trạch viên thiên tài đã phát hiện ra những viên ngọc như Christian Vieri, Gigi Lentini, Dino Baggio và di‌ego Fuser tại Torino, trước khi làm việc cho FIGC đầu những năm 1990.

Trở thành trợ lý của Sacchi là một điều tuyệt vời. "Đó là một sự mở mang tầm mắt. Anh ấy đã thay đổi mọi thứ", Viscini thừa nhận.

Cuộc đại tu ở Coverciano gần như hoàn tất. Nếu bạn không xem bóng đá như Sacchi, điều đó thật tệ. Bạn sẽ bị đào thải. HLV duy nhất, người từng giành cú đúp danh hiệu châu Âu, được giữ lại là Antonio Rocca. Những người còn lại đều được thông báo một cách lịch sự rằng họ có thể ra đi. Nhiệm vụ của cặp Sacchi - Viscidi là vạch ra tầm nhìn cho sự phát triển của lứa trẻ, rồi dạy các cầu thủ theo nguyên lý của họ.

Nguyên lý ấy là: Mọi đội sẽ phải chơi với bốn hậu vệ phía sau, và nhiệm vụ của các thành viên còn lại trong đội chỉ phục vụ một mục đích duy nhất - làm thế nào để đội đạt chất lượng thi đấu tốt nhất?

"Nếu tôi có một nhóm tuổi gồm những tiền đạo xuất sắc, tôi sẽ chơi với hai tiền đạo phía trên", Viscidi giải thích. "Nếu tôi có được những số 10 hoàn hảo, tôi sẽ chơi với sơ đồ có số 10. Chúng tôi không bắt các tài năng thích nghi vào hệ thống. Chúng tôi điều chỉnh hệ thống để phục vụ các tài năng". Trừ lứa U21, các lứa trẻ còn lại của Italy đều tuân thủ triệt để nguyên tắc của bộ đôi Sacchi - Viscini. Viscidi giải thích thêm: "Các nhóm tuổi khác chỉ giống những đội cao cấp về mặt triết học. Mục đích luôn là chơi một trận đấu đầy kỹ thuật và luôn mở rộng dựa vào việc kiểm soát hoàn toàn đối phương, hơn là phòng ngự và phản công".

Viscidi chia sân bóng thành một loạt khu vực. Mỗi khu vực trong đó yêu cầu thực hiện những công việc mà rút gọn trong từ viết tắt CARP - Costruzione (xây dựng), Ampiezza (chiều rộng ), Rifinitura (sự sắc bén ở một phần ba sân cuối cùng) và Profondita (kéo giãn đội hình đối phương từ phần sân nhà). Viscidi giải thích thêm: "Thông qua những nguyên tắc vĩ mô này, chúng tôi muốn phát triển các cầu thủ trẻ một cách logic. Từ việc chờ đợi và trừng phạt đối thủ bằng những tình huống phá lối chơi tới một trận đấu kiểm soát thế trận là hệ quả không phải từ một hệ thống, mà do các nguyên tắc chúng tôi tạo nên."

Để khắc sâu triết lý, Sacchi và Viscidi cần làm việc với nhiều cầu thủ hơn. Và một trong những kết luận họ đưa ra là Italy không chơi đủ nhiều trận đấu ở cấp độ trẻ như các đối thủ truyền kiếp của họ, kể cả các nền bóng đá nhỏ hơn như Bỉ và Thụy Sỹ. Vì thế, bộ đôi này chọn lứa U15 để thử nghiệm. Sacchi - Viscidi bắt đầu tổ chức và lên lịch dày hơn tới 40-50% số trận đấu tại các cấp độ trẻ để có thể nhanh chóng mang những tài năng sáng giá nhất đất nước tới Coverciano thường xuyên hơn. Điều đó cũng cung cấp cho những ngôi sao tương lai trải nghiệm quý báu và ảnh hưởng lớn đến chúng trong quá trình trưởng thành.

Làm việc hướng tới một ý tưởng chung, thống nhất là chìa khóa để thành công tại mỗi câu lạc bộ. Sacchi - Viscidi làm những việc họ có thể để giúp các CLB bóng đá trở nên cạnh tranh hơn, tổ chức các giải đấu trẻ sao cho tiêu chuẩn được đẩy lên cao hơn và thách thức hơn. Một cách đơn giản để đạt được điều đó là ngừng gộp các đội trẻ của những đội thi đấu tại Serie A và Serie B vào chung với các đội hạng ba và nghiệp dư. Chỉ sau ba năm, dự án đã cho những trái ngọt đầu tiên.

Italy về nhì tại giải U17 rồi U21 châu Âu, với đội hình có Lorenzo Insigne, Marco Verratti, Alessandro Florenzi, Fabio Borini, Ciro Immobile... Tại giải U21 châu Âu 2013 trên đất Israel, dàn cầu thủ trẻ này đã đi đến trận đấu cuối cùng, trước khi thua 2-4 dưới tay Tây Ban Nha của những David de Gea, Thiago Alcantara, Isco, Koke và Alvaro Morata.

Ciro Immobile - Chiếc Giày Vàng châu Âu 2020 - là một trong những thành quả đầu tiên trong quy trình đào tạo trẻ mà Viscidi áp dụng ở FICG. Immobile là trụ cột của Italy về nhì ở giải U21 châu Âu năm 2013.

Vào cuối hè 2013 đó, Sacchi quyết định rằng công việc của ông đã xong. Nền móng đã được thiết lập. Cái họ cần là xây dựng và chau chuốt nó. Nhưng Viscidi vẫn ở lại, kiêm luôn hai vai trò tư vấn chiến thuật và tuyển trạch cho người kế nhiệm HLV Marcelo Lippi - Cesare Prandelli.

Prandelli bị chỉ trích khi Italy dừng bước tại vòng bảng World Cup 2014. Nhưng hai năm trước đó, ổng được ca ngọi như người hùng khi đưa Italy tới chung kết Euro 2012.

Viscidi đóng vai trò không nhỏ trong chiến công ấy, khi giúp Prandelli xây dựng bộ phận phân tích dữ liệu và trận đấu cho đội một. Bộ phận này sau đó được mở rộng để có thể giám sát tất cả nhóm tuổi trong hệ thống trẻ. Trong thời gian làm HLV Fiorentina, Prandelli đã làm việc với một chuyên gia phân tích trận đấu từ Opta tên Antonio Gagliardi. Và theo đề xuất của Viscini, Prandelli đã trưng dụng luôn vị chuyên gia này. Ông kể: "Chúng tôi thu nạp anh ấy vì tôi đã đưa ra khuyến nghị sau đây với FIGC ’Tại sao chúng ta phải trả tiền cho một công ty để cung cấp dịch vụ của Gagliardi, thay vì tự trả tiền cho anh ấy? Tại sao FIGC không thuê anh ấy luôn?".

Gagliardi là một trong những bộ óc sắc bén nhất tại Italy, người tiên phong trong việc phân tích trận đấu tại FIGC. Đây là lý do sau khi nhậm chức HLV trưởng Juventus, Andrea Pirlo đã bổ nhiệm Gagliardi vào ban huấn luyện. Nhưng Viscidi thì biết đến chuyên gia này từ khi Gagliardi còn làm việc tại SICS, một trong những công ty dữ liệu tiên phong tại Italy. Hai người họ đã nghĩ ra một số liệu mới "L’indice di pericolosita" - chỉ số mối đe dọa nguy hiểm - để đo lường hiệu suất.

"Hôm qua, tôi đã đọc được một câu trích dẫn tuyệt vời", Viscidi nói. "Chẳng bác sỹ nào trên thế giới mà không muốn xem các số liệu thống kê khi họ phân tích một bệnh nhân. Để biết đầu gối có ổn hay không, bác sỹ phẫu thuật chỉnh hình sẽ xem xét chụp cắt lớp. Nhưng vẫn còn đó những HLV ngoài kia nhìn vào đầu gối và không đọc kết quả từ quá trình quét. Điều đó thật vô lý. Tương tự, một số HLV chỉ nhìn vào bản quét mà không cần chạm hoặc kiểm tra đầu gối cầu thủ".

Sức mạnh trong công việc của Viscidi và đội ngũ mà ông tập hợp xung quanh giúp Italy nhanh chóng vượt quan những cú sốc mà tuyển Italy đã gặp phải trong 10 năm qua. Sau khi Abete, Albertini và Prandelli từ chức vì thất bại ở World Cup 2014, những người kế vị, đứng đầu là Carlo Tavecchio - chủ tịch FIGC và HLV Antonio Conte, thống nhất rằng khâu đào tạo trẻ của FIGC đang hoạt động tốt. Kết luận tương tự cũng được đưa ra sau vào năm 2018, khi Italy lần đầu tiên sau 60 năm không vượt qua vòng loại World Cup.

Quy trình và các nguyên tắc mà Viscidi cùng cộng sự xây dựng được áp dụng xuyên suốt cho các lứa trẻ bóng đá Italy. Đây được xem là nền móng để Italy trở lại mạnh mẽ sau nỗi ô nhục không qua nỗi vòng loại World Cup 2018.

Viscidi nói: "Ban lãnh đạo FIGC đã thay đổi bốn lần, nhưng cấu trúc của hệ thống các đội tuyển bóng đá trẻ Italy thì chưa một lần. Tính liên tục là chìa khóa. Từ năm 2016 đến năm 2020, chúng tôi đã giành được bốn HC bạc. Chúng tôi hai lần về nhì tại giải U19 Euro, lọt vào trận chung kết giải U-17, điều chưa từng xảy ra trước đây. Chúng tôi cũng về thứ ba tại U20 World Cup, tiếp đó lại lọt vào bán kết hai năm sau. Thứ bậc ở bóng đá trẻ đã tăng từ thứ 19 lên thứ tư hiện tại".

Roberto Mancini có thể cho tới 22 cầu thủ ra mắt ở cấp độ quốc tế trong hai năm qua, như Viscidi ghi nhận, một phần là do " sức mạnh tổng hợp tuyệt vời "giữa đội một và đội trẻ". Tuyển Italy hiện nằm trong tay của một HLV mà Viscidi nhận xét là "có niềm đam mê đặc biệt với các tài năng, đủ can đảm để trao cơ hội cho họ".

Bản thân Mancini là một ví dụ cho việc từ tài năng trẻ vươn lên thành ngôi sao bóng đá nhà nghề từ rất sớm. Ông ra mắt tại Bologna khi mới 16 tuổi và chưa bao giờ coi tuổi tác là vấn đề. Quan điểm của Mancini là nếu bạn đủ tốt, đủ trưởng thành, bạn sẽ được ông để ý đến. Không ai tường tận việc đó hơn Nicolo Zaniolo, người được Mancini gọi lên tuyển trước khi có ra sân cho đội một Roma, sau khi chứng kiến anh lọt vào chung kết giải U-19 châu Âu. Sau đó là Moise Kean, người đã trở thành cầu thủ trẻ thứ hai ghi bàn trong lịch sử đội tuyển quốc gia khi tiền đạo của Everton ghi bàn vào lưới Phần Lan ở Udine năm ngoái.

Việc một thế hệ mới sẵn sàng tiến lên từ cấp độ trẻ đến cấp ĐTQG là thành quả từ các quy trình và nguyên tắc mà Viscidi cùng cộng sự đã áp dụng trong thập kỷ qua. Một số gương mặt mới mà Mancini triệu tập, sử dụng ở hai trận đấu với Bosnia rồi Hà Lan tại Nations League cho thấy họ đã rất quen thuộc với môi trường cấp ĐTQG, nhờ được ăn tập thường xuyên tại Coverciano. Bộ đôi tiền vệ Manuel Locatelli (Sassuolo) và Nicolo Barella (Cagliari) đã đến đây trong nhiều năm qua. Hai cái tên này từng chinh chiến cho Italy từ cấp độ U15. Locatelli có 84 trận đá cho các đội trẻ, và vừa ra mắt ấn tượng trong trận thắng Hà Lan 1-0 hôm 7/9. Tương tự, Barella, sau 54 trận khoác áo các lứa từ U15 đến U21, đã chơi tới 14 trận ở cấp độ ĐTQG, trở thành trụ cột trong hành trình bất bại ở vòng loại Euro 2021. Cũng trong trận đánh bại Hà Lan mà Locatelli tỏa sáng, Barella chính là người ghi bàn duy nhất, giúp Italy thắng 1-0.

Barella đánh đầu ghi bàn quyết định cho Italy trước Hà Lan ở Nations League hôm 3/8.

Viscidi nói: " Thật dễ dàng cho một đứa trẻ, người đã chơi khoảng 60 đến 70 trận cho chúng tôi ở các cấp độ trẻ, biết Coverciano và màu áo đội tuyển, đối đầu với Anh, Pháp hoặc Đức, để có thể chuyển đổi".

Cạnh tranh khốc liệt với những đội ở cấp cao một lần nữa trở thành mục tiêu tối thượng. Khi đoàn khách thăm quan rời Coverciano, Monte Ceceri - ngọn đồi nơi Leonardo da Vinci được cho là từng thử nghiệm máy bay của ông - xuất hiện ở hậu cảnh. Ý thức về phát minh và sáng tạo là rất mạnh mẽ tại nơi đây. Và những ý tưởng tuyệt vời được thực hiện bởi Viscidi và cùng cộng sự trong hệ thống đào tạo trẻ FIGC đang chắp cánh cho Mancini xây giấc mộng đưa Italy trở lại với tầm vóc vốn có của đội tuyển từng bốn lần vô địch World Cup.  

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật