Cơn sốt vàng tàn phá rừng Amazon

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Alessandro Souza là một tay săn vàng, thường len lỏi vào sâu trong vùng đất của thổ dân ở Amazon, chỉ quay ra khi đã đầy túi.
Cơn sốt vàng tàn phá rừng Amazon
Một thợ đào vàng trong khu vực Itaituba ở bang Para, Brazil, tháng trước. Ảnh: Washington Post.

Đôi khi Souza biến mất tới hai tháng, có lúc 6 tháng. Điều duy nhất chắc chắn là anh ta sẽ quay lại, bởi săn vàng là nghề của anh ta và nghề này đang bùng nổ.

"Thị trường hôm nay", Souza nhắn tin trên nhóm chat WhatsApp Thợ đào vàng Không biên giới. "Giá vàng đang lên gần 2.400 USD/lượng". Anh ta đăng một mũi tên hướng lên trời.

Covid-19 đang tàn phá Brazil, khiến gần 4 triệu người nhiễm và hơn 122.000 người chết. Nó cũng thúc đẩy cơn sốt săn vàng lớn nhất từ trước tới nay ở Amazon, để lại hậu quả lâu dài cho khu rừng nhiệt đới.

Giá vàng tăng vọt, tỷ lệ thất nghiệp tăng, hệ thống thực thi Pháp Luật lỏng lẻo, khiến người dân từ khắp nẻo đường đổ xô tới hàng trăm điểm khai thác vàng trái phép, xâm chiếm vùng đất vốn thuộc về thổ dân bản địa, đầ‌u độ‌c sông ngòi bằng thủy ngân, rửa tiền trái phép thông qua các cửa hàng buôn bán vàng.

Phần lớn hoạt động khai thác trái phép tập trung ở bang Para rộng lớn và không có lực lượng chức năng giám sát. Souza sống ở Itaituba, khu khai thác mỏ hẻo lánh thuộc vùng này, và cũng là nơi xuất khẩu vàng tăng mạnh trong năm nay. Khi Brazil tập trung mọi chú ý vào đại dịch, xuất khẩu vàng tăng gấp 4 lần, lên 245 triệu USD trong 6 tháng đầu năm. Nạn phá rừng liên quan tới khai thác mỏ trên vùng đất của thổ dân, nơi cấm các hoạt động khai thác này, đạt mức cao kỷ lục.

Trong nhiều cuộc phỏng vấn, các quan chức thực thi Pháp Luật, tù trưởng các bộ lạc rừng Amazon, thanh tra liên bang, thậm chí cả thợ khai mỏ đều nói rằng chính quyền của Tổng thống Jair Bolsonaro đã coi nhẹ trách nhiệm quản lý rừng Amazon. Vào thời điểm các nhà khoa học cảnh báo khu rừng đang bị nạn phá rừng đe dọa nghiêm trọng, Bolsonaro đã thúc đẩy thu hẹp quy mô lực lượng thực thi Pháp Luật và hợp pháp hóa việc khai thác gỗ trên đất của người bản địa.

Bolsonaro đã điều quân đội trấn áp các hoạt động phá hoại môi trường nhưng không hiệu quả. Ibama, cơ quan bảo vệ môi trường của chính phủ, bị hạn chế vì thiếu ngân sách và nhân lực. Cơ quan này đã thu hẹp hoạt động tiêu hủy thiết bị khai thác vàng tìm thấy ở các mỏ vàng trái phép, cũng như các chiến dịch kiềm chế tội phạm ở Amazon.

"Thời buổi bây giờ rất khác", Sérgio Leitão, giám đốc điều hành viện Choices, tổ chức bảo vệ môi trường theo dõi các hoạt động khai thác vàng thời Covid-19, nói.

"Giá vàng lên cao, người thất nghiệp sẵn sàng làm bất kỳ công việc nào, lực lượng thực thi Pháp Luật bị cắt giảm, chính phủ thì ủng hộ hợp pháp hóa khai thác nhiều vàng hơn. Tất cả cấu thành một cơn bão hoàn hảo".

Văn phòng Tổng thống Bolsonaro không trả lời yêu cầu bình luận. Bộ trưởng Môi trường Ricardo Salles ban đầu đồng ý trả lời phỏng vấn nhưng sau cùng lại hủy. Bộ Quốc phòng cho rằng chính phủ đã nỗ lực tuần tra bảo vệ rừng, nhưng công việc này rất phức tạp.

Ít ai hiểu rõ tình cảnh này hơn Souza. Anh ta đã lùng sục vàng khắp Amazon, cả những khu vực không có giấy phép khai thác và vùng đất thuộc các bộ lạc thổ dân. Nghèo đói và nạn quan liêu khiến Souza chẳng còn lựa chọn nào khác.

Vì vậy, anh ta cố hết sức để tránh bị bắt. Lần này, anh sẽ đi vào sâu hơn trong khu vực của thổ dân, nơi mất tới 6 ngày đi bộ và ngồi xuồng. Chuyến đi mà Souza hy vọng sẽ không gặp bất kỳ ai, chỉ có rừng và vàng.

Cây cối bị chặt phá ngổn ngang, đất đai xói mòn do hoạt động khai thác vàng ở Itaituba. Ảnh: Washington Post.

Khai thác vàng trái phép chỉ chiếm một phần nhỏ trong nhiều hoạt động tàn phá rừng Amazon, ít hơn nhiều so với việc đốt rừng lấy đất làm nông nghiệp, nhưng để lại hậu quả lặng lẽ và lâu dài hơn. Thủy ngân thường được sử dụng để lọc vàng tìm thấy trong đất, độc tính của nó ngấm vào đất, không khí và nước. Hệ sinh thái bị tàn phá. Cộng đồng thổ dân bị đầ‌u độ‌c. Nhiều năm sau khai thác, rừng vẫn cằn cỗi và không có sự sống.

"Nó hủy hoại môi trường tự nhiên", Marilene Nascimento, một đầu bếp cho các điểm khai thác vàng trái phép ở Itaituba, nói. "Sông ngòi sẽ không còn như trước. Cá chết hết. Sau nhiều năm, nhiều năm nữa, chúng sẽ không thể nào quay lại như trước".

Sau nhiều năm khai thác vàng, Nascimento bắt đầu thấy mâu thuẫn với công việc của mình. Bà không thể quên sự tàn phá môi trường mà mình đã chứng kiến và năm ngoái thề sẽ không quay lại. Nhưng Covid-19 ập tới, chẳng có việc làm, một người bạn gọi điện hỏi bà có muốn kiếm chút tiền không và Nascimento sẽ nhận được 30 gr vàng một tháng nếu chịu làm đầu bếp cho thợ mỏ.

Bà lập tức nhân lên với giá vàng hôm đó và sững sờ khi biết mình sẽ kiếm được hơn 1.200 USD, nhiều hơn năm ngoái và gấp 10 lần số có thể kiếm được nếu đi làm ở thành phố.

"Thật khó khăn khi chứng kiến thiên nhiên bị tàn phá", Nascimento nói. "Nhưng lại kiếm được rất nhiều tiền".

Rừng từ lâu đã trở thành nơi an toàn cho người dân Brazil. Suốt thời kỳ suy thoái kinh tế những năm 1980, có tới 100.000 người đổ xô tới mỏ Serra Pelada. Làn sóng khác diễn ra trong cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu 2009 và một lần nữa năm 2013. Thợ đào vàng đã trở thành một nguyên mẫu của người Brazil: lang thang trong rừng, mang theo một cái võng và hy vọng.

Nhưng đó không phải là hình mẫu của thợ đào vàng bây giờ. Trong thập kỷ qua, nghề này đã được công nghiệp hóa và chuyên nghiệp hóa. Mạng lưới thợ đào vàng được trang bị tài chính đầy đủ với máy móc đắt tiền như máy ủi, xe tải. Những khu khai thác hẻo lánh được trang bị wifi, truyền hình cáp, bếp gas. Thậm chí một số thổ dân cũng bắt đầu sử dụng công nghệ.

Bolsonaro, người đắc cử năm 2018, hứa sẽ mở rộng hoạt động khai thác vàng. Là con trai một thợ mỏ ở Serra Pelada, ông tuyên bố họ không phải tội phạm mà là người lao động đang đấu tranh để tồn tại. Bolsonaro mời thợ mỏ tới họp, chỉ trích Ibama vì phá hủy thiết bị của họ. Năm ngoái, cơ quan này chỉ phá hủy 72 máy đào hạng nặng, bằng một phần ba so với số máy bị tiêu hủy năm 2015. Các quan chức giám sát một chiến dịch bị sa thải. Quân đội hủy một chiến dịch khác, ngăn cản Ibama sử dụng trực thăng quân sự.

Các thanh tra cấp cao của Ibama cho hay những lời ca ngợi và chính sách của Bolsonaro đã khuyến khích người khai thác vàng, đẩy công việc của Ibama vào chỗ bất khả thi. Khi các nhà điều tra được phép ra ngoài, thợ mỏ trái phép sẽ chế giễu họ, tuyên bố không gì có thể ngăn cản mình. Vàng đang đi ra khỏi rừng, bằng cách này hay cách khác, còn Bolsonaro luôn đứng về phía thợ mỏ.

"Chúng tôi chịu rất nhiều áp lực chính trị", một quan chức Ibama nói. "Thực tế chúng tôi không thể đến hiện trường. Chúng tôi bị tấn công liên tục. Thợ mỏ khai thác trái phép không bị trừng phạt".

Itaituba, thị trấn khai mỏ với 100.000 dân nằm sâu trong rừng Amazon, là nơi vàng phổ biến tới nỗi người ta dùng chúng làm tiền tệ. Các cửa hiệu dọc Rua do Ouro (Phố Vàng) mua vàng khai thác trái phép, sau đó hợp pháp hóa chúng và bán ra thị trường xuất khẩu. Người đứng đầu Itaituba là một thợ mỏ, gần đây cho dựng tượng thợ đào vàng ở thị trấn.

"Hơn 70% hoạt động khai thác vàng ở đây là trái phép", Mauro Torres, biên tập viên một trang tin tức địa phương, nói. "Nhưng tôi đứng về phía thợ đào vàng".

Thợ mỏ tụ tập thành hàng nghìn người trên các nhóm chat trên WhatsApp hoặc Facebook mà không sợ chính quyền, thảo luận công khai về các hoạt động khai thác trái phép, về vàng, về gái mạ‌ּi dâ‌ּm và về lòng trung thành với Tổng thống Bolsonaro.

"Mỗi hành động Bolsonaro đưa ra càng làm tôi tự hào hơn vì đã bầu ông ấy", một người viết.

Nhiều thợ mỏ coi Bolsonaro là nhà vô địch của mình. Ông bảo vệ họ khỏi các nhà bảo vệ môi trường, các tổ chức phi chính phủ, nhóm bảo vệ thổ dân, áp lực từ các lãnh đạo nước ngoài và bên trong chính phủ Brazil.

Họ cho biết chính quyền Brazil từ lâu đã khuyến khích các hoạt động khai thác trong rừng. Quyền khai thác được ghi trong hiến pháp. Nhưng sau đó, chính phủ gây khó dễ cho việc đăng ký và quy định quá nhiều khu vực được bảo vệ, biến những người lao động thật thà thành tội phạm môi trường, các thợ mỏ lập luận.

Với Bolsonaro, họ nói, cuối cùng cũng có một tổng thống nhìn nhận đúng công việc của họ. Khai thác vàng là giải pháp. Trong thời đại dịch, nó càng rõ ràng hơn khi đưa họ thoát khỏi tình trạng suy thoái kinh tế.

"Ở Itaituba không có đói nghèo", José Antunes, một luật sư địa phương chuyên đại diện cho thợ mỏ, nói. "Không bao giờ có đói nghèo. Người ta tới đây để thoát nghèo".

Thợ chế tác vàng trong một cửa hàng ở thị trấn Itaituba. Ảnh: Washington Post

Đó là niềm hy vọng của Ronaldo dos Santos, 30 tuổi, người đã đi hàng nghìn cây số từ Lago das Pedras, bang Maranhao, tới mỏ vàng ở Itaituba. Anh phải làm thế nếu không muốn nhìn thấy 4 đứa con chết đói ở bang nghèo nhất Brazil. Bây giờ, Santos kiếm được hàng nghìn đôla mỗi tháng nhờ khai thác vàng ban ngày, ngủ trên võng ban đêm.

Anh không lo nghĩ nhiều về môi trường bị hủy hoại, vi phạm Pháp Luật hay xâm phạm đất đai của thổ dân. Thực tế, khu vực đó vàng có chất lượng tốt hơn và dễ tìm hơn.

Đó cũng là vùng đất mà Souza đang tới. Anh ghét phải xa vợ con nhiều tháng trời nhưng chẳng có lựa chọn nào khác.

"Nếu ở lại thành phố tìm việc, tôi sẽ không đủ sức cho con đi học", Souza nói. "Chẳng có việc để làm".

Anh ước có thể nói cho gia đình biết mình sẽ vắng nhà bao lâu.

"Thợ đào vàng luôn biết khi nào mình sẽ đi", Souza nói. "Nhưng không biết bao giờ mình sẽ trở lại".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật