Tên chị còn sáng mãi

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Như cành hoa thơm ngát trong vườn xuân/Như ngọn đuốc thiêng rực sáng soi đường/Đoàn Thị Liên tên chị còn sáng mãi/Sáng với muôn người, với trái tim tôi”. Khi những ca từ trong bài hát “Gương chị soi sáng ngàn năm” của nhạc sĩ Hoàng Sơn được cất lên làm chúng ta bùi ngùi xúc động nhớ về nữ anh hùng liệt sĩ Đoàn Thị Liên. Chị đã trở thành tấm gương sáng cho biết bao thế hệ tuổi trẻ, đặc biệt là lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) giải phóng miền Nam.
Tên chị còn sáng mãi
Ảnh minh họa

Xem Video: Lần đầu tiên một đại sứ Mỹ viếng Nghĩa trang liệt sĩ Quốc gia Trường Sơn


“Như cành hoa thơm ngát trong vườn xuân/Như ngọn đuốc thiêng rực sáng soi đường/Đoàn Thị Liên tên chị còn sáng mãi/Sáng với muôn người, với trái tim tôi”. Khi những ca từ trong bài hát “Gương chị soi sáng ngàn năm” của nhạc sĩ Hoàng Sơn được cất lên làm chúng ta bùi ngùi xúc động nhớ về nữ anh hùng liệt sĩ Đoàn Thị Liên. Chị đã trở thành tấm gương sáng cho biết bao thế hệ tuổi trẻ, đặc biệt là lực lượng Thanh niên xung phong (TNXP) giải phóng miền Nam.

Đoàn viên thanh niên, học sinh về nguồn tại Tượng đài - công viên Đoàn Thị Liên

Gửi lại tuổi 22

Chị Đoàn Thị Liên sinh năm 1944 tại Vĩnh Tân, Tân Uyên. Chị là người con thứ bảy trong gia đình có 10 người con. Trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt, khoảng năm 1952-1953, gia đình chị phải di dời từ xã Vĩnh Tân về xã Chánh Phú Hòa sinh sống (ấp chiến lược Chánh Phú Hòa). Từ đó, vùng đất Chánh Phú Hòa được xem là “quê hương thứ hai” của nữ anh hùng Đoàn Thị Liên. Sinh ra trong một gia đình có truyền thống cách mạng, nên từ nhỏ chị đã sớm giác ngộ cách mạng. Khi phong trào Đồng khởi lan tỏa khắp miền Nam, chị đã tham gia vào trong “Đội quân tóc dài” đấu tranh ba mũi giáp công tại xã Chánh Phú Hòa. Năm 1964, Chị tham gia du kích sau đó được giao nhiệm vụ làm xã đội phó. Chị đã tham gia phục vụ 12 trận chiến bên cạnh các đơn vị Sư đoàn 9 như Phước Long - Đồng Xoài, Nhà Đỏ - Bông Trang, Bàu Bàng, Lai Khê, Lộc Ninh… là một chiến sĩ dũng cảm, luôn nhận phần khó khăn về mình, hết lòng thương yêu bộ đội, thương binh. Trong những năm tháng đó, chị cũng đã được tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt Mỹ”.

Năm 1965, Đoàn Thị Liên trở thành Trung đội trưởng, Đại đội 112 TNXP Thủ Dầu Một mang tên “Phú Lợi căm thù”. Với trách nhiệm này, chị luôn gắn bó với trung đội, luôn đảm nhận việc khó, lo cho chị em cùng trung đội. Chị nêu khẩu hiệu cho toàn đơn vị: “Chiến trường còn thương binh thì TNXP chưa rời trận địa”. Với các chiến sĩ giải phóng quân ngày ấy thì “Khi bị thương gặp TNXP là thấy sống. Ra mặt trận nhìn về phía sau thấy có TNXP là yên tâm...”.

Mùa mưa năm 1966, Sư đoàn 9 với sự phối hợp của Trung đoàn 16 mở chiến dịch đánh xe cơ giới Mỹ trên đường 13, tại cầu Cần Lê đoạn từ An Lộc đi Lộc Ninh. Đại đội “Phú Lợi” trong đó có trung đội của chị Đoàn Thị Liên hăng hái thi đua nhau tấp nập chuyển đạn, lương thực đến địa điểm tập kết sát đường 13 cho các bộ đội nhận. Nhưng không may chị Đoàn Thị Liên lên cơn sốt rét nặng do những buổi mang vác đạn dưới những cơn mưa dầm suốt nhiều ngày đêm. Y sĩ cho chị uống thuốc điều trị nhưng không cắt được sốt rét, đại đội phân công chị ở lại phía sau nhưng chị kiên quyết xin được tiếp tục làm nhiệm vụ, vì chị biết trận này rất quan trọng, ác liệt nên mình cần phải có mặt trong đội ngũ để hỗ trợ các chiến sĩ.

Trận đánh diễn ra khốc liệt, xe tăng địch phản kích dữ dội, lại thêm bom pháo dày đặc nên nhiều chiến sĩ bị thương nặng, chị Liên phân công anh em tiếp tục tìm kiếm, còn mình lần lượt cõng từng thương binh về hầm để tránh đạn, sau khi đưa 2 thương binh về hầm trú ẩn an toàn, chị phải núp sau gò mối để chuẩn bị lao tiếp vào trận địa. Thế rồi, một trái pháo nổ gần hầm thương binh, chị Liên bị một mảnh đạn ghim vào lưng, ngã gục xuống bên gò mối. Trong loạt pháo nổ rầm trời, chị Liên la lớn: “Chị em xông ra trận cõng tiếp thương binh về hầm, nhanh lên!”. Dù đã trúng đạn, nén đau, chị cố gắng trườn về hầm nơi có 2 thương binh, chị nằm vắt ngang miệng hầm và gọi chị em: “Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai’’. Một trái pháo chụp lên ngọn cây, chị đã trúng thêm nhiều mảnh đạn rồi lịm dần, lịm dần. Hai thương binh trong hầm đã được an toàn còn người con gái Đoàn Thị Liên đã mãi mãi nằm lại nơi chiến trường. Hôm ấy là ngày mùng 10-7-1966 (âm lịch), chị hy sinh ở tuổi 22, lứa tuổi tươi đẹp với biết bao nhiêu ước mơ, hoài bão còn dang dở….

Tấm gương chị Đoàn Thị Liên che đạn cho 2 thương binh dũng cảm hy sinh là ngọn đuốc sáng soi đường cho TNXP, cán bộ, đoàn viên thanh niên lúc bấy giờ. Tấm gương anh dũng của chị và câu nói bất hủ “Thà hy sinh chứ không để thương binh bị thương lần thứ hai” đã trở thành lời thề khắp các mặt trận, trở thành truyền thống của các đơn vị TNXP giải phóng miền Nam. Chị đã được truy tặng Huân chương Thành đồng hạng ba và được Nhà nước truy tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.

Tuổi trẻ noi gương

Tấm gương của chị Đoàn Thị Liên luôn soi rọi cho thế hệ trẻ hôm nay. Để tưởng nhớ người phụ nữ anh dũng, kiên cường Đoàn Thị Liên, ngày 10- 7-2010, nhân dịp kỷ niệm Ngày truyền thống lực lượng TNXP, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn Bình Dương đã tổ chức khánh thành Tượng đài - công viên Đoàn Thị Liên tại xã Chánh Phú Hòa, huyện Bến Cát (nay là TX.Bến Cát). Công trình ý nghĩa này do đoàn viên thanh niên đóng góp cùng ngân sách tỉnh thực hiện. Công trình được khởi công xây dựng từ tháng 8-2009. Đây là nơi sinh hoạt, vui chơi và giáo dục truyền thống về tấm gương nữ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Thị Liên; giáo dục truyền thống hào hùng của lực lượng TNXP tỉnh nhà.

Chị Nguyễn Thị Ngọc Xuân, Bí thư Tỉnh đoàn nói: “Để tưởng nhớ đến những hy sinh, mất mát, những công lao to lớn của các anh hùng liệt sĩ, tuổi trẻ Bình Dương đã tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như phụng dưỡng suốt đời các mẹ Việt Nam anh hùng; thăm và tặng quà các mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình chính sách nhân các dịp lễ lớn của đất nước; tổ chức “Ngày giỗ tri ân các anh hùng liệt sĩ”, “Mâm cơm nghĩa tình tại nhà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình liệt sĩ”. Trong đó, nổi bật có việc tổ chức ngày giỗ Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Hồ Văn Mên (ngày 2-2 âm lịch) và ngày giỗ tưởng niệm Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Thị Liên (ngày 10-7 âm lịch).

Bên cạnh đó, từ năm 2008, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đồng sáng lập Quỹ Tài năng trẻ tỉnh Bình Dương. Quỹ được thành lập với các giải thưởng mang tên những người con anh hùng của quê hương Bình Dương, như: Giải thưởng “Đoàn Thị Liên”, Giải thưởng “Hồ Văn Mên”... Riêng với giải thưởng “Đoàn Thị Liên” trong 12 năm qua đã trao 260 giải cho các em học sinh, sinh viên giỏi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Mặt khác, tiếp nối truyền thống của các thế hệ đi trước, Đội TNXP tỉnh Bình Dương ngày nay đang tiếp tục để củng cố, xây dựng, phát triển, xác định 2 nhiệm vụ chính là phát triển các hoạt động sự kiện của Trung tâm Truyền thông và Triển lãm sáng tạo trẻ và sản xuất nông nghiệp tại Nông trường TNXP tỉnh. Nhiều dự án, ý tưởng đang được Ban Chỉ huy đội, đội viên, người lao động các đơn vị triển khai thực hiện bước đầu có kết quả tốt.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật