Nghệ An: Cả xóm kêu trời vì 3 hộ chăn nuôi bò sữa ngay khu dân cư

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Gần 10 năm qua, việc chăn nuôi bò sữa của 3 hộ dân ở xã Quỳnh Thắng (Quỳnh Lưu, Nghệ An) khiến hàng xóm vô cùng khổ sở vì môi trường ’đặc quánh mùi hôi’ và nguồn nước ngầm đã bị ô nhiễm không thể sử dụng.
Nghệ An: Cả xóm kêu trời vì 3 hộ chăn nuôi bò sữa ngay khu dân cư
Chuồng trại chăn nuôi bò sữa của 3 hộ gia đình nằm sát khu dân cư.

Gần 10 năm khổ sở vì 3 hộ nuôi bò

Năm 2011, Hợp tác xã bò sữa xã Quỳnh Thắng được thành lập tại khu dân cư xóm 7, Tiến Thành (nay là thôn 3, xã Quỳnh Thắng). Trước đây, các hộ chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ 1-2 con bò. Vài năm gần đây, do nhu cầu của thị trường và doanh nghiệp, quy mô được tăng lên, 1 hộ có ít nhất 9-10 con bò sữa. 

Người nuôi bò có thu nhập khá, nhưng chủ hộ không đầu tư xử lý chất thải triệt để làm ảnh hưởng môi trường sống và nguồn nước sinh hoạt của người dân địa phương gần 10 năm qua.

Theo phản ánh của một số hộ gia đình ở thôn 3, xã Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An), các hộ nuôi bò xả nước thải chưa qua xử lý ra thẳng các bể chứa lớn, tích trữ nhiều ngày nên mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Sau đó, nguồn nước này lại được dùng để tưới lên các vườn cỏ không chỉ gây ảnh hưởng trực tiếp tới tài nguyên đất và nguồn nước ngầm mà còn khiến các hộ gia đình lân cận ngạt thở.

Nguồn nước ngầm hiện nay đã bị đổi màu từ trắng sang vàng giống nước phân bò và bốc mùi hôi thối nên nhiều gia đình phải tìm kiếm nguồn nước khác phục vụ sinh hoạt hàng ngày.

Bà Nguyễn Thị Tuyết lo lắng khi nguồn nước sinh hoạt bị ô nhiễm sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Bà Nguyễn Thị Tuyết (SN 1956) cho hay: “Chúng tôi đã kiến nghị lên cấp trên nhiều lần nhưng đến nay vẫn chưa được xử lý. Gia đình tôi đã thuê người về khoan giếng sâu từ 80-100m cũng không thể có nguồn nước sạch để sử dụng mà phải làm bể cạn, đi xin nước sinh hoạt, cuộc sống của người dân rất khổ. Gia đình rất sợ nguồn nước ô nhiễm này sẽ gieo rắc mầm bệnh”.

Theo ghi nhận của phóng viên, hiện nay, tại khu dân cư xóm 3 (xã Quỳnh Thắng) có 3 hộ gia đình đang chăn nuôi gần 30 con bò sữa. Việc chăn nuôi bò làm nhiều hộ dân quanh đó bị ảnh hưởng, giếng nước không thể dùng được.

Giếng nước của các hộ dân từ lâu đã không còn sử dụng được nữa.

Một chủ hộ nuôi bò sữa - anh Hoàng Văn Tính (SN 1976) cho biết, gia đình anh chăn nuôi bò sữa từ năm 2015, số lượng khoảng 10 con; để phục vụ cho việc chăn nuôi thì phải trồng 5 sào cỏ xung quanh khu vực vườn nhà.

“Mỗi ngày tôi tiến hành rửa chuồng bò 3 lần (sáng, trưa, tối), tưới cỏ 1 lần. Nguồn nước thải được cho vào bể chứa, còn bã thải thì được đưa đi nơi khác. Gia đình tôi cũng đã làm hầm bioga, nhưng đôi lúc cũng có bơm tưới hơi đậm một chút nên cũng có ảnh hưởng đến môi trường, cuộc sống người dân”, anh Tính nói.

Chuồng trại chăn nuôi bò sữa của hộ gia đình anh Hoàng Văn Tính.

Xã yêu cầu di dời, đàn bò vẫn "yên vị" trong khu dân cư

Ông Hoàng Văn Công, Phó Chủ tịch UBND xã Quỳnh Thắng (huyện Quỳnh Lưu) xác nhận việc ô nhiễm môi trường, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước sinh hoạt do các hộ chăn nuôi bò sữa ở xóm 3 là có thật.

“Trước đây có chủ trương thành lập hợp tác xã bò sữa nên chính quyền vận động nhân dân chăn nuôi bò. Việc ô nhiễm này người dân cũng đã phản ánh cách đây 2-3 năm rồi, UBND xã cũng đã có yêu cầu các hộ chăn nuôi di dời đàn bò ra ngoài khu vực dân cư nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được”, ông Công thông tin.

Bể chứa nước thải sơ sài của một hộ nuôi bò sữa ở xã Quỳnh Thắng.

Từ năm 2018, UBND xã Quỳnh Thắng đã tổ chức buổi làm việc với các hộ chăn nuôi bò sữa tại xóm 3 và đã có kết luận về việc ô nhiễm môi trường nước sinh hoạt tại một số hộ gia đình trong khu dân cư là do các hộ chăn nuôi bò sữa xả thải trực tiếp ra môi trường.

UBND xã Quỳnh Thắng đã yêu cầu các hộ chăn nuôi phải xây bể chứa nước thải, hầm bioga dùng chế phẩm sinh học xử lý trước khi bơm tưới ra khu vực trồng cỏ; nghiêm cấm việc xả thải trực tiếp ra khu vực trồng cỏ và cây cối khác…

Bên cạnh đó, các hộ chăn nuôi căn cứ vào quỹ đất trồng cỏ của gia đình mình để lựa chọn số bò nuôi cho phù hợp, hạn chế phát triển số lượng bò sữa trong khu dân cư, các hộ chăn nuôi phải có kế hoạch di dời chuồng trại ra khỏi khu dân cư trước ngày 30/6/2019 để đảm bảo phát triển kinh tế và môi trường theo quy định.

Về vấn đề chăn nuôi bò sữa trong khu dân cư gây ô nhiễm, ông Đào Xuân Sơn – Trưởng phòng TN&MT huyện Quỳnh Lưu nói Phòng chưa nắm được và sẽ cho kiểm tra.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật