Chợ mai mối TQ tấp nập cha mẹ tới tìm chồng cho con bất chấp Covid-19

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Do lo lắng con cái sẽ sống độc thân cả đời, nhiều bậc phụ huynh vẫn kiên trì tới chợ hôn nhân để tìm bạn đời cho con, bất chấp nắng mưa hay dịch bệnh.
Chợ mai mối TQ tấp nập cha mẹ tới tìm chồng cho con bất chấp Covid-19
Ảnh minh họa

Chợ hôn nhân Thượng Hải, thực chất là một góc công viên Nhân dân, là khu mai mối lớn nhất và nổi tiếng nhất Trung Quốc. Vào thứ 7 và chủ nhật hàng tuần, phụ huynh của những người trưởng thành chưa lập gia đình sẽ tụ tập để chia sẻ thông tin về con cái họ.

Các “ứng viên” thường nằm trong độ tuổi từ 30-45.

Các ông bố bà mẹ tới đây thường cầm theo bản kê khai thông tin về con cái, bao gồm năm sinh, chiều cao, quê quán, thu nhập, trình độ học vấn, sở thích, thậm chí cả việc có sở hữu xe hơi hay không. Nhiều tờ “quảng cáo” có kèm ảnh, số điện thoại hoặc mã QR trang mạng xã hội cá nhân của con.

Các bậc phụ huynh Trung Quốc, trong đó phần lớn có con một, luôn hy vọng con cái sớm kết hôn và sinh con. Chính phủ nước này cũng khuyến khích kết hôn sớm để giải quyết tình trạng dân số già và tỷ lệ sinh thấp. Các gia đình luôn lo lắng trong việc tìm được cho con người bạn đời môn đăng hộ đối càng sớm càng tốt. Và thực tế, bố mẹ có con gái sẽ sốt sắng hơn.

Thông thường, nếu các gia đình có cả bố mẹ và ông bà đến chợ hôn nhân, 2 hay 3 người sẽ ngồi cạnh bảng thông tin trong khi một số người khác đi vòng quanh bắt chuyện và quảng cáo.

Hầu hết con cái đều không muốn bố mẹ mất công tới chợ mai mối. Tuy nhiên, các phụ huynh vẫn tấp nập đến đó bất kể nắng mưa do lo lắng con mình phải sống độc thân cả đời. Một số người có con gái từ 28-30 tuổi lại càng sốt ruột hơn do không muốn con mình bị gắn mác “sheng nu” (gái ế), một thuật ngữ phổ biến ở Trung Quốc để chỉ phụ nữ quá tuổi 25 mà chưa lập gia đình.

Tại Trung Quốc, những người vẫn độc thân ở độ tuổi cuối 30 đối mặt với áp lực khổng lồ từ việc kết hôn và sinh con. Những từ ngữ miệt thị như “ế” hay “cọc trống” thường bị gán cho phụ nữ và đàn ông chưa kết hôn dù đã qua một độ tuổi nhất định.

Theo báo cáo một khảo sát do China Youth Daily thực hiện với sự tham gia của 2.000 người, hơn 85% thanh niên Trung Quốc bị các thành viên lớn tuổi trong gia đình giục cưới. Ít nhất 69% người nói rằng họ cảm thấy áp lực khi bị giục, ép.

Chợ hôn nhân Thượng Hải chỉ là một trong nhiều mô hình tương tự ở khắp Trung Quốc. Mặc dù có hàng trăm tới hàng nghìn bậc phụ huynh tới chợ vào mỗi cuối tuần, tỷ lệ mai mối thành công rất khiêm tốn. Tuy nhiên, các ông bố bà mẹ vẫn kiên trì quay lại chợ hàng tháng đều đặn với mong muốn tìm bạn đời phù hợp cho con cái.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật