Trên đỉnh đèo và dưới lòng thung

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
“Làng mới nằm bên này, phía trong thung lũng, mới được thành lập cách đây 8 năm thôi. Làng cũ ở phía bên kia dãy núi, đi qua đèo này là đến. Đèo này vừa dốc vừa khó đi, ít nhiều thành trở ngại để bà con phát triển kinh tế. Làng bình yên lắm, nhưng nghèo” - anh Sùng A Sáng, Bí thư Chi bộ thôn Bản Giàng, xã Pa Cheo (Bát Xát) nói.
Trên đỉnh đèo và dưới lòng thung
Các cô giáo tại Điểm trường Bản Giàng (Trường Tiểu học Pa Cheo) bám bản để dạy chữ.

Vượt đèo

Theo “khuyến cáo” từ người dân trong xã Pa Cheo, chúng tôi phải chọn ngày nắng đẹp để vào thôn, bởi nếu gặp mưa sẽ phải “khiêng xe mà về chứ không đi được”. Theo con đường từ trung tâm xã, chúng tôi cứ miệt mài chạy xe leo dốc, chạy hết tuyến đường bê tông trong thôn Séo Pa Cheo rẽ theo đường đá nhỏ rồi leo thẳng lên  đỉnh núi.

Qua nhiều năm, đường cấp phối lổn nhổn đá, có đoạn trơ ra những tảng đá lớn, có đoạn là đất nền trơn trượt. Đá trên mặt đường đã không còn sự liên kết, hòn nhỏ, hòn to ra sức ngăn cản những chiếc xe đang nỗ lực vào làng. Chiếc xe máy đã gài số 1, đốt xăng không kịp, “ho khục khặc” rồi chết máy, không đủ sức leo dốc, bất ngờ trôi ngược xuống rồi đổ. Để leo dốc, chúng tôi một người lái, một người đẩy, xe ì ạch tiến lên, đoạn dốc cao thì đẩy, dốc thoải hơn thì chạy xe. Cứ như thế, trải qua 6 lần xuống đẩy xe để leo qua những con dốc cua tay áo thì chúng tôi lên đến đỉnh dốc. Đây là điểm mà nhiều người đi qua gọi là đỉnh đèo vì nằm trên đỉnh núi, hai phía là những con dốc cao hiểm trở, đổ xuống 2 thung lũng có những bản làng. Hơn 1 tiếng chạy xe, chúng tôi nhìn thấy Bản Giàng ở phía xa với những ngôi nhà gỗ lợp ngói pro xi măng nằm bình yên trong lòng thung, giữa 2 đỉnh núi xanh rì màu của đại ngàn.

Về mặt hành chính, Bản Giàng là thôn mới của xã Pa Cheo, được thành lập từ năm 2012. Thế nhưng, tôi vẫn thích gọi Bản Giàng là làng giống nhiều người dân trong thôn vẫn gọi, vì thôn nằm tách biệt hoàn toàn với những cụm dân cư khác, quây quần trong thung lũng giữa rừng sâu. Nói về sự hình thành của thôn, anh Sùng A Sáng, Bí thư Chi bộ thôn Bản Giàng cho biết: Bản Giàng là địa danh có từ trước khi thôn thành lập với nhóm hộ nhỏ lẻ, di cư từ những thôn, xã lân cận đến sinh sống và định cư tại đây. Trong những thập niên trước, Bản Giàng chỉ có vài hộ, chủ yếu vẫn là những chiếc lều, lán tạm mà người dân trong xã Pa Cheo dựng lên để trông coi vật nuôi và làm nương thảo quả. Lâu dần, nhiều hộ chuyển hẳn vào đây sinh sống, dựng nhà để ở, chọn thung lũng yên tĩnh này làm nơi an cư.

Bình yên trong lòng thung

Cũng theo anh Sáng, khi thành lập, thôn có 36 hộ, chủ yếu là người dân trong xã Pa Cheo và 6 hộ thuộc Pờ Sì Ngài, xã Bản Xèo (Bát Xát) chuyển đến. Đến năm 2020, thôn Bản Giàng có 56 hộ. Nhiều em nhỏ không thể tự vượt đèo, vượt dốc đi học, nên điểm trường mầm non và điểm trường tiểu học (lớp 1, 2, 3) được thành lập. Khi các em lên lớp 4, biết chăm sóc bản thân thì sẽ chuyển xuống học bán trú tại trung tâm xã. Thôn Bản Giàng cách trung tâm xã khoảng 12 km với khoảng 7 km là đường rừng, đường cấp phối đã xuống cấp, rất khó đi. Thôn cũng chưa có điện, cuộc sống của người dân nơi đây vẫn chủ yếu là trồng lúa, ngô, thảo quả và chăn nuôi gia súc. Do cách trở về mặt địa lý nên việc giao thương tại đây tương đối khó khăn, kinh tế của người dân vì thế vẫn chưa thể phát triển.

Đường vào thôn Bản Giàng còn nhiều khó khăn.

Đỉnh đèo ngăn giữa Bản Giàng với khu vực trung tâm xã mà chúng tôi vất vả chinh phục với 4 - 5 lần bị đổ xe là tuyến đường mà đều đặn mỗi tuần các cô giáo tại điểm trường thôn Bản Giàng ít nhất 2 lần đi và về. Đây cũng là tuyến đường mà người dân trong thôn phải nhọc nhằn vượt qua để đến trung tâm xã, đi chợ, đưa con đi học. Vì vượt đèo cao, cheo leo nên chỉ khi thật sự cần thiết thì người dân mới ra khỏi thôn khiến cuộc sống nơi đây khá biệt lập. Nhìn chúng tôi khập khiễng, lấm lem, cô giáo Đinh Minh Hải, điểm trường Bản Giàng (Trường Tiểu học Pa Cheo) đã đoán ngay ra sự việc. Cô Hải nói: Đi qua đường này chẳng lần nào là không ngã xe, chỉ có điều là ngã ít hay nhiều thôi!
Để minh họa cho lời nói của mình, cô Hải chỉ xuống chân: Em vừa ngã tuần trước lúc về thị trấn, đầu tuần lúc vào làng lại ngã. Bây giờ là cuối tuần rồi, mai em về kiểu gì cũng ngã lần nữa!

Đôi chân trắng trẻo của cô giáo mới 24 tuổi sinh ra và lớn lên tại thị trấn Bát Xát in rõ những vết bầm tím cả cũ lẫn mới. Đều đặn đã 1 năm kể từ ngày cô Hải xung phong vào bám bản dạy chữ, biết sẽ ngã, sẽ đau nhưng vì thương học trò, yêu mến người dân nơi đây nên các cô vẫn đều đặn vượt đèo tới lớp. Cô Hải tâm sự: Có lần trên đường về nhà, ngã 5 - 6 lần, vết thương cũ chưa lành lại thêm vết mới, đau quá, dừng nghỉ trên đỉnh đèo khóc sướt mướt, hạ quyết tâm bỏ nghề, không đi dạy nữa.

Thế nhưng lúc xuống hết đèo, nghĩ tới những đứa trẻ mắt trong veo, có đứa không muốn tới lớp, mình đã phải vất vả “rình” từ lúc trời chưa sáng vì sợ sáng dậy, học sinh sẽ theo mẹ vào nương. Nhớ cả kỷ niệm đi vận động, phải bế học sinh tới trường, các em yêu quý cô giáo thế nào, rồi nghĩ tới việc phụ huynh nơi đây tin yêu các cô giáo, việc khó, việc nặng nhọc, các cô giáo cần là phụ huynh đến giúp tận tình. Thế rồi, hết ngày nghỉ cuối tuần, lại sửa soạn đồ đạc, buộc chặt lên xe để vượt đèo vào bản dù biết chẳng có chuyến đi nào là không bị ngã.

Đoàn viên, thanh niên huyện Bát Xát đóng giá sách cho học sinh Bản Giàng.

Trong thung lũng bình yên ấy có hơn 50 nóc nhà, có 2 điểm trường với 4 cô giáo đều xung phong, tự nguyện bám bản. Lớp học, các công trình phụ trợ như bếp ăn, thư viện, nhà vệ sinh… đều được xây dựng từ nguồn xã hội hóa, kêu gọi từ các đoàn thiện nguyện. Khi có đoàn tình nguyện, có cán bộ cần vào làng, những thanh niên trai tráng nhiều kinh nghiệm chạy xe sẵn sàng xuống đón khách. Khi có công việc cần ra khỏi làng, người này phụ người kia mua giúp nhau túi muối, túi đường, giúp nhau chở học sinh tới trường chính học bán trú… Làng chỉ có bằng ấy gia đình, có bằng ấy người với núi non trùng điệp, nên sống dựa vào nhau và yêu thương lẫn nhau.

Khi trở về, chàng thanh niên trong thôn chạy chiếc xe Win gầm cao phù hợp để vượt đèo tình nguyện chở chúng tôi ra xã. Khi rời làng, những người mới hôm qua với chúng tôi còn là người lạ, nay ân cần dặn dò như người thân tới chơi: “Cái gì không đeo trên người thì phải buộc chặt vào xe, nếu không đường xóc sẽ rơi hết” và kèm với lời nhắn nhủ, lời mời quay lại làng vì “ở đây ít người, khi có mặt trời là lên nương, lên rừng, tối chẳng có điện, nên ai cũng ngủ sớm, chẳng mấy khi giao lưu, chuyện trò, buồn lắm”.

Leo hết con dốc, xe bắt đầu đổ đèo, xuôi về xã, chạm tới những con đường bê tông phẳng phiu. Dù chuyến xe quay về tôi không bị ngã, không bị đau và cũng chẳng đánh rơi món đồ nào cả nhưng khi nhìn tôi buồn so, anh thanh niên lái xe hốt hoảng hỏi: Chị có đánh rơi hay bỏ quên đồ gì trong làng không, em quay lại để lấy cho chị nhé? Có thể lắm chứ, tôi bỏ quên ở Bản Giàng một nỗi cảm thông, xót xa với bản làng nghèo nhiều khó khăn nhưng hiếu khách, một lòng mến yêu và khâm phục với những con người nhọc nhằn vượt qua con đèo để xuống dưới lòng thung.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật