Những doanh nhân làm nổi danh thương hiệu “Doanh nhân Bình Định”

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chỉ cần nhắc đến Bình Định là chúng ta lại thấy ấm áp tình người xứ Nẫu. Một vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi vẫn còn lưu lại dấu tích của 2 kinh đô xưa thời Champa và Tây Sơn - Nguyễn Nhạc, nơi có dòng sông Côn hiền hòa chảy ra biển lớn, nơi đã sinh ra biết bao anh hùng hào kiệt.
Những doanh nhân làm nổi danh thương hiệu “Doanh nhân Bình Định”
Bà Trần Thị Hường, (ảnh: news.zing.vn)

 Vùng đất Bình Định địa linh nhân kiệt, giàu tinh thần thượng võ là quê hương của nhiều doanh nhân thành đạt, giàu trí tuệ, thừa bản lĩnh trên thương trường, đã đóng góp không ít công sức của mình cho sự phát triển của quê hương đất nước. Số báo Xuân của tạp chí Người Bình Định giới thiệu một số gương điển hình trong số doanh nhân thành đạt – những người con ưu tú của Bình Định.

Bà Tư Hường – Người phụ nữ nổi danh tầm khu vực

Bà Trần Thị Hường (hay còn gọi là Tư Hường) sinh năm 1936 ở xã Hoài Thanh (Hoài Nhơn, Bình Định), là con thứ tư trong một gia đình nghèo, đông anh em. Để mưu sinh bà đã bươn chải đủ thứ nghề từ ở đợ, buôn dầu dừa, đậu phộng, nhuộm đồ, đến làm nghề may, buôn vải, bỏ mối rượu,…để giúp đỡ gia đình. Sau khi lấy chồng là ông Nguyễn Chấn, hai vợ chồng bà tích lũy vốn rồi đi lên nhờ buôn bán bất động sản.

Năm 1979, gia đình bà Tư Hường chuyển vào TP. HCM định cư. Với số vốn tích góp được từ thời kinh doanh ở Bình Định, cùng tính cách tháo vát, bà Tư Hường đã trở thành nhà cung ứng thủy sản cho Tổng công ty Thủy sản Việt Nam (Seaprodex) vào năm 1982.

Bước ngoặc trên con đường kinh doanh của gia đình bà Tư Hường là giai đoạn đất nước mở cửa vào những năm đầu thập niên 1990. Năm 1991, bà Tư Hường thành lập Công ty TNHH Sơn Hải tại Gia Lai - một trong những công ty tư nhân đầu tiên hoạt động khai thác, buôn gỗ. Năm 1993, Công ty TNHH Hoàn Cầu ra đời do bà Tư Hường làm Chủ tịch Hội đồng thành viên.

Với việc khuyến khích đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, bà Tư Hường thành lập công ty kinh doanh một số ngành hàng, sau đó bán lại cho công ty nước ngoài. Với tư duy nhanh nhạy và đón đầu xu thế, bà Tư Hường biết rằng các nhà đầu tư nước ngoài ngại thủ tục hành chính ở Việt Nam muốn mua các công ty có sẵn thay vì xây dựng lại từ đầu nên bà thường tạo dựng thương hiệu cho các công ty rồi bán lại. Điều này đã đem lại thành công lớn cho công việc kinh doanh của bà Tư Hường.

Một trong những thương vụ đình đám nhất có thể kể đến là việc bà Tư Hường đầu tư xây nhà máy bia. Vào những năm 2000, gia đình bà Hường tập trung đầu tư, kinh doanh bất động sản và đây cũng là lĩnh vực tích tụ tài sản lớn nhất của bà. Năm 2008, bà Tư Hường và Tập đoàn Hoàn Cầu đưa cuộc thi Hoa hậu Hoàn Vũ về tổ chức tại Nha Trang.

Bên cạnh đó là hàng loạt công trình mang lại sự thay đổi về bộ mặt cho các địa phương, nơi có Hoàn Cầu tham gia như: Đà Lạt, Nha Trang, Bình Định, Đồng Nai, TP. HCM, Bến Tre,... Với mảng kinh doanh hạ tầng - khu công nghiệp, tập đoàn này là chủ đầu tư sân bay Cam Ranh cùng các dự án bất động sản quy mô lớn trên cả nước.

Bà Tư Hường được xem là người dẫn đầu khi cách đây 40 năm đã sáng tạo ra cách thức kinh doanh có hiệu quả trong lĩnh vực yến sào, buôn trầm hương, xây dựng các nhà máy công nghiệp bán cho đối tác quốc tế. Cho đến tận bây giờ và chắc chắn về sau những hình thức kinh doanh trên vẫn còn được áp dụng.

Ông Đoàn Nguyên Đức – Doanh nhân yêu bóng đá và đồng hành với bóng đá Việt Nam

Ông Đoàn Nguyên Đức, (ảnh: news.zing.vn)

Ông Đoàn Nguyên Đức hay còn gọi là Bầu Đức, sinh năm 1962, quê quán tại xã Nhơn Mỹ, thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, đông anh em, Mẹ tần tảo làm ruộng nuôi 9 anh em ăn học, nên lúc bấy giờ Bầu Đức chỉ có một tâm nguyện duy nhất là có đủ tiền để học, học thật giỏi, đậu đại học và một cái nghề để thoát  khỏi cuộc sống bần hàn. Năm 1982, ông vào TP. HCM thi đại học, mang theo khát vọng của cả gia đình và những khát khao từ thuở ấu thơ. Thế nhưng, con đường học vấn không đạt kết quả như ý muốn. Khi ấy, ông nhớ đến hình ảnh người mẹ vất vẻ nuôi 9 anh em ông ăn học và chợt nhận ra còn nhiều con đường khác dẫn đến thành công.

Ở độ tuổi 22, Bầu Đức khởi nghiệp bằng việc trực tiếp điều hành một phân xưởng nhỏ. Đến năm 1990, Xí nghiệp được đặt tên là tên Xí nghiệp tư nhân Hoàng Anh, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh trong khu vực. Cho đến thời điểm hiện tại, từ Xí nghiệp nhỏ Bầu Đức đã phát triển thành doanh nghiệp với quy mô lớn và mở rộng sản xuất nội thất. Năm 1993, Bầu Đức thành lập Xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku. Sau 13 năm hoạt động, Xí nghiệp này đã vươn lên thành Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai, kinh doanh đa lĩnh vực như: khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, địa ốc và bóng đá.

Một loạt các sự kiện kéo dài từ năm 2001 cho đến thời điểm hiện tại do Bầu Đức chủ trương đề xuất thực hiện đã trở thành tâm điểm của truyền thông cũng như làm cho người phải “ngã mũ bái phục” trước tài năng của ông. Có thể kể đến là : việc ông mua chân sút số một Đông Nam Á Kiatisak và trả lương đến 15.000 USD một tháng vào năm 2002. Hơn thế nữa việc ông hợp tác với câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng của Anh là ars‌ernal để mở học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai ars‌ernal JMG vào năm 2007 đã tạo môi trường đào tạo chuyên nghiệp cho thế hệ bóng đá trẻ ở Việt Nam.

Năm 2008, Công ty của ông bước đầu niêm yết chứng khoán tại sở giao dịch chứng khoáng TP. HCM (HoSE) với mã HAG. Giai đoạn đầu năm 2008 ông là người nắm nhiều cổ phiếu nhất trên sàn giao dịch và trở thành người giàu nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam. Vào hồi tháng 5-2008, Bầu Đức tạo nên cơn dư chấn trong giới đại gia Việt Nam khi bỏ ra 7,5 triệu đô la để tậu cho mình một máy bay riêng. Năm 2011, ông cùng các doanh nhân có cùng chí hướng làm bóng đá khác đã vạch ý tưởng và thành lập Công ty cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Cũng trong năm này, ông được Wall Street Journal đánh giá là một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á.

Các dự án nông nghiệp như bắp, mía, đường và chăn nuôi bò của bầu Đức đã bắt đầu vào mùa thu hoạch. Trong khi đó dự án bất động sản tại Myanmar cũng bắt đầu được chào bán. Song song đó, việc đưa công ty cổ phần Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai lên sàn chứng khoán, dự báo thời kỳ hoàng kim đã đến.

Phải kể đến năm 2010, bầu Đức chính thức đầu tư quy mô lớn vào các dự án trồng cao su tại Việt Nam, Lào và Campuchia. Sau khi đã thu được những thành công nhất định, ông tiếp tục chủ trương đầu tư vốn vào các dự án trồng cọ, dầu, ngô và mía đường. Sau 4 năm đầu tư vào một diện tích trồng mía lớn ở Lào, mía đường đã đóng góp một phần không nhỏ cho doanh thu của Hoàng Anh Gia Lai. Trồng bắp cũng đem lại doanh thu khá ấn tượng cho bầu Đức. Nhìn chung, mảng đầu tư cho nông nghiệp đã gặt hái về nguồi lợi chiếm gần phân nửa phần trăm doanh thu của Tập Đoàn Hoàng Anh Gia Lai. Không chỉ đầu tư vào mảng trồng cây công nghiệp, vào giữa năm 2014, Hoàng Anh Gia Lai bắt tay với công ty An Phú (Bình Định) thực hiện dự án nuôi bò với 100 ngàn con bò tại Hà Tĩnh. Cũng cùng thời điểm này, Hoàng Anh Gia Lai lại cùng Nutifood đầu tư nuôi bò thịt, bò sữa tại Gia Lai. Năm 2015, các sản phẩm từ bò được đưa ra thị trường cùng các đối tác lớn trong lĩnh vực thực phẩm là Nutifood và ViSSAN.

Dự án Hoàng Anh Gia Lai Myanmar bắt đầu hái quả ngọt khi dự án căn hộ The Lake Suites trong khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar bắt đầu được chào bán. Tại thời điểm Hoàng Anh Gia Lai làm lễ khánh thành giai đọan 1 cho dự án khu phức hợp này, dư luận thật sự nagjc nhiên khi một đại gia cùng lúc mau 27 căn hộ và thanh toán ngay. Điều này khẳng định sức hút vô cùng lớn của căn hộ The Lake Suites.

Từ năm 2001 đến nay, cái tên Bầu Đức càng nổi như cồn sau những sự kiện làm nên các “tít” lớn trên hầu hết các báo Việt Nam về bóng đá. Đối với những đóng góp to lớn cho sự phát triển của bóng đá Việt Nam không ai không công nhận rằng Hoàng Anh Gia Lai là lá cờ đầu khởi nguồn cho việc xây dựng nền bóng đá nước nhà. Nhìn lại quá trình làm bóng đá của Bầu Đức, chúng ta phải khẳng định rằng, bóng đá là đam mê, là niềm vui và là tâm huyết của Bầu Đức. Mỗi năm Bầu Đức phải tốn hàng tỷ đồng cho việc đi lại, ăn ở và tập huấn cho các cầu thủ. Những cái tên như Công Phượng, Xuân Trường, Tuấn Anh,… Đã tỏa sáng trên sân cỏ và trong mắt người hâm mộ là nhờ một công rất lơn của Bầu Đức. Dù có khó khăn đến mấy, Bầu Đức cũng không ngừng đầu tư cho Học viện Hoàng Anh Gia Lai. Nơi ươm mầm tài năng và nhân cách của nhiều thế hệ cầu thủ Việt Nam. Bầu Đức đã trở thành một doanh nhân có những bước đi vững chắc và đúng đắn trên nhiều lĩnh vực.

Ông Huỳnh Uy Dũng – Ông chủ của Khu du lịch “Đại Nam văn hiến”

Ông Huỳnh Uy Dũng, (ảnh: thuonghieuyeuthich.com.vn)

Doanh nhân Huỳnh Uy Dũng, sinh năm 1961 tại Bình Định, trong một gia đình nông dân có điều kiện hết sức khó khăn. Ông nhập ngũ và tham gia cuộc chiến biên giới Tây Nam tại chiến trường Campuchia. Sau khi rời quân ngũ, ông được điều động qua nhiều đơn vị khác nhau: làm Trưởng ban tổ chức công an thị xã Thủ Dầu Một, rồi làm giám đốc Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ. Từ khi tiếp quản, ông đã biến công ty không chỉ sản xuất sơn mài đơn điệu mà trở thành một Công ty Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ thành công nhất nhì tỉnh lúc bấy giờ.

Sau thành công trên, ông Huỳnh Uy Dũng tự tin đầu tư vào nhiều dự án và đã để lại dấu ấn lớn. Cùng với lãnh đạo tỉnh Bình Dương qua các thời kỳ, ông là một trong những người góp phần đặt nền móng cho nền công nghiệp tỉnh khi tiên phong bắt tay đầu tư xây dựng Khu công nghiệp (KCN) Bình Đường - KCN đầu tiên của Bình Dương. Sau KCN Bình Đường và KCN Sóng Thần 1, ông đầu tư tiếp hai KCN khác là KCN Sóng Thần 2, KCN Sóng Thần 3 và nhiều dự án khu dân cư khác trên địa bàn tỉnh. Các KCN do ông Huỳnh Uy Dũng phát triển hiện đã thu hút hàng trăm nhà đầu tư, giải quyết việc làm cho hàng trăm ngàn lao động, đang góp phần đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hóa, đưa Bình Dương trở thành một tỉnh công nghiệp có nguồn thu nhập cao so với cả nước.

Một dấu ấn lớn khác của ông Huỳnh Uy Dũng đối với mảnh đất Bình Dương là việc bắt tay vào đầu tư Khu du lịch Đại Nam năm 1999 với số vốn lên đến hàng ngàn tỷ đồng. Sau 10 năm phát triển Khu du lịch Đại Nam đã trở thành khu phức hợp có tên gọi “Đại Nam Văn hóa Du lịch Thể thao” thu hút hàng triệu lượt khách tham quan mỗi năm. Với quy mô lớn, Đại Nam Văn hóa Du lịch Thể thao đã góp phần đưa Bình Dương vào bản đồ du lịch của cả nước và khu vực. 

Ông cho rằng từ thiện là tâm nguyện tự nhiên, vốn có từ lúc ông còn ngồi trên ghế nhà trường. Khi còn là một chiến sĩ công an, ông đã xây dựng trường mầm non 19-8, để tặng cho thị xã Thủ Dầu Một. Từ đó đến nay, hàng loạt ngôi trường do ông tài trợ mọc lên. Không dừng lại ở đó, ông còn thành lập chương trình “Trái tim Hằng Hữu” nhằm hỗ trợ tiền phẫu thuật và can thiệp tim miễn phí cho trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh. Để chương trình từ thiện đi vào hệ thống bài bản, Công ty Đại Nam quyết định thành lập và ra mắt Quỹ Từ thiện Hằng Hữu do ông Huỳnh Uy Dũng làm chủ tịch Hội đồng quản lý quỹ theo quyết định của UBND tỉnh Bình Dương. Đến nay Quỹ thiện nguyện Huỳnh Hằng Hữu đã tài trợ kinh phí phẫu thuật tim cho hơn 1.200 trẻ em kém may mắn. Ngoài ra Quỹ Từ thiện Hằng Hữu còn tài trợ mua sắm nhiều thiết bị y tế hỗ trợ các bệnh viện để phục vụ chương trình mổ tim.

Ông Tạ Kim Hùng – Vị doanh nhân luôn mở lối tiên phong

Ông Tạ Kim Hùng (giữa) trong một buổi họp cổ đông thường niên

Ông Tạ Kim Hùng sinh ra và lớn lên ở Đập Đá, An Nhơn, Bình Định. Ông trưởng thành tại Quy Nhơn và học Đại học Luật Khoa Sài Gòn tại TP. HCM. Ông nổi danh từ các hoạt động kinh doanh tiên phong ở các lĩnh vực giải trí và du lịch. Tên tuổi của ông gắn liền với sự phát triển không ngừng của Công ty Eden.

Được thành lập năm 1988, Công ty Eden là một trong những công ty tiên phong trong lĩnh vực dịch vụ ở Việt Nam hiện nay. Với ý tưởng tiên phong của đội ngũ lãnh đạo, Eden mạnh dạn giới thiệu karaoke Queenbee cho thị trường giải trí từ tháng 4 năm 1990 và ngày nay loại hình giải trí này đã trở thành phổ biến. Phòng trà ca nhạc Tiếng Tơ Đồng vẫn là một cái tên quen thuộc của giới thưởng thức âm nhạc sang trọng, của những Việt kiều muốn đi tìm hòai niệm. Saigon Water Park là công viên nước theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên tại Việt Nam. Bên cạnh đó, Công ty Eden còn hợp tác thực hiện dịch vụ chuyển tiền nhanh Western Union đầu tiên từ năm 1994,… Qua hơn 20 năm hoạt động, Eden đã trưởng thành với một số giá trị cốt lõi như: năng lực ổn định, phát triển bền vững và lớn mạnh.

“Xây dựng quan hệ đối tác lâu dài” là mục đích, mục tiêu của chúng tôi để trở thành công ty tiên phong trong lĩnh vực dịch vụ với mức hiệu quả cao nhất cho khách hàng và để phát triển thành một thương hiệu mạnh trên thị trường hiện nay. Eden hiện đang hoạt động theo mô hình công ty mẹ – con, kinh doanh trong các lĩnh vực chính: resort, địa ốc, du lịch, xây dựng.

Bà Nguyễn Thị Hoa Lệ với thương hiệu du lịch Hòa Bình

Bà Nguyễn Thị Hoa Lệ, (ảnh: doanhnhanonline.com.vn)

Với suy nghĩ, tạo điều kiện để người dân trong nước cũng như quốc tế tận hưởng cảnh quan thiên nhiên đẹp và các di tích, di sản trong nước và thế giới, sau khi tốt nghiệp Đại học Tổng hợp, bà Nguyễn Thị Hoa Lệ trở thành cán bộ Văn hóa của Sở Văn hóa Thông tin TP. HCM rồi làm việc tại Hội liên hiệp phụ nữ Việt Nam. Thực hiện chỉ thị 268 của Hội đồng Bộ trưởng, doanh nhân Nguyễn Thị Hoa Lệ đã mạnh dạn đề xuất ý tưởng thành lập công ty hoạt động về du lịch và được trung ương hội đồng ý. Năm 1989, Công ty Du lịch Hoà Bình đã chính thức ra đời.

Trải qua 29 năm xây dựng và trưởng thành, với sự sáng tạo, quyết đoán và lòng nhân hậu, bà đã “vững tâm, chắc lái” con thuyền Du lịch Hoà Bình ra biển lớn, từng bước phát triển lớn mạnh trở thành một trong những công ty có uy tín trong nước và vang tầm quốc tế của ngành du lịch.

 Du lịch Hòa Bình đã có một đội ngũ công nhân viên ưu tú, nhiệt tâm với công việc, giúp công ty tạo ra doanh số hàng nghìn tỷ đồng và duy trì các hoạt động có lãi. Du lịch Hòa Bình đã tạo ra một thương hiệu uy tín cả trong nước và quốc tế. Đến nay, Du lịch Hòa Bình là một trong 10 công ty lữ hành quốc tế hàng đầu tại Việt Nam. Cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc tế với đoàn xe đủ loại, được xem là một trong những công ty lữ hành có số đầu xe đứng đầu trong phạm vi cả nước về số lượng và chất lượng. Công ty Du lịch Hòa Bình là đơn vị được Hiệp hội Du lịch Việt Nam bình chọn là “Công ty vận chuyển du lịch danh tiếng tại Việt Nam” trong nhiều năm liền.

Ngoài phát triển lữ hành, doanh nhân Nguyễn Thị Hoa Lệ và tập thể Du lịch Hòa Bình đang đồng hành với nhiều dự án phát triển tiềm năng như: xây dựng chuỗi nhà hàng, khách sạn ở nhiều địa phương trên cả nước để cung cấp dịch vụ khép kín cho khách du lịch từ tham quan, vận chuyển đến ăn nghỉ,… Đặc biệt, ngày 8-3-2016 Du lịch Hòa Bình được UBND tỉnh Kiên Giang chấp thuận cho phép đầu tư dự án Khu du lịch dịch vụ hậu cần cảng và cầu cảng Bãi Vòng Phú Quốc (Phu Quoc Harbour City), với việc xác định Bãi Vòng là một phân khu chức năng du lịch quan trọng trong mối quan hệ tổng thể với phát triển du lịch toàn đảo. Ngoài chức năng chủ yếu là du lịch nghỉ dưỡng, du lịch vui chơi giải trí, Bãi Vòng còn đảm nhiệm chức năng rất quan trọng, là bến cảng biển để đón nhận tàu chở khách, du thuyền, tàu phà và cùng với đó sẽ là tổ hợp dịch vụ hậu cần cảng biển với các dịch vụ lưu trú, chăm sóc sức khoẻ, mua sắm, vui chơi giải trí, ăn uống,… Việc thực hiện dự án đầu tư Khu du lịch dịch vụ hậu cần cảng và cầu cảng Bãi Vòng Phú Quốc thành cảng biển tầm cỡ quốc tế có khả năng tiếp nhận tàu chở khách, du thuyền và phà biển du lịch không chỉ cho nội địa mà còn cả khu vực và quốc tế. Trước hết dự án này sẽ triển khai tuyến đường vận tải Phú Quốc - Campuchia và Phú Quốc - Thái Lan, nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển du lịch đảo Phú Quốc đã được Thủ tướng phê duyệt, nhằm đáp ứng được nhu cầu ngày một tăng của du lịch đường biển Phú Quốc.

Với sự quyết tâm, đoàn kết và không ngừng học hỏi của toàn thể công ty, cùng với ý thức đưa nền văn hoá Việt Nam đến với bạn bè năm châu,… đã thôi thúc Du lịch Hòa Bình luôn nỗ lực phấn đấu để ngày càng phát triển. Điều này cũng là nền tảng cho sự thành công của Du lịch Hòa Bình.

Ông Đậu Văn Hóa – Người nổi danh với cáp treo Hồ Mây Vũng Tàu

Ông Đậu Văn Hóa, (ảnh: cuuchienbinhtphcm.vn)

Ông Đậu Văn Hóa sinh ra trong gia đình giàu truyền thống yêu nước ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định. Cuối năm 1954, khi mới hơn 9 tuổi, ông cùng gia đình ra miền Bắc tập kết. Sau khi học Trường học sinh miền Nam rồi tốt nghiệp Đại học (chuyên ngành cơ khí nông nghiệp), năm 1970 ông tình nguyện nhập ngũ vào Nam chiến đấu. Vì có trình độ điện - cơ khí, nên quân đội điều ông về Trường sĩ quan Thiết giáp. Năm 1973, ông trở thành giáo viên dạy sửa chữa điện xe máy quân sự cho các đơn vị cơ động trên tuyến đường Trường Sơn. Sau khi đất nước thống nhất, ông lại về Trường sĩ quan giảng dạy. Đến năm 1978, theo nhu cầu của ngành đại học, ông chuyển ngành về Trường Đại học Cần Thơ, làm  giảng viên cơ khí nông nghiệp. Khi đất nước đi vào giai đoạn đổi mới, chuyển mình bước vào thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa thì nhu cầu về xây dựng cơ sở hạ tầng tăng cao, ông đã quyết định chuyển sang làm trong ngành xây dựng cầu đường cho một số công ty nhà nước và quân đội. Đến năm 1997, ông lập nên Công ty TNHH xây dựng Thế Anh, thi công nhiều công trình cầu, đường trên cả nước.

Khi đến Vũng Tàu, nhiều người đã nói với ông về một dự án đầy thách thức, chưa có ai dám nhận. Đó là công trình khu du lịch, cáp treo nằm trên đỉnh núi cao chót vót, cách mặt biển 250m với đường sá lê‌n đỉn‌h núi đầy hiểm trở. Chính vì mức đầu tư cao, cần nguồn vốn lớn và nhiều công sức, cộng thêm điều kiện thi công ngặt nghèo nên suốt trong 12 năm kể từ khi dự án được đưa ra chào mời đều chưa có nhà đầu tư nào chịu bắt tay vào làm. Là một con người từng được đồng đội, anh em đánh giá là kiên trì, chấp nhận thử thách, ông đã quyết định bỏ vốn đầu tư làm công trình này. Trong quá trình thi công, đội ngũ thực hiện gặp vô vàn khó khăn, thậm chí tưởng chừng không vượt qua được với sự kiên trì, niềm tin, lại được các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quan tâm và động viên, ông cùng những người thực hiện đã lần lượt vượt qua những khó khăn trở ngại. Qua nhiều năm bươn chải với cuộc sống, ông trở thành Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch Cáp treo Vũng Tàu.

Khu du lịch Hồ Mây Park Vũng Tàu đã được đầu tư xây dựng từ năm 2003, tọa lạc trên đỉnh núi Tương Kỳ (còn gọi là Núi Lớn) tại thành phố Vũng Tàu. Khu du lịch Hồ Mây Park Vũng Tàu từ lâu đã trở thành một biểu tượng về du lịch của thành phố nói riêng và tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói chung. Khu du lịch nổi tiếng với cảnh non nước hữu tình và được nối với đất liền bằng một hệ thống cáp treo hiện đại này đã đón tiếp hàng triệu lượt khách du lịch trong và ngoài nước đến tham quan và nghỉ dưỡng. Du khách đến với Hồ Mây Park sẽ hoàn toàn bị chinh phục bởi khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ và chỉ mong có dịp trở lại.

Theo ông, mỗi người đều có những cách đóng góp cho xã hội theo cách của riêng mình. Là nhà doanh nghiệp, với ông, ý nghĩa của cuộc sống là tạo ra được nhiều sản phẩm có giá trị cho xã hội. Ông đã quyết định chọn lĩnh vực mà ông có thể làm tốt nhất để cống hiến. Trong dịp khai trương khu du lịch Núi Lớn, ông đã trao tặng 600 vé tham quan miễn phí cho học sinh nghèo hiếu học hay thuộc gia đình diện chính sách, nhằm ủng hộ tinh thần vượt khó học giỏi cho các em.

Ông Đỗ Thanh Hùng – Doanh nhân nổi tiếng với Bao bì giấy Việt Trung Long An

Ông Đỗ Thanh Hùng, (ảnh: sggp.org.vn)

Ông Đỗ Thanh Hùng sinh ra và lớn lên ở miền quê xứ dừa Tam Quan (Bình Định). Tuổi thơ của ông đã trải qua những năm tháng chiến tranh khốc liệt. Vượt Trường Sơn ra miền Bắc học tập, rồi công tác trong ngành Công an nhưng cuối cùng ông trở thành nhà doanh nghiệp và trụ lại ở ngành sản xuất giấy, bao bì giấy cho đến ngày hôm nay.

Năm 1993, ông Đỗ Thanh Hùng khởi đầu xưởng sản xuất giấy bao bì 3 và 5 lớp, sử dụng công nghệ in lụa trong nhà xưởng thuê tại kho Z751 (quận Gò Vấp). Đến năm 1995, với nỗ lực tích cực và liên tục tái đầu tư mở rộng sản xuất, công ty tiếp tục mở rộng quy mô bằng việc thành lập nhà xưởng diện tích 3,700 m2 tại huyện Bình Chánh. Năm 1999, để đáp ứng thị trường và mở rộng năng lực, Công ty Bao bì giấy Việt Trung thành lập nhà xưởng 16.000 m2 tại KCN Vĩnh Lộc (quận Bình Tân), đánh dấu sự chuyển mình sang chuyên nghiệp hóa trong ngành bao bì giấy, trở thành một trong những công ty bao bì tư nhân Việt Nam đầu tiên đầu tư dây chuyền sản xuất giấy dợn sóng 3-5 lớp của Đài Loan.

Năm 2014, dự án xây dựng nhà xưởng Việt Trung Long An đến giai đoạn cuối, bắt đầu tiếp nhận những thiết bị và công nghệ mới để phục vụ sản xuất, vốn điều lệ so với thời gian đầu thành lập tăng hơn 150 lần. Công ty của ông phát triển thêm hai nhà máy sản xuất giấy, một ở Hóc Môn tên là Công ty TNHH Song Nam có diện tích 10.000 m2 và Công ty TNHH Bao bì giấy Việt Trung Long An ở khu công nghiệp Xuyên Á (Long An).

Doanh nhân Đỗ Thanh Hùng quan niệm “kinh doanh là để hướng về cộng đồng, và cộng đồng là động lực để thúc đẩy kinh doanh”. Trong các hoạt động của Công ty, ông đều dành riêng một phần để làm từ thiện. Hễ có thông tin về những trường hợp có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn cần giúp đỡ, ông gác lại tất cả công việc của Công ty, chủ động liên hệ và lên đường làm từ thiện. Theo ông, “của cho không bằng cách cho”, không phải việc đem tiền, quà đến trao là đã hoàn thành công việc thiện nguyện cứu trợ, chỉ là cách làm “chữa cháy” tạm thời, giống như chúng ta mang phần gạo đến tặng cho người nghèo. Họ nấu xong phần gạo thì nghèo vẫn hoàn nghèo. Những người làm từ thiện phải tính toán và phối hợp với địa phương để tìm hướng ra hiệu quả, giúp cho người nghèo có giống để từ đó mà gieo mạ, như vậy mới lâu bền. Hầu hết những người cùng chung tay làm từ thiện với ông đều đồng ý cách làm này. Để giúp các gia đình khó khăn thoát nghèo một cách bền vững, ông cùng những nhà hảo tâm đã đưa ra tiêu chí về thứ tự ưu tiên giúp đỡ: học hành, sức khỏe, mưu sinh và nhà cửa. 

Sau  26 năm khởi nghiệp, ông vẫn luôn dành cái tâm của mình cho những mảnh đời khó nhọc. Hầu như các chương trình từ thiện ông được mời tham gia, ông đều nhận lời mà hiếm khi lắc đầu từ chối. Tấm lòng vàng của ông đã và đang là động lực để người khác vươn lên, thoát khỏi những khó khăn cùng cực để thay đổi cuộc sống tốt đẹp hơn.

Ông Nguyễn Văn Liêm – Doanh nhân gắn với thương hiệu bất động sản Thủ Thiêm Land

Ông Nguyễn Văn Liêm, (ảnh: viettimes.vn)

Ông Nguyễn Văn Liêm sinh năm 1971 và lớn lên ở xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định. Sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, ông rời quê hương vào Sài Gòn đi học Đại Học Ngân Hàng từ năm 1990. Ra trường, ông đã bén duyên cùng nghiệp bất động sản và từ đó đến nay, ông đã trải qua hơn 20 năm thăng trầm lập nghiệp ở đất Sài Gòn.

Đối với ông Nguyễn Văn Liêm, có lẽ thành tựu lớn nhất không phải là làm được nhiều dự án cao ốc hay đất nền mà là tạo được môi trường sống lý tưởng cho người dân. Nhìn lại từ những dự án đầu tay của ông như The Harmona, chung cư 91 Phạm Văn Hai, dự án City Horse, hay những dự án hiện nay như chung cư Sensation quận 2, khu đô thị Thủ Thiêm 6.18 ha,… Ta đều thấy môi trường sống lành mạnh là điểm nhấn quan trọng nhất trong tư duy kinh doanh bất động sản của ông. Trong đó không gian xanh mát, hồ bơi, phòng tập thể dục, nhà trẻ, trường học,... là yếu tố bắt buộc không thể thiếu.

Không chỉ thành công với các dự án bất động sản, ông Nguyễn Văn Liêm còn nổi tiếng với các thương vụ tái cấu trúc doanh nghiệp. Điển hình là Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Thuỷ sản Sài Gòn, từ một doanh nghiệp lỗ triền miên nhiều năm liền, sau một thời gian được ông tham gia tái cấu trúc, doanh nghiệp đã thay da đổi thịt và trở thành một đơn vị có tình hình tài chính ổn định và phát triển bền vững. Hay Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam, đã từng là một doanh nghiệp hàng đầu của ngành tơ lụa Việt Nam, nhưng sau đó hoạt động thua lỗ, đứng bên bờ vực phá sản. Sau khi ông Nguyễn Văn Liêm tham gia tái cấu trúc, doanh nghiệp này đã phát triển ổn định trở lại và có những bước tiến đột phá. Ông cho biết ông tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp yếu kém với một tâm niệm là giữ cho bằng được một thương hiệu tơ lụa lâu đời của Việt Nam, quyết tâm không để thương hiệu của quốc gia bị mai một và biến mất trên thương trường trong nước và thế giới.

Là một người luôn chú trọng các hoạt động từ thiện và quan tâm đến vấn đề an sinh, xã hội, hàng năm, Tập đoàn Thủ Thiêm của ông đều hỗ trợ cho các chương trình từ thiện với mức tài trợ không hề nhỏ như: ủng hộ bệnh nhân nghèo tỉnh Bình Định với số tiền 1 tỷ đồng; liên kết với đối tác ủng hộ chương trình mổ mắt nhân đạo cho 250 người tại huyện Phù Mỹ với số tiền 900 triệu đồng; ủng hộ quỹ khuyến học tỉnh Bình Định với số tiền 250 triệu đồng; hỗ trợ Hội đồng hương tỉnh Bình Định với số tiền 500 triệu đồng; ủng hộ quỹ học bổng Quang Trung – Bình Định với số tiền 1 tỷ đồng; tài trợ giải golf với số tiền 500 triệu đồng,…

Tóm lại, với sự thành công trên thương trường và lòng nhiệt tâm hỗ trợ các hoạt động thiện nguyện, ông Nguyễn Văn Liêm được biết đến như một doanh nhân có tâm, có tầm và có ảnh hưởng lớn trong cộng đồng người Bình Định.

Ông Lê Phước Vũ – Doanh nhân nổi tiếng với thương hiệu “Tôn Hoa Sen”

Ông Lê Phước Vũ, (ảnh: doanhnhansaigon.vn)

Ông Lê Phước Vũ xuất thân từ một gia đình nghèo ở Bình Định. Ra trường, ông cùng gia đình khăn gói ngược phương Nam. Hai năm đầu, ông làm việc cho một công ty vận tải ở Tây Ninh, thường xuyên chạy tuyến Sài Gòn – Vinh. Thời gian này, ông và gia đình vẫn phải sống trong khó khăn. Hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn đẩy vợ chồng ông lên Buôn Ma Thuột thử lập nghiệp, nhưng hy vọng cũng nhanh chóng tàn lụi 2 tháng sau đó.

Trở lại Sài Gòn lần hai, ông được mời làm quản đốc Công ty Gỗ Đức Thành. Trong thời gian này, ông tình cờ gặp giám đốc một công ty thép nước ngoài đang hoạt động tại Việt Nam và được gợi ý thử tự kinh doanh. Năm 1994, chỉ với 2 chỉ vàng trong tay, ông khởi nghiệp kinh doanh với một cửa hàng nhỏ bán tôn.

Đến năm 1997, nhận ra cửa hàng kinh doanh tôn hoạt động không còn hiệu quả, Lê Phước Vũ nghĩ đến chuyện mở một xưởng cán tôn. Bên cạnh việc mua máy móc thiết bị thanh toán trả góp, ông phải cạnh tranh với rất nhiều công ty khác, thậm chí nhiều lúc xưởng của ông ngấp nghé bở vực phá sản. Dần dần, xưởng của ông thu hút được nhiều khách hàng, hoạt động kinh doanh ngày càng thuận lợi. Ông tính chuyện mở rộng, thành lập thêm nhiều xưởng cán tôn khác. Trong thời gian đó, ông đã tìm cách tiếp cận nhiều nguồn vốn khác nhau cũng như học hỏi các công nghệ sản xuất mới và kiến thức về quản trị kinh doanh.

Năm 2001, ông thành lập Công ty cổ phần Hoa Sen với số vốn ban đầu 30 tỷ đồng, vỏn vẹn 22 nhân viên. Từ một công ty nhỏ, sau hơn 10 năm, giờ đây Hoa Sen đã vững vàng với vị thế là một Tập đoàn kinh tế tư nhân hàng đầu Việt Nam. Kể từ khi thành lập, ông chú trọng việc tổ chức hàng loạt các hoạt động xã hội, hoạt động thiện nguyện. Trong số đó, phải kể đến việc là nhà tài trợ chính cho chương trình “Giải bóng đá Fusal trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” gây nên tiếng vang lớn.

Tôn Hoa Sen và những “Giải bóng đá Fusal trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt – Cúp Tôn Hoa Sen” kể từ khi được tổ chức đã gây được ấn tượng mạnh trong lòng công chúng. Giải đấu phong trào được tổ chức lâu dài, bền bỉ nhất và chưa một lần gián đoạn. Có được thành quả này, trước hết là thu hút sự yêu thương - tin tưởng từ các các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, các Cơ quan ban ngành,  lãnh đạo các đơn vị. Bên cạnh đó, không thể không kể đến là sự đồng hành hơn 1 thập kỷ qua của Nhà tài trợ chính là Tập đoàn Hoa Sen với Thương hiệu Quốc gia Tôn Hoa Sen. Đến nay, giải bóng đá Fusal đã tổ chức được 19 lần và được đông đảo người dân quan tâm và hưởng ứng.

“Giải bóng đá Fusal trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” là hoạt động bổ ích và là một sân chơi lành mạnh mang đậm ý nghĩa nhân văn sâu sắc dành cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt, để các em có điều kiện rèn luyện thể chất, giao lưu với bạn bè trong tinh thần đoàn kết, thân ái. Được bắt đầu từ năm 1999 “Giải bóng đá Fusal trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt” không chỉ là món quà tinh thần nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6 mà còn là ngày hội thể thao bổ ích, đầy ý nghĩa dành cho các em nhỏ kém may mắn với sự góp mặt của 8 đội bóng đến từ các trường giáo dưỡng và làng trẻ em SOS trên cả nước. Cũng từ sân chơi này, nhiều em đã có thêm nghị lực vươn lên trong cuộc sống để trở thành những cầu thủ chuyên nghiệp, những người có ích cho xã hội như: Lê Bảo Khánh (thủ môn đội tuyển Futsal Việt Nam, CLB Thái Sơn Nam), Ngô Minh Sang (tiền vệ đội bóng Maseco), Nguyễn Văn Mẹo (tiền vệ đội SHB - Đà Nẵng),….

Với tư cách là nhà tài trợ chính, sự đồng hành của Tập đoàn Tôn Hoa Sen đã đóp góp phần tạo ra một sân chơi thể thao bổ ích dành cho các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt, mang đến cơ hội giao lưu, thi đấu với bạn bè từ khắp các nơi trên cả nước, đồng thời phát hiện và nuôi dưỡng những tài năng trẻ, góp phần vào sự phát triển của nền bóng đá Việt Nam.

Nguyễn Đình Trung – Tổng Giám Đốc Hung Thinh Corp

Ông Nguyễn Đình Trung, (ảnh: cafef.vn)

Đối với làng bất động sản TP. HCM, cái tên Hung Thinh Corp không hề xa lạ. Tuy nhiên, ít ai biết được, người sáng lập ra công ty này lại là một người ngoại đạo của lĩnh vực kinh doanh. Ông chủ của Hung Thinh Corp học chuyên ngành kế toán và đến với TP.HCM vào những năm 1990. Dù học ngành kế toán, nhưng ấn tượng với sự phát triển đô thị quá lớn, mọi thứ diễn ra quá nhanh khi những tòa nhà cao tầng liên tục mọc lên và sức hút phát triển đô thị quá lớn đã kéo ông đến với ngành kinh doanh địa ốc.

Ra trường, ông xin đi làm công nhân một thời gian. Thời điểm đó, ông vẫn tìm hiểu và mở rộng mối quan hệ trong ngành với những người bạn kỹ sư xây dựng. Cuối cùng, ông quyết định thử sức với đam mê của mình. Với số tiền ít ỏi tích lũy được từ việc đi làm thuê, ông quyết định mở công ty nhỏ. Lúc đó, công ty chủ yếu làm về giấy tờ nhà đất, môi giới bất động sản.

Từ những bước đi đầu hết sức khó khăn và trải qua biết bao thăng trầm của thị trường, Hung Thinh Corp đã phát triển mạnh mẽ với 18 công ty thành viên, 3 văn phòng đại diện, hệ thống 7 sàn giao dịch quy mô cùng đội ngũ hơn 2.000 nhân sự hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả ở các lĩnh vực đầu tư, thiết kế, xây dựng, nội thất và phân phối sản phẩm.

Thực tế đã chứng minh, những dự án mà căn hộ mà Hung Thinh Corp đã phân phối như The Harmona, 155 Nguyễn Chí Thanh, 26 Nguyễn Thượng Hiền, Screc II Metro Apartment, Phúc Yên 2,…đều có báo cáo khả quan. Với các dự án đang “trùm mền”, tùy vào đặc tính của mỗi dự án, có thể hợp tác cùng đầu tư hoặc đưa ra những giải pháp khép kín. Một số dự án đã đem lại thành công như 91 Nguyễn Văn Hai hợp tác đầu tư cùng Tamexim, Metro Apartment, căn hộ 27 – Trường Chinh. Với tốc độ phát triển nhanh và mạnh như hiện nay, Hung Thinh Corp đang được đánh giá là một trong 5 doanh nghiệp bất động sản lớn nhất thị trường TP. HCM và còn có khả năng vươn cao và xa hơn nữa trên thị trường bất động sản.

Nêu cao tinh thần “ uống nước nhớ nguồn”, Hung Thinh Corp đã thực hiện hàng loạt các chương trình khắp mọi miền đất nước nói chung và Bình Định nói riêng. Hằng năm, Hung Thinh Corp đều tài trợ cho các chương trình từ thiện, nhất là các chương trình do Hội đồng hương Bình Định tại TP. HCM tổ chức với mức tài trợ không hề nhỏ như: tài trợ cho chương trình truyền thống “Ngày hội Người Bình Định thường niên”; trao tặng phần quà cho bà con có hoàn cảnh kinh tế khó khăn khó khăn tại các huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Bình Định; trao tặng tiền mặt để giúp đỡ các gia đình bị thiệt hại do lũ gây ra,… Song song đó, Hung Thinh Corp còn vận động Ban lãnh đạo cùng toàn thể cán bộ - nhân viên trực tiếp tham gia các hoạt động vì cộng đồng xã hội, chương trình xây nhà tình nghĩa, các quỹ bảo trợ người nghèo, quỹ bảo vệ trẻ em,…

Bác sĩ Hồ Ngọc Tiên Trung – Ông chủ của thương hiệu “Nha khoa Đại Nam”

Bs Hồ Ngọc Tiên Trung, (ảnh: duyendangdoanhnhan.com)

Sinh ra và lớn lên trong hoàn cảnh gia đình khó khăn, sau khi tốt nghiệp trung học phổ thông, thuộc số ít người dám nghĩ dám làm, thanh niên Hồ Ngọc Tiên Trung quyết định học nha khoa khi ngành này vẫn chưa thật sự được nhiều người chú ý theo đuổi. Ra trường với tấm bằng đại học trên tay, bác sĩ (BS) Trung xin và làm việc tại một bệnh viện, rồi gây dựng nên một phòng khám nho nhỏ. Lấy đà phát triển và bản lĩnh nam nhi, BS. Trung liên tục đầu tư mở một chuỗi Nha khoa Đại Nam tại các tỉnh Bình Dương, Mỹ Tho, Nha Trang, Phan Rang, Phan Thiết, Gia Lai, Đà Nẵng và Thành phố Hồ Chí Minh. Một hệ thống Nha khoa Đại Nam ra đời và ngày càng phát triển vững mạnh bằng cái tâm, cái tài và cái đức của một người nha sĩ. Đến thời điểm hiện tại, Nha khoa Đại Nam đã tạo được quy mô hoạt động lớn với hơn 30 chi nhánh trên khắp cả nước.

Thành công như ngày hôm nay, BS. Trung tâm niệm rằng trên con đường phát triển sự nghiệp của bản thân phải luôn xem trọng công tác từ thiện, các hoạt động cộng đồng và nhất là cống hiến một phần cho quê hương Bình Định thân yêu. BS. Trung luôn nhiệt tình tham gia vào các hoạt động từ thiện ở khắp nơi, đặc biệt là hỗ trợ các tổ chức khuyến học được tổ chức bởi Hội Đồng hương Bình Định. Đã từng trải qua những khó khăn về tài chính khi còn đi học, BS. Trung hiểu và muốn tạo điều kiện tốt chắp cánh cho các thế hệ trẻ thực hiện ước mơ tiếp cận tri thức để có thể thay đổi cuộc sống của chính mình. Tại Nha khoa Đại Nam, rất nhiều nhân viên cũng là những người con Bình Định. Điều cũng dễ hiểu khi BS. Trung luôn hết lòng hỗ trợ, tạo việc làm và chăm sóc đời sống cho những người đồng hương.

BS. Hồ Ngọc Tiên Trung –  Giám Đốc Nha khoa Đại Nam, người con sinh ra từ vùng đất bao quanh là núi đồi, người dân quanh năm chỉ mưu sinh bằng nghề nông lâm, ít có điều kiện tiếp cận đến giáo đã gặt hái được thành công lớn nhờ vào chính đôi bàn tay vàng của mình. BS. Trung đã đưa Nha khoa Đại Nam trở thành một địa chỉ tin cậy cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe răng miệng cho các gia đình. Nha khoa Đại Nam luôn được đánh giá cao về chất lượng dịch vụ và sự đầu tư kỹ càng, đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực của Nha khoa quốc tế, không ngừng nâng cao công nghệ điều trị.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật