Người chiến sĩ trở về nhà sau khi được “truy điệu sống”

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đã truy điệu, được công nhận là liệt sĩ nhưng rồi ông Hà Ngọc Ninh (thôn Mương Làng, xã Nghĩa Phương, Lục Nam, Bắc Giang) đã trở về bằng xương bằng thịt. Ký ức oanh liệt thời chiến còn đó, xen kẽ cùng những năm tháng mưu sinh khó nhọc. Như được sinh ra lần hai, nên với ông, dù nghèo cũng phải sống sao xứng đáng với đồng đội, người thân và Tổ quốc.
Người chiến sĩ trở về nhà sau khi được “truy điệu sống”
- Ông Hà Ngọc Ninh và công việc hàng ngày

Đã truy điệu, được công nhận là liệt sĩ nhưng rồi ông Hà Ngọc Ninh (thôn Mương Làng, xã Nghĩa Phương, Lục Nam, Bắc Giang) đã trở về bằng xương bằng thịt. Ký ức oanh liệt thời chiến còn đó, xen kẽ cùng những năm tháng mưu sinh khó nhọc. Như được sinh ra lần hai, nên với ông, dù nghèo cũng phải sống sao xứng đáng với đồng đội, người thân và Tổ quốc.

sống sót sau ba lần bị thương

Phải qua rất nhiều đoạn đường gập gềnh, hiểm trở chúng tôi mới đến được thôn Mương Làng. Do không hẹn trước nên chúng tôi không gặp ông Ninh được. Đám trẻ con xung quanh nhà bảo ông bận lắm. Chẳng phải bận vì điều gì to tát mà vì vợ chồng ông chẳng có công ăn việc làm ổn định nên hai thân già phải làm đủ thứ việc để mưu sinh. Mọi người trong làng nói là chẳng mấy khi hai ông bà ở nhà. Rồi ông Ninh cũng về khi chiều đã dần buông trên miền gió núi heo hút. Nhấp ngụm trà trong căn nhà nhỏ, chênh vênh trên sườn đồi, ông Ninh bảo, với ông, chiến tranh đã kết thúc từ lâu nhưng với ông nó còn mới, cứ như là chuyện của ngày hôm qua. Bởi đời ông có quá nhiều để kể, có nhiều kỉ niệm khắc sâu trong tâm khảm, tuổi già bị lẫn nhưng kí ức ngày xa xưa thì chỉ bị xóa sạch khi ông nhắm mắt xuôi tay.

Ông Ninh lấy ra các kỉ vật thời chiến, chậm rãi kể về “sự tích” của từng món đồ. Trên tờ giấy chứng nhận thương binh đôi chỗ đã rách và mực nhòe đi vì thời gian, ông đã dán lại cẩn thận từng mép giấy. Chỉ tay vào những vết thương của một thời bom đạn, ông Ninh ngậm ngùi: "Tôi may mắn hơn bao đồng chí đồng đội. Dù nhiều lần bị thương nhưng vẫn còn sống để trở về".

Ông Ninh vốn sinh ra trong gia đình nông dân có 8 anh chị em. Năm 1966, chàng trai 17 tuổi đen đúa, nhỏ thó viết đơn xin nhập ngũ. Rồi ông xách ba lô xuyên Trường Sơn vào chiến trường, chiến đấu ở Nhơn Trạch (Biên Hòa, Đồng Nai). Đến năm 1967, ông Ninh được bổ sung về Đại đội 1, Tiểu đoàn 1, Trung đoàn 4 thuộc Quân khu 7. Ông chiến đấu được 4 năm thì đến đơn vị ông bị một trận oanh tạc lớn của máy bay Mỹ. Trong lúc đang chỉ huy chiến đấu, ông Ninh bị trúng đạn và được đưa về hậu cứ. Vết thương bình phục, chiến sĩ Hà Ngọc Ninh lại vào trận. Vào trận lại bị thương, tính ra tổng cộng 3 lần, ông toàn bị thương nặng nhưng tử thần lại liên tiếp buông tha ông. Thế rồi trận bom năm 1972, khi đánh trận tại Trảng Bàng (Tây Ninh), bom Mỹ đã khiến ông chấn thương sọ não.

Cũng từ đó sức khỏe yếu đi, ông trở về hậu cứ tăng gia sản xuất cho Trung đội rồi phục viên. Nhưng vì sức khỏe ngày càng yếu nên ông chưa thể về quê. Dần dần, do di chứng tại sọ não khiến những kí ức về miền quê Lục Nam mờ dần theo những tháng ngày lúc nhớ, lúc quên của ông.

Sau giải phóng, cha mẹ, anh em ông Ninh bao lần thấp thỏm, ngóng đợi nhưng càng trông ngóng càng không có một dòng tin tức.

Do anh trai cũng đã hi sinh ở chiến trường miền Nam nên cả nhà dồn niềm tin, hi vọng vào sự trở về của ông. Đến khi tấm giấy báo tử mang tên Hà Ngọc Ninh được đưa đến, hi vọng của gia đình lụi tắt. Cha mẹ ông vô cùng đau đớn, lập bàn thờ và lấy ngày 27/7 hàng năm là ngày giỗ. Năm 1997, chính quyền địa phương đã tổ chức lễ truy điệu, đặt mộ vọng tại nghĩa trang liệt sĩ của xã.

Sau đó vài tháng, gia đình ông Ninh bất ngờ nhận được một lá thư. Trên phong thư ghi rõ “Con Hà Văn Ninh gửi bố”. Không tin vào mắt mình, mọi người trong gia đình còn nghi ngờ có người gửi thư trêu đùa. Bà Hà Thị Liên, em gái út của ông Ninh nhớ lại: “Khi mở thư ra, tay bố tôi run run không cầm nổi. Ông òa khóc: Thằng Kiểm (tên ở nhà của ông Ninh) còn sống! Nó chưa chết”. Gia đình tôi muốn đi tìm gặp anh Ninh nhưng phần vì lúc đó bố tôi tuổi cao, sức yếu không tự đi lại được, gia đình lại quá khó khăn nên việc đón anh Ninh về vẫn còn bỏ ngỏ".

Gian nan ngày về

Mãi đến tháng 6/2002, trong một lần đi du lịch đến Hội An (Quảng Nam), anh Sáng quyết định tìm đến gặp người cậu đã biệt tăm, biệt tích nhiều năm của mình để đưa về quê. Sự cố gắng đó đã có kết quả. Biết tin ông trở về, người thân, họ hàng ra đứng đón kín ngõ, ai cũng mong chờ giây phút được gặp ông Ninh. Xe dừng chân trước cổng nhà. ở tuổi ngoài 80, tay chân bố mẹ ông cứ run lên, đôi mắt rưng rưng… không nói nên lời. Mẹ ông vội vàng sờ mặt mũi, nắm chân, nắm tay và nhận ra đây chính là con trai của mình, tưởng như đã bị chiến tranh cướp mất. Cả xóm náo nhiệt hẳn lên với tin vui quá hi hữu: “Người chết trở về!”

Suốt đêm hôm đó và những ngày sau, gian nhà của gia đình ông luôn chật ních bà con xa gần đến thăm. Khi mọi người hỏi “Tại sao giải phóng rồi mà ông không liên lạc về gia đình ?”, ông ngậm ngùi kể: “Sau khi ở lại Đồng Nai, tôi lập gia đình với cô Nguyễn Thị Thứ quê ở huyện Thăng Bình (Quảng Nam) và về quê vợ sinh sống. Lúc nhớ, lúc quên nên chẳng nhớ được chính xác quê mình ở đâu.

Đến khi bệnh tình thuyên giảm, trí nhớ hồi phục thì kinh tế gia đình quá khó khăn. Lo ăn từng bữa đã khó, nói gì đi hành trình hơn 1 nửa đất nước để về quê. Cái mong ước nhỏ bé ấy cũng không thực hiện được. Mặt khác, vì chưa thạo viết chữ nên tôi cũng không thể gửi một lá thư hay dòng chữ nào cho gia đình suốt bao nhiêu năm dài”.

Đưa vợ và hai con trai về quê được không lâu, bà Thứ lại đòi trở về Quảng Nam do không phù hợp với khí hậu miền Bắc. Thương vợ, thương con nhưng nỗi nhớ quê hương đã níu chân người cựu binh ở lại. Một mình ở lại quê trong căn nhà ọp ẹp, rạn nứt chằng chịt, mỗi khi trái gió trở trời, những vết thương lại hành hạ c‌ơ th‌ể ông.

Ông Nguyễn Hữu Long, Bí thư Đảng ủy xã Nghĩa Phương cho biết: “Ngay sau khi biết tin liệt sĩ Hà Ngọc Ninh trở về, các ban, ngành, đoàn thể cũng đã tới động viên, thăm hỏi và hướng dẫn gia đình làm các thủ tục cần thiết để làm chế độ chính sách và giúp đỡ liệt sĩ Ninh sớm ổn định cuộc sống”.

Mặc dù được Nhà nước quan tâm, giải quyết chế độ thương binh nhưng do mắc nhiều bệnh lại sống đơn thân nên cuộc sống của ông Ninh rất khó khăn, vất vả. Khoản tiền được trợ cấp hàng tháng theo chế độ, ông chỉ dám chi tiêu dè xẻn, phòng khi đau ốm. Năm ngoái, ông bị ốm nặng phải nhập viện hơn hai tháng. Thông cảm với hoàn cảnh éo le đó, một phụ nữ cùng xã đã qua lại giúp đỡ ông.

Giờ đây, cứ vài ba ngày, hai ông bà lại kéo xe cải tiến gần hai cây số vào rừng lấy củi khô đem bán để có tiền chi tiêu hàng ngày.

Tham gia chiến đấu ở chiến trường Nhơn Trạch - Biên Hòa hơn 9 năm, đây là một trong những điểm nóng về chất độc da cam/điôxin, giờ ông Hà Ngọc Ninh có một nguyện vọng thiết tha là được các cơ quan chức năng giúp đỡ ông khám sức khỏe, thực hiện các thủ tục để nếu đúng là bị nhiễm chất độc da cam thì sớm được hưởng chế độ theo quy định.

Nắng đã ngả vàng. Trong gian bếp chật hẹp khói đã tỏa lên chuẩn bị cho bữa cơm chiều. Ông Ninh vừa nói vừa ghì bó củi đang bó dở vào đôi chân đang run bần bật vì thương tật của mình: “Tôi như được sinh ra lần thứ hai, nên tôi luôn tâm niệm phải sống sao cho xứng đáng với đồng đội, người thân và Tổ quốc. Mong rằng thế hệ trẻ hôm nay luôn biết trân trọng quá khứ để sống tốt, làm việc có ích cho xã hội”. Nói đến chừng ấy, mắt ông đỏ hoe lại. Nhìn xa xăm, ông lại nhớ hai đứa con trai đã lâu rồi không về quê thăm bố...

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật