SpaceX của Elon Musk ra đời thế nào?

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lần đầu tiên Elon Musk nghĩ tới ý tưởng bước vào ngành kinh doanh không gian trên chuyến bay trở về từ Moscow (Nga) vào tháng 2/2002. Bốn tháng sau SpaceX ra đời.
SpaceX của Elon Musk ra đời thế nào?
Elon Musk - người sáng lập SpaceX và đồng sáng lập Tesla, PayPal. Ảnh: Getty.

Lần đầu tiên nghĩ tới ý tưởng bước vào ngành kinh doanh không gian trên chuyến bay trở về từ Moscow (Nga) vào tháng 2/2002, Elon Musk liệt kê hàng loạt doanh nhân đã vung vít hàng triệu đôla vào việc chế tạo tên lửa thương mại và nhận kết cục thảm hại.

Tuy nhiên, ít nhất Musk có một lý do để nghĩ rằng anh sẽ là người đầu tiên đạt tới thành công tại chính nơi mà những người khác ngã xuống. Lý do đó chính là Tom Mueller.

Mueller say mê sửa chữa đồ đạc và chế tạo tên lửa từ tấm bé. Anh đặt các bộ lắp ghép rồi ráp lại thành tên lửa. Chẳng mấy chốc, anh đã tự thiết kế và chế tạo thành công. Sau khi tốt nghiệp đại học, anh làm việc trong lĩnh vực vệ tinh, chất nổ đẩy và động cơ tại các công ty hàng không vũ trụ lừng danh như TRW và tiếp tục dành thời gian rảnh rỗi để chế tạo tên lửa.

Tháng 1/2002, khi Mueller đang loay hoay với một động cơ 36 kg ở xưởng của một người bạn thì Elon xuất hiện. Cantrell đã đề nghị Musk ghé qua tìm hiểu về xưởng và xem xét các thiết kế của Mueller.

Lúc ấy, Mueller đang vác động cơ 36 kg trên vai và cố gắn nó vào một cấu trúc hỗ trợ thì bị Musk tấn công dồn dập. “Anh ấy hỏi tôi, nó tạo ra bao nhiêu lực đẩy”, Mueller kể lại. “Anh ấy muốn biết liệu tôi đã từng làm việc với thứ gì lớn hơn chưa. Tôi đáp lại là có, tôi từng làm việc với một động cơ đẩy nặng 29,5 tấn tại TRW và hiểu tường tận mọi thứ”.

Mueller đặt động cơ xuống đất và cố gắng bắt kịp màn chất vấn của Musk. “Chi phí cho một động cơ như vậy hết bao nhiêu?”, Musk hỏi. Mueller trả lời rằng TRW đã chế tạo nó với khoảng 12 triệu đôla. Musk tiếp lời: “Ừm! Nhưng anh có thể tạo ra nó với chi phí thực là bao nhiêu?”.

Mueller chuyện trò với Musk hàng giờ liền. Cuối tuần sau đó, Mueller mời Musk đến nhà để tiếp tục thảo luận. Musk biết rằng anh đã thực sự tìm ra một người am hiểu việc chế tạo tên lửa. Sau đó, Musk giới thiệu Mueller với các chuyên gia hàng không khác. Mueller thực sự ấn tượng với đội ngũ đó.

Mueller giúp Musk điền bảng tính chi phí chế tạo một quả tên lửa thế hệ mới. Nó sẽ không mang theo các vệ tinh nặng cỡ xe tải như vài quả tên lửa quái vật mà Boeing, Lockheed, Nga và một số quốc gia khác phóng lên. Thay vào đó, nó ra đời dựa trên quan điểm rằng: một số nhóm người và công ty muốn gửi hàng hóa phục vụ cho mục đích nghiên cứu lẫn thử nghiệm lên không gian nếu ai đó có thể hạ giá thành triệt để cho mỗi lần phóng. Musk thích thú ý tưởng phát triển “con ngựa thồ” cho kỷ nguyên mới trong không gian.

Dĩ nhiên, tất cả những điều này chỉ là lý thuyết rồi đột nhiên mọi chuyện thay đổi khi PayPal chính thức lên sàn vào tháng 2/2002 với giá cổ phiếu tăng vọt lên 55%. Bên cạnh đó, Musk biết eBay đang nuôi ý định mua lại công ty này. Trong lúc đang suy ngẫm về ý tưởng tên lửa thì tổng tài sản của Musk đã tăng vọt từ hàng chục lên hàng trăm triệu đôla.

Đến tháng 4/2002, Musk chính thức từ bỏ ý tưởng khiến công chúng sửng sốt và cam kết thành lập một công ty hàng không đúng nghĩa. Anh lôi kéo Cantrell, Griffin, Mueller, và Chris Thompson, một kỹ sư hàng không vũ trụ tại Boeing về phía mình và tuyên bố với cả nhóm: “Tôi muốn thành lập công ty này. Nếu các anh muốn, chúng ta hãy cùng nhau làm điều đó”.

Bên trong nhà máy chế tạo tên lửa của SpaceX.

Vào tháng 6/2002, công ty Space Exploration Technologies (SpaceX) ra đời với quy mô khiêm tốn. Musk mua lại một nhà kho cũ tại El Segundo, khu ngoại ô Los Angeles, nơi đặt trụ sở của rất nhiều công ty hàng không vũ trụ. Trong tuần hoạt động đầu tiên của SpaceX, xe tải ra vào tấp nập. Trên xe chất đầy máy tính Dell, máy in cùng những chiếc bàn gấp để làm việc. Musk bước tới một chiếc xe, kéo cửa lên và tự tay dỡ thiết bị xuống.

Musk đã nhanh chóng thay đổi văn phòng SpaceX với lớp sơn tường trắng tươi rói. Bàn làm việc đặt rải rác khắp nhà máy để các nhà khoa học máy tính và kỹ sư thiết kế máy móc từ Ivy League có thể ngồi cùng thợ hàn, thợ máy khi chế tạo phần cứng. Cách tiếp cận này là bước đột phá đầu tiên của SpaceX so với các công ty hàng không vũ trụ truyền thống luôn muốn tách biệt kỹ sư với thợ máy và các nhóm khác.

Khi tá nhân viên đầu tiên tới văn phòng, họ được thông báo rằng SpaceX sẽ tự chế tạo động cơ rồi làm việc với nhà cung cấp các bộ phận khác. Công ty sẽ tạo ra lợi thế cạnh tranh bằng cách sản xuất ra loại động cơ rẻ, tốt hơn và cải tiến quy trình lắp ráp để tạo ra những quả tên lửa bay nhanh nhất với chi phí thấp. Viễn cảnh này bao gồm việc lắp đặt bệ phóng lưu động có thể chuyển tới nhiều vị trí khác nhau - dễ dàng, gọn gàng. SpaceX dự tính sẽ hoàn thiện quy trình này để có thể phóng nhiều đợt mỗi tháng và thu lại lợi nhuận tối đa.

SpaceX là nỗ lực của Mỹ trong việc tái thiết ngành kinh doanh tên lửa. Musk cảm thấy ngành công nghiệp không gian hầu như đã giậm chân tại chỗ trong khoảng 50 năm trở lại đây. Các công ty hàng không ít cạnh tranh với nhau và có xu hướng chế tạo những sản phẩm đắt đỏ để đạt thành quả tối đa, trong khi sản phẩm rẻ hơn, ít mạnh mẽ hơn vẫn hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Musk tuyên bố quả tên lửa đầu tiên của SpaceX sẽ mang tên gọi Falcon 1 để thể hiện niềm yêu thích với chiếc tàu Millennium Falcon trong loạt phim Star Wars. Vào thời điểm đó, chi phí phóng một tàu vận tải 250 kg là 30 triệu đôla trở lên và Musk cam kết Falcon 1 sẽ mang được một tàu trọng tải 635 kg với giá chỉ 6,9 triệu đôla.

Khi giới đam mê không gian tìm hiểu về công ty mới này, họ vui mừng vì đã có người quyết định thực hiện phương pháp nhanh chóng và ít tốn kém. Vài nhân vật trong giới quân sự đã thúc đẩy ý tưởng cho phép lực lượng vũ trang tăng cường thêm khả năng tấn công ngoài không gian hay như cách họ gọi: “lời đáp trả từ không gian”.

Tên lửa Falcon 9 của SpaceX đã cất cánh lúc ngày 30/5/2020 từ bệ phóng của Trung tâm không gian Kennedy ở Florida (Mỹ).

Nếu xung đột nổ ra, quân đội muốn có khả năng đáp trả bằng các vệ tinh được xây dựng riêng cho nhiệm vụ đó. Điều đó đồng nghĩa với việc thoát khỏi mô hình vốn phải mất mười năm để xây dựng và triển khai vệ tinh cho nhiệm vụ cụ thể này. Thay vào đó, giới quân sự muốn có những vệ tinh rẻ, nhỏ hơn, có thể biến đổi thông qua phần mềm và phóng lên trong thời gian ngắn như những vệ tinh dùng một lần.

Giống như quân đội, các nhà khoa học cũng muốn nhanh chóng thâm nhập vào không gian và phóng các thiết bị thử nghiệm lên rồi nhận dữ liệu trả về đều đặn. Một số công ty trong nhiều ngành công nghiệp khác cũng quan tâm tới những chuyến du hành không gian để nghiên cứu điều kiện thiếu trọng lực sẽ ảnh hưởng thế nào tới đặc tính sản phẩm.

Phương tiện phóng giá rẻ nghe có vẻ hấp dẫn nhưng tỷ lệ một công ty tư nhân có thể tự chế tên lửa hoạt động hiệu quả thật xa vời. Các tên lửa dùng để vận chuyển thiết bị lên không gian phần lớn được điều chỉnh, chế tạo qua hàng thập kỷ thử nghiệm, sửa đổi và do chính phủ trợ vốn hàng tỷ đôla. SpaceX không có đủ ngân sách để tài trợ cho một chuỗi các cuộc thử nghiệm như vậy. Khá nhất, SpaceX chỉ có từ ba đến bốn lần phóng để làm Falcon 1 hoạt động.

“Mọi người nghĩ chúng tôi điên rồi!”, Mueller nói. “Tại TRW, tôi có cả một đội quân và ngân sách do chính phủ cấp. Giờ chúng tôi phải chế tạo tên lửa giá rẻ ngay từ những bước đầu tiên với một nhúm người. Chẳng ai nghĩ nó sẽ thành công.”

Cực phấn khích vì kế hoạch đầy thách thức này, tháng 7 năm 2002, Musk bỏ 100 triệu đô-la từ khoản tiền thu được nhờ PayPal vào SpaceX. Với khoản đầu tư khổng lồ đó, không ai có thể tước quyền kiểm soát SpaceX khỏi tay Musk như cách họ đã từng làm với Zip2 và PayPal.

Cuốn sách về Elon Musk của Ashlee Vance do alphabooks phát hành.

Rồi đột nhiên tất cả những điều này dường như chẳng còn nghĩa lý gì. Justine sinh bé trai Nevada Alexander Musk. Nhưng cậu bé đột ngột qua đời khi mới được 10 tuần tuổi, đúng lúc thương vụ eBay được công bố. Nhà Musk đã ủ Nevada để cậu bé chợp mắt một chút và đặt cậu bé nằm ngửa như cách được hướng dẫn. Khi quay lại kiểm tra, bé đã ngừng thở.

Sau cái chết của Nevada, Musk vô cùng đau đớn nhưng vẫn trụ vững và từ chối thể hiện cảm xúc. “Nhắc lại chuyện cũ khiến tôi đau lòng”, Musk chia sẻ. “Tôi không chắc mình muốn nói về những sự kiện buồn đau. Nghe chẳng có gì tốt lành cho tương lai. Nếu bạn có những đứa con khác và có nghĩa vụ với chúng thì việc chìm đắm trong buồn bã chẳng mang lại điều tốt đẹp gì cho những người xung quanh. Tôi không chắc mình nên làm gì trong hoàn cảnh đó”.

Anh quyết định nghĩ về chuyện khác bằng cách vùi đầu làm việc tại SpaceX và nhanh chóng mở rộng mục tiêu của công ty. Cuộc chuyện trò với các nhà thầu hàng không vũ trụ làm Musk thất vọng. Có vẻ như họ đều tính phí cao và làm việc ì ạch. Kế hoạch hợp nhất các bộ phận tên lửa do những công ty này sản xuất chuyển sang quyết định tự chế tạo càng nhiều bộ phận tại SpaceX càng tốt.

Musk tuyển dụng một đội ngũ giám đốc toàn sao bao gồm cả Mueller. Mueller bắt tay chế tạo ngay hai động cơ là Merlin và Kestrel, theo tên hai loài chim ưng. Musk cũng chiêu mộ Gwynne Shotwell, cựu binh trong ngành hàng không vũ trụ vào SpaceX với vai trò là nhân viên kinh doanh đầu tiên. Sau này, cô vươn lên thành nữ chủ tịch và là cánh tay phải đắc lực của Musk.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật