Virus chưa bùng phát, nhưng nạn đói đã đe dọa châu Phi vì Covid-19

Itech Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các lệnh phong tỏa nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus corona đã đẩy hàng triệu người dân châu Phi rơi vào cảnh thiếu thực phẩm trầm trọng.
Virus chưa bùng phát, nhưng nạn đói đã đe dọa châu Phi vì Covid-19
Cảnh dẫm đạp để tranh giành thực phẩm cứu trợ ở Nairobi, Kenya hôm 10/4. Ảnh: AP.

Trên đường phố tại Harare, thủ đô Zimbabwe, người phụ nữ tên Eugene Wadema cất những bước khó nhọc, tìm phương tiện để trở về quê nhà ở một vùng nông thôn cách đó 300 km.

Những ngày trước khi lệnh phong tỏa có hiệu lực, giá thực phẩm tăng đột biến ở mức phần lớn người dân ở quốc gia nghèo khó với tỷ lệ lạm phát cao thứ hai thế giới không thể kham nổi.

"Đây, giá một túi khoai tây hiện là 40 USD. Hôm qua nó chỉ là 15 USD thôi", Wadema nói. Người phụ nữ cho biết quê nhà của cô là khu vực may mắn ít ỏi khi còn tiếp tục nhận được tiếp tế lương thực, tuy nhiên Wadema không chắc nguồn cung còn kéo dài đến khi nào.

Phía sau Wadema, chồng cô đang bế theo một đứa trẻ. Hai đứa trẻ khác, một cặp song sinh 5 tuổi, cố gắng đi bắt kịp cha mẹ, tay kéo lê túi xách với quần áo và những tấm chăn. Tuy nhiên, cả gia đình không có lấy một mẩu thức ăn.

"Nếu tìm được đồ ăn, chúng tôi sẽ chẳng đi đâu cả", Wadema nói.

Câu chuyện trên là điển hình cho bài toán mà châu Phi đang phải giải quyết. Theo AP, các lệnh phong tỏa, dù làm chậm đà lây lan của virus corona, đã làm tổn thương nguồn cung thực phẩm vốn mong manh của châu lục này.

Khó khăn chồng chất

Lệnh phong tỏa tại 33 trong tổng số 54 quốc gia châu Phi đã chia tách nông dân khỏi các khu chợ, đe dọa khả năng cung cấp hàng hóa tới các khu vực nông thôn. Nhiều khu chợ dân sinh, nơi hàng triệu người thường mua thực phẩm, đã buộc phải đóng cửa.

Cứ mỗi 5 người châu Phi thì có 1 người vốn đã không có đủ thực phẩm để sinh sống ngay từ trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tương đương 250 triệu người, theo thống kê của Tổ chức Nông lương thế giới FAO. Tại vùng hạ Sahara, khoảng 25% dân số bị suy dinh dưỡng.

"Con số này lớn hơn gấp đôi bất cứ khu vực nào khác. Với lệnh phong tỏa, các đường biên giới bị đóng và khả năng tiếp cận nguồn thực phẩm bị ngăn trở, tác động của Covid-19 lên châu Phi có thể nói là không giống bất cứ điều gì chúng ta từng biết", Sean Granville-Ross, giám đốc khu vực châu Phi của tổ chức cứu trợ Mercy Corps, cho biết.

Tại thủ đô Nairobi của Kenya, khu ổ chuột Kibera được coi là trên bờ vực khủng hoảng. Tuần trước, một vụ giẫm đạp đã xảy ra khi hàng nghìn người tuyệt vọng tranh giành nhau thực phẩm tại một điểm cứu trợ.

Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đang chịu trách nhiệm cung cấp thực phẩm cho hàng triệu người ở châu Phi, chủ yếu là người dân ở vùng nông thôn, do vô số thảm họa xảy ra ở châu lục này như lũ lụt, hạn hán, xung đột vũ trang, chính phủ bất lực, hay đại dịch châu chấu. Đại dịch Covid-19, vì vậy, càng đè nặng khó khăn lên châu lục.

Sudan là một ví dụ, các biện pháp hạn chế di chuyển để chống sự lây lan của virus đã khiến các nhân viên cứu trợ không thể tiếp cận khoảng 9,2 triệu người, theo tính toán của Liên Hợp Quốc.

Trận hạn hán nghiêm trọng nhất trong nhiều thập kỷ đã đe dọa khoảng 45 triệu người khắp miền Nam châu Phi với nạn đói, khi hàng triệu nông dân vẫn đang vật lộn vượt qua hậu quả hai trận siêu bão đã hủy diệt Mozambique, Zimbabwe và Malawi hồi năm ngoái.

Somalia, một trong những quốc gia bất ổn nhất thế giới, đang vật lộn để cung cấp thực phẩm tới người dân sống ở những vùng do lực lượng cực đoan kiểm soát. Hai tháng trước, Somalia đã ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia sau khi đại dịch châu chấu bùng phát, phá hủy hàng chục nghìn ha hoa màu và đồng cỏ. Khoảng 20 triệu người sau đó rơi vào cảnh thiếu thực phẩm trầm trọng. Nay, châu chấu đã trở lại, thậm chí nhiều hơn trước.

Đói ăn đến trước cả virus

Hàng triệu trẻ em vốn được nuôi ăn nhờ vào chương trình bữa ăn học đường của Chương trình Lương thực Thế giới. Vài tuần sau khi virus corona lan tới châu Phi, các trường học đã buộc phải đóng cửa, khiến 65 triệu trẻ em không thể tiếp cận với thực phẩm.

Với nhiều người dân châu Phi, mối quan tâm trước mắt không phải là virus, đó là làm sao sống sót khỏi các lệnh phong tỏa.

"Phần lớn người châu Phi làm việc trong các lĩnh vực không chính thức, phải ra ngoài hàng ngày. Tôi nghĩ vấn đề quan trọng nhất là làm thế nào tiếp cận được thực phẩm", Matshidiso Moeti, giám đốc khu vực châu Phi của WHO, cho biết.

Virus corona lây lan tại châu Phi tương đối chậm, châu lục này chưa chứng kiến sự gia tăng đột biến các ca nhiễm mới và t‌ử von‌g như những gì xảy ra ở châu Âu, Mỹ và châu Á. Châu lục với 1,3 tỷ dân mới chỉ ghi nhận hơn 15.000 ca nhiễm và 815 trường hợp t‌ử von‌g, dù số liệu này nhiều khả năng không phản ánh đúng tình hình thực tế.

Thế nhưng, trong khi các ca t‌ử von‌g với nguyên nhân trực tiếp vì Covid-19 tương đối thấp, phần lớn các nền kinh tế châu Phi đang gặp nguy khốn vì ảnh hưởng của đại dịch.

"Với nhiều nước nghèo, hậu quả kinh tế sẽ thảm khốc hơn nhiều so với bản thân dịch bệnh", WFP nhận xét.

Người dân ở Johannesburg xếp hàng chờ tới lượt nhận thực phẩm từ nhà hảo tâm tư nhân. Ảnh: AP.

Trong khi đó, quỹ từ thiện Oxfam cảnh báo cuộc chiến chống đói nghèo tại châu Phi sẽ bị kéo lùi "khoảng 30 năm" nếu không có sự trợ giúp từ bên ngoài.

Người dân châu Phi bình thường không thể trông chờ nhiều vào sự trợ giúp từ các chính phủ, bởi các chính phủ vốn đang mắc những khoản nợ lớn, với nguồn dự trữ ngoại tệ cạn kiệt. Giá dầu thế giới và quặng thiên nhiên lao dốc càng khiến hàng hóa xuất khẩu của châu Phi mất giá.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật