Đồng Nai: Bến phà tạm ngưng, gần 700 công nhân phải đi đường vòng để đi làm

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Hàng trăm người lao động sinh sống tại tỉnh Bình Dương, hàng ngày qua tỉnh Đồng Nai làm việc tại nhà máy Chang Shin Việt Nam (huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai) bằng hai chuyến phà Bạch Đằng và phà Bà Miêu qua sông Đồng Nai.
Đồng Nai: Bến phà tạm ngưng, gần 700 công nhân phải đi đường vòng để đi làm
Bến phà Bạch Đằng chiều ngày 3.4. Ảnh: HAC

Xem Video: TP.HCM tạm ngừng thi giấy phép lái xe vì COVID-19

//

Tuy nhiên, vài ngày nay, cả 2 bến phà này đều đã tạm ngưng khiến cuộc sống của hàng trăm công nhân gặp rất nhiều khó khăn.

Phà tạm ngưng, nữ công nhân về nhà lúc nửa đêm 

Công nhân Võ Thị Phương Trinh, ngụ xã Bạch Đằng, Thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương cho biết: “Từ khi bến phà Bạch Đằng tạm ngưng hoạt động, vợ chồng em phải đi đường Tân Ba – Hoá An rồi mới vào được công ty. Khó khăn nhất là do đường đi vòng rất xa; ngoài ra con em còn nhỏ, phải đi gửi con nhưng 7h sáng người ta mới nhận con, trong khi vợ chồng 5h sáng đã phải đi làm.

Khi người ta trả con là khoảng 17h, còn lúc bọn em ra ca là 16h30; rồi phải đi đường vòng về cầu Hoá An – Tân Ba về nhà thì phải gần 19h mới về tới nhà, “lố” giờ rước con. Điều này khiến cuộc sống vợ chồng bị đảo lộn”.

Công nhân Võ Thị Phương Trinh đang lo lắng vì không thể đưa đón con. Ảnh: HAC

Tương tự, chị Nguyễn Thị Kim Hoà (ấp 6, xã Thường Tân, huyện Bắc Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) cho biết: “Ngày thường tôi đi làm qua bến phà Bà Miêu chừng 15 phút là tới nhà máy, nhưng phà bị tạm ngưng hoạt động, đi đường vòng phải hơn cả tiếng mới tới nơi. Nhưng điều lo lắng hơn là tôi làm việc ca 2, gần 12h đêm mới về tới nhà, chúng tôi rất sợ bị cướp vì đường vòng rất vắng người”.

Nhiều công nhân cũng cho biết, quãng đường đi vòng xa hơn khoảng 30 km, nhiều người lao động không có xe máy, đi xe đạp phải xin nghỉ không lương, chờ phà nối lại mới đi làm.

Ông Đặng Tuấn Tú, Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty Chang Shin Việt Nam cho biết, ngày đầu tiên, nhiều công nhân bị trễ giờ làm do phải đi đường vòng, nhưng công đoàn cơ sở đã làm việc với Ban giám đốc Công ty tạo điều kiện cho công nhân hoàn thành công việc; đồng thời, đề nghị các cơ quan chức năng có giải pháp tạo điều kiện cho công nhân lao động bớt khó khăn, nguy hiểm trên hành trình từ nhà tới nhà máy làm việc.

Sẽ có biện pháp hỗ trợ công nhân

Công ty Chang Shin Việt Nam cũng đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đồng Nai đề nghị hỗ trợ tàu phà đưa đón công nhân qua sông đến nhà máy sản xuất.

Bến phà tạm ngưng, công nhân Nguyễn Thị Kim Hoà đi làm về nhà lúc nửa đêm do phải đi đường vòng. Ảnh: HAC

Ông Lee Soo Bum, Giám đốc nhân sự Công ty Chang Shin Việt Nam cho biết, thống kê ban đầu có 670 công nhân của Công ty Chang Shin Việt Nam đi làm hàng ngày qua bến phà Bạch Đằng và bến phà Bà Miêu, nhưng nay bến phà tạm ngưng hoạt động đã ảnh hưởng đến công việc hiện tại của người lao động khi đến nhà máy để hoạt động sản xuất.

Do đó, Công ty Chang Shin Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Đồng Nai xem xét tạo điều kiện cho người lao động đang làm việc tại Công ty Chang Shin được có phương tiện vận chuyển công cộng bằng tàu phà vào các giờ cao điểm trên các bến phà thuộc sông Đồng Nai trong các ngày làm việc, với mục đích vận chuyển qua sông đến nhà máy phục vụ sản xuất và ngược lại trở về nhà, tuyệt đối không sử dụng phương tiện vận chuyển công cộng cho mục đích khác trong trong thời gian thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ.

Trao đổi với phóng viên Báo Lao Động, ông Cao Tiến Dũng – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai cho biết, đã nắm được vấn đề này và đã giao cho Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai bàn bạc với tỉnh Bình Dương đưa ra giải pháp, giúp công nhân.

Ông Từ Nam Thành – Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Nai cho Báo Lao Động biết: “Hiện chúng tôi đang xây dựng biểu đồ khai thác phà. Chúng tôi cũng đã làm việc với Công ty Chang Shin và đang chờ bên công ty tổng hợp số lượng công nhân, cũng như thời gian đi lại của công nhân để có biện pháp hỗ trợ để các bến đò có thời gian hoạt động phù hợp, và chỉ ưu tiên cho công nhân vì hiện nay đang hạn chế đi lại”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật