Chuyện về nghề bắt “thần chết” trong đất

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chiến tranh đã lùi xa nhưng hậu quả của nó để lại rất nặng nề và nhức nhối với toàn xã hội. Ở một số địa phương, nhất là những nơi từng một thời diễn ra chiến sự khốc liệt, máu của người Việt thỉnh thoảng vẫn đổ vì bom, mìn, vật nổ (BMVN) tồn sót. Trò chuyện với những người nhiều năm miệt mài và thầm lặng đi tìm “thần chết” ở khắp các nơi, nhất là vùng núi cao hẻo lánh mới thấy tâm huyết của họ với nhiệm vụ này thật đáng trân trọng.
Chuyện về nghề bắt “thần chết” trong đất
Cán bộ, chiến sĩ Công trường Quảng Bình của VNMAC triển khai nhiệm vụ trên thực địa. Ảnh: Hùng Dũng. 

Xem Video: Sơ tán 1.300 người để gỡ bom từ chiến tranh

//

Ngồi đối diện và trò chuyện với tôi là người đàn ông đã hơn 50 tuổi có nước da đen thẫm. Anh là Thượng tá Đàm Quang Nghĩa, Chỉ huy trưởng Công trường Quảng Bình, một đơn vị của Trung tâm Hành động bom mìn quốc gia Việt Nam (VNMAC). Trước khi ở cương vị công tác này, anh đã có thâm niên hằng chục năm tham gia rà phá bom, mìn ở các đơn vị chạy dọc dài đất nước. Anh kể lại cho tôi hành trình thực hiện hợp phần chính trong Dự án “Việt Nam - Hàn Quốc hợp tác khắc phục hậu quả bom, mìn sau chiến tranh”, do Chính phủ Hàn Quốc tài trợ và thông qua Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tại Quảng Bình trong năm vừa qua. Anh bảo, đó là một cuộc chiến dài thực sự, không chỉ với BMVN tồn sót mà còn “chiến đấu” cả với cát trắng mênh mông và gió Lào khô nóng.

Những ngày “bắt thần chết” tại các xã Thượng Trạch và Tân Trạch (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình), nơi giáp cửa khẩu biên giới Cà Roòng, vùng đệm của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã để lại cho anh Nghĩa cùng đồng đội những kỷ niệm khó quên. Anh Nghĩa cười, khuôn mặt sạm đen nhiều nếp nhăn chồng chéo bởi nắng gió và bộc bạch với tôi rằng, trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đây là nơi Đường 20 Quyết Thắng đi qua, rồi vươn sang Lào nên bị địch đánh phá rất ác liệt. Lượng BMVN sót lại sau chiến tranh rất lớn, tiềm ẩn những cái chết bất ngờ trong đất. Công việc xác định khu vực ô nhiễm bom, mìn mà anh cùng đồng đội đang khẩn trương triển khai từ năm 2018 là nhiệm vụ hết sức khó khăn, phức tạp.

Theo đó, để xác định khu vực ô nhiễm bom, mìn tại vùng đất này, trước tiên lực lượng công binh sẽ xác định tọa độ và chia thành các ô vuông trên bản đồ có kích thước 50mx50m rồi xác định ô lưới có diện tích 2.500m² ấy trên thực địa. Tiếp đó, các chiến sĩ công binh dò tìm và định vị nơi nào có bom, mìn và nơi nào không rồi đánh dấu mức độ ô nhiễm. Những phần đất không bị ô nhiễm sẽ được loại ra và đưa vào diện “đất sạch”, làm cơ sở bàn giao cho địa phương sử dụng.

Nhưng để xác định được mỗi mét vuông đất sạch trên thực địa thì chẳng đơn giản chút nào, mặc dù các anh đã được hỗ trợ hệ thống máy định vị và nhiều thiết bị chuyên dùng hiện đại. Thượng tá Nghĩa kể rằng, do địa bàn hoạt động của anh em đều là những nơi lâu nay bị coi là “đất chết”, nghĩa là vừa xa xôi, không có dân ở, nên khi đi làm nhiệm vụ, anh em phải lo tất cả chứ không thể nhờ ai được. Vì thế, ngoài phương tiện, máy móc kỹ thuật, các anh còn phải lo cõng theo lương thực, thực phẩm, nước uống. Chỉ riêng khoản tiếp phẩm, lo cái ăn cho mấy chục con người hằng ngày có đủ sức khỏe để “chiến đấu” với gió Lào và cát trắng thôi đã khô giòn người chứ đừng nói đến những công việc khác.

Những ai đã từng học, từng tham gia dò, gỡ bom, mìn thì đều hiểu rằng, trải qua thời gian dài “ngủ” trong đất, trước sự tác động và bào mòn của tự nhiên, đặc biệt là hiện tượng lũ quét, lũ ống và ngập úng, việc tìm bom, mìn còn sót lại trong đất chẳng khác nào “mò kim đáy bể”, ngày càng khó và nguy hiểm hơn. Chúng có thể “cư trú” ở nơi sườn đồi, núi dốc, ven đường mòn, nơi gần sông, suối và thậm chí là ẩn sâu dưới lòng đất trong những cánh rừng, ngay trên ruộng lúa, trên vạt nương rẫy và có thể là nằm ngay dưới nền ngôi nhà đang ở của người dân.

Cán bộ, chiến sĩ Công trường Quảng Bình của VNMAC và chuyên gia quốc tế triển khai nhiệm vụ trên thực địa. Ảnh: Hùng Dũng. 

Và nếu tìm thấy rồi thì việc đưa chúng lên mặt đất, vận chuyển đến vị trí hủy nổ cũng rất nguy hiểm. Bởi trải qua thời gian, tính chất hóa lý của thuốc nổ, ngòi nổ trong mỗi quả bom, quả đạn sẽ biến đổi. Chúng có thể “thức giấc” và phát nổ bất cứ lúc nào nếu ngoại lực tác động quá mức độ và vào các vị trí “nhạ‌y cả‌m”. Thế nên, tiếp xúc với nó, nếu không được bồi dưỡng về chuyên môn, nghiệp vụ thì chắc chắn sẽ... toát mồ hôi hột.

Thực tế là từ khi triển khai vào tháng 9-2018 đến khi hoàn thành, Công trường Quảng Bình đã thu được 7.560 vật liệu nổ các loại, trong đó: Bom phá là 4 quả; bom bi là 1.148; đạn pháo là 885; đạn cối là 449; lựu đạn là 116 quả; 1.430 đạn bộ binh; 519 đầu đạn các loại. Ngoài ra các loại vật liệu nổ khác và đạn M79, 12.7mm, liều phóng B40, B41 chiếm hơn 2.500. Chỉ riêng tại xã Thượng Trạch, lực lượng chức năng đã thu được 2,5 tấn. Đặc biệt, đến nay Công trường Quảng Bình đã phát hiện, xử lý an toàn quả bom 3.000 LBS (cân Anh)-khoảng 1.360kg.

Đó là một ngày cuối tháng 11-2018, khi đang ngồi trong phòng làm việc của Sở chỉ huy d‌ã chi‌ến Công trường Quảng Bình, Thượng tá Nghĩa nhận được điện thoại của Đội trưởng Đội khảo sát Lữ đoàn 279 (Bộ tư lệnh Công binh) Trần Hữu Linh thông báo lực lượng làm nhiệm vụ ở xã Võ Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình phát hiện một quả bom khủng tới mức dù là lính công binh nhưng anh Linh chưa bao giờ thấy quả bom nào to như thế. Nhận báo cáo, Thượng tá Nghĩa lệnh cho Đội khảo sát của Lữ đoàn 279 giữ nguyên hiện trường, tổ chức hàng rào an ninh bảo vệ 24/24 giờ; đồng thời báo về chỉ huy của VNMAC ngoài Hà Nội và trực tiếp đến hiện trường để chỉ đạo việc xử lý. Qua xem xét thì nhận thấy quả bom này có ký hiệu là MK-81 và do Mỹ sản xuất. Quả bom có ngòi nổ chính bố trí ở đầu, phía sau là ngòi nổ phụ. Theo tìm hiểu của các chuyên gia thì quả bom này hoạt động theo nguyên lý trực tiếp. Có nghĩa là khi quả bom chạm đất thì ngòi nổ chính sẽ hoạt động, gây nổ thuốc nổ mạnh và kích hoạt, gây nổ quả bom. Nhưng vì một lý do nào đó, cơ cấu nổ của cả ngòi nổ chính và phụ đều bị hỏng trước khi tiếp đất nên trở thành bom “câm”.

Thượng tá Đàm Quang Nghĩa kể rằng, khi đến hiện trường, anh cũng bất ngờ bởi cả đời lăn lộn với công việc rà phá BMVN ở khắp các vùng miền nhưng chưa khi nào phát hiện và nhìn thấy quả bom to như thế. Đúng ra phải gọi là “siêu” bom bởi trọng lượng của nó đạt tới gần 1.400kg và trọng lượng thuốc nổ ở bên trong là 900kg. Để xử lý được quả bom này, các anh đã phải tháo ngòi nổ chính và phụ rồi dùng máy xúc cẩu quả bom lên thùng xe tải có lót lớp cát dày bên dưới. Sau khi chở bom đến thao trường chuyên dụng của Bộ CHQS tỉnh Quảng Bình, lực lượng công binh dùng máy cắt chuyên dụng bổ quả bom làm 3 khoanh rồi hủy nổ theo nghiệp vụ của ngành. Theo anh Nghĩa, nếu quả bom kia rơi vào tay những người hám lợi, dùng vào việc xấu thì hậu quả xảy ra với xã hội không biết thế nào mà kể. 

Thượng tá Trương Quang Nghĩa kiểm tra thực hiện di chuyển bom đến nơi hủy nổ an toàn. Ảnh: Hùng Dũng.

Một trong những điều mà anh Nghĩa tâm đắc nhất là ý thức của người dân địa phương trong ứng xử với BMVN tồn sót sau chiến tranh đã được nâng lên đáng kể so với trước đây. Do được tuyên truyền, giải thích và truyền thông kỹ nên người dân đã không tò mò, hám lợi mà làm liều nữa. Anh kể, tại xã Tân Trạch (huyện Bố Trạch), khi biết có bộ đội công binh về rà phá bom, mìn, nhiều người dân đã đến tận nơi để chỉ vị trí có bom bi hoặc các loại đạn pháo, đạn cối cho bộ đội thu gom. Có người tự nguyện dẫn bộ đội vào nương rẫy chỉ để thu gom đầu đạn pháo hoặc đạn cối to bằng bắp tay. “Hiện nay, người dân đã ý thức được sự “chết chóc” nằm trong những vật ấy nên họ không còn hành động theo kiểu điếc không sợ súng nữa”, anh Nghĩa bộc bạch.

Thượng tá Trần Hữu Thành, Phó trưởng Phòng Kế hoạch Điều phối của VNMAC, cho biết từ sau năm 1975 đến nay, Việt Nam có hơn 100.000 người chết và bị thương do bom, mìn, vật nổ sót lại sau chiến tranh. Ví dụ như tỉnh Quảng Bình còn 28% diện tích đất bị ô nhiễm và gần 6.000 người thương vong bởi bom, mìn sót lại sau chiến tranh. Theo ước tính của các chuyên gia, để thực hiện mục tiêu giảm diện tích đất bị ô nhiễm BMVN tồn sót sau chiến tranh xuống 15% thì mỗi năm Việt Nam cần làm sạch khoảng 50.000ha.

Vậy đó, giữa thời bình, vẫn có những người lính đang ngày ngày đối mặt với bom mìn để trả lại sự sống cho những vùng đất hàng chục năm qua được coi là “đã chết”.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật