Nghề... “Làm bạn với ma”

Lumia Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Suốt một ngày phơi nắng ở nghĩa trang Đèo Sen (TP Hạ Long), khi chuẩn bị kết thúc công việc để trở về nhà thì trời đã chạng vạng. Trong không gian ắng lặng, nhìn những ngôi mộ mờ mờ dưới ánh hoàng hôn đang tắt, tôi cứ có cảm giác “gai gai“ dọc sống lưng. Buột miệng hỏi anh Lực: - Em hỏi thực nhé, cả ngày hết khâm liệm, rồi chôn cất người chết, anh có… sợ ma không?
Nghề... “Làm bạn với ma”
Trong cái nắng gay gắt, anh Lực cặm cụi đào...

Anh Lực cười lớn: - Cô bé này, bọn anh ngày ngày "làm bạn với ma" thì còn sợ gì nữa!

Một ngày như bao ngày...

Dẫu đã hẹn trước nhưng khi tôi đến trụ sở làm việc của Đội tang lễ (thuộc Công ty Môi trường đô thị TP Hạ Long) thì các anh trong nhóm công nhân trực ca hôm ấy đều đã ra "hiện trường" làm việc cả. Tôi đành "một mình một ngựa" phi lên khu nghĩa trang Đèo Sen…

Thấy tôi mồ hôi mồ kê mướt mát từ dưới dốc "bò" lên, anh Nguyễn Văn Tuấn, nhóm trưởng, cười cười: -Hóa ra nhà báo đến xem anh em chúng tôi đào huyệt thật à? Anh em xin lỗi vì không đợi cô được. Trời nắng nóng nên phải tranh thủ "làm sớm, nghỉ sớm"…

Tôi nhìn xuống cái huyệt mộ mà các anh đang đào (theo tiêu chuẩn nó có chiều dài 2,2m, chiều rộng 0,7m, sâu 1,2m), thấy công việc có vẻ cũng đã hòm hòm.

Nhóm của các anh gồm 7 người; sau khi căng dây xác định vị trí, kích thước, các anh bắt đầu thay phiên nhau đào. Với chiếc xà beng trên tay, anh Lực (người đã nhắc đến ở trên) đang nậy từng tảng đất khô cứng. Mồ hôi túa ra trên khuôn mặt anh, nhỏ từng giọt, từng giọt xuống nền đất nơi anh đứng. Cứ chốc chốc anh lại phải dừng công việc của mình để lấy chiếc khăn tay vắt trên vai lau mồ hôi chảy vào mắt. Chiếc áo anh mặc cũng đã ướt đẫm mồ hôi, trông anh lúc này như người vừa mới lội từ dưới nước lên, quần áo ướt sũng...

Trong lúc anh Lực đang hì hục đào đào, xúc xúc ở dưới, tôi tranh thủ hỏi chuyện anh Trung, người đang nghỉ ngơi, chờ đến lượt mình, rằng "duyên do" nào mà các anh chọn  cái nghề vất vả, cực nhọc này. Mới hay trong số các thành viên trong nhóm, chỉ có anh Tuấn (nhóm trưởng) là đã gắn bó ngay từ đầu với nghề, còn các anh em khác đều từ nghề khác chuyển sang. Như anh Trung chẳng hạn, trước kia là công nhân của Xí nghiệp Than Giáp Khẩu, chỗ làm việc của anh tiếp giáp ngay với khu nghĩa trang Đèo Sen. Hàng ngày đi làm qua thấy công việc "đào huyệt" của anh em cũng "hay hay"… Vậy là anh quyết định chuyển nghề…

- Còn cậu Lực kia kìa - Anh Trung chỉ về phía anh Lực đang hì hục đào, mồ hôi mồ kê nhễ nhãi - Trước kia là công nhân lái xe của Công ty đấy chứ! Mới được điều chuyển về làm công việc này vài năm thôi. Lúc đầu cũng không nghĩ mình sẽ gắn bó với nghề lâu đâu. Nhưng làm mãi rồi cũng quen, thấy… yêu nghề mới chết chứ!

Giọng anh Trung có vẻ nửa đùa, nửa thật. Thấy vậy, tôi cũng chọc đùa lại: -Thế lúc yêu chị nhà, anh có dám "khai" mình làm nghề… "đào huyệt" không?

- Sao không? Mình có làm điều gì xấu xa đâu mà phải giấu giếm. Nghề nào mà chẳng là nghề, cứ làm ăn lương thiện, không trái lương tâm là được, phải không nào?

Rồi anh cười, nói đùa: -Mà cô thấy đấy, hồi còn là công nhân khai thác than, tôi cũng khéo ăn nói lắm, vậy mà có lấy được vợ đâu! Chuyển sang nghề này chưa lâu, có vợ ngay! Chắc do mình cẩn thận lo cho "các cụ" mồ yên mả đẹp, nên "các cụ" phù hộ!

Nói đoạn, anh bật cười sảng khoái. Tiếng cười của anh thật cởi mở, vô tư; dường như trong anh không hề có sự suy vi, so đọ nghề này, nghề kia; trái lại anh có vẻ rất hài lòng với công việc hiện giờ của mình...

"Chuyện thường ngày mà cô..." 

Anh Tuấn cùng anh em trong nhóm đang khâm liệm t‌ử th‌i.Trong lúc tôi đang trò chuyện với anh Trung thì anh Tuấn, nhóm trưởng, đốt một bó hương to tướng, lặng lẽ đi cắm cho các ngôi mộ xung quanh. Tôi đi theo giúp anh; khói từ những những que hương tỏa ra làm mắt tôi cay xè. Vừa đi từ ngôi mộ này sang ngôi mộ khác, anh Tuấn vừa tâm sự:

- Hôm nay công việc cũng suôn sẻ, đỡ vất vả đấy cô ạ! Chứ mà như nhiều bận, đang đào gặp phải đá to dưới lòng đất thì còn khổ nữa. Lúc đấy, anh em phải thay nhau ghè, xỉa từng mẩu để hòn đá vỡ ra...

Anh còn kể, có những hôm trời mưa to, bạt không căng được, anh em phải mặc áo mưa rồi dầm mình trong nước mấy tiếng đồng hồ thay nhau đào; lại có bận có đám tang đột xuất, phải chạy máy phát điện, thức cả đêm đào huyệt cho kịp giờ mai táng vào ngày hôm sau...

- Thế vẫn chưa là gì, cô có biết ngại nhất lúc nào không? Hồi xưa, do nghĩa trang chật chội, bọn anh phải đào huyệt ở khu đất người ta mới cải táng xong. Đào được một lúc thì nước ở dưới lòng đất dềnh lên, bốc mùi t‌ử th‌i phân hủy khăn khẳn. Anh em vẫn phải đeo ủng và khẩu trang, rồi nhảy xuống đào tiếp...

- Công việc vất vả thế, thu nhập chắc cũng phải kha khá chứ anh nhỉ- Tôi hỏi. Anh Tuấn cười, thoáng nét buồn:

-  Cũng vừa đủ để mình tồn tại với nghề thôi, cô ạ! Tính tất cả các khoản trợ cấp, được khoảng hơn 4 triệu. Nhưng đợt nào ít đám thì chỉ tầm 3,5-3,7  triệu đồng/tháng thôi.

Anh im lặng một lúc rồi nói tiếp:

-  Nói chung, để đảm bảo cuộc sống gia đình, anh em cũng phải làm thêm công việc khác. Như cậu Lực ấy, hồi trước tôi thấy buổi tối, vẫn chạy xe ôm đều đều… Nhưng hình như từ khi xây nhà xong, cậu ấy thôi rồi thì phải.

Nhắc đến chuyện anh Lực có nhà mới, tôi thấy anh Tuấn vui hẳn lên. Và câu chuyện càng sôi nổi hơn. Tôi chợt thấy anh cũng như những người khác trong nhóm đang làm việc đằng kia thật gần gũi, đáng mến. Và vì vậy, ban đầu tôi chỉ định lên xem các anh làm việc "một chốc một lát" để "cho biết" thôi; nhưng giờ thì tôi quyết định ở lại đây đến khi nào mọi người xong việc sẽ cùng về…

Và tôi không ngờ, một chuyện đột xuất khiến cho ngày làm việc hôm đó của các anh kéo dài lâu hơn so với dự kiến ban đầu!

Đi "làm ma" cho một người xấu số...

Nắng càng lúc càng gay gắt hơn. Chiếc huyệt cũng đã hoàn thành. Tôi và các anh trở xuống chân đèo nghỉ ngơi để buổi chiều còn tiếp tục công việc giúp gia đình nhà hiếu chôn cất người đã khuất.

Chiếc xe tang lên đến chân Đèo Sen thì cũng đã gần 2 giờ chiều. Sau các thủ tục, nghi lễ cần thiết, chiếc quan tài được anh Tuấn và các anh trong nhóm hạ từ từ xuống huyệt. Khi quan tài đã được đặt đúng chỗ rồi, một cách rất thành thạo, không ai bảo ai, người cầm cuốc, người cầm mai, xẻng v.v... các anh lặng lẽ làm việc trong tiếng khóc ai oán của thân nhân người đã khuất. Giữa cái nắng chói chang của chiều hè, giữa những tiếng khóc não nề, giữa những bộ tang trắng toát, các anh cứ thế, lặng lẽ và gấp gáp... Và những giọt mồ hôi, như những giọt nước mắt lã chã, từ  trên khuôn mặt các anh lại nhỏ xuống ngay trên lớp đất phủ chiếc quan tài…

Khi những xẻng đất cuối cùng được lấp xuống, công việc chừng đã tạm ổn, thì anh Tuấn nhận được điện thoại. Trông anh có vẻ căng thẳng. Anh ghé tai một vài người trong đội nói thầm điều gì đó… Thấy tôi ngơ ngác, anh nói nhỏ:

-  Công an thành phố gọi điện báo rằng có một người chết đuối vừa được tìm thấy xác nhưng không có người thân nào đến nhận. Họ gọi ra gấp để làm thủ tục mai táng…

Sự việc quá bất ngờ, tôi cũng vội theo các anh đi. Khi chúng tôi đến, những người hiếu kỳ đã vây kín khu này. t‌ử th‌i đã được công an khám nghiệm xong và đang được người dân ở đây đắp chiếu, thắp hương... Sau các thủ tục bàn giao biên bản của cơ quan công an, các anh bắt tay vào việc. Anh Tuấn mở chiếc chiếu ra. Tôi chỉ vừa kịp nhận thấy đó là khuôn mặt một người phụ nữ khá to béo, chỉ tầm trên 30 tuổi, thì các anh đã nhanh chóng phủ lên t‌ử th‌i một lớp vải xô trắng, rồi dùng miếng bạt để bọc lại... Chỉ trong mấy phút, công việc khâm liệm đã hoàn tất, người xấu số được đặt vào quan tài, đưa lên xe tang lễ của Công ty chờ sẵn và quay về nghĩa trang Đèo Sen mai táng.

Ngồi trên chiếc xe tang chỉ có tôi và anh Tuấn cùng một người trong nhóm nữa. Tôi có cảm giác hơi "lành lạnh" dọc sống lưng.  Như  đọc được điều đó, anh Tuấn chủ động trò chuyện: 

- Cũng may hôm nay bên công an phát hiện sớm! Chứ có bận đang giữa đêm, họ gọi báo tin, lại phải lục đục dậy để đi mai táng, không thể để lâu được vì sẽ gây ô nhiễm… Rồi có những lúc thiếu người, anh em trong đội  kiêm luôn cả nhiệm vụ hỗ trợ vớt xác… Có nhiều trường hợp lúc phát hiện ra thì xác chết đã bắt đầu phân hủy, đeo khẩu trang rồi mà khi khâm liệm vẫn thấy mùi t‌ử th‌i bốc lên…

- Thế những lúc đó anh có sợ không?

- Sợ thì đã chẳng làm việc này! Lúc đầu cũng có hơi ngài ngại, nhưng làm nhiều rồi cũng thành quen.

 Anh còn kể, trong những năm tháng làm nghề này, anh nhớ nhất là vụ đắm đò ở Cửa Lục, hồi 2005.

- Đận ấy, suốt 7 ngày 7 đêm liền anh em trong đội chỉ chợp mắt chút ít, còn phải lo đi vớt xác… - Trầm ngâm một lúc, anh tiếp tục - Người mệt bã ra, vậy mà không hiểu sao vẫn thấy không nỡ ở nhà để nghỉ ngơi. Bởi ngẫm cho cùng, khi sống họ cũng là người như mình, khi chết đã không được toàn thây, lại không có người thân xung quanh, thôi thì mình coi như người thân của họ, an ủi họ phần nào ở nơi chín suối. Lúc đấy chỉ thấy thương họ chứ còn sợ gì nữa…

Xem Video: Vong xuất hiện khi bốc mộ (3)

Câu chuyện của anh khiến tôi, mặc dù đang ngồi ngay cạnh chiếc quan tài cô độc, trên chiếc xe tang không một tiếng kèn, tiếng trống, cũng bớt đi phần nào cảm giác lạnh lẽo… Khi xe lên đến nơi  thì khu huyệt mộ cũng đã được những người khác trong nhóm ở lại đào xong. Và công việc chôn cất được làm nhanh hơn đám tang buổi chiều rất nhiều, không có những thủ tục, nghi lễ thường thấy như ở các đám tang bình thường khác. Sau khi đắp xong phần mộ, tôi cùng các anh đốt nén nhang, cũng là để phần nào đó an ủi người quá cố, cầu cho chị ở suối vàng được mát mẻ…

Tôi nhìn đồng hồ, đã gần 7 giờ tối. Trên đường từ nghĩa trang Đèo Sen trở về, hòa vào dòng người, xe tấp nập, chợt thấy trào dâng một cảm xúc rất khó tả. Dường như sau một ngày đi cùng các anh, với bao ấn tượng,  tôi đã “ngộ” ra nhiều điều về con người, về cuộc đời v.v... mà chỉ mới  hôm qua thôi, tôi vẫn còn chưa biết…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật