Xúc động trước nỗ lực, sự vươn lên của người đàn ông ‘da cam’ ở Quảng Ninh

Duongnguyen Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trước khi đến thăm ông, tôi đã được giới thiệu ông là một trong những người được UBND tỉnh tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc vươn lên trong cuộc sống tại lễ tuyên dương những nạn nhân chất độc da cam/dioxin tiêu biểu của tỉnh đầu tháng 8 vừa qua.
Xúc động trước nỗ lực, sự vươn lên của người đàn ông ‘da cam’ ở Quảng Ninh
Ông Đinh Văn Bình chăm sóc nhím.

Xem Video: Một nông dân làm kinh tế giỏi
//

Khi đến thăm gia đình ông, tôi không chỉ được tận mắt chứng kiến cơ ngơi rộng lớn và sự thành đạt của cả gia đình mà còn được biết đằng sau sự thành công đó là sự cố gắng, nỗ lực không ngừng để vươn lên chiến thắng đói nghèo của hai vợ chồng ông.

Người tôi nhắc đến ở trên là ông Đinh Văn Bình và vợ là Bùi Thị Tơ ở khu 9, xã Sông Khoai, huyện Yên Hưng. Bản thân ông Bình và hai trong số năm đứa con của ông bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam/dioxin.

Ông Bình vốn quê ở xã Hiệp Hoà, huyện Yên Hưng. Năm 1973, lúc ấy tròn 23 tuổi, ông lên đường nhập ngũ. Ông cùng đồng đội mình ở Đoàn 559 anh hùng đã trải qua khắp các chiến trường như A Lưới (Thừa Thiên Huế), sân bay Khâm Đức (Quảng Nam, Đà Nẵng) đến cả chiến trường nước Lào anh em. Năm 1978, ông phục viên về quê hương mà không hề biết trong c‌ơ th‌ể mình đã bị nhiễm thứ chất độc da cam/dioxin mà quân đội Mỹ rải khắp chiến trường nơi ông và các đồng đội từng chinh chiến.

Trở về quê hương, ông làm việc ở Hợp tác xã cơ khí Tháng Tám của huyện Yên Hưng. Năm 1979, ông kết hôn cùng cô công nhân thuỷ lợi Bùi Thị Tơ. Năm 1984, cả hai vợ chồng ông đều phải nghỉ việc do giảm biên chế. Không có việc làm, ông quyết định đi khai hoang trên địa phận xã Đông Mai, giờ là xã Sông Khoai. Ở vùng “đầm trũng nước chua”, ông phải lội bùn, đào từng thuổng đất đắp thành đường đi, dựng nhà. Ban đầu, căn nhà của hai vợ chồng ông thực ra chỉ là bốn cây cọc tre được dựng lên, lợp lá để che mưa che nắng. Cùng với việc dựng nhà, vợ chồng ông Bình cũng khai hoang đất để cấy lúa. Năm đầu tiên đi khai hoang, ruộng ít, năng suất lúa lại thấp, vợ chồng con cái ông bữa no bữa đói. Phải đến năm thứ hai, cả nhà ông mới tạm đủ ăn. Khi đó, thấy cả vùng không ai sắm nổi máy xát gạo, ông bàn với vợ bán mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” ở Hiệp Hoà đi rồi vay mượn bạn bè mua được chiếc máy xát gạo. Có máy, ông nhận xay xát gạo cho bà con. Số cám dư ra ông dùng vào việc chăn nuôi lợn, gà, trâu, bò. Vừa làm ruộng, vừa xát gạo, vừa chăn nuôi, công việc tuy bận rộn nhưng ông Bình có thêm thu nhập, gia đình có điều kiện cho các con ăn học. Điều này càng thúc đẩy vợ chồng ông tiếp tục cố gắng, nỗ lực hơn.

Khi kinh tế dần vững vàng, ông Bình lại đầu tư nuôi trâu, bò. Có lúc, trong chuồng nhà ông có đến 7, 8 con trâu, bò. Đồng thời, làm nghề quai đáy ở sông. Đây là nghề gắn với vùng sông biển của quê hương ông mà rất nhiều người đã làm. Thường, nghề này ít nhất phải có hai người cùng làm. Nhưng nhà ít người, con còn nhỏ nên ông Bình lúc nào cũng một mình lầm lụi nơi sông nước. Thậm chí, có lúc mình ông còn quai ba khẩu đáy ở sông, thu về hàng tạ cá tạp trị giá hàng trăm nghìn đồng mỗi đêm. Chính nhờ thời gian gần 5 năm đi quai đáy này mà ông Bình có số vốn kha khá để đầu tư vào chăn nuôi, trồng trọt. Nhưng, sức khoẻ yếu dần, ông Bình hiểu rằng mình không thể ban ngày làm đầm, ban đêm đi quai đáy mãi được. Tận dụng đồng trũng quê hương, ông đầu tư làm đầm, thả tôm. Từ những kiến thức tự học và tham khảo cách làm của bạn bè, anh em, ông đã có nhiều vụ tôm thành công. Có năm, ông thu về từ đầm tôm hơn một trăm triệu đồng. Ông trở thành một trong những hộ dân làm kinh tế giỏi của xã, của huyện. Ông xây được nhà to, rộng, nuôi được các con trưởng thành, học đại học.

Bây giờ, ngồi trong ngôi nhà hai tầng rộng gần 200m2, ông Bình nhận thấy “bí quyết” làm kinh tế của mình không gì khác ngoài sự nỗ lực, cố gắng “tự cứu mình”. Ông bảo, những cảm xúc của khó khăn, thất bại, chán nản ông đều đã trải qua, nhưng là một người đàn ông, một người lính, ông bắt mình phải chiến thắng những khó khăn ấy. Hai vợ chồng ông giờ đã ở tuổi lục tuần, đầm tôm đã để cho người khác thuê thầu nhưng ông bà vẫn làm ruộng, cấy hơn hai mẫu lúa mỗi vụ. Hai năm trở lại đây, ông Bình còn đầu tư vào nuôi nhím, bước đầu đã hoàn được hết vốn và đang cho lãi. Ông còn dự định sẽ cải tạo ao trước nhà để nuôi ba ba vì giống này không cần diện tích rộng mà lại cho năng suất, thu nhập cao. Các con lớn của ông bà giờ đã trưởng thành, hai đứa út vừa tốt nghiệp đại học cũng đang tự tìm việc làm cho chính mình. Gia đình ông Bình - bà Tơ hiện giờ đủ đầy, hạnh phúc, là niềm mong ước và tấm gương của bà con trong xã về ý chí, nghị lực chiến thắng khó khăn, nghèo đói vươn lên làm giàu…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật