Nga-Thổ bên bờ vực chiến tranh ở Idlib?

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Căng thẳng giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đang gia tăng với những cuộc giao chiến ở vùng Idlib, tây bắc Syria ngày càng dữ dội.
Nga-Thổ bên bờ vực chiến tranh ở Idlib?
Phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn bắn pháo vào phía đông nam Idlib hôm 24-2. Ảnh: AFP

Quân đội Syria do Nga hậu thuẫn tiến sâu vào thành trì cuối cùng của quân nổi dậy và Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa sẽ mở một cuộc phản công để bảo vệ các lực lượng ủy nhiệm của họ ở khu vực. Mặc dù cho đến nay, Moscow và Ankara không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào, khả năng xảy ra xung đột quân sự giữa hai bên là không cao.

Trong vài ngày qua, Quân đội chính phủ Syria (SAA) được Nga hỗ trợ đã liên tiếp tiến hành các cuộc không kích nhằm vào lực lượng phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn tại Idlib. Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ báo cáo, 2 quân nhân Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng và 5 người khác bị thương trong một cuộc không kích ở cùng khu vực.

Cuộc leo thang quân sự ở Idlib bắt đầu vào tháng 1, khi SAA nối lại chiến dịch nhằm giành lại vùng đất cuối cùng bị phiến quân chiếm giữ trên lãnh thổ Syria. Thổ Nhĩ Kỳ, ủng hộ lực lượng đối lập chống Tổng thống Syria Bashar as‌sad, đã gia tăng sự hiện diện trong khu vực. Theo một số ước tính, hiện có khoảng 9.000 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ tại Syria. Cho đến nay, các nhóm phiến quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã thất bại trong việc ngăn chặn bước tiến của quân đội Syria. SAA đã chiếm giữ một phần quan trọng của khu vực, trong đó có đường cao tốc M5, tuyến đường chiến lược nối Aleppo với Damascus.

Một thảm họa nhân đạo lớn đang diễn ra khi vùng Idlib là nơi sinh sống của 3 triệu người. Theo LHQ, giao tranh tại tỉnh Idlib đã dẫn đến làn sóng di cư lớn nhất từ trước tới nay. Khoảng 900.000 người, trong đó có 500.000 trẻ em, đã phải rời nhà đi lánh nạn kể từ tháng 12-2019.

Ngoại giao bị đình trệ

Cho đến nay, ngoại giao đã không thể giải quyết được xung đột.

Năm 2018, Nga - đồng minh quan trọng của chính phủ Syria, và Thổ Nhĩ Kỳ - ủng hộ một số nhóm phiến quân tại Syria, đã ký kết thỏa thuận thiết lập vùng giảm căng thẳng tại Idlib. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Erdogan cho biết thỏa thuận giảm leo thang này đã rơi vào im lặng. Ông Erdogan đổ lỗi cho Moscow vì đã không ngăn quân đội Syria tiến vào khu vực Idlib. Đổi lại, Moscow đã cáo buộc Ankara đã không loại bỏ khỏi Idlib các nhóm chiến binh cực đoan, những kẻ đang thực hiện các cuộc tấn công vào lãnh thổ do Damascus kiểm soát. Ngoại trưởng Nga Serge Lavrov biện minh cho phản ứng của Damascus đối với những hành động khiêu khích không thể chấp nhận được đó. Nga cũng loại bỏ khả năng đình chiến với phiến quân  bám trụ ở địa bàn chiến lược này.

Ông Erdogan đe dọa sẽ can thiệp toàn diện vào Idlib. Điều đó gần như chắc chắn sẽ dẫn đến một cuộc đụng độ trực tiếp với Nga. Tuy nhiên, bất chấp căng thẳng đang gia tăng, các kênh liên lạc giữa Ankara và Moscow vẫn rộng mở. Trong cuộc điện đàm hôm 21-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Erdogan nhất trí, giải pháp khả thi duy nhất hiện nay là thực hiện một phiên bản mới của thỏa thuận Sochi 2018. Theo thỏa thuận ban đầu, lực lượng của Tổng thống as‌sad sẽ tự kiềm chế không tiến vào lãnh thổ do phiến quân nắm giữ. Đổi lại, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ đảm bảo tất cả các tay súng của phiến quân sẽ rút xa 20km khỏi khu vực phân chia đồng thời tách những kẻ Hồi giáo cực đoan khỏi các thành phần ôn hòa chống as‌sad. Hiệp ước mới nhằm mục đích thiết lập vùng đệm mới với các cuộc tuần tra chung giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ. Vẫn còn phải xem liệu hai bên có thể thống nhất về đường ranh giới xác định các phạm vi ảnh hưởng. Ông Putin và ông  Erdogan sẽ gặp nhau vào tháng 3 tới, cùng với Thủ tướng Đức Angela Merkel, để thảo luận về cuộc khủng hoảng.

Tranh giành ảnh hưởng

Việc chiếm lại Idlib có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với Tổng thống as‌sad, giúp ông giành lại quyền kiểm soát hai đường cao tốc chính là M4 và M5, nối các thành phố lớn của đất nước. Alexey Khlebnikov, một chuyên gia về Trung Đông tại Hội đồng các vấn đề quốc tế của Nga cho biết, bằng cách lấy lại hai đường cao tốc, ông as‌sad có thể tăng tốc hồi sinh nền kinh tế Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ muốn ngăn chặn quân đội Syria chiếm lại Idlib vì điều đó sẽ dẫn đến hàng triệu dân thường Syria chạy trốn, tìm nơi trú ẩn trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ - vốn đã tràn ngập người tị nạn Syria. Theo ông Vadim Makarenko, người đứng đầu khoa nghiên cứu khu vực của trường đại học ngôn ngữ quốc gia Moscow, Thổ Nhĩ Kỳ đang sử dụng vấn đề người tị nạn Idlib như một sự biện minh cho việc can thiệp vào Syria cũng như ảnh hưởng đến tương lai chính trị của nước này. Theo ông Makarenko, sau khi bảo vệ được chỗ đứng của mình ở Idlib, ông Erdogan muốn chắc chắn rằng phe thân Thổ Nhĩ Kỳ, phe đối lập Sunni, sẽ đóng vai trò quan trọng trong tương lai của Syria sau chiến tranh. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đã lợi dụng tình cảm dân tộc trong xã hội Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách tiến hành một chính sách đối ngoại tích cực ở Syria, và sự leo thang hơn nữa ở Idlib có thể củng cố cho hành động của Ankara.

Khả năng xung đột không cao

Theo hầu hết các chuyên gia, khả năng xảy ra xung đột giữa Moscow và Ankara rất khó xảy ra. Việc Thổ Nhĩ Kỳ là một thành viên NATO có thể đóng vai trò như “tấm khiên” bảo vệ trước các hoạt động của Nga chống lại nước này.

Hơn nữa, xung đột ảnh hưởng không nhỏ đến hợp tác kinh tế giữa hai nước, mà năm nay đã được đẩy mạnh với việc mở dự án Turkstream, một đường ống khí đốt mới vận chuyển khí đốt của Nga đến Châu Âu qua lãnh thổ của Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài ra, bất kỳ sự leo thang quân sự nào ở Idlib chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến hợp tác Nga-Thổ ở khu vực biên giới đông bắc Syria, nơi lực lượng hai nước đang tiến hành tuần tra chung.

Cả Damascus và Moscow đều hiểu rằng, một cuộc đối đầu toàn diện với Thổ Nhĩ Kỳ tại Idlib sẽ dẫn đến đổ máu và một thảm họa nhân đạo lớn. Theo ông Khlebnikov, đó là lý do tại sao, không có quá nhiều tham vọng về việc tái chiếm toàn bộ khu vực. Moscow và Damascus chủ yếu quan tâm đến việc giành lại quyền kiểm soát đường cao tốc M4 và M5 và thiết lập vùng đệm dọc theo các tuyến đường này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật