ICAEW: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến giảm xuống còn 6,6% vào năm 2020

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống còn 6,6% vào năm 2020 do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc yếu hơn và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng.
ICAEW: Tăng trưởng kinh tế Việt Nam dự kiến giảm xuống còn 6,6% vào năm 2020
Ảnh minh họa

Theo Báo cáo Cập nhật Kinh tế Đông Nam Á (Economic Update: South- East Asia) mới nhất của viện Kế toán Công chứng Anh và xứ Wales (ICAEW), tăng trưởng kinh tế trên toàn khu vực Đông Nam Á năm 2020 dự kiến là 5,1% năm 2020, trong bối cảnh nhiều nguy cơ căng thẳng thương mại có thể leo thang trở lại.

GDP Đông Nam Á chỉ tăng 4,5% 

Thực tế, tăng trưởng khu vực đã chậm lại kể từ năm 2018 và tiếp tục trì trệ trong quý III năm 2019, với mức tăng trưởng GDP trên toàn khu vực Đông Nam Á chỉ tăng ở mức 4,5% so với cùng kỳ, từ 4,4% trong quý II năm 2019. Xung đột thương mại Mỹ - Trung là tác nhân chính dẫn đến mức tăng trưởng thấp này, điều này cho thấy những bất ổn thương mại vẫn là một lực cản chính trong sản xuất, xuất khẩu và đầu tư.

Ông Sian Fenner, Cố vấn kinh tế của ICAEW và Trưởng nhóm nghiên cứu kinh tế châu Á – Oxford Economics cho biết, mặc dù đã có một số tiến triển trong các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Trung Quốc, nhưng sự bất hòa giữa hai nước vẫn còn cao và phần lớn các mức thuế quan áp đặt khó có thể sớm được dỡ bỏ.

“Bên cạnh nhu cầu nội địa Trung Quốc chậm hơn, triển vọng xuất khẩu khu vực và đầu tư tư nhân sẽ vẫn còn nhiều thách thức. Do đó, chúng tôi dự đoán tăng trưởng GDP của khu vực Đông Nam Á sẽ ở mức khiêm tốn 4,5% vào năm 2020, không thay đổi so với năm 2019”, ông Sian Fenner cho biết.

Cùng quan điểm, ông Mark Billington, Giám đốc ICAEW khu vực Đông Nam Á và Trung Quốc dự đoán, căng thẳng thương mại đang diễn ra sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến triển vọng tăng trưởng chung của các nền kinh tế Đông Nam Á.

“Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu suy yếu, các biện pháp tài khóa hỗ trợ được cho rằng sẽ giúp cải thiện tăng trưởng GDP ở một số nền kinh tế, mặc dù sẽ chỉ ở mức độ vừa phải. Nhìn chung, tăng trưởng GDP của Đông Nam Á năm 2019 và 2020 vẫn được đặt dưới mức tiềm năng 4,5%”, ông Mark Billington cho biết.

Việt Nam giảm đà tăng trưởng

Theo đó, các nền kinh tế định hướng xuất khẩu bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi căng thẳng thương mại đang diễn ra, tiêu biểu như Singapore cũng chỉ tránh được tình trạng suy thoái kỹ thuật trong quý III/2019.

ICAEW cũng cho rằng Việt Nam là trường hợp ngoại lệ khi quốc gia này được hưởng lợi từ một số hiệu ứng chuyển hướng thương mại do chiến tranh thương mại gây ra. “Tuy nhiên, đà tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam dự kiến sẽ giảm xuống còn 6,6% vào năm 2020, từ mức 7% vào năm 2019, do nhu cầu nhập khẩu của Trung Quốc yếu hơn và chủ nghĩa bảo hộ thương mại gia tăng”, báo cáo của ICAEW chỉ rõ.

Trao đổi về vấn đề này, Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn, viện Kinh tế và Chính trị Thế giới cũng cho rằng, Việt Nam chịu thiệt nhiều hơn là hưởng lợi trong chiến tranh thương mại Mỹ - Trung. Thậm chí, theo vị chuyên gia này, Việt Nam bị “mắc kẹt” trong xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc. Đó là vì Việt Nam dễ bị lợi dụng đội lốt để tránh thuế xuất sang Mỹ. Tình trạng đã xảy ra với ngành gỗ, sắt thép, nhôm và dệt may.

“Cần lưu ý khi Tổng thống Donal Trump có nhiều bình luận tiêu cực về Việt Nam là một nước xuất siêu sang Mỹ và lợi dụng Mỹ và cả việc tiếp tay cho Trung Quốc”, Chuyên gia Bùi Ngọc Sơn lưu ý.

Thêm vào đó, dòng FDI Trung Quốc và hàng hóa Trung Quốc đội lốt hàng Việt còn có khả năng lợi dụng vị thế của Việt Nam trong các hiệp ước thương mại song phương với các đối tác khác. Điều này có thể gây tai hại cho danh tiếng hàng Việt Nam trong các khối hội nhập này.

Lợi ích từ dòng FDI từ Trung Quốc sang không như mong muốn, thậm chí có nhiều dấu hiệu bất lợi. Trong khi đó, dòng thương mại từ Trung Quốc đang trở thành gánh nặng. Có thể bị lợi dụng vị thế trong các hiệp ước với các nước và khu vực khác.

“Do đó, Việt Nam cần xem xét điều chỉnh tỷ giá, đồng thời không nên nhiệt tình với RCEP. Đặc biệt, cần tăng cường biện pháp ngăn tác động xấu từ FDI và thương mại từ Trung Quốc”, ông Sơn kiến nghị. Đồng thời cho rằng cần cải cách mạnh mẽ vấn đề thể chế, chủ thuyết, học thuyết, lý thuyết cũng là tư duy là con đường để phát triển, không thể làm ngược.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật