1.620 nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng chính sách

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhờ chủ động làm việc với các Bộ, ngành ở Trung ương để tiếp nhận nguồn ngân sách bổ sung vốn điều lệ, vốn thực hiện chương trình; tích cực huy động vốn trên thị trường, nhận vốn ủy thác từ ngân sách các địa phương để triển khai các chương trình tín dụng, đến hết quý 3/2019 đã có 1.620 nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng chính sách.
1.620 nghìn lượt hộ nghèo được vay vốn tín dụng chính sách
Giải ngân vốn tín dụng chính sách tại điểm giao dịch cấp xã

Theo lãnh đạo Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH), đến ngày 30/9/2019, tổng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đạt 210.201 tỷ đồng, tăng 15.780 tỷ đồng so với năm 2018. Tổng dư nợ đến 30/9/2019 đạt 200.813 tỷ đồng, tăng 13.021 tỷ đồng (+6,9%) so với cuối năm 2018, với hơn 6,5 triệu hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác còn dư nợ. Trong đó, dư nợ các chương trình tín dụng theo kế hoạch tăng trưởng được Thủ tướng Chính phủ giao đạt 175.308 tỷ đồng, tăng 10.166 tỷ đồng (+6,2%) so với cuối năm 2018, hoàn thành 76,9% kế hoạch. Dư nợ tín dụng chính sách tập trung chủ yếu ở các chương trình phục vụ nhu cầu sản xuất, kinh doanh tạo sinh kế và việc làm, bao gồm: hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn, cho vay giải quyết việc làm (chiếm 73,6%).

Chất lượng hoạt động tín dụng chính sách không ngừng được củng cố, nâng cao. Tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh chỉ chiếm 0,74% tổng dư nợ.

Doanh số cho vay trong 9 tháng đạt đạt 54.983 tỷ đồng, tăng 6.156 tỷ đồng so với cùng kỳ năm trước, với hơn 1.620 nghìn lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn. Hoạt động tín dụng chính sách xã hội đã góp phần hỗ trợ vốn đầu tư SXKD, tạo việc làm cho hơn 162 nghìn lao động, trong đó hơn 4,8 nghìn lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài; giúp hơn 12 nghìn HSSV có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập; xây dựng hơn 1 triệu công trình NS&VSMTNT; xây dựng trên 12 nghìn căn nhà ở cho hộ nghèo ổn định cuộc sống, hơn 3 nghìn căn nhà ở xã hội theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP...

Đặc biệt, nguồn vốn địa phương ủy thác sang NHCSXH tăng 10.810 tỷ đồng, riêng 9 tháng năm 2019 tăng 2.809 tỷ đồng so với cuối năm 2018, đưa tổng nguồn vốn ủy thác của địa phương đến 30/9/2019 đạt 14.618 tỷ đồng.

Để đảm bảo vốn tín dụng chính sách trong những tháng cuối năm đến đúng các đối tượng, Thống đốc NHNN Việt Nam Lê Minh Hưng kiêm Chủ tịch HĐQT NHCSXH yêu cầu: NHCSXH chủ động huy động vốn, đáp ứng kịp thời nhu cầu giải ngân các chương trình tín dụng theo chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng được giao. Tập trung chỉ đạo các chi nhánh giải ngân kịp thời, sớm hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tăng trưởng dư nợ các chương trình tín dụng, đặc biệt cân đối nguồn lực để bố trí, điều chuyển nguồn vốn ưu tiên các địa phương bị thiệt hại do thiên tai có nhu cầu cấp bách để chuyển đổi sản xuất theo chỉ đạo của Chính phủ.

Tăng cường xử lý, thu hồi nợ đến hạn, tạo nguồn vốn cho vay quay vòng; chấp hành nghiêm túc định mức Quỹ an toàn chi trả; sử dụng hiệu quả, tránh lãng phí vốn. Báo cáo các Bộ, ngành trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch đầu tư công năm 2020, kế hoạch tín dụng, tài chính và xây dựng cơ bản năm 2020, giai đoạn 2020 -2022, giai đoạn 2021 - 2025.

Tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, các Bộ, Ban ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc triển khai thực hiện tốt Chỉ thị số 40-CT/TW và Quyết định số 401/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Kế hoạch triển khai Chỉ thị, trọng tâm tăng cường nguồn lực từ địa phương hỗ trợ thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Đồng thời, NHCSXH nghiên cứu, khảo sát, thí điểm cho vay tiêu dùng đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách - đây là hướng phát triển tiếp cho NHCSXH trong giai đoạn tới. Bên cạnh đó, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường truyền thông về tín dụng chính sách xã hội tới các cá nhân, tổ chức trong nước và quốc tế.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật