Vàng trong nước giữ mức 67 triệu/lượng bất chấp giá thế giới giảm mạnh

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Từ đầu tuần đến nay, giá vàng đã tăng 1,6%, các ngân hàng trung ương vẫn đang tiếp tục xu hướng mua vàng phòng ngừa bất ổn từ khủng hoảng địa chính trị và kinh tế toàn cầu.
Vàng trong nước giữ mức 67 triệu/lượng bất chấp giá thế giới giảm mạnh
Vàng trong nước ổn định quanh ngưỡng 67 triệu đồng/lượng bất chấp giá thế giới liên tục giảm mạnh (ảnh minh họa)

Ngày cuối tuần 3/6, giá vàng miếng thương hiệu quốc gia SJC của Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết mua vào - bán ra trong khoảng 66,35- 67,05 triệu đồng/lượng, giữ nguyên ở chiều mua vào bán ra so với cuối tuần trước.

Hiện nay chênh lệch giá mua- bán vẫn được giữ ở mức 700.000 đồng/lượng, bằng với tuần trước.

Giá vàng thế giới hôm nay 3/6 cũng đóng cửa phiên giao dịch cuối tuần dưới ngưỡng 2.000 USD/ounce, với mức 1.948 USD/ounce, chỉ nhích thêm 2 USD/ounce so với giá cuối tuần trước.

Giá vàng trang sức, giá vàng nhẫn 24K các loại ngày 3/6 mua bán quanh mức 55,55- 56,5 triệu đồng/lượng, giảm 50.000 đồng so với mức giá cuối tuần trước. Chênh lệch mua- bán vàng trang sức tuần này hiện ở mức 950.000 đồng/lượng.

Trong 2 tuần qua, giá vàng thế giới liên tục biến động và lùi sâu dưới ngưỡng 2.000 USD/ounce. Nhưng giá vàng miếng SJC trong nước không đi cùng chiều vàng thế giới, vẫn luôn níu giữ ngưỡng 67 triệu đồng/lượng.

Điều này dẫn đến khoảng cách giữa giá vàng thế giới và trong nước đang tăng lên. Hiện quy đổi theo tỷ giá, vàng thế giới đang rẻ hơn vàng miếng SJC khoảng 11,5 triệu đồng/lượng và rẻ hơn vàng trang sức khoảng 1 triệu đồng/lượng.

So với vàng miếng SJC chịu ảnh hưởng chủ yếu do mãi lực mua bán của thị trường nội địa, vàng trang sức được mua- bán cập nhật theo sát giá vàng thế giới nhiều hơn.

Đầu ngày 3/6, giá vàng thế giới kết thúc phiên giao dịch cuối tuần tại 1.948 USD/ounce, giảm 32 USD so với mức giá cao nhất trong đêm qua là 1.980 USD/ounce. Nguyên nhân do giới đầu tư tài chính đã dồn vốn vào cổ phiếu khiến dòng tiền chảy vào kim loại quý bị hạn chế. Giá vàng hôm nay rơi vào thế khó khăn.

Giá vàng thế giới giao ngay đứng quanh ngưỡng 1.947,5 USD/ounce. Giá vàng giao tương lai tháng 8 trên sàn Comex New York ở mức 1.969,8 USD/ounce.

Theo báo Business Insider, phần lớn ngân hàng trung ương trên thế giới hiện nay coi vàng là tài sản dự trữ nổi bật hơn, cho thấy xu hướng phi USD hóa sẽ tiếp tục trong những năm tới.

Từ đầu tuần đến nay, giá kim loại quý này đã tăng 1,6%. Giá vàng thế giới đang ở mức cao nhất trong hơn 1 tuần trở lại đây, với chất xúc tác cho sự tăng giá này là đồng USD.

Chỉ số Dollar Index đo sức mạnh đồng USD so với một rổ gồm 6 đồng tiền chủ chốt khác giảm mạnh khỏi vùng cao nhất trong 2 tháng, mở đường cho vàng tăng giá. Cùng với đó, lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ giảm xuống mức thấp nhất 2 tuần, hỗ trợ thêm cho giá vàng.

Theo một cuộc khảo sát của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), 62% ngân hàng được hỏi kỳ vọng vàng sẽ chiếm tỉ trọng lớn hơn trong tổng dự trữ trong 5 năm tới, so với mức 46% của năm ngoái.

Lý do để tăng dự trữ vàng là bởi lãi suất, mối lo ngại về lạm phát và rủi ro địa chính trị tiếp tục là những yếu tố hàng đầu trong các quyết định quản lý dự trữ của các ngân hàng trung ương.

Các ngân hàng trung ương đã ráo riết mua vàng, đặc biệt là sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào năm ngoái, dẫn đến việc phương Tây đóng băng ngoại tệ của Nga. Các biện pháp trừng phạt của phương Tây khiến nhiều quốc gia có kế hoạch giảm bớt nắm giữ đồng USD trong nền kinh tế và vàng nổi lên như một giải pháp thay thế hàng đầu.

Xu hướng mua vàng vẫn tiếp tục trong năm nay, khi quý I/2023 chứng kiến lượng mua vàng của ngân hàng trung ương tăng 176% so với một năm trước.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật