Mỹ-EU nhất trí cần đảm bảo “minh bạch toàn diện” trong trợ cấp xanh

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Trong cuộc thảo luận ngày 7/2, đại diện Mỹ và EU đã nhất trí về sự cần thiết của sự minh bạch toàn diện liên quan mức trợ cấp và tín dụng thuế.
Mỹ-EU nhất trí cần đảm bảo “minh bạch toàn diện” trong trợ cấp xanh
Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck (trái) và Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire. (Nguồn: DPA)

Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí cần phải đảm bảo sự "minh bạch toàn diện" về các khoản trợ cấp xanh.

Sự nhất trí này đạt được trong cuộc thảo luận ngày 7/2 giữa Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cùng một số quan chức khác tại thủ đô Washington.

Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc thảo luận, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Le Maire nêu rõ các cuộc thảo luận ngày 7/2 "cụ thể và mang tính xây dựng," theo đó các bên nhất trí về sự cần thiết của sự minh bạch toàn diện liên quan mức trợ cấp và tín dụng thuế.

Ông Le Maire cho biết các quan chức Mỹ và các bộ trưởng châu Âu cũng nhất trí cần "liên lạc thường xuyên ở cấp bộ trưởng, đặc biệt là về các khoản đầu tư chiến lược."

Trong khi đó, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck nhấn mạnh rằng điều quan trọng là không để quan hệ đối tác EU-Mỹ trở thành một "cuộc chạy đua trợ cấp."

Ông Habeck cho biết cả hai bên sẽ triệu tập một nhóm kỹ thuật dưới sự bảo trợ của một nhóm chuyên trách đặc biệt hiện có.

Mục đích chuyến thăm Mỹ của hai bộ trưởng kinh tế Pháp và Đức là thảo luận về tác động của Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) của Mỹ đối với ngành công nghiệp châu Âu.

Chuyến thăm này diễn ra sau chuyến công du của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tới Washington vào tháng 12/2022. Trong cuộc hội đàm với người đồng cấp Pháp, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã khẳng định rằng IRA tuyệt đối không nhằm gây bất lợi cho các đồng minh của nước này.

IRA là đạo luật chi tiêu mang tính bước ngoặt của Mỹ, nhưng đang gây nhiều quan ngại cho EU.

IRA dành khoảng 370 tỷ USD để trợ cấp cho quá trình chuyển đổi năng lượng của Mỹ, trong đó có việc giảm thuế đối với các mặt hàng ôtô điện và pin Mặt Trời sản xuất tại nước này.

Châu Âu hiện quan ngại về cạnh tranh không công bằng và thiệt hại tài sản thế chấp nếu các công ty chuyển ra ngoài lãnh thổ EU.

Liên minh này đang kêu gọi Mỹ xem xét miễn trừ cho các công ty châu Âu. Tuy nhiên, cho đến nay nhóm chuyên trách được thành lập để giải quyết các quan ngại của khối này thu được rất ít kết quả.

Trước đó, nhằm tránh mối đe dọa từ IRA đối với ngành công nghiệp châu Âu, ngày 1/2 vừa qua, Ủy ban châu Âu (EC) đã đề xuất cho phép tăng các mức độ trợ cấp nhà nước dành cho các doanh nghiệp tại EU để có thể cạnh tranh công bằng với Mỹ trong cuộc đua trở thành trung tâm sản xuất xe điện và các sản phẩm xanh khác.

Tuy nhiên, các nước thành viên vẫn chưa đồng thuận về cách tiếp cận vấn đề này.

Dự kiến, các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh để thảo luận cách thức ứng phó với các biện pháp mà Mỹ đề ra trong IRA./

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật