Thị trường bất động sản: “Nín thở” trước cuộc họp giải cứu

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Doanh nghiệp và người dân hy vọng Hội nghị về công tác tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) sáng 8/2 sẽ đưa ra giải pháp cụ thể. Theo đó, nhiều đơn vị kiến nghị hàng loạt vấn đề liên quan tín dụng doanh nghiệp, dự án.
Thị trường bất động sản: “Nín thở” trước cuộc họp giải cứu
Hàng nghìn doanh nghiệp bất động sản chờ cuộc giải cứu. Ảnh: Như Ý

Bộ Xây dựng kiến nghị

Trước khi diễn ra Hội nghị tín dụng với bất động sản sáng 8/2, ngày 6/2, NHNN tổ chức cuộc họp kín để nghe báo cáo về tình hình cho vay bất động sản. Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú chủ trì cuộc họp. Đây là cuộc họp nội bộ nhằm ghi nhận ý kiến của các đơn vị liên quan để NHNN chuẩn bị cho hội nghị quan trọng ngày 8/2.

Báo cáo của NHNN cho thấy, đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng đối với hoạt động kinh doanh bất động sản lên đến gần 800.000 tỷ đồng. Con số này tại thời điểm cuối năm 2021 là khoảng 700.000 tỷ đồng.

Trao đổi với PV Báo chiều 7/2, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, tại cuộc họp sáng 8/2, ông đại diện Bộ Xây dựng tham gia phát biểu với hàng loạt kiến nghị liên quan vốn cho thị trường bất động sản.

Đánh giá về sức khỏe của doanh nghiệp bất động sản, ông Sinh cho rằng, doanh nghiệp hiện gặp nhiều khó khăn về vốn tín dụng, phát hành trái phiếu doanh nghiệp. Lãi suất cho vay, tỷ giá ngoại tệ, giá nguyên vật liệu tăng khiến một số doanh nghiệp thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh, tinh giản lao động, nhà thầu phải dừng thi công…

Theo ông Sinh, thị trường bất động sản khó khăn cũng khiến một số lĩnh vực khác như nguyên vật liệu, trang trí nội ngoại thất bị ảnh hưởng theo. Thêm một khó khăn nữa là xuất phát từ tâm lý khách hàng gặp phải một số dự án không đảm bảo pháp lý khiến các nhà đầu tư, người dân mất lòng tin.

Ông Sinh đánh giá, những khó khăn kể trên dù mang tính thời điểm nhưng cũng ảnh hưởng đến doanh nghiệp, nhà đầu tư. Trước thực tế khó khăn của cả doanh nghiệp và khách hàng mua bất động sản trong tiếp cận nguồn vốn vay tín dụng, ông cho biết, Bộ Xây dựng đã kiến nghị các bộ, ngành liên quan khơi thông điểm nghẽn về vốn.

Đối với NHNN, Bộ Xây dựng đề nghị xem xét phương án điều hành room tín dụng phù hợp để hỗ trợ cho nền kinh tế; đồng thời, chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức tín dụng tạo điều kiện cho doanh nghiệp, người mua nhà và nhà đầu tư được tiếp cận nguồn vốn tín dụng.

“Bộ Xây dựng cũng đề nghị NHNN hướng dẫn, chỉ đạo các tổ chức tín dụng cho vay, giải ngân nhanh chóng đối với các doanh nghiệp, dự án bất động sản đủ điều kiện theo đúng quy định của Pháp Luật; ưu tiên cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà ở thương mại giá rẻ và các loại hình bất động sản phục vụ mục đích sản xuất, an sinh xã hội có hiệu quả cao, có khả năng trả nợ”, ông Sinh nói.

Ông cho biết, Bộ Xây dựng là thành viên Tổ công tác của Thủ tướng về lĩnh vực bất động sản và đã đưa ra kiến nghị với các địa phương. Thị trường bất động sản cần vốn như ô xy và nếu không được bơm kịp thời sẽ khó hồi phục.

Thúc đẩy 2 thị trường

Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết: “Tôi tham dự và đại diện cho tiếng nói doanh nghiệp nêu ra tại cuộc họp. Hàng nghìn doanh nghiệp bất động sản chờ đợi cuộc họp này từ đầu năm 2023.

Tôi cho rằng, thị trường bất động sản thời điểm này cần có vốn cho các dự án cần thiết của xã hội, dự án quan trọng với nhu cầu tối thiểu của người dân. Vì vậy, từ doanh nghiệp cho đến người dân chờ ngân hàng mở room tín dụng mới”.

Theo chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành, bất động sản là câu chuyện dòng tiền rất lớn gắn chặt với thị trường tài chính, hệ thống tài chính ngân hàng. Do đó, cơ quan quản lý nhà nước cần thúc đẩy cả thị trường tài chính và bất động sản.

Theo ông Thành, Nhà nước cần tạo dựng lại lòng tin khi nguy cơ thị trường đóng băng và minh bạch các vấn đề pháp lý liên quan đến tài chính, tiền tệ. Nếu xử lý được hai vấn đề trên sẽ giải quyết được mối quan hệ giữa các ngân hàng với các doanh nghiệp bất động sản. Theo đó, dòng tiền bất động sản mới dịch chuyển một cách bình thường.

Theo vị chuyên gia này, NHNN phải đảm bảo rằng, các điều kiện để dòng tiền có thể tiếp sức, “bơm máu” cho các dự án bất động sản không quá ngặt nghèo.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật