Đầu tư Cảng hàng không Phù Cát theo phương thức PPP

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 4/2, trong chuyến công tác tại tỉnh Bình Định, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu sớm hoàn thiện hồ sơ quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát để sẵn sàng phê duyệt sau khi Quy hoạch tổng thể hệ thống cảng hàng không, sân bay được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đầu tư Cảng hàng không Phù Cát theo phương thức PPP
Ảnh minh họa

Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Định và các bộ ngành hoàn thiện Đề án xã hội hóa đầu tư theo phương thức PPP Cảng hàng không Phù Cát làm cơ sở phê duyệt để triển khai. Đồng thời, cần nghiên cứu, vận dụng một số mô hình đầu tư sân bay thành công ở trong nước; bảo đảm tính lưỡng dụng của công trình...

Cảng hàng không Phù Cát là sân bay nội địa, cấp 4C (theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế ICAO), kết hợp khai thác hàng không dân dụng với hoạt động bay quân sự với 7 vị trí đỗ máy bay, gồm 1 đường cất hạ cánh bảo đảm khả năng khai thác tàu bay như A320/321 và tương đương.

Nhà ga hành khách được xây dựng năm 2018, đáp ứng công suất 2 triệu hành khách/năm. Diện tích đất thực tế sân bay hơn 863 ha. Theo quy định hiện hành, cơ sở hạ tầng tại Cảng hàng không Phù Cát hiện nay cơ bản đủ điều kiện để khai thác các chuyến bay quốc tế.

Hiện nay, tại Cảng hàng không Phù Cát có 5 hãng hàng không khai thác các đường bay nối Quy Nhơn với Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vinh, Huế, Cần Thơ và TPHCM. Sản lượng hành khách thông qua Cảng hàng không Phù Cát tăng trưởng tương đối tốt trong vài năm gần đây, trung bình khoảng 1,5 triệu hành khách/năm; đã khai thác một số chuyến bay quốc tế không thường lệ.

Theo dự thảo Quy hoạch tổng thể hệ thống Cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Bộ Giao thông vận tải đề xuất, Cảng hàng không Phù Cát có công suất đến năm 2030 là 5 triệu hành khách/năm, tầm nhìn đến 2050 là 7 triệu hành khách/năm.

Cục Hàng không Việt Nam được Bộ Giao thông vận tải giao lập Quy hoạch Cảng hàng không Phù Cát thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Hiện nay, hồ sơ quy hoạch đã hoàn thiện báo cáo giữa kỳ. Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo khẩn trương hoàn thành báo cáo cuối kỳ để xin ý kiến các cơ quan liên quan làm cơ sở thẩm định, phê duyệt.

Ngày 4/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã cắt băng khánh thành dự án đường ven biển (ĐT.639), đoạn từ Cát Tiến đến Mỹ Thành (huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định).

Đường ven biển qua địa phận tỉnh Bình Định thuộc hệ thống đường ven biển quốc gia với tổng chiều dài tuyến khoảng 115km có điểm đầu kết nối với đường ven biển tỉnh Quảng Ngãi, tại phường Tam Quan Bắc, thị xã Hoài Nhơn (Bình Định); điểm cuối kết nối với đường ven biển tỉnh Phú Yên.

Đường ven biển (ĐT.639), đoạn từ Cát Tiến đến Mỹ Thành đã thi công hoàn thành là một trong những phân đoạn quan trọng của đường ven biển qua địa phận tỉnh Bình Định có điểm đầu tại Km16+125, điểm cuối tại Km45+245, đi qua địa bàn huyện Phù Cát và huyện Phù Mỹ có tổng chiều dài tuyến 29km với tổng mức đầu tư 1.967 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương hỗ trợ là 464 tỷ đồng, phần còn lại sử dụng từ ngân sách tỉnh.

Tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp III đồng bằng, vận tốc thiết kế 80km/h, quy mô bề rộng nền đường 20,5m, mặt đường bố trí 4 làn xe.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật