Người đưa giống gạo ngon nhất thế giới về trồng dưới chân núi lửa

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giống lúa ST24 và ST25 được đưa về trồng dưới chân núi lửa Chư B’lúk, phát triển nhờ phù sa của dòng sông Krông Nô, tạo nên thương hiệu lúa gạo nổi tiếng Đắk Nông.
Người đưa giống gạo ngon nhất thế giới về trồng dưới chân núi lửa
Cánh đồng rộng hàng trăm hecta trồng lúa ST tại xã Buôn Chóah (Ảnh: Đặng Dương).

Giống lúa ST24 và ST25 được nghiên cứu và phát triển nhờ kỹ sư nông nghiệp Hồ Quang Cua (tỉnh Sóc Trăng). Hơn 5 năm trước, giống lúa nổi tiếng thế giới này được bà Chu Thị Mười, một nông dân ở xã Buôn Choah (huyện Krông Nô), đưa về trồng tại Đắk Nông.

Bà Mười cũng là một trong số ít nông dân đầu tiên đưa giống lúa ST24 và ST25 từ miền Tây ngược lên Tây Nguyên để đưa vào sản xuất đại trà. Từ đó, ST trở thành giống lúa đem lại thu nhập cao nhất cho người dân sống dưới chân núi lửa Chư B’lúk.

Bà Mười chia sẻ, chính bà cũng không thể mường tượng được từ diện tích 4 sào ban đầu, nay giống lúa ST đã phủ kín gần 700ha lúa nước của xã Buôn Chóah - vựa lương thực lớn nhất Nam Tây Nguyên.

Bà Chu Thị Mười và ông Doãn Gia Lộc là những người đầu tiên đưa giống lúa ST về trồng tại xã Buôn Chóah (Ảnh: Đặng Dương).

Bà Mười nhớ lại, năm 2017, trong một lần xem tivi, bà thấy quảng cáo gạo ST 24 thơm ngon nên ấp ủ ý định mua giống về trồng thử. Ngày hôm sau, bà Mười đem ý tưởng này kể với ông Doãn Gia Lộc, lúc đó cũng là Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Krông Nô.

Trùng hợp, ông Lộc cũng đang có ý định đưa giống lúa ST 24 về địa phương trồng thử nghiệm nhằm thay thế các giống lúa đã thoái hóa. Chính vì thế, sau khi bà Mười đề nghị, ông Lộc đã nhận lời ngay.

Ít ngày sau, 50kg lúa giống ST24 được giao tận tay bà Mười, được gieo sạ trên diện tích 4 sào. Là giống lúa mới, lại chưa nắm rõ quy trình sản xuất nên vụ đầu tiên, lúa bị xoắn lá, bà Mười chỉ thu được một tấn thóc trên 4 sào. Sản lượng này chỉ bằng 1/10 so với các giống lúa người dân địa phương đang trồng.

Hạt gạo của giống lúa ST trong, không gãy, thơm ngon (Ảnh: Đặng Dương).

"Lúc thu hoạch vụ đầu tiên, tôi cũng chán nản, tính vụ sau sẽ quay lại trồng lúa truyền thống. Tuy nhiên, khi nấu cơm ăn thử thấy gạo ST 24 này rất thơm ngon, vị đậm đà tôi lại làm liều trồng thêm vụ nữa. Cứ thế, đến nay gia đình tôi duy trì sản xuất lúa ST24 và ST25 trên diện tích 4ha, với năng suất bình quân 10 tấn/ha, thu nhập tăng khoảng 25%", bà Mười kể lại.

Theo bà Mười, điểm khác biệt của gạo ST24, ST25 trồng tại đây là hạt gạo trong, không gãy, thơm ngon, hương vị đậm đà. Đó là kết quả từ sự vun đắp phù sa, tạo thành lớp phì nhiêu của sông Krông Nô dành cho mảnh đất này. Đặc biệt hơn nữa là hàm lượng khoáng từ sự phong hóa của cao nguyên đá nằm dưới chân núi lửa Chư B’lúk.

Cánh đồng rộng hàng trăm hecta trồng lúa ST nằm bên dòng sông Krông Nô (Ảnh: Đặng Dương).

Chia sẻ về quá trình đưa giống lúa ST về trồng bên dòng sông cha (sông Krông Nô - một trong 2 nhánh của dòng sông Sêrêpok chảy ngược), ông Doãn Gia Lộc khấp khởi trong lòng vì giống lúa đã góp phần thay đổi diện mạo của một trong những vùng đất khó khăn nhất của tỉnh Đắk Nông.

Ông Lộc cũng là người đồng hành cùng bà Mười, thúc đẩy để giống lúa ST được canh tác, sản xuất đại trà tại huyện Krông Nô.

Ông Lộc cho biết, hơn 10 năm trước, Buôn Chóah vẫn là vùng trũng của Đắk Nông. Là xã thuần nông, điều kiện kinh tế khó khăn do thường xuyên ngập lụt vào mùa mưa, nhiều diện tích đất chỉ sản xuất được một vụ vì nắng hạn và đá ong.

Thời điểm đó, người dân vẫn còn canh tác theo tập quán "chọc lỗ, tỉa hạt", nên để có được thành quả là những cánh đồng lúa ST rộng cả trăm hecta như ngày hôm nay không phải dễ dàng.

Diện tích trồng lúa ST24 và ST25 ngày càng mở rộng, hiện đã lên tới 1.400ha, canh tác 2 vụ (Ảnh: Đặng Dương).

"Năm 2017, 50kg giống ST24 từ tỉnh Sóc Trăng được bà Mười trồng thử nghiệm. Cùng với sự quyết liệt của huyện, sự ủng hộ của người dân, diện tích trồng lúa ST24 và ST25 ngày càng mở rộng, hiện đã lên tới 1.400ha canh tác 2 vụ với khoảng 300 hộ tham gia", ông Lộc cho biết.

Qua sản xuất cho thấy, lúa ST sinh trưởng, phát triển và khả năng chống chịu sâu bệnh rất tốt. Đặc biệt gạo có nhiều đặc tính ưu việt, hạt trong, cơm đậm, thơm, hàm lượng dinh dưỡng vượt trội. Đến nay, sản phẩm gạo Buôn Chóah đã tham gia sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart và OCOP (chương trình mỗi địa phương một sản phẩm thế mạnh).

"Sau khi nhãn hiệu được chứng nhận, thương hiệu lúa gạo Krông Nô ngày càng được nhiều người biết đến và tin dùng. Giá bán lẻ gạo ST24, ST25 hiện nay ở mức 22.000-26.000 đồng/kg, giá trị canh tác lúa thuần đạt gần 160 triệu đồng/ha, đời sống của người dân được cải thiện", lãnh đạo Phòng NN-PTNT huyện Krông Nô thông tin.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật