TP.HCM: Quá tải công việc, cán bộ không còn sức sáng tạo

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Ngày 9/12, kỳ họp thứ 8 HĐND TP.HCM khóa X tiếp tục với nội dung giám sát chuyên đề tại kỳ họp về việc thực hiện Nghị quyết 131/2020 của Quốc hội liên quan đến tổ chức chính quyền đô thị tại TP.HCM.
TP.HCM: Quá tải công việc, cán bộ không còn sức sáng tạo
Phó Chủ tịch UBND TP Võ Văn Hoan nói về xây dựng chính quyền đô thị. Ảnh: Việt Dũng

Cán bộ quá tải, không tái tạo được sức lao động

Thảo luận tại kỳ họp, đại biểu Nguyễn Thị Kim Dung cho biết, TP.HCM có nhiều nỗ lực, nhưng sự phân bổ nguồn lực con người chưa phù hợp. Qua giám sát ở một số quận thấy rằng, cán bộ công chức hiện nay ở các sở ngành, quận huyện phải gánh rất nhiều việc.

"Nói là cán bộ không chuyên trách, nhưng làm đến 7-8 giờ tối, thứ Bảy, Chủ nhật vẫn làm. Cứ bị cuốn vào những công việc thì cán bộ không còn sức sáng tạo, không tái tạo được sức lao động", đại biểu Kim Dung thẳng thắn và kiến nghị cần có một đặc thù cho TP.HCM trước khi có các Nghị quyết từ Quốc hội.

Trả lời đại biểu, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, TP đã giao Sở Nội vụ sớm trình đề án với các nội dung: Công tác tuyển dụng, gắn với chính sách thu hút nhân tài – không chỉ là người ngoài hệ thống mà động viên những người trong hệ thống; nhà ở cho công chức, viên chức.

Ngoài ra, cán bộ, công chức, viên chức có được thu nhập cơ bản, cũng là nguồn động viên để an tâm làm việc. Bên cạnh đó, TP.HCM còn có chính sách đào tạo cho cán bộ hàng năm phù hợp với vị trí công tác.

"Mỗi năm, mỗi công chức, viên chức có thể cách ly công việc hai tuần để cập nhật kiến thức, nghiên cứu mô hình, cách làm mới để họ có năng lượng mới, kiến thức mới, kỹ năng mới phục vụ công việc tốt hơn", ông Mãi nhìn nhận.

Đồng thời, TP sẽ có sự đề bạt sát sao hơn, làm sao bố trí, đánh giá cho được cán bộ, công chức có thành tích đóng góp, ghi nhận xứng đáng để giao nhiệm vụ, trọng trách cao hơn để phát huy năng lực.

Sau 2 năm thực hiện chính quyền đô thị, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho biết có một số tồn tại, trong đó có 1 năm TP vất vả chống dịch. Thực tế cho thấy có vướng mắc phát sinh nhưng đó là do tham mưu TP chưa lường trước hết. 

"Khi thực hiện chính quyền đô thị, việc ứng dụng công nghệ số, chính quyền số để quản lý là rất cần thiết, giúp tăng hiệu quả quản lý", ông Hoan nói và nhìn nhận hệ thống công nghệ thông tin của TP còn lạc hậu, chưa có sự đồng bộ, thiếu tính kết nối, chưa có gắn kết được với cổng dịch vụ công quốc gia.

TP cũng đang tiến hành một loạt giải pháp như khởi động tích hợp chung với dịch vụ công trực tuyến quốc gia, tổ chức số hóa một số nội dung có liên quan đến vốn doanh nghiệp, đất đai, quy hoạch, xây dựng, gắn liên kết giữa các ngành đất đai với thuế, ngành kế hoạch đầu tư với thuế với Công an TP...

Về nguồn lực thực hiện, ông Võ Văn Hoan khẳng định ngoài nguồn ngân sách TP, cũng cần có sự tham gia của doanh nghiệp, đồng thời phải khuyến khích người dân tham gia vào chuyển đổi số.

Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi trả lời các ý kiến của đại biểu. Ảnh: P.V

Chủ tịch TP.Thủ Đức nói gì về 11 dự án bị dừng triển khai?

Về phân cấp ủy quyền, trước khi có chính quyền đô thị đã có phân cấp. Đối với TP.Thủ Đức, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM cho biết, rất muốn chính quyền TP.Thủ Đức có thẩm quyền nhiều hơn so với chính quyền cấp quận. Cho nên, TP.HCM đã có kiến nghị Trung ương đưa vào dự thảo Nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 54 của Quốc hội, trong đó Chủ tịch UBNN TP.HCM được phép phân cấp ủy quyền nhiều hơn cho Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức. Đồng thời điều chỉnh một số chức năng nhiệm vụ của sở ngành TP.HCM để giao cho TP.Thủ Đức quyết định trên cơ sở tham mưu của phòng ban chuyên môn…

Trước băn khoăn của đại biểu Cao Thanh Bình về việc TP.Thủ Đức có đến 11 dự án tạm ngưng thực hiện, trong đó có 5 dự án trường học, 6 dự án đường giao thông, có những dự án đường giao thông huyết mạch như đường Đỗ Xuân Hợp, đường Nguyễn Duy Trinh, khu vực giao thông bến xe Miền Đông mới..., ông Hoàng Tùng, Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức nhìn nhận có ách tắc một số công việc, cần phải chấn chỉnh.

"Năm 2023, chúng tôi nhận thấy cần có sự chấn chỉnh đặc biệt trong việc phối hợp của TP.Thủ Đức với các bên liên quan. Chúng tôi tin tưởng sẽ giải quyết được những nội dung được phản ánh. Tôi xin nhận trách nhiệm đối với cử tri về vấn đề này", ông Hoàng Tùng nói.

Chủ tịch UBND TP.Thủ Đức chia sẻ, hiện nay danh mục đầu tư công trung hạn của TP.Thủ Đức đa phần là các dự án chuyển tiếp từ giai đoạn trước. Các dự án mới rất ít. 11 dự án giảm hoặc hoãn tiến độ là do TP.HCM cần tập trung cho nhiều dự án khác, tạm thời cân đối lại vốn và sẽ tiếp tục triển khai trong thời gian tới.

Ông cam kết sẽ cùng các sở ngành đảm bảo tiến độ giải ngân các dự án và đảm bảo giải ngân để giải phóng mặt bằng các dự án lớn như đường Vành đai 3.

Ông Hoàng Tùng thông tin thêm, năm 2022, TP.Thủ Đức được giao 2.900 tỷ, năm 2023 tiếp tục được giao 2.900 tỷ. Trong đó có khoảng 50% là vốn dành cho bồi thường giải phóng mặt bằng. Dự kiến đến 15/12, TP.Thủ Đức sẽ giải ngân được gần 95% số tiền 2.900 tỷ, trong đó, tiền bồi thường khoảng 1.600 tỷ đồng. Đây là con số lớn để dành cho việc đầu tư phát triển hạ tầng của TP.Thủ Đức.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật