Thua lỗ thảm bại trên sân nhà, phim Việt lại cần giải cứu?

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Năm 2018, phong trào “giải cứu phim Việt” được hô hào rầm rộ khi 2 phim Việt là “Lật mặt 3” và “100 ngày bên em” bị bom tấn “Avengers: Infinity War” đè bẹp về các suất chiếu khi ra rạp. Giờ đây, đối thủ của phim Việt không chỉ là các bom tấn Hollywood.
Thua lỗ thảm bại trên sân nhà, phim Việt lại cần giải cứu?
Ảnh minh họa

Gần 30 phim Việt ra rạp năm 2022 thua lỗ chưa từng có, một số phim chưa đạt nổi 1 tỉ doanh thu, nhiều phim phải rút sớm khỏi rạp vì không bán nổi vé.

Trong khi đó, bộ phim Thái Lan “Ngược dòng thời gian để yêu anh” cán mốc doanh thu 50 tỉ đồng sau 13 ngày ra mắt ở thị trường Việt Nam.

Hiện bộ phim hài của Hàn Quốc “Bỗng dưng trúng số” cũng liên tiếp đạt kỷ lục doanh thu, phim thu 14 tỉ đồng chỉ trong ngày 25.9 cuối tuần.

Đối thủ của phim Việt giờ đây đã không chỉ là những bom tấn Hollywood, mà còn thêm cả Thái Lan, Hàn Quốc.

Năm 2018-2019, trào lưu “giải cứu phim Việt” từng được hô hào khi phim Việt đứng trước nguy cơ bị phim ngoại đánh bại trên sân nhà. Năm 2022, sự thua lỗ còn thảm bại hơn, đến từ nhiều nguyên nhân.

Câu chuyện “giải cứu phim Việt” được đặt vấn đề trở lại khi điện ảnh là một trong 12 ngành kinh tế mũi nhọn trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa của Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Trao đổi với phóng viên Lao Động về hiện trạng phim Việt thua lỗ nặng nề năm 2022, Tiến sĩ Ngô Phương Lan – Nguyên Cục trưởng Cục Điện ảnh cho rằng: “Nhìn vào điện ảnh Thái Lan sẽ thấy, họ có rất nhiều tác phẩm kém, có tác phẩm còn kém hơn cả phim Việt, nhưng họ vẫn bán được vé, vì họ có cách tiếp thị giỏi.

Chúng ta chưa cần phải học tập những thị trường quá xa xôi như Hàn Quốc hay Mỹ, có thể học ngay Thái Lan về cách tiếp thị, quảng bá phim”.

Theo Tiến sĩ Ngô Phương Lan, với điện ảnh Việt, bài toán kinh tế đang trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Nhiều đạo diễn phim Việt vẫn sống trong những “ảo ảnh” về nghệ thuật, luôn tự tâm đắc, khen ngợi phim của mình hay, quay đẹp, nhưng khi phim ra rạp lại không thể bán được vé. Độ vênh trong thưởng thức phim giữa đạo diễn và khán giả là một vấn đề nan giải của phim Việt kéo dài trong nhiều năm.

Tiến sĩ Ngô Phương Lan chia sẻ: “Tôi nghĩ, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi về nhận thức. Nếu như trước đây, điện ảnh được xem là nghệ thuật đỉnh cao thiên về tinh thần, thưởng thức, không quy thành hàng hóa. Bây giờ đã khác, phim ảnh phải là sản phẩm hàng hóa đặc biệt.

Các nhà làm phim đặt ra giá trị thẩm mỹ cho tác phẩm, đồng thời phải cho thấy đó là mặt hàng mà khán giả muốn xem. Anh không thể chỉ bán thứ anh có, anh phải bán những thứ khán giả cần”.

 Phim "578: Phát đạn của kẻ điên" đầu tư 60 tỉ chỉ thu về 3,5 tỉ bán vé. Ảnh: NSX

Trong bối cảnh, khán giả ngày càng tiếp cận sâu rộng với điện ảnh thế giới qua nhiều kênh, trong đó có rạp chiếu và các nền tảng xem phim trực tuyến. Nếu làm phim dưới tầm thưởng thức của khán giả sẽ không thể kéo được khán giả đến rạp.

Chất lượng phim và nghịch lý suất chiếu

Nhìn vào danh sách gần 30 phim Việt thua lỗ trong năm 2022 có thể nhìn thấy ngay lý do đầu tiên khiến những phim này không thể bán được vé là do chất lượng yếu, tư duy làm phim cũ mòn, thiếu tính đột phá.

Khi phim không đủ sức hấp dẫn, nhiều nhà sản xuất đã nổi giận vì bị nhà rạp xếp suất chiếu “trời ơi đất hỡi”. Lý Nhã Kỳ - người đã bỏ tiền để “Kẻ thứ 3” tiếp tục sản xuất đã bày tỏ bức xúc khi phim được xếp 2 suất chiếu vào 8h sáng và 23h đêm. Lý Nhã Kỳ cho biết: “8h là giờ cả nước đi học, đi làm, phim tôi bán vé được cho ai vào giờ ấy?”.

Tranh cãi giữa nhà sản xuất phim Việt và đơn vị phát hành CGV vốn đã nảy sinh từ lâu và kéo dài bất phân thắng bại. Phía các nhà sản xuất ấm ức khi bị chèn ép suất chiếu, phía phát hành luôn lấy lý do họ cũng là doanh nghiệp, phải đặt doanh thu lên hàng đầu, phim nào hay – bán được vé sẽ luôn được ưu tiên “giờ vàng”, nhiều suất chiếu khắp trong ngày.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia đã áp dụng chính sách ưu tiên phim nội để phát triển điện ảnh nội, trong đó tiêu biểu là Trung Quốc.

Để công nghiệp hóa, phim Việt cần nâng cao chất lượng, lý giải được bài toán kinh tế, có chiến lược PR bài bản, đồng thời rạp chiếu cần có chính sách hỗ trợ nhiều hơn cho phim Việt. Ảnh: Phim ngư‌ời tìn‌h.

Theo ông Minh Tiệp - Giám đốc Trung tâm Phát triển Công nghiệp Văn hóa, khi vào rạp, nhiều bạn trẻ luôn ưu tiên chọn những bộ phim bom tấn, phim nổi tiếng thế giới.

"Theo tôi, cần phải có yếu tố truyền thông, quảng bá nhiều hơn cho phim nội.  Hiện nay, nhiều quốc gia dành thời gian quảng bá cho phim nội, ưu tiên phim nội rất nhiều, thậm chí có hạn ngạch cho nhập khẩu phim. Tôi nghĩ đó cũng là một trong những giải pháp”, ông Tiệp nói.

Ông Tiệp khẳng định, chính sách ưu tiên phim nội nên được cân nhắc nhưng song song với điều đó, các nhà làm phim Việt phải nâng cao chất lược kịch bản, chất lượng phim, và có những đột phá mới trong tiếp cận đề tài.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật