Lương Thùy Linh, Phương Anh, Kiều Loan thảo luận về kinh nghiệm chi tiêu tiết kiệm không tiền mặt

Star Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tối 3-7, tại TP.HCM, trong khuôn khổ Gala tổng kết hành trình xuyên Việt chuyến xe không tiền mặt 2022, hoa hậu Lương Thùy Linh, á hậu Phương Anh và á hậu Lona Kiều Loan đã có những chia sẻ thú vị về việc thanh toán không tiền mặt
Lương Thùy Linh, Phương Anh, Kiều Loan thảo luận về kinh nghiệm chi tiêu tiết kiệm không tiền mặt
Các khách mời gồm các hoa hậu, á hậu, tiến sĩ trong buổi giao lưu về chi tiêu không tiền mặt - Ảnh: T.T.D.

Với chủ đề Quản lý tài chính thời 4.0: Tiện lợi - an toàn - chính xác, buổi giao lưu có sự góp mặt của hoa hậu Lương Thùy Linh, á hậu Phương Anh và á hậu - ca sĩ Lona Kiều Loan cùng tiến sĩ Bùi Duy Tùng - giảng viên Kinh tế Đại học RMIT Việt Nam.

Tại buổi giao lưu, các hoa hậu, á hậu chia sẻ xoay quanh câu chuyện quản lý chi tiêu trong cuộc sống hàng ngày như: mua sắm, đổ xăng, thanh toán hóa đơn ăn uống, thanh toán tiền điện nước, mua vé máy bay, khách sạn; cũng như kinh nghiệm tiết kiệm trong sinh hoạt...

Hoa hậu Lương Thùy Linh chia sẻ thường chị em phụ hay lên mạng lướt các trang thương mại điện tử và mua những món hàng thật sự không cần thiết mà chỉ vì món hàng đó đang khuyến mãi.

Lương Thùy Linh chia sẻ về cách chi tiêu tiết kiệm và hiệu quả - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

"Linh nghĩ đây là vấn đề ai cũng gặp phải. Vì vậy, chúng ta cần một kế hoạch chi tiêu rõ ràng để kiểm soát việc chi tiêu" - Thùy Linh cho biết thêm.

Á hậu Phương Anh cho biết: "Hiện tại mình đang sử dụng nhiều ứng dụng để quản lý chi tiêu như thẻ ngân hàng, ví điện tử Momo, ZaloPay.

Mỗi nơi mình để một chút tiền nên tại một thời điểm mình không biết có bao nhiêu tiền, mình không quản lý được việc chi tiêu của mình. Vì vậy, để kiểm soát được tiền mình cần phải có một nơi tổng hợp tất cả các chi tiêu.

Kiều Loan chia sẻ bí quyết tiết kiệm tại sự kiện -Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Còn với Lona Kiều Loan, cô mua sắm theo tâm trạng, săn hàng khuyến mãi và mua với bất kỳ hình thức nào mong muốn. "Việc thanh toán không tiền mặt rất tiện ích nên Lona cũng như nhiều người mong muốn trở thành người hiện đại, văn minh hơn.

Cũng vì vậy không những Lona mà nhiều người thích mua sắm qua mạng và được giao đến tận nhà nên mua quá tay, đến cuối tháng mới biết chi tiêu quá nhiều. Theo Lona, để quản lý tốt việc chi tiêu chỉ cần dùng một ứng dụng thanh toán không tiền mặt" - Lona nói.

Tiến sĩ Bùi Duy Tùng trao đổi tại buổi giao lưu - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Tại sự kiện, tiến sĩ Bùi Duy Tùng - giảng viên kinh tế Đại học RMIT Việt Nam - cho biết, không hẳn bí quyết, nhưng nếu chúng ta muốn quản lý chi tiêu tốt thì phải có kỷ luật tài chính, kiên nhẫn để kiểm soát khoản chi tiêu không chỉ trong một hai ngày mà còn trong dài hạn, nhằm sớm đạt được tự do tài chính.

Về câu chuyện quản lý chi tiêu hợp lý, theo tiến sĩ Tùng, người trẻ cần phải biết mình chi cái gì.

Bước đầu tiên cần liệt kê ra những khoản chi tiêu hàng ngày, hàng tháng. Việc làm này kéo dài một vài tháng, rồi rút ra kết luận.

Dĩ nhiên, việc sử dụng tiền mặt rất khó ghi nhận đầy đủ các khoản chi tiêu, đặc biệt là những khoản tiền nhỏ như gửi xe, mua li nước mía… Để nắm rõ dòng tiền, có được sao kê, chúng ta nên ưu tiên thanh toán không tiền mặt.

Bước tiếp theo, sau khi liệt kê các khoản chi tiêu, chúng ta cần phân loại ra khoản nào thực sự cần thiết (nhu yếu phẩm, nhà ở, điện nước, internet, xăng xe, thực phẩm…), khoản nào lãng phí - chưa cần thiết lắm. Chẳng hạn, một người trẻ thu nhập 10-20 triệu/ tháng, nhưng bỏ ra 5 triệu để mua máy chơi game thì có thể xem là khoản lãng phí.

Sau khi tổng kết lại, cần liệt kê ra khoản chi nào có cũng được mà không có cũng chẳng sao. Chẳng hạn nếu thu nhập thấp, thay vì bỏ ra vài triệu đồng để mua gói tập gym, chúng ta có thể đổi sang môn thể thao khác phù hợp hơn như chạy bộ.

"Những bạn trẻ có thu nhập chưa cao, sau khi dùng tiền kiếm được để chi cho những việc thiết yếu xong, thì khoản tiền còn lại cần đầu tư càng sớm càng tốt, ngay khi có những khoản tiền dư đầu tiên đã nên đầu tư. Albert Einstein từng nói, lãi kép là kỳ quan thứ 8 của thế giới, lãi mẹ đẻ lãi con, tiền lãi 5-10 năm sau tăng theo cấp số nhân", tiến sĩ Tùng cho hay.

Dù vậy, tiến sĩ cũng cho biết: "tiết kiệm chứ không phải sống kham khổ". Do đó, người trẻ vẫn có thể dành một khoản tiền phù hợp để gặp gỡ bạn bè, ăn uống hưởng thụ… Đầu tư là cách thức người trẻ nên áp dụng, cần phải có quản lý chi tiêu tài chính phù hợp.

Ngoài ra, muốn hưởng thụ, tuổi trẻ phải có gặp gỡ bạn bè, ăn uống, thì dành một khoản nhất định. tiết kiệm chứ không phải sống kham khổ.

Nói về bí quyết tiết kiệm trong chi tiêu, á hậu Lona bật mí: "Để tiết kiệm, Lona hay ghi ra những gì cần chi tiêu, chỉ mua những gì thật sự cần thiết, giữ tinh thần tỉnh táo trước các chương trình khuyến mãi. Mặt khác, Lona có tính chung thủy nên với một món hàng mình xài đến khi không dùng được nữa mới mua sản phẩm khác".

Phương Anh tiết kiệm được nhiều chi phí mua trang phục do sử dụng lại quần áo của mẹ và chị - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Còn Phương Anh chia sẻ cách mua được sản phẩm ưng ý nhưng vẫn tiết kiệm đó là canh mua hàng khuyến mãi những sản phẩm cần thiết cho mình như nước tẩy trang, sữa rửa mặt… tích trữ. Đây là những món hàng cần thiết.

Cô nói: "Minh có tạng người giống chị gái và mẹ nên hay sử dụng lại đồ của mẹ và chị nên không tốn nhiều chi phí mua trang phục. Đây cũng là cách mình tiết kiệm tiền và có thể giảm thải tác hại đối với môi trường".

Lương Thùy Linh nói việc tiêu tiền giống như môn tâm lý học. Vấn đề của cô và nhiều bạn trẻ hiện nay gặp phải là tiêu tiền để giải tỏa nỗi buồn, tiêu tiền giảm bớt áp lực. Theo Thùy Linh, để việc chi tiêu hiệu quả cần phải quản trị được cảm xúc của mình.

"Chẳng hạn không ngồi lướt các trang mạng điện tử khi có chương trình khuyến mãi hay trong thời gian mình buồn vì lúc đó mình có khả năng chi tiêu nhiều hơn vì đầu óc không biết mình đang muốn gì, đang cần gì" - Thùy Linh chia sẻ thêm.

Ngoài ra, Thùy Linh nhắn nhủ đầu tư tài chính càng sớm càng tốt, đầu tư ở nhiều nơi để tránh rủi ro.

Các hoa hậu, á hậu bật mí cách chi tiêu đúng và tiết kiệm - Ảnh: MINH DUY

Khi được hỏi về quan niệm gửi tiết kiệm sinh lời là đầu tư hiệu quả, ông Tùng cho rằng có nhiều cách thức đầu tư, nếu rủi ro cao thì lợi nhuận cao và ngược lại. Trong số đó gửi tiền tiết kiệm là khá an toàn, gần như số tiền tiết kiệm đảm bảo, nhưng lợi nhuận thấp hơn. Tuy nhiên, căn cứ vào hiện tại, thì gửi tiền tiết kiệm cũng là kênh đầu tư không tồi.

"Ví dụ, 6 tháng đầu năm thì chứng khoán liên tục giảm điểm, trong thời điểm thì hóa ra gửi tiền tiết kiệm là khoản đầu đáng tham khảo. Tuy nhiên, không nên bỏ trứng vào cùng một rổ, đầu tư tiết kiệm chỉ nên một phần", ông Tùy nhận định.

Theo ông Tùng, khi lạm phát đang tăng cao mà ôm quá nhiều tiền mặt thì giá trị giảm xuống. Do đó, nên ôm một ít tiền mặt, còn lại nên tìm kiếm kênh đầu tư hợp lí.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật