Phát triển quá nhiều điện gió, điện mặt trời gây sức ép tăng giá điện

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bộ Công Thương nhận định, việc phối hợp các nguồn thủy điện, nhiệt điện và điện mặt trời sẽ trở nên phức tạp, khó khăn hơn, gây sức ép lên giá bán lẻ điện. Vì thế, việc phát triển các nguồn năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) cần được cân nhắc ở mức độ phù hợp với lưới điện.
Phát triển quá nhiều điện gió, điện mặt trời gây sức ép tăng giá điện
Áp lực tăng giá điện khi phát triển nhiều năng lượng tái tạo. Ảnh: Phùng Tuấn 

Áp lực tăng giá điện

Trong báo cáo mới đây, Bộ Công Thương cho biết, cơ chế giá điện ưu đãi cố định (giá FIT) đã tạo cú hích mạnh mẽ với lĩnh vực điện mặt trời. Tuy nhiên, việc xác định giá FIT áp dụng cho 2 năm chưa phản ánh sát, kịp thời với thay đổi nhanh chóng của công nghệ, giá thiết bị.

Và việc phối hợp thủy điện, nhiệt điện và điện mặt trời sẽ trở nên phức tạp, khó khăn hơn, nên đầu tư chung cho cả hệ thống tăng lên gây sức ép lên giá bán lẻ điện. Vì thế, việc phát triển các nguồn điện tái tạo (điện gió, điện mặt trời) cần được cân nhắc ở mức độ phù hợp với lưới điện, khả năng vận hành, sức ép tăng giá điện.

Trả lời câu hỏi của Báo Lao Động về lộ trình phát triển điện mặt trời, ông Bùi Quốc Hùng - Phó cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương) cho biết, điện mặt trời có nhược điểm chỉ huy động được vào ban ngày, không phải muốn có bao nhiêu cũng được.

Cho nên, phải cân đối các nguồn khác để dự phòng phát vào giờ cao điểm ban đêm. Đồng thời đảm bảo điện mặt trời chỉ có tỉ lệ phù hợp, cân bằng cung cầu, đáp ứng an toàn hệ thống. 

"Vì lý do này nên trong dự thảo Quy hoạch Điện VIII hiện đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt, đến năm 2030 sẽ không phát triển điện mặt trời mặt đất nữa, còn điện mặt trời áp mái vẫn có thể khuyến khích để tự sử dụng", ông Hùng nói.

Bà Vũ Chi Mai - Trưởng hợp phần năng lượng tái tạo (GIZ) - cho biết, mặc dù năng lượng mặt trời tạo ra năng lượng sạch, tái tạo và bền vững, nhưng quá trình sản xuất các thiết bị có thể gây hại cho môi trường và kèm theo phát thải cacbon và khí nhà kính, đốt nhiên liệu hóa thạch, chất thải nhựa và sử dụng các vật liệu độc hại.

Ngoài ra, bà Mai nêu lên những khó khăn, thách thức của việc phát triển kinh tế năng lượng ở Việt Nam. Đó là, hạ tầng lưới ở Việt Nam chưa phát triển nhanh, dẫn đến hạn chế khiến các tổ chức không thể phát triển tối đa kinh tế năng lượng tái tạo.

Theo bà Mai, Việt Nam cần có những dự án lưới điện thông minh nhằm phát triển cơ sở hạ tầng năng lượng thông minh, hoàn chỉnh, sánh ngang với các quốc gia tiên tiến ở ASEAN. 

"Đây hệ thống điện lưới có phương thức trao đổi hai chiều, cho phép trao đổi điện và thông tin theo cả hai hướng giữa các công ty điện lực và người tiêu dùng. Sáng kiến này cho phép tích hợp trên quy mô lớn các dạng năng lượng tái tạo trở nên hiệu quả, đáng tin cậy, an toàn và bền vững", bà Mai nói.

Phát triển điện mặt trời ồ ạt gây quá tải lưới điện

Cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời (giá FIT) được thực hiện theo Quyết định 11 và 13 của Chính phủ. Cơ chế này có nhiều ưu đãi cho các dự án điện mặt trời, đặc biệt ưu đãi về giá. Với điện mặt trời mặt đất, Quyết định 11 có giá ưu đãi là 9,35 cent/kWh, Quyết định 13 là 7,09 cent/kWh và áp mái là 8,38 cent/kWh. 

Nhờ các cơ chế khuyến khích đó, điện mặt trời phát triển rất nhanh trong thời gian rất ngắn. Hiện nay có hơn 8 GW điện mặt trời mái nhà được lắp đặt và hơn 8 GW điện mặt trời mặt đất. Tính chung đã có gần 20 GW điện mặt trời được lắp đặt và chiếm cơ cấu lớn trong hệ thống điện Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, chính sách khuyến khích theo một giá FIT áp dụng toàn quốc cũng chưa phản ánh sự khác nhau về tiềm năng khu vực, dẫn tới sự phát triển tập trung nhiều dự án tại một số tỉnh có tiềm năng tốt, gây áp lực lên lưới điện truyền tải và có khả năng ảnh hưởng ổn định hệ thống điện. 

Trong đó các dự án điện mặt trời nối lưới phát triển tập trung tại miền Trung, Nam Trung Bộ, Tây Nam Bộ và Tây Nguyên với quy mô lớn, vận hành nhanh trong khi năng lực lưới truyền tải điện hiện hữu và lưới điện phát triển theo quy hoạch điện lực chưa tính đến sự thâm nhập lớn của các nguồn điện tái tạo này.

"Việc này dẫn tới khả năng lưới điện không đảm bảo hấp thụ hết toàn bộ sản lượng điện phát của các nguồn điện mặt trời trong tương lai, gây quá tải lưới cục bộ, tổn thất điện năng và độ tin cậy cung cấp điện cho địa phương" - Bộ Công Thương đánh giá việc phát triển lưới truyền tải chưa tương xứng với tốc độ phát triển quá nhanh của dự án điện mặt trời.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật