Doanh nghiệp Việt Nam cần lường trước để giữ thị phần cá ngừ tại Mỹ

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Lạm phát tăng cao, thiếu hụt nguồn cung là những nguyên nhân khiến Hoa Kỳ có khả năng giảm thuế cho cá ngừ Trung Quốc.
Doanh nghiệp Việt Nam cần lường trước để giữ thị phần cá ngừ tại Mỹ
Ảnh minh họa

Giá xăng dầu, tỷ lệ lạm phát tăng cao đang khiến người dân Mỹ thay đổi nhiều thói quen tiêu dùng, dần chuyển sang các mặt hàng thay thế tương tự nhưng có giá thành rẻ hơn. Trong đó, cá ngừ và các sản phẩm chế biến được coi như sự hoán đổi lý tưởng, thay thế cho cá thịt trắng (thiếu nguồn cung do chiến sự tại Ukaraine) khi hàm lượng dinh dưỡng hay giá cả đều rẻ hơn nhiều lần. Tuy nhiên, lượng tồn kho của mặt hàng cá ngừ tại Mỹ hiện cũng lâm vào tình trạng cạn kiệt. Báo cáo mới đây của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) và Cục Thống kê Lao động cũng cho thấy, thực phẩm là ngành hàng có biên độ tăng giá lớn nhất trong 12 tháng qua.

Những nguyên nhân trên khiến cho nhu cầu nhập khẩu cá ngừ của thị trường Mỹ sẽ gia tăng đột biến trong thời gian tới, nhất là các mặt hàng được ưa chuộng tại đây như cá ngừ đóng hộp, loin cá ngừ hấp đông.

Nếu Mỹ giảm thuế, cá ngừ Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với sản phẩm đến từ Trung Quốc

Thái Lan, Việt Nam và Indonesia hiện là 3 nước cung cấp lớn nhất sản phẩm cá ngừ cho thị trường Mỹ nhưng trước nhu cầu gia tăng đột biến, khả năng đáp ứng của 3 nước trên cũng khó có thể theo kịp dẫn đến sự dịch chuyển nguồn cung sẽ là tất yếu khi các nhà nhập khẩu Hoa Kỳ tìm kiếm thêm các nguồn cung giá rẻ khác.

Trao đổi với Người Đưa tin, bà Nguyễn Thị Vân Hà, chuyên gia thị trường cá ngừ của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết,

“Nếu tình trạng thiếu hụt thực phẩm trở lên nghiêm trọng, khả năng chính quyền Tổng thống Biden hạ mức thuế suất nhập khẩu cho mặt hàng này của Trung Quốc sẽ xảy ra. Khi đó, cuộc chơi tranh giành thị phần giữa doanh nghiệp các nước sẽ trở lên quyết liệt”.

Theo số liệu thống kê của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2022 tăng 102%, đạt 251 triệu USD. Trong đó, giá trị xuất khẩu của hầu hết các nhóm mặt hàng cá ngừ đều tăng so với cùng kỳ năm  2021. Thịt, loin cá ngừ đông lạnh là mặt hàng tăng mạnh nhất, 184% so với cùng kỳ năm trước, sau đó là các sản phẩm chế biến khác và loin cá ngừ hấp đông lạnh, tăng 22%. Mỹ hiện cũng là thị trường nhập khẩu cá ngừ lớn nhất của Việt Nam.

“Các doanh nghiệp Việt Nam cần lường trước tình hình để có các chính sách và đường lối đúng đắn nhằm bảo vệ và phát triển thị phần tại Mỹ”, bà Hà đưa ra lời khuyên.

Trước đó, từ cuối năm 2018, dưới thời của tổng thống Donald Trump, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc được đẩy lên cao trào khi cả hai nước liên tục có những biện pháp đáp trả bằng cách nâng mức thuế đánh vào các mặt hàng chủ lực của đối phương.

Tổng thống Trump cáo buộc Trung Quốc và nhiều nước khác trong nhiều năm đã lợi dụng và đánh cắp sở hữu trí tuệ khiến nền kinh tế Mỹ thiệt hại hàng trăm tỷ USD mỗi năm. Đây cũng là nguyên nhân khiến ông liên tục gia tăng các chính sách thuế đối với hàng hóa của Trung Quốc, trong đó có mặt hàng cá ngừ nhập khẩu từ nước này.

Sang đến năm 2019, cá ngừ có nguồn gốc từ Trung Quốc nhập khẩu vào Hoa Kỳ chịu mức thuế suất lên đến 25%, khiến cho các nhà nhập khẩu Mỹ phải tìm kiếm nguồn cung thay thế. Đó là cơ hội cho cá ngừ Việt Nam dần chiếm lĩnh thị phần tại thị trường khó tính này. Năm 2019, xuất khẩu cá ngừ của nước ta sang Hoa Kỳ ghi nhận mức tăng hai con số, 38%, các sản phẩm chế biến từ cá ngừ ghi nhận mức tăng kỷ lục, 52%  so với năm 2018. Những số liệu này đã đưa Việt Nam vào danh sách top 3 các nước xuất khẩu cá ngừ lớn nhất vào thị trường Hoa Kỳ, đứng thứ hai sau Thái Lan. Chiếm thị phần 21% tổng lượng nhập khẩu cá ngừ của xứ sở cờ hoa.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật