Mỹ hoài nghi khả năng Ukraine có thể lấy lại đất từ tay Nga

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Các quan chức Nhà Trắng đang mất niềm tin rằng Ukraine có thể lấy lại tất cả những vùng đất đã vào tay Nga trong 4 tháng chiến sự vừa qua, kể cả với những vũ khí hạng nặng hiện đại mà Mỹ và các đồng minh sắp viện trợ.
Mỹ hoài nghi khả năng Ukraine có thể lấy lại đất từ tay Nga
Tổng thống Ukraine Volodymyz Zelensky có bài phát biểu trực tuyến trước các lãnh đạo G7 ngày 26/6. (Ảnh: CNN)

Các cố vấn của Tổng thống Joe Biden đã bắt đầu thảo luận riêng về cách thức và khả năng Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky có thể thay đổi định nghĩa “chiến thắng” cho Ukraine, để phù hợp với tình hình thực tế là diện tích của Ukraine bị thu hẹp theo cách không thể đảo ngược, CNN đưa tin.

CNN dẫn lời các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng một đánh giá bi quan hơn không có nghĩa là Mỹ sẽ gây sức ép để Ukraine nhượng bộ chính thức với Nga nhằm kết thúc cuộc xung đột. Vẫn còn hy vọng rằng lực lượng Ukraine sẽ có thể lấy lại một phần đất đáng kể trong chiến dịch phản công vào cuối năm nay.

Một trợ lý trong Quốc hội Mỹ nói với CNN rằng một quốc gia Ukraine nhỏ hơn không phải là điều không thể tránh khỏi.

“Liệu Ukraine có thể giành lại lãnh thổ hay không, nếu không muốn nói là hoàn toàn, là do chúng ta hỗ trợ họ bao nhiêu”, vị trợ lý nói. Ông lưu ý rằng Ukraine đã chính thức đề nghị Mỹ cung cấp tối thiểu 48 hệ thống tên lửa phóng loạt, nhưng Lầu Năm Góc đến nay mới hứa cung cấp 8 hệ thống.

Không phải tất cả quan chức trong chính quyền Mỹ đều lo lắng như những ngày đầu mới nổ ra xung đột. Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan vẫn liên tục trao đổi với đồng cấp Ukraine và tuần trước đã có cuộc họp trong nhiều giờ với Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Mark Milley, các quan chức nói với CNN.

Sự bi quan gia tăng khi Tổng thống Biden đang họp với các đồng minh ở châu Âu, nơi ông cố gắng thể hiện sức mạnh và sự lạc quan về quỹ đạo của cuộc chiến và tập hợp ủng hộ cho Ukraine.

“Chúng ta phải sát cánh với nhau. Ông Putin tin tưởng ngay từ đầu rằng NATO và G7 sẽ tách ra, nhưng chúng ta vẫn chưa và sẽ không như vậy”, ông Biden phát biểu tại thượng đỉnh G7 ở Đức hôm 26/6.

Tuần trước, chính quyền Mỹ thông báo dành thêm 450 triệu USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine, trong đó có thêm các hệ thống pháo, đạn pháo và tàu tuần tra. Mỹ dự kiến trong tuần này sẽ thông báo việc mua hệ thống tên lửa đất-đối-không NASAMS cho Ukraine. Đầu tháng này, ông Biden đăng một bài bài khẳng định cam kết giúp Ukraine giành được lợi thế trên chiến trường để có được lợi thế trên bàn đàm phán với Nga.

Tuy nhiên, tâm trạng đã thay đổi trong mấy tuần qua, khi Ukraine chật vật trong nỗ lực đối phó với quân Nga ở Donbass và hứng thiệt hại đáng kể về lực lượng, lên đến 100 binh lính mỗi ngày. Ukraine cũng tiêu hao trang thiết bị và đạn dược với tốc độ nhanh hơn phương Tây có thể cung cấp và huấn luyện sử dụng.

Cần tính lại mục tiêu

Một quan chức Mỹ và nguồn tin thân cận với tình báo phương Tây đồng ý rằng Ukraine khó có thể tập hợp lực lượng cần thiết để lấy lại tất cả lãnh thổ đã mất từ tay Nga, nhất là trong năm nay, như tuyên bố mà Tổng thống Zelensky đưa ra.

Nguồn tin nói rằng một cuộc phản công đáng kể vào cuối năm có thể diễn ra nếu Ukraine có thêm vũ khí và huấn luyện, nhưng Nga cũng có cơ hội củng cố lực lượng trong thời gian đó, nên không có gì bảo đảm.

“Nhiều câu hỏi về khả năng Ukraine có thể lấy lại lãnh thổ như trước thời điểm 24/2. Có khả năng, nhưng còn tuỳ. Nếu Ukraine có thể đi xa đến thế, họ có thể lấy lại cả phần còn lại. Nhưng nếu không, họ phải tính lại cách tốt nhất để đạt được chiến thắng”, Michael Kofman, một chuyên gia về quân sự Nga tại Trung tâm Phân tích hải quân, nhận định.

Quân Nga đến nay đã kiểm soát hơn một nửa vùng Donbass ở miền Đông Ukraine, sau khi Ukraine rút quân khỏi chiến trường Severodonetsk.

Tuần trước, quân Nga cũng đã giành được địa bàn xung quanh Lysychansk – thành phố đối diện Severodonetsk bên sông. Các tướng lĩnh Ukraine giờ đang đối mặt với thực tế rằng họ có thể phải rút quân khỏi Lysychansk để bảo vệ vùng đất xa hơn ở phía tây.

Trong khi đó, doanh thu từ dầu khí của Nga tăng vọt dù bị phương Tây trừng phạt. Giới chức Mỹ cho biết sẽ cùng các đồng minh khống chế giá dầu mỏ của Nga, để Nga không thể hưởng lợi từ nguồn này nữa, nhưng vẫn phải chờ xem phương Tây có thể làm gì với cách này.

Trong nội bộ chính quyền Tổng thống Joe Biden đang có một cảm giác rằng ông Zelensky sẽ phải giảm bớt kỳ vọng về những gì lực lượng Ukraine có thể làm được. Cuối tháng trước, ông Zelensky nói rằng ông sẽ “coi là chiến thắng cho nhà nước chúng tôi nếu có thể trở lại ranh giới trước ngày 24/2 mà không chịu những tổn thất không cần thiết”.

Tuần trước, ông nhắc lại mục tiêu này.

Phát biểu trước các lãnh đạo G7, ông Zelensky đặt ra lộ trình cho cuộc xung đột: Muốn kết thúc xung đột và Ukraine giành chiến thắng vào cuối năm 2022.

Tình báo Mỹ đánh giá Nga cũng chịu tổn thất lớn trên chiến trường, mất 1/3 lực lượng mặt đất trong 4 tháng qua. Giới chức Mỹ nói công khai rằng Nga sẽ khó giành được kết quả đáng kể nào ở phía tây, lấy vùng Donbass làm bàn đạp, mà không phải huy động toàn bộ lực lượng dự bị.

Tuy nhiên, Nga tin rằng họ có thể duy trì cuộc chiến, trong khi có thể làm suy yếu quyết tâm của Ukraine và phương Tây khi những hệ luỵ kinh tế toàn cầu gây tác động nghiêm trọng hơn, các quan chức Mỹ nhận định.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật