Đừng ăn cạn kiệt sản vật trời cho

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Sau hến sông Hương, hến Quảng Trị đang trong tình trạng cạn kiệt dần do tình trạng đánh bắt công nghiệp phát triển khi nhu cầu ẩm thực về hến tăng nhanh
Đừng ăn cạn kiệt sản vật trời cho
Đánh bắt công nghiệp hến, chắt chắt trên dòng sông Hiếu

Hến, chắt chắt là nguyên liệu chính làm nên món bún hến Mai Xá, lọt top 100 món ăn đặc sản tiêu biểu của Việt Nam. Thế nhưng, trước lối đánh bắt triệt để như hiện nay, nguồn nguyên liệu này đứng trước nguy cơ cạn kiệt.

Nuôi sống dân làng bao đời nay

Vùng đất học Mai Xá thuộc xã Gio Mai, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị không chỉ có món bún hến Mai Xá nức tiếng mà còn có những cư dân hành nghề đánh bắt, chế biến hến, chắt chắt vô cùng cần mẫn và hiếu khách.

Trời ban cho những nhánh sông vắt mình qua xã Gio Mai trước khi ra biển có lượng hến, chắt chắt nhiều hơn so với nơi khác. Vì thế, trên địa bàn xã này có nhiều người dân gắn bó với nghề cào hến, chắt chắt bao đời nay. Cũng nhờ con hến, chắt chắt này mà nhiều người dân ở đây lo cho con cái ăn học thành tài, cuộc sống gia đình được bảo đảm.

Ông Trương Khắc Hùng (47 tuổi, ngụ thôn Mai Xá) làm nghề cào hến, chắt chắt trên dòng sông Hiếu, Thạch Hãn đã hơn 30 năm nay; gắn bó với nghề này từ lúc còn thanh niên trai tráng. Không chỉ đánh bắt, gia đình ông Hùng còn sơ chế hến, chắt chắt rồi bán cho người dân địa phương. Trung bình mỗi ngày, vợ chồng ông Hùng cào được khoảng 2 tạ hến, chắt chắt với thu nhập bình quân hơn 500.000 đồng/ngày sau khi trừ mọi chi phí.

Theo ông Hùng, hến và chắt chắt chủ yếu sống ở vùng nước lợ, tập trung nhiều nhất ở khu vực sông có độ sâu từ 2 m nước trở lại. Người dân địa phương đánh bắt từ tháng 2 đến tháng 9; mỗi năm chỉ nghỉ chừng 2 tháng. Sản phẩm làm ra từ hến, chắt chắt được người dân ưa chuộng; chế biến thành nhiều món ngon.

Đến xã Gio Mai, cứ nhà nào lúc nửa đêm đèn đóm còn sáng trưng là nhà đó đang sơ chế hến, chắt chắt. Bà Lê Thị Hoa (53 tuổi, ngụ thôn Mai Xá), gắn với nghề chế biến hến, chắt chắt cũng tròm trèm 30 năm nay, cho biết mỗi ngày bà thức dậy từ 2-3 giờ sáng để làm các công đoạn đãi nấu, tách mặt hến, chắt chắt ra khỏi vỏ cho kịp phiên chợ sáng.

"Cũng nhờ con hến, chắt chắt trên sông quê mà tôi nuôi 3 đứa con ăn học. Không những chỉ gia đình tôi mà nhiều người khác ở đây cũng vậy. Tôi tâm niệm sẽ gắn bó với nghề đến khi không còn làm nổi mới thôi" - bà Hoa bộc bạch.

Người dân đãi hến, chắt chắt trên bờ sông Hiếu, đoạn chảy qua xã Gio Mai

Khai thác tận diệt

Ngày trước, việc cào hến, chắt chắt của người dân thôn Mai Xá chủ yếu làm thủ công, tốn nhiều sức lực và luôn trầm mình dưới nước. Dụng cụ đánh bắt được người dân kết đan bằng tre, gồm nhiều rãnh thưa vừa đủ chỉ để hến, chắt chắt trưởng thành mắc lại. Tuy nhiên, khoảng 15 năm trở lại đây, việc đánh bắt thủ công dường như không còn nữa, người dân đầu tư thuyền máy kèm chiếc cào bằng sắt, có gắn lưới. Đến nay, theo thống kê, lúc cao điểm có hơn 20 thuyền máy của người dân thôn Mai Xá tham gia cào hến, chắt chắt trên sông Hiếu, Thạch Hãn.

Nhiều người dân ở xã Gio Mai thừa nhận vài năm nay lượng hến, chắt chắt trên các nhánh sông giảm sút rõ rệt. Một số loài dường như đã biến mất như chép chép - loài nhuyễn thể, nhỏ hơn con chắt chắt, mình lép, ít thịt nhưng khi nấu cho nước rất ngọt. Khoảng 7 năm trước, khi lượng chép chép, chắt chắt, hến trên các sông còn nhiều, sau khi đánh bắt thương lái tìm đến thu mua và đưa đi tiêu thụ tận Huế, Quảng Bình. Nhưng nay, sản lượng ngày càng ít dần, sản phẩm làm ra chỉ đủ tiêu thụ trong tỉnh.

Ông Trương Khắc Hùng khẳng định nếu những hộ dân làm nghề đồng lòng với nhau, khai thác vừa phải thì sẽ duy trì được lượng hến, chắt chắt trên sông. "Nhưng bây giờ nói không ai nghe, mỗi người làm mỗi kiểu nên hến, chắt chắt trên sông ngày càng ít dần. Ngày sau, con cháu không biết sẽ nối nghề được không" - ông Hùng trăn trở.

Trong khi đó, ông Hoàng Thanh Lương, Chủ tịch UBND xã Gio Mai, tỏ ra khá tường tận về việc đánh bắt hến, chắt chắt của cư dân địa phương hiện nay: "Ngày trước, người dân chỉ bắt con to, chừa lại con nhỏ để chúng sinh trưởng và phát triển. Nhưng nay, to nhỏ gì cũng bắt nên chúng dần cạn kiệt". Ông Lương khẳng định ngày trước, mỗi năm người dân sẽ nghỉ đánh bắt vài ba tháng để hến, chắt chắt sinh trưởng. Từ khi có thuyền máy, việc đánh bắt dường như diễn ra quanh năm nên hến, chắt chắt chưa kịp lớn đã lọt vào lưới cào.

Theo ông Lương, ngoài việc đánh bắt tận diệt còn có một số nguyên nhân khác khiến lượng hến, chắt chắt trên sông ngày một cạn kiệt như biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn và tình trạng hút cát trái phép. Bản thân ông cùng nhiều cư dân địa phương cũng rất trăn trở trước việc làm sao để bảo tồn và duy trì sự sinh trưởng của các loài như hến, chắt chắt trên sông quê.

"Bên cạnh việc thường xuyên tuyên truyền, vận động người dân đánh bắt có chọn lọc, xã mong muốn các cơ quan chức năng quan tâm, khảo sát và có biện pháp để bảo đảm duy trì sự sinh trưởng của hến, chắt chắt trên sông. Đồng thời, mong cấp trên quan tâm, xử lý tình trạng khai thác cát trái phép để môi trường sống của các loài sinh vật trên được bảo đảm" - ông Lương bày tỏ.   

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật