Mỹ xác định Việt Nam là cửa ngõ tiếp cận thị trường nông sản ASEAN

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Bên lề chuyến công tác tại Mỹ của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính từ 11 - 17/5 , Bộ NN&PTNT Việt Nam phối hợp với Hội đồng kinh doanh Mỹ - ASEAN tổ chức Tọa đàm kết nối doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam – Mỹ.
Mỹ xác định Việt Nam là cửa ngõ tiếp cận thị trường nông sản ASEAN
Nông sản Việt Nam tại hội chợ Hoa Kỳ.

Tọa đàm do Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Lê Minh Hoan và Phó Chủ tịch cấp cao của Hội đồng kinh doanh Mỹ – ASEAN (USABC) Marc Mealy đồng chủ trì hôm 15/5, nhằm thúc đẩy xuất khẩu và đầu tư thế hệ mới cho sản xuất nông nghiệp, mô hình canh tác bền vững, tuần hoàn, phát thải thấp của doanh nghiệp nông nghiệp 2 nước.

Tham dự tọa đàm có đại diện các cơ quan, doanh nghiệp, hiệp hội, ngành hàng kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp của hai nước và một số ngân hàng, quỹ đầu tư. Ngoài ra, còn có sự góp mặt của các Hiệp hội ngành hàng lớn của Mỹ như Hội đồng xuất khẩu đậu tương, Hội đồng ngũ cốc, Hội đồng sản xuất thịt lợn quốc gia và một số tập đoàn nông nghiệp đa quốc gia.

Ký kết 4 thỏa thuận hợp tác (MOU) giữa Việt Nam – Mỹ tại tọa đàm 15/5.

Với sự đồng hành của Chính phủ 2 nước tạo điều kiện mở cửa thị trường, kim ngạch xuất nhập khẩu nông lâm thủy sản Việt Nam – Mỹ đã tăng gấp hơn 2 lần, từ 7,4 tỷ USD năm 2015 lên 17 tỷ USD năm 2021.

Điều đó cho thấy, các doanh nghiệp Mỹ đặc biệt quan tâm đến xuất khẩu và đầu tư vào thế hệ mới cho sản xuất nông nghiệp, mô hình canh tác bền vững, tuần hoàn, phát thải thấp, tận dụng các cơ hội thị trường nông sản không chỉ của Việt Nam mà còn của cả khối ASEAN với 650 triệu dân. Trong đó các doanh nghiệp Mỹ xác định Việt Nam là cửa ngõ trung tâm để tiếp cận thị trường của khối này.

Thông tin về định hướng ưu tiên của Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững của Việt Nam, ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế, Bộ NN&PTNT cho biết, nông nghiệp sinh thái – nông thôn hiện đại – nông dân văn minh là 3 trụ cột trong Chiến lược này.

Để làm được điều đó, ngành nông nghiệp Việt Nam cần chuyển từ tư duy sản lượng sang tư duy kinh tế, xây dựng giá trị đa tích hợp của hàng nông lâm thủy sản, kết nối chuỗi giá trị của nông hộ với các doanh nghiệp địa phương cũng như các tập đoàn toàn cầu, tạo dựng các cụm ngành, phát triển hệ thống kho chứa, bảo quản, chế biến, logistics và phân phối, tăng cường đổi mới sáng tạo, chuyển đối số, chuyển đổi xanh trong nông nghiệp.

Theo ông Tuấn, việc xây dựng quan hệ đối tác tin cậy giữa các doanh nghiệp nông nghiệp giữa Mỹ và Việt Nam đóng vai trò rất quan trọng. Việt Nam và Mỹ đều là 2 nước có thế mạnh về nông nghiệp, nhưng các mặt hàng nông lâm thủy sản của 2 nước mang tính bổ trợ chứ không cạnh tranh, thay thế lẫn nhau.

Cụ thể, Việt Nam có thế mạnh về các cây công nghiệp nhiệt đới, rau quả nhiệt đới, thủy sản nuôi trồng, gỗ và sản phẩm gỗ. Trong khi đó, Mỹ là quốc gia rất mạnh về nguyên liệu thức ăn chăn nuôi, sản phẩm thịt và thủy sản đánh bắt, công nghệ sinh học.

Trên cơ sở đó, Bộ trưởng Lê Minh Hoan định hướng các doanh nghiệp 2 nước xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, ổn định và dài hạn, trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động. Đây là cơ sở tận dụng tốt nhất các cơ hội mới do các biến cố toàn cầu tạo ra.

Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan

Bộ NN&PTNT Việt Nam sẵn sàng lắng nghe, đồng hành cùng doanh nghiệp 2 nước để xử lý các khó khăn và rào cản, tạo một môi trường sản xuất, kinh doanh cũng như đầu tư thuận lợi cho cộng đồng doanh nghiệp quốc tế nói chung và Hoa Kỳ nói riêng”.

Đồng thời, Bộ NN&PTNT Việt Nam sẽ tạo ra các diễn đàn để doanh nghiệp, địa phương 2 nước trao đổi, tận dụng tốt nhất những cơ hội mới về công nghệ và thị trường.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng kêu gọi Hiệp hội ngành hàng và doanh nghiệp lớn của Mỹ phối hợp để cung cấp thông tin, hướng dẫn cho các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam về yêu cầu, chuẩn mực của thị trường nông lâm thủy sản Hoa Kỳ.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan và Thứ trưởng Jason Hafemeiser. Ảnh: Bộ NN&PTNT

Trước đó, trong chuyến tháp tùng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc tại Mỹ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cũng đã có cuộc làm việc với Bộ Nông nghiệp Mỹ tại Washington DC, chiều 11/5.

Tại buổi gặp gỡ, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh Việt Nam luôn coi Mỹ là đối tác quan trọng hàng đầu trong nhiều năm qua trong lĩnh vực nông nghiệp. Bộ trưởng chia sẻ, Chính phủ Việt Nam đã phê duyệt và đang tích cực triển khai Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững và định hướng Việt Nam trở thành quốc gia có trách nhiệm đối với an ninh lương thực, môi trường toàn cầu.

Thay mặt Bộ Nông nghiệp Mỹ, Thứ trưởng Jason Hafemeiser cũng khẳng định nước này luôn coi Việt Nam là một trong những đối tác hàng đầu về nông nghiệp và nông nghiệp hai nước có tính bổ trợ cho nhau để cùng phát triển.

Bên cạnh đó, Thứ trưởng Nông nghiệp Mỹ Jason Hafemeiser thông báo, việc mở cửa thị trường cho quả bưởi của Việt Nam đang được thúc đẩy tích cực bằng việc lấy ý kiến công chúng từ tháng 2/2022 và đang tổng hợp các ý kiến để công bố trong thời gian sớm nhất.

4 thỏa thuận hợp tác (MOU) được ký kết giữa Việt Nam – Mỹ tại buổi tọa đàm:

(1) MOU giữa Đối tác phát triển Nông nghiệp bền vững với Pepsico và Care International về tăng cường hợp tác sản xuất lương thực bao trùm và bền vững tại Việt Nam;

(2) MOU giữa tỉnh Bắc Giang và tập đoàn ERG về thúc đẩy thương mại các sản phẩm nông sản địa phương;

(3) MOU giữa CTCP Sản xuất nội thất Mộc Thịnh Phát và Công ty Grasslands Farms về thúc đẩy thương mại nông sản;

(4) MOU giữa Công ty XNK quốc tế Nevist Việt Nam và AGP về xúc tiến thương mại và đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật