Trung Quốc có thể tiếp tục bán dầu từ nguồn dự trữ chiến lược

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Theo Reuters, Trung Quốc sẽ bắt đầu bán dầu từ kho dự trữ chiến lược của mình ra thị trường trong kỳ nghỉ Tết nguyên đán sắp tới, bắt đầu từ ngày 31/01 và kéo dài đến ngày 06/02.
Trung Quốc có thể tiếp tục bán dầu từ nguồn dự trữ chiến lược
Ảnh minh họa

Chính quyền Trung Quốc triển khai chính sách này nhằm “hạ nhiệt” giá dầu thế giới, cũng như hưởng ứng kế hoạch “xả” kho dầu chiến lược của Mỹ và một số đối tác tiêu thụ dầu lớn khác. Trung Quốc hiện là nhà nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới (trong năm 2021, nước này nhập khẩu 513 triệu tấn dầu).

Theo giới chuyên gia, chính quyền Trung Quốc đã phê duyệt chính sách này vào cuối năm 2021. Tuy nhiên, lượng dầu chính xác được bơm ra thị trường thì chưa được công bố. Các nguồn tin khác cũng lưu ý rằng, Trung Quốc đã đồng ý bán lượng dầu tương đối lớn nếu giá dầu ở mức trên 85 USD/thùng và bán lượng ít hơn nếu giá dầu ở mức 75 USD/thùng. Trên thị trường, chốt phiên giao dịch ngày 14/01, giá dầu Brent giao tháng 3/2021 được giao dịch ở mức 86,36 USD/thùng, tăng 2,24% trong một ngày. Con số này đã tăng dần từ 69,85 USD/thùng kể từ ngày 20/12/2021.

Mỹ là nhà vận động hành lang chính để thúc đẩy các nước tiêu thụ dầu lớn “xả” một phần kho dự trữ dầu chiến lược của mình. Vào tháng 11/2021, Tổng thống Mỹ Biden đã thông báo bán ra 50 triệu thùng từ kho dự trữ chiến lược nhằm hạ giá dầu. Sau đó, quyết định của Mỹ nhận được sự ủng hộ của các nước nhập khẩu dầu lớn khác, bao gồm Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Anh. Điều này được đưa ra sau khi các nước thành viên OPEC+ bác bỏ đề nghị của Tổng thống Biden về tăng kế hoạch sản lượng vượt mức 400.000 thùng/ngày trong mỗi tháng. Áp lực của Mỹ đối với OPEC+ diễn ra trong bối cảnh giá xăng dầu trong nước tăng kỷ lục. Cũng theo các hãng thông tấn, Nhật Bản sau đó đã công bố bán ra 4,2 triệu thùng vào cuối năm 2021, Hàn Quốc bán ra 3,17 triệu thùng, Ấn Độ bán ra 5 triệu thùng, Anh là 1,5 triệu thùng. Các chuyên gia tại công ty đầu tư BC‌ּS World of Investment cho biết, Trung Quốc đã bán nguồn dầu dự trữ chiến lược vào năm ngoái. Các chuyên gia nhận định, doanh số bán ra của Trung Quốc ảnh hưởng không đáng kể đến giá dầu.

Vào tháng 9/2021, chính quyền Trung Quốc đã tổ chức đấu giá công khai đầu tiên trong lịch sử đối với khối lượng dầu chiến lược bán ra. Khoảng 7,4 triệu thùng đã được bán cho các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc trong cuộc đấu giá, tương đương 50% lượng dầu tiêu thụ hàng ngày của nước này. Tiếp đến vào tháng 11/2021, Cục dự trữ Nhà nước Trung Quốc cho biết, họ đang tiến hành bán dầu dự trữ chiến lược, nhưng không nói rõ liệu điều này có liên quan đến lời kêu gọi của Tổng thống Mỹ hay không.

Giám đốc cấp cao phụ trách tài nguyên của Fitch Rating Dmitry Marinchenko cho biết, sự bùng phát biến chủng Omicron dường như không có tác động đáng kể đến nhu cầu dầu. Điều này giải thích vì sao giá dầu vẫn ở mức trên 80 USD/thùng. Chuyên gia này cho biết thêm, việc tiếp tục bán dầu từ các kho dự trữ chiến lược của Mỹ, Trung Quốc và các nước khác sẽ không ảnh hưởng lớn đến cân bằng cung cầu, mặc dù nó có thể phần nào hạ nhiệt thị trường. Ông Marinchenko dự báo, nhiều khả năng các nước OPEC+ sẽ tiếp tục tăng sản lượng. Đồng thời, giá dầu có thể giảm nhẹ trong năm 2022. Fitch Ratings dự báo, giá dầu trung bình trong năm 2022 sẽ vào khoảng 70 USD/thùng. Mức này sẽ phù hợp với đại đa số các nước sản xuất.

Tác động từ các biện pháp can thiệp của Chính phủ Trung Quốc sẽ phụ thuộc vào quy mô bán ra. Một số chuyên gia Nga đánh giá, nếu nhìn nhận vào khối lượng dầu bán trước đó thì động thái của Trung Quốc khó tác động tiêu cực đến thị trường. Về mặt lý thuyết, giá dầu Brent có thể giảm xuống dưới 80 USD/thùng trong một thời gian nhưng không thấp hơn nhiều. Đồng thời, OPEC+ có thể sẽ không thay đổi kế hoạch tăng sản lượng hiện tại để khôi phục khối lượng sản xuất. Cũng cần lưu ý rằng, OPEC+ đang tăng sản lượng chậm hơn so với kế hoạch 400.000 thùng/ngày mỗi tháng. Như vậy, 14/18 thành viên tham gia liên minh đã sản xuất ít hơn hạn ngạch mà họ cam kết trong tháng 12, khiến thị trường thiếu hụt khoảng 620.000 thùng/ngày.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật