’Vùng đỏ quạch’ ngày ấy, bây giờ…

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một cái tết đặc biệt…
’Vùng đỏ quạch’ ngày ấy, bây giờ…
Bờ kênh Tàu Hủ - Bến Nghé ở P.14, Q.8 (TP.HCM) ngày giáp tết, nơi sắp có chợ hoa “trên bến dưới thuyền”

Một sáng tháng chạp, chợ Bình Đông nhộn nhịp. Những con hẻm phía sau Nhà máy bột mì Bình Đông huyên náo tiếng người, xe cộ qua lại. Những tiệm cà phê nằm khuất trong các khu dân cư, nhiều người ngồi trò chuyện, bàn tán về tết sắp đến. Rau củ, trái cây bán dọc con đường Bến Bình Đông, nơi chỉ ít ngày nữa là chợ hoa “trên bến dưới thuyền”.

Ở nơi ấy, từ sau khi TP.HCM hết giãn cách xã hội, đại gia đình anh Trần Hoàng Huy (30 tuổi) ngụ ở hẻm 277 Bến Bình Đông sống nhờ vào những xe ba gác chở đầy ắp nông sản được lấy sỉ từ chợ Bình Điền.

Anh Huy và vợ (chị Nguyễn Thị Thanh Dung, 20 tuổi) chuyên bán cam, ổi, gần tết thì bán quýt Thái. Anh vợ của Huy là Huỳnh Bá Đạt (27 tuổi), chủ một xe ba gác thanh long ruột đỏ, mãng cầu, tiêu thụ nông sản giúp bà con miền Tây không thể xuất khẩu qua Trung Quốc. Mẹ của Huy đứng cách đó không xa, với riêng một xe ba gác rau củ. Trước tết giá rau củ, trái cây rẻ ê hề nhưng người mua thưa thớt.

Lau mồ hôi trên trán, Huy thở dài: “Từ sau dịch tới giờ chỉ bán cam là đắt hàng. Bà con mua uống tăng sức đề kháng. Có ngày vợ chồng tôi bán được 600 ký cam, nhưng ổi, mãng cầu thì không ăn thua. Trước tết năm ngoái bán hàng thích lắm, một ngày hết 300 ký ổi là bình thường. Năm nay dịch bệnh, công nhân về quê hết, chưa lên lại TP nên bán được 100 ký là may”.

Kế bên, anh Huỳnh Bá Đạt vừa cân thanh long cho khách vừa nói: “Thanh long ngon ngọt như thế này mà bán ra chỉ 7.000 đồng một ký. Rẻ nhưng người mua cũng không nhiều. Có lẽ năm nay dịch bệnh, ai cũng ít tiền hơn, gần tết cũng chưa dám mua sắm nhiều”. Dù buôn bán khó khăn, anh Đạt cho hay đại gia đình của mình vẫn ráng làm việc từ sáng sớm tới tối muộn với hy vọng mỗi người giúp một tay, bà con nông dân miền Tây bán được nhiều hàng hơn. “Mình khổ một thì nhiều bà con còn khổ gấp 10. Năm rồi coi như bỏ đi, năm mới làm lại từ đầu, còn sống là còn hy vọng chớ”, Đạt lạc quan.

Chợ Bình Đông ngày tháng chạp, trước tết

chia tay chống dịch, làm đủ nghề mưu sinh

Về P.14, nhắc tới đội lân Long Việt, được sáng lập bởi anh Lục Minh Lộc (32 tuổi), Phó chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam phường, thì ai cũng biết. Tập hợp hơn 50 thanh thiếu niên trong phường, vừa tạo sân chơi lành mạnh cho người trẻ hòng tránh xa tệ nạn m‌a tú‌y, cờ bạc, Lộc cũng định hướng nghề nghiệp cho nhiều bạn trẻ. Biết được ở đâu đang cần người dọn nhà, trông xe, bốc xếp hàng hóa, Lộc giới thiệu ngay cho anh em. Làn sóng dịch thứ 4 ập tới, nhiều thanh niên trong đội lân mặc áo chống dịch, dốc sức ở các điểm vận chuyển lương thực, hỗ trợ F0, tiêm vắc xin. Hết dịch, họ lại trở về công việc mưu sinh tử tế.

Một trong số ấy là Trương Văn Tuấn, 25 tuổi, ngụ hẻm 142/40 Hòa Thanh. Chúng tôi gặp Tuấn khi anh vừa mua được 2 chiếc laptop cũ. Gia cảnh khó khăn, Tuấn làm đủ nghề từ lượm ve chai, bán tờ dò vé số, phụ hồ… từ năm 12 tuổi. Nhập ngũ rồi xuất ngũ, Tuấn làm nghề thu mua đồ điện cũ, hỏng và ra chợ Nhật Tảo (Q.10) bán lại kiếm chút lời, phụng dưỡng cha mẹ già. Nhờ khoản vay ở Ngân hàng Chính sách, Tuấn thuê được sạp ở chợ, không còn lo chạy hàng mỗi khi mưa ập tới bất ngờ.

Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh Dung bán thanh long trên đường Bến Bình Đông

Sau dịch, hàng hóa ít cũng như ít lời mời múa lân hơn, Tuấn vẫn suy nghĩ tích cực là còn trẻ, khỏe thì còn làm lại được. Hiện Tuấn là đội trưởng một câu lạc bộ võ tự vệ của P.14, dạy võ miễn phí cho các thanh thiếu niên. Anh tâm sự: “Anh Lộc vẫn luôn dặn chúng tôi, làm chủ công ty chưa được thì trước tiên phải làm chủ chính mình. Tôi từ thằng nhóc quậy phá mà tu chí làm ăn, bây giờ tôi cũng dặn dò như vậy với những em nhỏ khác”.

Cũng là tình nguyện viên chống dịch suốt vài tháng trời ở P.14 (lo hậu sự cho những người xấu số vì Covid-19), anh Bùi Trung Huy (34 tuổi), tạm trú 11 Hoàng Sĩ Khải, đã trở về cuộc sống thường nhật với nghề “thợ đụng” - đụng gì cũng làm. Trong cốp xe máy của Huy luôn có sẵn một bộ dụng cụ để sửa xe, sửa khóa hỏng nếu có người cần. Bình thường anh còn chạy xe ôm, múa lân, làm đồ trang trí ngày tết, trông xe thuê cho các nhà có đám và mỗi tối đi vác bột mì thuê trong Nhà máy bột mì Bình Đông… Người cha của em bé hơn 1 tuổi cười hiền: “Nếu có show múa lân, mỗi anh em được 120.000 đồng/buổi. Vác bột mì thuê, có hôm tôi làm từ 9 giờ tối tới 2 - 3 giờ sáng, được hơn 200.000 đồng tiền công. Còn làm đồ trang trí ngày tết thì tôi tự mày mò rồi sáng tạo ra các mẫu. Năng nhặt chặt bị, có gì lương thiện mà ra tiền lo được cho vợ con, tôi đều không từ chối”.

Màu xanh ở nơi từng là “vùng đỏ”

Anh Tạ Minh Cường, Bí thư Đoàn thanh niên P.14, Q.8, cho hay rất trân trọng những người trẻ tử tế, dù cuộc sống còn nhiều khó khăn vẫn tình nguyện đi chống dịch, quên mình vì cộng đồng trong suốt những tháng qua. Thích nghi an toàn trong dịch Covid-19, tới nay một số thanh niên vẫn sắp xếp thời gian để vừa đi làm, vừa hỗ trợ các điểm tiêm vắc xin mũi 3 cho bà con trong cộng đồng.

Tết Nguyên đán 2022 đã cận kề, mọi người ở P.14 đang hồi hộp chờ đợi chợ hoa “trên bến dưới thuyền” tổ chức bên bờ kênh Tàu Hủ - Bến Nghé. Sau những tháng ngày dịch bệnh khốc liệt, hoa vẫn sẽ nở dọc con đường Bến Bình Đông, hứa hẹn những hy vọng cho một năm mới nhiều đổi thay.

“Những bạn trẻ là học sinh Trường THPT Lương Văn Can, Q.8 đã kết nối với Đoàn phường cùng nấu cháo, gửi tặng bà con có hoàn cảnh khó khăn. Đây là một trong những hoạt động của chiến dịch “Xuân tình nguyện 2022”. Cùng với đó, màu áo xanh thanh niên của P.14 cũng tổ chức các buổi làm bánh chưng, bánh tét, gửi tặng hoàn cảnh khó khăn trong phường, để bà con cùng đón tết ấm no”, anh Cường chia sẻ.

Ở “vùng đỏ” ngày ấy, bây giờ là những màu xanh của hy vọng…

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật