Về xứ biển, nghe chuyện Cá Ông

Summer Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
VHO- Vào thời gian trước và sau Tết Nguyên đán, những hoạt động tôn vinh văn hóa, di sản làng chài được cộng đồng ngư dân tổ chức long trọng, trong đó, tín ngưỡng thờ cúng Cá Ông không chỉ là nét đẹp độc đáo mà còn chứa đựng đầy tính nhân văn, là sự động viên để người dân tiếp tục vươn khơi, bám biển, bảo vệ ngư trường.
Về xứ biển, nghe chuyện Cá Ông
 Lễ Thỉnh an vị cốt Cá Ông của người dân làng chài Mân Thái

 Những vị cao niên ở các làng chài dọc biển như Nam Ô, Nam Thọ, Phước Mỹ, đặc biệt là Mân Thái (Đà Nẵng) vẫn còn lưu truyền nhiều câu chuyện về Cá Ông - vị thần hộ mệnh của ngư dân. Ông Phan Trung Kiên (60 tuổi, người làng Mân Thái) kể lại, vào năm 1981, gia đình ông đã được Cá Ông cứu nạn sau 9 ngày lênh đênh trên biển, giữa lúc cơn bão Kelly đang hoành hành. Hơn 6 tiếng đồng hồ cầm cự giữa cơn bão, mọi người đã đuối sức nhưng cố gắng gượng dùng đủ mọi phương cách để giữ ghe không bị đắm. Lúc đó, ba ông là người cầm lái, cùng với một người bà con phụ lái giữa đêm giông tố, sóng lớn từ bốn phía cứ liên tục ập vào. Khi ghe tưởng như sắp chìm xuống lòng biển đen ngòm thì bỗng nhiên có chuyển động rất mạnh và một bóng đen khổng lồ lượn tới dưới lòng ghe. Lúc đó, ông Kiên đang tát nước, bỗng tay ông chạm tay vào lưng cá voi lạnh ướt. Tất cả mọi người nhìn xuống mới thấy Cá Ông vừa xuất hiện. Ông vẫn còn nhớ như in hình ảnh hai Ông Cá khổng lồ ở hai bên mạn ghe và phía trước là những con cá heo nhảy lượn và bơi dẫn đường. Cá Ông tiếp tục giúp giữ ghe đi an toàn trong suốt một đêm và một ngày sau đó, cho đến khi sóng yên biển lặng hoàn toàn.

Sự tôn kính của người dân Sơn Trà dành cho Cá Ông không chỉ ở trong tiềm thức mà còn bằng cả những hành động thực tế. Vạn trưởng Huỳnh Văn Rô, người làng Mân Thái kể, phong tục lưu truyền trong dân gian từ bao đời nay không hề thay đổi, ví như trong khi đánh bắt cá, nếu lưới đang vây mà người ta phát hiện thấy có Cá Ông thì lập tức lưới được mở toang cho cả đàn cá đi; trường hợp do vô tình Cá Ông bị bắt lên cùng với những loài cá khác, nếu Ông còn sống thì phải lập tức thả xuống, còn nếu đã chết thì đội thuyền đó phải nhanh chóng vào bờ và tiến hành tang lễ trang trọng như đối với con người. Đúng 3 năm, người ta làm lễ quật mồ hốt cốt gọi là lễ “Thỉnh ngọc cốt”, lấy xương Cá Ông rửa sạch sẽ bằng rượu gạo, xếp vào quách rồi đưa vào Lăng Ông để thờ cúng.

Bắt nguồn từ mong mỏi bảo tồn văn hóa, di sản cho thế hệ trẻ sau này, tại những làng chài ở Đà Nẵng, những nghi lễ tâm linh nhằm cúng tạ các vị cứu tinh trên biển đến nay vẫn được người dân long trọng tiến hành. Ngày 20.11 âm lịch năm Tân Sửu vừa qua, dân làng Mân Thái đã tổ chức lễ an vị và Thỉnh cốt Cá Ông. Trước đó, trong thời gian TP Đà Nẵng đầu tư xây dựng lại Lăng, dân làng đã đưa cốt Ông về một nơi thờ tạm gần đó. Ban nghi lễ gồm các bô lão trong làng Mân Thái kính cẩn làm các Lễ Bạch Phật (Khai Kinh), Thỉnh cốt Ngư Ông an vị, Hoàn tạ chư Tôn Thần, Tiến thí âm linh cô hồn...

Người dân làng chài cũng luôn để tâm sáng tạo ra nhiều hoạt động nhằm giữ gìn nghi lễ, di sản, với hy vọng con cháu muôn đời sau sẽ vẫn lưu giữ được đời sống văn hóa, tâm linh lành mạnh. Hầu hết các phường trên địa bàn quận Sơn Trà đều xây dựng Lăng Ông (đền thờ Cá Ông), là cơ sở tín ngưỡng và là nơi diễn ra lễ hội hằng năm của ngư dân. Lăng được xây dựng gần bờ biển, quay mặt về hướng Đông (hướng biển như: Thọ Quang, Mân Thái, Phước Mỹ) hoặc về hướng Tây (hướng sông Hàn như: Nại Hiên Đông, An Hải Tây). Hiện nay, nhiều Lăng Ông trên địa bàn TP Đà Nẵng được công nhận là di tích cấp thành phố và được quan tâm bảo tồn, trùng tu, như mới đây là Lăng Ông Kim Liên (phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu). 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật