Lo sợ biến chủng Delta, người Mỹ gấp rút đi tiêm chủng

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Nhiều người Mỹ từng do dự và từ chối chủng ngừa giờ đây đổ xô đi tiêm vaccine Covid-19 vì lo ngại về biến chủng Delta siêu lây nhiễm, trong bối cảnh số ca mắc mới ngày càng tăng.
Lo sợ biến chủng Delta, người Mỹ gấp rút đi tiêm chủng
Một người đàn ông đi qua biển hiệu in hình virus corona. Ảnh: AP.

Hàng triệu người Mỹ từng tỏ thái độ thờ ơ khi Tổng thống Joe Biden vận động tiêm vaccine ngừa Covid-19. Họ cũng không tin lời của các chuyên gia y tế hàng đầu, hay lời vận động của nhiều vận động viên thể thao, người nổi tiếng khác.

Song cuối cùng, nhóm người này vẫn đổ xô đi tiêm phòng vì lo ngại trước biến thể siêu lây nhiễm Delta, theo Washington Post.

“Bạn tôi làm việc ở bệnh viện và kể rằng có một thanh niên 1‌8 tuổ‌i phải thở máy. Điều đó khiến tôi sợ hãi”, Tyler Sprenkle, một học sinh trung học mới tốt nghiệp ở Goodman, bang Missouri, cho biết. Thanh niên này mới tiêm vaccine ngừa Covid-19 trong tháng 7.

Người Mỹ vội đi tiêm

Chỉ trong hai tuần qua, hơn 4,7 triệu người Mỹ được tiêm chủng. Riêng ngày 30/7 có đến 856.000 mũi tiêm được thực hiện. Đây là số liệu cao nhất từ đầu tháng. Có thể thấy sự sợ hãi trước biến thể Delta đã đẩy lùi tâm lý e dè, nghi ngại của người dân.

Trong cuộc họp báo hôm 30/7, Phó thư ký báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre cho biết đây là tuần thứ ba mà nhiều bang ở Mỹ ghi nhận số ca mắc mới và số người đi tiêm chủng cao nhất.

Theo dữ liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) Mỹ, những khu vực từng tiêm chủng chậm chạp đang đột ngột trở thành điểm nóng về nhu cầu. Trong đó, bang Louisana tăng 114% nhu cầu tiêm chủng, bang Arkansas tăng 96% và hai bang Alabama, Missouri lần lượt tăng 65% và 49%.

Hồi tuần trước, bang Texas cũng ghi nhận mức tiêm chủng trong ngày tăng cao. Dù số liệu này còn cách xa mức đỉnh điểm vào đầu năm, song đã tăng 25% so với số liệu của một tháng trước đó.

Bà Tesha Montgomery, người điều hành các phòng tiêm vaccine tại bệnh viện Houston Methodist của bang Texas, nhận xét: “Việc người dân vội vàng đi tiêm chủng có liên quan đến biến chủng Delta và số ca nhập viện trong thời gian gần đây”.

Dù vậy, vẫn có những người quyết không tiêm vaccine, mãi cho đến khi người thân hoặc chính họ mắc bệnh.

Sẵn sàng đối phó biến chủng Delta

Tại bang Arkansas, chính quyền hôm 29/7 tái áp đặt tình trạng khẩn cấp vì dịch bệnh. Bang này cho biết tất cả giường bệnh ICU dành cho trẻ em đều kín chỗ. Cùng lúc này, Arkansas phải đặt hàng thêm số vaccine ngừa Covid-19 cao gấp nhiều lần.

“Chúng tôi phải nhập thêm vaccine. Lần đầu tiên trong 2,5 tháng, chúng tôi phải đặt hàng với quy mô lớn”, Đại tá Robert Ator, người lãnh đạo chiến dịch tiêm chủng của toàn bang, cho biết. “Người dân đang sợ hãi”.

Đến nay, khoảng 67% dân số trên 12 tuổi ở Mỹ đã được tiêm ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19. Trong đó, khoảng 57,7% người hoàn thành lộ trình tiêm chủng. Song vẫn còn nhiều khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp, chỉ khoảng 20% người dân đã tiêm vaccine.

Trên thực tế, nhiều người Mỹ không muốn tiêm vaccine sớm vì họ còn nhiều hoài nghi và lo sợ. Song giờ đây, họ cảm thấy sẵn sàng vì hàng chục triệu người khác đã được tiêm.

Một người đang tiêm vaccine ngừa Covid-19. Ảnh: AFP.

Khi người dân quan tâm hơn đến vaccine, chính quyền nhiều bang bảo thủ cũng đẩy mạnh chiến dịch tiêm chủng. Tại bang Alabama, Thống đốc Kay Ivey viết một bài xã luận, trong đó cáo buộc “những người tung tin sai sự thật về vaccine đang gây họa lớn và hành động bất cẩn”.

Ở bang Arkansas, Thống đốc Asa Hutchinson tích cực vận động người dân đi tiêm chủng. Trong các bài phát biểu của mình, ông Hutchinson liên tục phản đối những thuyết âm mưu chống lại vaccine ngừa Covid-19.

Ở bang quê hương Kentucky, lãnh đạo phe thiểu số tại Thượng viện Mitch McConnell chuẩn bị cho chạy quảng cáo trên hơn 100 đài phát thanh, nhằm kêu gọi người dân đi tiêm phòng.

Ông nói: “Những thông điệp này cần được đưa đến người dân càng nhanh càng tốt. Nếu không, chúng ta sẽ lại đối mặt với tình huống kinh khủng vào năm ngoái”.

Tính đến ngày 31/7, Mỹ có tổng cộng gần 35,3 triệu ca mắc và 627.039 ca t‌ử von‌g vì Covid-19, theo Worldometers.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật