Ký ức của chiến tranh trong “Austerlitz - một cái tên”

Kute Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Một tác phẩm được xây dựng bằng những hồi tưởng miên man của nhân vật. Ký ức cứ thế hiện lên sống động và đầy ám ảnh.
Ký ức của chiến tranh trong “Austerlitz - một cái tên”
Tiểu thuyết Austerlitz - Một cái tên của W.G. Sebald. Ảnh: Ngô Minh.

Không thể phủ nhận sự hoài nhớ Modiano khi đọc Austerlitz - Một cái tên của W.G. Sebald. Cùng hướng về ký ức, sự lãng quên và những thương tổn trong não trạng thời kỳ hậu chiến; nhưng có thể thấy cả hai nhà văn đều bước những bước khác nhau trong câu chuyện riêng mình.

Nếu cõi mơ hồ của Modiano luôn là những con phố vòng vèo vùng ngoại ô Paris (Phasp), là băng đảng phố Lancaster, là người cha ủ dột và người mẹ xa xôi; thì với Sebald ta có thể thấy hoàn toàn ngược lại. Ông không ngại lộn trái bản thân nhằm mở rộng biên độ ký ức sang một trang sử dài để đưa ra trước người đọc cái ngoại quan hơn nội vi tâm hồn.

Thành phố không có linh hồn

Austerlitz - một cái tên là cuốn tiểu thuyết được cấu thành bằng những dòng hồi tưởng dài của Austerlitz - một nhà nghiên cứu lịch sử kiến trúc châu Âu trong khoảng thời gian nhiều biến động.

Từ đứa trẻ được đưa đến Anh trong chiến dịch Kindertransport đến tuổi niên thiếu khi phát hiện ra lai lịch thật của mình, từ quãng thời gian dấn thân học thuật ở Oxford cho đến khi lớn lên và dần trở nên bị ám ảnh bởi những nhà ga.

Sebald để lại dấu ấn phân định dưới vai trò người viết trong cuốn sách này hoàn toàn mờ nhạt. Có lẽ đó là dụng ý rằng câu chuyện này không phải của riêng Austerlitz, mà cũng có thể đó là của ông, của những người xung quanh hay toàn thể châu Âu một thời quá vãng nào đó.

Điểm đặc biệt nhất khi đọc Austerlitz - một cái tên là cơn chóng mặt của những giọng kể đan xen. Nếu Mario Vargas Llosa phân tách rồi sắp xếp những đoạn đối thoại đối xứng như phong cách viết đặc trưng của mình, thì Sebald hòa trộn nó trong một dụng ý chuyện không của riêng ai - khi là tự tác giả trần thuật, khi là Austerlitz hay có đôi lúc là các nhân vật khác đồng tham gia vào.

Có thể thấy Sebald đóng dòng tâm sự của Austerlitz riêng lại, người đọc rất khó can dự vào trong những dòng suy tưởng ấy; nhưng việc khách quan không nhúng quá sâu vào sự đồng cảm lại là thứ phản ánh tốt nhất câu chuyện, và ở một mặt nào đó, câu chuyện của Sebald thực tế, khách quan mà lại rõ ràng hơn sự khơi gợi đồng cảm nơi Modiano.

Nếu “Chụp ảnh chính là giết người về mặt biểu tượng” như Susan Sontag từng nói, thì hơn ai hết chính Sebald là người hiển hiện tư tưởng này một cách độc đáo và rõ ràng nhất.

Những tấm ảnh như một giọng nói khác, một chứng nhân khác trong câu chuyện; nhưng dường như chúng đã đọng lại, kết tụ và chết đi một mặt nào đó. Từ những sơ đồ đã bê tông hóa của pháo đài Breendonk đến những tấm ảnh nhà ga vọng lại chỉ sự câm lặng hay hình ảnh cậu bé nhìn thẳng vào trong bức hình với tấm áo choàng đẹp đẽ...

Mọi khoảnh khắc đã trôi lướt đi, nhưng chỉ một khoảnh khắc ở lại; và đó là thời gian chết. Từng ý chí rụng rơi, từng trái cây hoài niệm rơi rụng sau đợt chín nẫu, ngọt ngào và tỏa hương thơm; nhưng sau rốt chỉ còn thứ sốt đặc sệt, không rắn để răng người cắn, chỉ là dòng nước chảy tràn hòa tan từ trong khởi thủy.

Bên cạnh những tấm ảnh, những vật thể hay ký ức, sự rỗng luôn là những thứ ám ảnh Austerlitz, hay Sebald, hay cả người đọc. Trong cuộc truy lùng về những nhà ga, những pháo đài kiên cố, những vườn thú đêm hay những cửa hàng với tiêu bản sinh vật được ngâm formone hòng nhằm lưu giữ… ta thấy tất cả đều là thành phố của linh hồn rỗng.

Tất cả còn đó nhưng con người đã đi đâu mất. Từ những đường hầm hình vòm trong các pháo đài ở Antwerp đến các nhà ga lớn trông như vườn thú đêm; từ bộ sưu tập tiêu bản bướm, vỏ sò, rắn đến những con vẹt nguồn gốc xa lạ một thời đã chết…

Sebald nêu lên chính cái rỗng không của một thời kỳ lịch sử khác, của một cuộc di cư khác, không thuần về mặt vật chất nhưng trong tâm tính là những linh hồn vươn ra, thoát xác và đã rời đi một cách mãi mãi.

Nhà văn người Đức W.G. Sebald. Ảnh: The daily beast.

Người đau đáu với quê hương

Cốt tủy những câu chuyện này luôn là những lần mò truy tìm về quê hương bản quán. Nếu Austerlitz nhợt nhạt trong cái buồn thương nhằm phân định xem rốt cuộc thì mình là ai, Dafydd Elias hay Jacques Austerlitz; thì những chỉ dấu cách trở khác vẫn luôn xuất hiện trong cuốn sách này. Sebald từng ví sảnh chờ của một nhà ga mang dáng dấp một vườn thú đêm, nơi gần quảng trường Astrid.

Ánh tà dương sắp tắt cho ta cảm giác "Họ là những cá thể sống sót cuối cùng của một tộc người đã tuyệt chủng hoặc bị đày ra khỏi quê hương bản quán". Ở đó, ông nhấn mạnh từng loài, nhưng tuyệt nhiên hơn là luôn nhấn mạnh vào từng gốc gác của chúng: Những loài cáo tai to châu Phi, dơi Ai Cập, chuột nhảy sa mạc Gobi, cú vọ châu Âu… Nhưng rồi, ông là ai?

Trong đêm tăm tối của ánh sáng lập lòe ngày đang dần tắt, ánh mắt sáng quắc của từng sinh linh hiện lên như tiếng nói cuối cùng với một mục đích duy nhất hòng minh chứng về sự tồn tại.

Giữa những xám dịu của thời đã mất, cả một lịch sử Thế chiến châu Âu cũng đã trở lại bằng những nỗi niềm trong câu chuyện cá nhân mà đầy màu sắc. Chỉ trong một hiệu sách nhỏ năm 1993, khi vô tình nghe được câu chuyện của hai người phụ nữ từng đi trên chuyến tàu Prague đưa những đứa trẻ sang Anh thì mọi thời khắc mới quay trở lại với Austerlitz.

Nếu từng đọc qua Người đến từ Mariupol của Natascha Wodin thì ta dễ thấy sự giống nhau của hai văn bản này. Nhưng nếu Natascha viết về một thời bạo loạn trong ngòi bút căm phẫn và nhiều mất mát; thì Sebald đào sâu hơn thế vào tầng hóa thạch phần nào đã mất.

Nó không đủ khơi lên cái căm phẫn bên ngoài, nhưng lại đủ tỏa ra thứ hương chết người của sự vô cảm, chia lìa và phần nào mục rữa.

Truy tìm căn cước chưa khi nào thôi vắng trong những suy tư về hồi ức của các tác gia châu Âu sống trong thời kỳ đầy biến động của Đệ nhị Thế chiến. Hơn ai hết, Sebald một cách tài tình đã đưa những suy tư rất cá nhân ra với người đọc, để họ can dự, nhìn lại và thấy phần nào hình ảnh của mình trong đó.

Việc xóa nhòa ranh giới giữa những giọng kể, giữa câu chuyện của bản thân mình hay của Austerlitz, của một Austerlitz nhân dạng hay một Austerlitz báo hiệu một Auschwitz trong cách chơi chữ… đã đưa con người ra khỏi phố xá trở về với những linh hồn lạc, những vườn thú đêm, những rương hòm, cửa hiệu của những vật thể bị bỏ lăng lóc.

Trống rỗng, mơ hồ và đầy nhợt nhạt trong làn khói ký ức, một lần nữa Sebald đã đưa người đọc vượt thoát vào một không gian riêng, chỉ ông và của mình ông.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật