Khẩn cấp khắc phục sự cố nứt đê hữu Hồng, đoạn thuộc xã Liên Hà (Đan Phượng)

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Chiều 14-5, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Phạm Đức Luận dẫn đầu đoàn công tác kiểm tra sự cố nứt đê hữu Hồng, đoạn K46+160, thu‌ộc đị‌a bàn xã Liên Hà (huyện Đan Phượng).
Khẩn cấp khắc phục sự cố nứt đê hữu Hồng, đoạn thuộc xã Liên Hà (Đan Phượng)
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền kết luận buổi kiểm tra.

Báo cáo tại buổi kiểm tra, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, ngày 30-4, Hạt Quản lý đê Đan Phượng kiểm tra, phát hiện sự cố nứt dọc mặt đê, mặt đường hành lang cơ đê bê tông 5m phía thượng lưu, tương ứng đoạn K46+160 đê hữu Hồng. Vết nứt dọc đường hành lang cơ đê phía thượng lưu dài 25,8m, rộng 0,5-4cm. Trên mặt đê cũng xuất hiện vết nứt dài 27m, rộng 1-3cm...

Nguyên nhân sơ bộ ban đầu dẫn đến sự cố trên là do Công ty cổ phần Nước mặt sông Hồng thi công hố móng trạm bơm nước thô thuộc dự án xây dựng Nhà máy Nước mặt sông Hồng, làm mất ổn định của mái đê, thân đê; bên cạnh đó là do ảnh hưởng của những trận mưa to xảy ra vào các ngày 24 và 25-4 vừa qua...

Báo cáo tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Hữu Hoàng cho biết, phát hiện sự cố, huyện Đan Phượng đã phối hợp các cơ quan chức năng lắp đặt biển báo sự cố; tổ chức phân luồng giao thông không cho xe cơ giới đi vào khu vực sự cố, theo dõi chặt chẽ diễn biến sự cố... Công ty cổ phần Nhà máy Nước mặt sông Hồng đã dừng thi công hố móng trạm bơm nước thô, theo dõi, tính toán giải pháp xử lý sự cố...

"Để bảo đảm an toàn tuyến đê, huyện đã xây dựng phương án bảo vệ đoạn đê này trong mùa mưa lũ năm 2021. Về lâu dài, huyện đề nghị Bộ NN&PTNT, UBND thành phố cho xử lý triệt để sự cố...", Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng đề xuất.

Phát biểu tại buổi kiểm tra, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận cho biết, khu vực đê hữu Hồng, đoạn huyện Đan Phượng là trọng điểm về đê điều. Tổng cục Phòng, chống thiên tai đã khuyến cáo về việc đặt vị trí công trình này. Quá trình thẩm tra, Tổng cục đã yêu cầu đơn vị tư vấn, chủ đầu tư dự án hoàn toàn chịu trách nhiệm về số liệu khảo sát... "Trước diễn biến thiên tai ngày càng phức tạp, bất thường, sự cố này là rất nghiêm trọng. Để bảo đảm an toàn đoạn đê này, chủ đầu tư phải phối hợp đơn vị liên quan xây dựng phương án bảo vệ; thành phố Hà Nội nên xem khu vực này là trọng điểm thiên tai ngay từ mùa mưa bão năm nay...", Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận đề nghị. 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền và Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng, chống thiên tai Phạm Đức Luận kiểm tra hiện trường xảy ra sự cố.

Kết luận buổi kiểm tra, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu huyện Đan Phượng chỉ đạo các đơn vị, địa phương tổ chức cảnh báo, phân luồng giao thông, không để người và phương tiện đi vào khu vực xảy ra sự cố. Huyện Đan Phượng xây dựng phương án bảo vệ đoạn đê này trong mùa mưa bão năm nay; đồng thời, chuẩn bị đầy đủ lực lượng, phương tiện, vật tư sẵn sàng xử lý sự cố. Sở NN&PTNT phối hợp các đơn vị đánh giá rõ nguyên nhân, nghiên cứu các giải pháp xử lý, bảo đảm an toàn tuyệt đối cho đoạn đê trong mùa mưa lũ 2021... 

"Chủ đầu tư dự án xây dựng Nhà máy Nước mặt sông Hồng phải rà soát, điều chỉnh, bổ sung phương án thi công công trình; tuân thủ nghiêm túc chỉ đạo của Tổng cục Phòng, chống thiên tai, UBND thành phố ghi trong giấy phép; phối hợp đơn vị liên quan khẩn trương hoàn thành việc xử lý sự cố... Chủ đầu tư phải chịu trách nhiệm bố trí kinh phí xử lý sự cố này...", Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu. 

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật