Sớm mai

Sky Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Đám mây sương phủ kín đỉnh Yên Tử đã bắt đầu lừng khừng chuyển động. Gió từ dưới thung cũng bắt đầu đưa lên mùi lá cây mục. Không gian chừng như đang hồi tỉnh sau một đêm chìm vào quên lãng.
Sớm mai
Lối lên chùa Đồng mờ mờ, ảo ảo hơi sương sớm. (Ảnh: Huy Hoàng)

Rạng ngày.

Đám mây sương phủ kín đỉnh Yên Tử đã bắt đầu lừng khừng chuyển động. Gió từ dưới thung cũng bắt đầu đưa lên mùi lá cây mục. Không gian chừng như đang hồi tỉnh sau một đêm chìm vào quên lãng.

- Đã sắp đến lúc phải xuống núi rồi.

Một giọng đàn bà nghe khê khàn chợt cất lên. Giọng nói đủ để cho thấy nơi đây đang có người hiện hữu. Chưa tỏ mặt người. Chút lạnh se se.

- A di đà phật – Một giọng nữ nghe thanh thanh, kiểu giọng của người còn trẻ tuổi – Bạch thày. Thày có an nhiên?

- Người đêm qua còn ở lại núi sao?

- Dạ. Bạch thày, con nhớ chiều tối qua thày đã chỉ bảo "Chẳng việc gì phải vội vã. Đợi sáng mai trời quang sương hẵng xuống núi". Con nhớ vậy và con đã ở lại.

- Thế còn người kia – Giọng đàn bà khê khàn hỏi với sang bên trái.

- Bạch thày – Một giọng nữ khác nghe đượm buồn – Con cũng vậy.

- Vậy là cả ba chúng ta đêm qua đều ở lại núi. Mà các người cũng có an nhiên?

- Dạ. Chúng con khỏe. Chỉ lo thày tuổi đã cao.

- Ta thì không sao. Những chuyện nằm gió gối đêm sương ta đã quen rồi.

- Vậy thày?

Không có tiếng đáp lại. Sương vẫn chùng chình chưa vội tan ngay. Gió đã thổi nhiều hơn. Tiếng gió vuốt qua những mặt đá ướt đẫm sương nghe như có bàn tay ai đang chà chà vuốt gạt đi những hạt bụi nước bám quanh từng khối đã. Con đường dẫn lê‌n đỉn‌h Chùa Đồng xưa nay vốn gập ghềnh bởi những khối đã tròn nhẵn dường như suốt ngày trơn trượt.

- Ta nhớ Đức Phật Hoàng đã dạy "Ở đời vui đạo cũng tùy duyên".

- Thưa. Đêm qua thày đã gặp Đức Phật Hoàng?

- Đức Phật Hoàng có đi đâu xa. Chúng ta vẫn có Ngài ở bên cạnh.

- Ngài ở bên cạnh.

- Hiểu như vậy là chưa đúng.

Im lặng. Tiếng gió cũng như ngừng thổi. Bấy giờ là thời khắc chuyển ngày. Vào thời khắc chuyển ngày vạn vật đều ngừng hoạt động. Vào thời điểm chuyển ngày mọi sự vật đều đứng yên. Đó là cái đứng yên để chuẩn bị đón nhận một sự chuyển giao của thiên nhiên. Chừng như biết vậy nên cả ba giọng nói đều nín bặt. Thời khắc đó linh thiêng.

Hồi lâu. Chừng năm bảy phút thì gió thổi lại. Tiếng gió giờ nghe như có tiếng reo vui lùa vào từng ngọn lau lánh. Đó là tiếng của những chiếc lá cây chạm vào nhau lao xao lao xao. Sương tan dần, giờ đã có thể nhận ra mờ mờ ba dáng người đang ngồi thiền. Chỗ của họ ngồi ở ngay dưới chân Chùa Đồng. Chỗ đó tách hẳn với lối mòn dẫn lê‌n đỉn‌h núi. Một chỗ tương đối ẩn khuất nhưng hướng mặt nhìn về phía khoảng mông lung xa xa.

- Bạch thày – Giọng nữ nghe đượm buồn chợt cất lên phá tan khoảng thinh không vô hình ngăn cách – Bạch thày, thày vừa nhắc "Ở đời vui đạo cũng tùy duyên".

- Hiểu như thế là chưa đúng.

- Dạ - Giọng nữ nghe đượm buồn rụt rè kiểu còn lắm phân vân – dạ dạ…

Người đàn bà ngồi giữa bấy giờ đưa tay lên đầu. Bà lần lần vén chiếc mũ len vốn chùm kín cả khuôn mặt lên. Tuy đôi tay bà lần lần nhưng toàn thân bà vẫn không nhúc nhích. Hai người nữ khác ngồi hai bên cũng như vậy. Họ không ngoái đầu nhìn sang nhưng cũng biết người ngồi giữa đang vén mũ lên cho mặt đỡ bức bối. Ba cái bóng người trong bộ quần áo nâu tựa như ba khối đá hình người nhuộm đẫm hơi sương.

- Ta lên núi là để nhận từ Đức Phật Hoàng sự truyền bảo thanh thản. Đời thực lắm truân chuyên. Sự thanh thản do Đức Phật Hoàng truyền bảo giúp ta lấy lại cân bằng.

- Lấy lại cân bằng?

- Hiểu như vậy là chưa đúng.

Lại im lặng bao trùm. Lối mòn dẫn lên Chùa Đồng đã nhấp nhô những đoàn người dậy sớm kéo nhau lê‌n đỉn‌h núi. Dường như sự xao động của đoàn người không làm ba người đàn bà ngồi suốt từ chiều hôm qua đến giờ phải bận tâm. Họ khá thong thả. Vẫn không nhúc nhích kể cả khi họ lần lượt đưa tay vén chiếc mũ len lên. Sương dần tan, đã có thể nhận được ba gương mặt của ba người, đó là ba vị sư nữ. Người ngồi giữa có gương mặt điềm đạm thật khác hẳn với những lời nói đậm chất suy tư. Gương mặt ấy đang toát lên sự bằng tâm thông qua ánh nhìn đôn hậu. Bà chừng ngoài sáu mươi hay sắp bảy mươi gì đó. Ở vào tuổi ấy mà suốt đêm qua ngồi lặng trong sương thực là người đã từng trải và từng khổ luyện. Trạng thái thư thái. Giọng nói khê khàn của tuổi tác chứ không phải là giọng nói bị sương nhiễm lạnh. Nhìn cách ngồi của bà có cảm tưởng như bà đang rất hài lòng.

Bên trái bà là một người nữ trẻ hơn. Tuy giấu thân trong bộ quần áo nâu vẻ như hơi quá rộng nhưng vẫn thấy một dáng lưng ong của một người tuổi còn khá trẻ. Người nữ đó có giọng thanh thanh nhưng không thấy vẻ đã yên mà luôn thấy vẻ bồn chồn bởi thường đưa ra những câu hỏi lại. Còn bên phải là một người nữ tuổi trung niên, nét mặt khổ đau và có giọng nói đượm buồn. Dáng ngồi của người nữ tuổi trung niên ấy tuy không động đậy nhưng vẫn thấy một sự cố gắng bởi thi thoảng nhẹ vang những nhịp lấy hơi gắng gượng.

Từ lối mòn dẫn lê‌n đỉn‌h núi nhìn sang ba người đang ngồi không hút được sự chú ý của khách hành hương. Đơn giản là bởi những người hành hương chỉ nhăm nhắm hướng mắt ngóng lên xem, xem mình đã sắp tới đỉnh hay chưa chứ chẳng ai quay sang nhìn phải nhìn trái. Người hành hương lê‌n đỉn‌h đều có mục đích của mình.

Gió thổi, trời quang sương hẳn. Ngôi Chùa Đồng ngự trên đỉnh Yên Tử mập mờ như đang lay gọi. Không gian rộng ra, đã nghe thấy rõ từng tiếng giục giã, tiếng hỏi han nhau của đoàn người hành hương từ chỗ lối mòn vẳng lại. Từng tiếng thở mệt mỏi giấu trong vẻ háo hức bởi đoàn người hành hương. Hướng lê‌n đỉn‌h và lên tới đỉnh đang kíc‌h thí‌ch những con người đi lên.

- Ta nhớ chiều qua người nói người quê ở Lâm Đồng? Xa xôi là vậy mà người?

- A di đà phật. Con cảm ơn thày đã nhớ - Giọng nữ thanh thanh đầy cảm kích – Thày không quên.

- Hiểu như thế là chưa đúng.

Người đàn bà lớn tuổi ngồi giữa chỉ nói thế rồi không nói nữa. Những câu nói của bà luôn làm cho hai người nữ ngồi hai bên phải ngập ngừng nhưng họ không dám hỏi thêm. Để cho tự hiểu vẫn là cách những người lớn tuổi nói với người trẻ tuổi.

- "Ở đời vui đạo cũng tùy duyên" – Người đàn bà lớn tuổi chợt nhắc lại – Mỗi người đều có một hoàn cảnh.

- Dạ đúng như vậy. Bạch thày - Giọng nữ đượm buồn bỗng hào hứng như thấy mình đang được ai đó chia sẻ - Vì mất mát đến quá bất ngờ mà con phải đến nương nhờ cửa phật.

- Người có tâm sự?

- Dạ.

- Còn ta thì – Người đàn bà lớn tuổi mà từ giờ chúng ta sẽ gọi là vị sư nữ lớn tuổi chùng giọng xuống – Ta cũng có bất chí.

***

Nhưng đã bảy đêm nay, hễ bà nhắm mắt, hễ chớm thiu thiu, lại vẳng bên tai những âm thanh lúc xa lúc gần. Tiếng gió thổi từ cánh đồng dưới chân núi lên, quệt qua tán lá của cây thị cổ đã hơn sáu trăm năm tuổi, đứng cô liêu bên trái sân chùa, nghe loạt xoạt như có tiếng ai đẩy cổng lẻn vào sân chùa. Sư cô Đàm Dịu đêm thứ nhất còn nghĩ, hay chú tiểu đang tuổi mải ăn mải ngủ mà cài cửa không chặt. Bà không đánh tiếng vọng sang gian bên gọi chú tiểu dậy xem xem cửa giả thế nào, bà lại nghĩ cho dù cửa giả không chặt cũng chẳng sao, bởi lẽ núi Nhẫm lọt thỏm giữa đảo Nhị Chiểu, cách trở đò giang, ban đêm không có kẻ gian nào dại dột dám mò tới làm cái chuyện đào tường khoét ngạch.

Không gian càng chìm sâu vào đêm. Nằm trên tấm phản làm bằng gỗ lim đen bóng, kê trong góc trái của trai phòng vẫn có thể nghe rõ tiếng con sông Kinh Thầy hối hả chảy xuôi, nước vỗ mạn bờ nghe đùng đục. Trong cái màn đêm thẫm đen nhưng bồn chồn ấy sư cô Đàm Dịu thấy đầu óc tỉnh là lạ, cũng có thể giờ đã chuyển sang thu, nằm phản lạnh mà khó ngủ. Bà thấy moi mỏi sống lưng mà không còn muốn nằm lại để ngủ, vì hễ bà cứ vừa nhắm mắt, lại vẳng bên tai tiếng ai gọi hỏi. Rõ ràng là tiếng người chứ chẳng phải tiếng gió thổi. Tiếng nói lúc thầm thì như nài nỉ, khi rưng rức như thổn thức. Sư cô Đàm Dịu thấy trong lòng như có muối chà, bà ngồi dậy khoanh chân trên tấm phản, lưng hơi tựa vào vách trai phòng, bụng cồn cào không ra đói mà cũng chẳng ra trống rỗng.

***

- A di đà phật – Giọng đượm buồn của vị sư nữ tuổi trung niên cất lên như muốn được che chở - Xin thày bình tâm.

- Người hiểu như vậy là chưa đúng – Vị sư nữ lớn tuổi an ủi – Mà chuyện của ta người cũng đã nghe hết đâu.

- Dạ. Con đúng là chưa nghe hết nhưng con cảm thấy có gì buồn lắm. Bạch thày. Chuyện buồn ở đời chắc ai cũng có?

- Hỉ nộ ái ố là cuộc sống mà. Ta chỉ thương cho những ai chưa hiểu. Ta chỉ thấy thương cho những ai luôn lấy cái đau buồn của mình để tự dằn vặt mình.

- Bạch thày – Vị sư nữ trẻ tuổi từ đầu câu chuyện đến giờ vẫn nín lặng ngồi nghe chợt chen vào – Cái đau buồn nó như kim châm vào gan ruột nên làm sao mà quên được.

- Hiểu như vậy là chưa đúng.

Vị sư nữ cao tuổi bỗng xoay người, bà đưa tay phải lên chỉ lê‌n đỉn‌h núi ý bảo hãy nhìn lên phía đó. Cả hai vị sư nữ kia đều xoay người nhìn theo. Phía đó là đỉnh Yên Tử. Bóng dáng của ngôi Chùa Đồng hiện ra lờ mờ trong ánh nắng yếu ớt từ phía đông rọi tới.

- Hai người có thấy cầu vồng không?

- Dạ. Thưa thày – Cả hai đều không dám nói thật.

- Thì cố mà nhìn lại.

- Dạ. Giờ thì chúng con đã thấy.

Trong ánh sáng xuyên qua màn hơi sương nhập nhòa bỗng lung linh hình ảnh của chiếc cầu vồng bảy sắc. Chiếc cầu vồng bảy sắc như bao trọn lấy ngôi chùa. Một hình ảnh huyền ảo thật khó có được lần thứ hai.

- Đẹp quá, thưa thày.

- Người nhìn thấy đó là đẹp. Thế còn người – Vị sư nữ lớn tuổi hỏi sang vị sư nữ trung niên – Người có thấy đẹp không?

- Bạch thày. Có ạ.

- Tức là cái đẹp còn hiện hữu một khi ta nắm bắt được nó.

- Ta nắm bắt được cái đẹp từ thiên nhiên?

- Hiểu như vậy là chưa đúng.

- Bạch thày.

- Thực ra làm gì có cầu vồng. Đấy là do ta nói thôi.

- Bạch thày. Người đùa chúng con?

- Hiểu như vậy là chưa đúng

- Dạ. Dạ.

- Hình ảnh huyền ảo vừa rồi nếu ta không nói ra thì hỏi hai người có nhìn thấy không?

- Dạ không – Cả hai vị sư nữ đều đồng thanh đáp – Vẫn phải có người khác chỉ cho?

- Hiểu như vậy là chưa đúng.

Chợt im lìm như chưa hề có chuyện gì đã xẩy ra. Hai vị sư nữ cùng buông một hơi thở dài.

- Hai người đang thất vọng?

- Bạch thày. Chúng con không dám. Chỉ là chúng con chưa để tâm.

- A di đà phật. Nếu có chút để tâm thì sẽ thấy cuộc đời này đâu toàn chuyện buồn đau.

- Thày dạy phải lắm ạ.

Ráng hồng của bình minh đã soi tới đỉnh Chùa Đồng. Thứ ánh sáng sớm mai chưa đủ mạnh nên chưa làm tan đi cái lạnh của sương đêm thấm đẫm. Vị sư nữ lớn tuổi co người lại như vừa bị lạnh, bà thu cả hai vai lại để gạt xua những gì còn tồn lại trong người. Cách làm ấy khiến hai vị sư nữ kia phải ái ngại. Họ cho rằng sức khỏe của bà đang có vấn đề.

- Ta đã nhìn lê‌n đỉn‌h núi và ta đã thấy cái đẹp đang chế ngự.

- Thày dạy phải.

- Hiểu như thế là chưa đúng.

Không gian chợt bao la khi mà cả một vùng núi non trải bát ngát ra trước mắt. Ánh nắng rộng dài đã cho phép tầm nhìn được cởi mở hơn.

- Hai người có thấy gì đằng trước kia không?

- Dạ. Đó là rất xa ạ.

- Hiểu như vậy là chưa đúng. Còn người – Lần này vị sư nữ lớn tuổi với câu hỏi sang vị sư nữ trẻ tuổi – Người thấy gì?

- Cũng chỉ là khoảng mênh mang rất xa thôi ạ.

- Đức Phật Hoàng ngài đã dạy "Đối cảnh vô tâm chớ hỏi thiền". Đúng là khi ta không quan tâm tới ai. Đúng là khi ta không nhớ tới thứ gì thì mọi chuyện bỏ ra đều phung phí. Ta hiểu Ngài đã dạy đến cửa phật đâu phải chỉ cho thỏa tâm tư.

- Bạch thày. Lời Đức Phật Hoàng chí lý lắm ạ.

- Hiểu như thế là chưa đúng.

Vị sư nữ lớn tuổi sau hồi thu mình thì thả lỏng người ra. Bà đang lấy lại sự thư thái thông thả vốn có. Nhìn động tác ấy cả hai vị sư nữ kia đều gật đầu tâm phục.

- Ở đời đâu phải cái gì chỉ ra rồi mới thấy. Ở đời đâu phải cái gì đã chỉ ra rồi đều sẽ thấy. Hai người đã thấy ánh cầu vồng bao trùm đỉnh núi bởi nó quá rõ ràng nhưng hai người đều không nhìn thấy phía khoảng mênh mang rất xa đằng trước kia là gì. Cái tâm vẫn chưa mở - Rồi bà cúi thấp đầu như nói với chính mình – Thấy được có khi dành cả đời cũng chưa tìm ra. Phải đến khi tưởng như sắp mất nó đến nơi rồi ta mới thấu.

***

Một lần vào đầu mùa mưa năm một ngàn chín trăm bảy mươi hai. Nhóm bốn cô thanh niên xung phong được lệnh vào kho T8 mãi sâu trong đại ngàn Trường Sơn để lĩnh hàng nhu yếu phẩm về cho toàn đội. Cung đường dài ra và tiến sâu hơn vào mặt trận nên việc cung cấp nhu yếu phẩm bị đứt quãng. Chuyến đi vào kho T8 này đột xuất nên vừa có lệnh là các cô vội lên đường ngay. Cô Thắm được cử làm nhóm trưởng. Các cô gái lần đầu tự băng rừng, vượt dốc đi đúng ba ngày đường rừng thì tới nơi lĩnh hàng theo chỉ dẫn trên sơ đồ. Một kho hàng d‌ã chi‌ến dựng vội, dựa vào vách núi mà dấu tích còn lại chỉ là những chiếc cột cháy dở, đứng trơ trọi lạnh tanh. Nền đất rêu phong không một dấu chân người qua, từ cái nền bỏ không ấy bốc lên mùi ẩm mốc chứng tỏ kho hàng này đã chuyển đi đâu đó khá lâu. Hụt hẫng và sững sờ cả bốn cô gái ôm nhau khóc sướt mướt.

Họ định quay về thì một trận mưa rừng bất ngờ ập xuống. Trận mưa rừng dữ dội và kéo dài đã dồn các cô vào một hốc núi. Từ cái hốc núi gọi là có thể tạm trú tránh được cơn mưa cho bốn cô ấy bay túa ra cả trăm ngàn con bướm rừng, đàn bướm rừng bay tán loạn, bay đầm đập vào người vì chúng phải nhường chỗ cho mấy cô gái mặt đang tái dại vì đói và vì phát hoảng. Một đêm rồi hai ngày đã trôi qua, các cô không rời khỏi được cái hốc núi bởi trận mưa rừng đã bao quanh chỗ các cô trú những dòng nước lũ chảy rùng rùng.

Sáng hôm thứ tư, trời tạnh hẳn, những tia nắng ngày mới lọt qua tán lá chiếu xuống chỗ các cô đang dúm vào nhau, cùng với đó là ồn lên những tiếng lộp bộp đã lay các cô dậy. Cả bốn cô gái cùng bàng hoàng không tin vào mắt mình nữa, quanh chỗ các cô mấy đêm qua ôm nhau nằm lả giờ thấy la liệt những quả vả rừng. Các cô hét toáng lên chẳng hiểu vì mừng hay vì kinh hãi, mùi quả vả chín thơm ngọt tỏa lên mời mọc, trong nắng ban mai đã cho các cô biết đó là sự thật. Dù chưa biết bằng cách nào mà vô số quả vả rừng chín tới được chỗ các cô nhưng đói và chẳng còn cách gì khác nên các cô bảo nhau cứ nhặt lấy mà ăn. Thứ quả vả rừng chín ăn chua chua, ngòn ngọt, lại hơi sin sít nơi kẽ răng đã giúp các cô lấy lại hơi sức. Chưa ăn hết chỗ quả rừng rơi vãi quanh người thì các cô một lần nữa lại ôm lấy nhau mà hét rú lên sợ hãi. Bỗng từ đâu túa ra những chú khỉ nhỏ như những đứa trẻ con. Bầy khỉ độ hơn chục con cả khỉ lớn lẫn khỉ bé. Những con khỉ lớn tay vươn dài, chuyền lằng nhằng, chúng đu người trên các cành cây và ném xuống từng chùm quả vả.

***

- Bạch thày. Người thực có những quãng ngày vất vả. Nỗi cực nhọc của người là do số phận đun đủi. Còn con lại do người thân đưa lại.

- Mô phật. Nỗi khổ có ở khắp nơi. Nỗi khổ không chừa một ai. Nghe giọng nói đượm buồn của con ta biết con tìm đến nơi đây để mong khỏa lấp.

- Vâng.

Vị sư nữ trung niên rơm rớm những giọt nước mắt. Bà sụt sịt mũi để cố kìm cơn khóc đang âm ỉ trong lòng. Tưởng như đã qua đi. Tưởng như đã quên đi được nhưng hình ảnh tang thương ngày nào bỗng như một cuốn phim được quay chậm lại.

- Mô phật. Thiện tai. Thiện tai – Vị sư nữ lớn tuổi chắp tay – Tội ác mấy ai lường trước được. Cả chồng và con của người đều đã chết?

- Bach thày. Sao thày lại biết.

- Cả đêm qua ta thấy con đâu có ngủ. Mà có ngủ thì ta toàn thấy con khóc lóc với than van.

- Vâng. Họ đều đã chết bởi bàn tay của người anh trai của chồng con. Tất cả chỉ tại làng quê của con…

- Hiểu như vậy là chưa đúng.

- Bạch thày. Con không nói sai.

- Ta đâu nghĩ con nói sai. Tội ác sinh ra từ sự vô tâm. Vô tâm với nhẫn tâm cách nhau mong manh lắm. Mà nghe con nói tại làng con là sao?

- Bạch thày. Làng con vốn nghèo. Người làng con vốn lành. Chuyện tày đình xuất phát từ khi làng lên phố.

- Con muốn nói đến chuyện đô thị hóa hiện nay? Mà đâu chỉ có ở ngoại thành Hà Nội quê con.

- Bạch thày. Vâng ạ. Miếng đất mà vợ chồng con đang ở vốn nằm ở rìa làng nó là cha mẹ để lại cho và người anh trai của chồng con cũng đồng ý.

- Người quên mất rồi. Khi còn ở với cha mẹ thì là anh em. Còn khi đã có gia đình riêng thì anh em chỉ là người thân mà thôi. Sống với nhau đã khó mà sống tốt với nhau còn khó gấp vạn lần.

- Người bảo là tại con?

- Hiểu như thế là chưa đúng.

- Nhưng rồi làng con lên phố. Theo quy hoạch thì miếng đất rìa làng sẽ nằm ngay mặt con đường chính dẫn vào khu đô thị mới. Trước có cho cũng không ai nhận bây giờ bỗng dưng nó lại rất được giá. Người anh trai của chồng con thấy vậy nên tiếc mà quay ra đòi chúng con chia lại. Chúng con không đồng ý bởi nghĩ rằng không có gì phải bàn lại. Thế là anh ấy mắng vợ chồng chúng con tham, không biết điều.

- Tại bởi con người chúng ta sống với nhau không biết hiểu nhau. Không biết nhường nhịn nhau. Sống bàng quan với nhau. Lỗi là tại trong mỗi con người đều ẩn chứa sự ganh ghét. Đều ẩn chứa lòng tham. Sự ganh ghét và lòng tham sẽ trỗi dậy một khi chỉ thấy cái lợi tiền bạc, chỉ thấy cái lợi cá nhân mà rồi tự biến những cái đó thành mối thù hận. Nếu biết ngồi lại, biết lắng nghe thì chắc không nẩy sinh cái ác.

- Người dạy phải.

- Hiểu như thế là chưa đúng – Vị sư nữ lớn tuổi quay người hướng về chỗ lối mòn dẫn lê‌n đỉn‌h núi - Người hãy nhìn những đoàn người đang háo hức đi lên kia. Người thấy họ thế nào?

- Con thấy - Vị sư trung niên ngập ngừng. Thực tình thì bà cũng không thấy gì được từ đoàn người nối nhau đi lên núi kia.

- Họ cũng như chúng ta. Nghĩa là họ đang tìm đến một điều gì đó cho chính bản thân mình. Tìm xong rồi thì họ sẽ về lại nơi họ ra đi.

- Con không muốn quay về làng nữa vì nếu về con lại muốn băm vằm xé xác người anh chồng cho hả giận.

- Hiểu như thế là chưa đúng. Người anh trai của chồng con chỉ vì lòng tham mà sinh mối thù hận rồi phạm trọng tội. Tội ác sẽ bị Pháp Luật trừng phạt nhưng con không nên để mối thù hận của chính mình một ngày kia sẽ biến thành tội ác mới. Con đã tìm đến đây nghĩa là trong lòng con vẫn còn nhân tính. Ở đời có thể sẽ mất nhiều thứ. Mất tiền bạc. Mất đất đai nhà cửa. Mất nghĩa anh em. Mất tình chồng vợ nhưng nhân tính là cái tuyệt đối không thể đánh mất được. Xưa Đức Phật Hoàng ngài đã nghĩ xa nhìn rộng. Mỗi khi đất nước trải cơn binh đao. Mỗi khi xã tắc trải cuộc trần ai là Ngài lại lên núi để lấy lại cân bằng. Ta thấy con dường như đã tìm được điều con cần tìm khi con lên đây rồi đấy. Cân bằng lại tâm can. Cân bằng lại những mất mát để cứu rỗi cuộc đời con cháu sau này. Đừng để chúng sa vào lỗi lầm của người lớn mà suốt đời sống trong thù hận – Vị sư nữ lớn tuổi nói một mạch dài. Đây là lần đầu tiên bà đã nói dài như thế. Bà dừng lại để lấy hơi và cũng là để lấy lại cân bằng cho chính mình.

- A di đà phật. Người dạy phải. Đúng là lấy lại cân bằng đâu chỉ cho bản thân. Lấy lại cân bằng cho lớp con cháu mới là điều ta vươn tới. Giờ thì con đã hiểu những điều mà Đức Phật Hoàng đã làm. Ngài lớn hơn chúng ta. Ngài lấy lại cân bằng cho giang sơn xã tắc.

- Thế còn con? – Vị sư nữ lớn tuổi chợt quay sang hỏi vị sư nữ trẻ tuổi - Từ nãy đến giờ ta chỉ thấy con thở dài. Con có nỗi lòng gì chăng?

Vị sư nữ trẻ tuổi thoáng giật mình khi nghe vị sư nữ lớn tuổi hỏi. Cô ngẩng mặt lên. Một gương mặt đẹp của những người còn tràn trề sinh lực. Cô chắp hai tay trước ngực, mắt nhìn vào vị sư nữ lớn tuổi như muốn được cởi lòng.

- Con thất tình. Thưa thày.

- Mô phật. Tình yêu con người là thứ quý nhất mà tạo hóa đã ban cho. Nhưng con hãy nhớ ở đời đâu phải việc gì cũng như mơ. Có những giấc mơ mà ta mơ mãi cũng chưa thấy. Hãy nghe ta, con có thấy gì đằng trước kia không?

- Dạ con không thấy gì.

- Con thử nhắm mặt lại và nghĩ tới một điều đẹp đẽ đi.

- Bạch thày.

- Con hãy gạt xua nỗi lòng riêng mà nghĩ tới điều tốt rồi sẽ thấy.

- Dạ. Thưa, hình như đó là biển. Con nghe thấy tiếng sóng vỗ về như đang an ủi con. Con thấy từng đoàn thuyền nổ máy dong khơi.

- Đấy. Lúc trước ta có hỏi hai người đằng trước là gì nhưng cả hai người đều không thấy gì. Giờ con thấy rồi. Điều đó ở con ta rất mừng.

- Con cám ơn thày.

- Hiểu như vậy là chưa đúng.

- Thưa thày.

- Đừng trốn tránh nỗi đau lòng. Nỗi đau lòng đôi khi phũ phàng. Nỗi đau lòng lắm lúc làm ta muốn tìm đến cái chết. Vượt qua nỗi đau lòng là vượt qua cái tôi nhỏ nhen của con người. Cái chính nhất là phải nhìn thấy đằng xa kia sự rộng mở.

- Sự rộng mở?

- Hiểu như vậy là chưa đúng.

- Sự rộng mở là điều tự trong tâm. Nó không thể sờ sờ trước mắt. Không thể nắm bắt được. Thất tình chẳng qua chỉ là một trạng thá‌i tìn‌h cảm ngoài mong muốn. Phàm những gì là tình cảm là ta đều có thể xua gạt được. Tình cảm con người là thứ có thể điều chỉnh được, nó không phải là thứ bất biến. Hôm nay ta thấy ghét. Ngày mai ta thấy yêu. Tất cả tùy thuộc vào suy nghĩ, vào nhìn nhận. Ví như con đã thấy biển xanh trước mặt. Đó là bởi lòng con đang nghĩ đến những sự rộng mở. Con giờ thấy trong người thế nào?

- Con cám ơn thày.

- Ta có nói đâu. Đức Phật Hoàng đã dạy. Cân bằng lại xúc cảm tức là "Vui đạo cũng tùy duyên" đấy. Chữ "duyên" kia mới là điều dành cho mỗi con người. Cái duyên sẽ đến một khi ta biết tìm ra nó. "Hễ đói thì ăn mệt ngủ liền" tức là việc gì phải cấn cá những thứ không thuộc về bản thân ta.

***

Có thứ gì vừa lăn tới chạm nhẹ vào mũi chân, sư cô Đàm Dịu cúi xuống xem sao. Một quả thị chín vàng, quả thị còn sót lại từ cuối hạ nằm gọn trên tay bà. Quả thị chín tỏa lên mùi thơm dễ chịu giữa cái khó chịu của thứ mùi khét lẹt từ làn khói nổ mìn từ trong núi sộc tới. Sư cô Đàm Dịu hơi ngỡ ngàng, bà quay nhìn lên cây thị cổ. Không lẽ quả thị tự rụng?

Lại dậy lên chuỗi âm thanh nổ mìn phá đá. Sư cô Đàm Dịu chợt giật bắn người. Trên cây thị cổ có rất nhiều những con khỉ đang đu bám. Lũ khỉ bu lấy nhau, bụi bám trắng lông, bầy khỉ run cầm cập làm xào xạc đám lá thị, chúng nhìn về phía bà bằng những đôi mắt tròn to. Bà thót mình, thì ra lũ khỉ lông vàng trong rừng Nhị Chiểu trốn chạy tiếng mìn đã nhào tới quanh chùa. Chúng bám vào cành thị cổ làm chỗ nương thân. Thì ra suốt mấy đêm qua lũ khỉ chờn vờn quanh đây, chúng không quậy phá mà lặng lẽ trông chờ. Thì ra chính chúng chứ không phải ai khác, chúng đợi đêm thẫm đen mới ngóng vào trong chùa cất tiếng van vỉ.

- Mọi nỗi khổ đều sinh ra từ con người. Và chỉ có con người mới giải quyết được nỗi khổ ấy. Trong những nỗi khổ mà con người phải gánh thì "Khổ trí" là thứ khổ khi mà con người cảm thấy bị bất lực. Như ta đấy, ta có nỗi khổ trí mà cứ phải đứng nhìn, đành phải trông chờ vào cái người đời gọi là sự sám hối. Hỡi ôi, sự sám hối của con người phải đánh đổi bằng nhiều thời gian. Ấy là khi thấy rằng đã mất đi rồi mới thức tỉnh. Còn "Khổ tâm" là thứ khổ day dứt. Nó có vẻ hời hợt nên cũng dễ qua nhanh. Như con đấy, con gái ạ, thất tình chỉ là chốc lát, cuộc đời còn dài và mọi chuyện sẽ qua đi khi con nhận ra sự rộng mở đang chờ phía trước. Riêng "Khổ can" nó có vẻ sâu sắc hơn, không dễ thứ tha nhưng có người nào sống mãi với nỗi khổ đâu. Biết gạt đi, biết xua đi thù hận rồi nỗi khổ ấy cũng sẽ được giải tỏa.

- Thày dạy phải lắm.

- Có phải là ta nói đâu. Đức Phật Hoàng dạy đó. Người bảo "Thôi trời sáng rồi". Mà trời cũng sáng thật rồi. Chúng ta xuống núi thôi – Vị sư nữ cao tuổi bất chợt như muốn bỏ đi mọi chuyện – Còn nhiều việc phải làm lắm. Chúng ta đã tới đây. Chúng ta đã ngồi đây. Sớm mai là thời điểm mát lành nhất. Lòng đã bình. Tâm chắc đã an. Còn nhiều việc phải làm lắm.

- Bạch thày.

- Giờ ta cùng xuống núi thôi. Còn nhiều việc phải làm lắm – Vị sư nữ lớn tuổi nhắc lại câu nói đã nói, bà nhổm người với tay bám vào tảng đá bên cạnh để đứng dậy.

- Để con đi đằng sau nếu người có lỡ trượt chân thì đã có con níu lại – Vị sư nữ tuổi trung niên đề nghị.

- Con sẽ đi đằng trước. Người hãy vịn vào vai con cho khỏi vấp – Vị sư nữ trẻ tuổi thẳng thắn. Nói rồi cô nhanh nhẹn đứng lên. Cô đi thử vài bước trên những tảng đá nhẵn trơn rồi quay lại nở một nụ cười.

Cả dẫy núi Yên Tử buổi sáng nay rực sáng. Bầu trời trong đến rời rợi xanh. Gió mát đến nhẹ lâng.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật