Tiền Giang: Có gì độc đáo trong ngôi nhà cổ của một ông địa chủ giàu có ngày xưa?

Baoanh Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Tọa lạc tại ấp Lương Phú A, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang ngôi nhà của ông Đoàn Hữu Chung là một công trình kiến trúc cổ độc đáo, với sự kết hợp giữa hai nền văn hóa Đông - Tây rất tinh tế.
Tiền Giang: Có gì độc đáo trong ngôi nhà cổ của một ông địa chủ giàu có ngày xưa?
Nhà cổ của ông địa chủ Đoàn Hữu Chung được xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang đã và đang khai thác sử dụng hiệu quả

Dù đã trải qua nhiều lần trùng tu lớn, nhỏ, nhưng hiện nay ngôi nhà vẫn giữ được nét kiến trúc thể hiện quan điểm, lối sống của người xưa.

ĐỘC ĐÁO KIẾN TRÚC ĐÔNG - TÂY

Theo nguồn tư liệu của UBND xã Lương Hòa Lạc, ông Đoàn Hữu Chung là một đại địa chủ ở vùng Bến Tranh, tỉnh Định Tường xưa. 

Nhà của gia đình ông địa chủ này được xây dựng vào khoảng cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX, bề ngang 18 m, dài 28 m, với các hàng cột cao khoảng 6 m đỡ lấy lớp mái ngói âm dương hình vảy cá, trong đó có 4 cột chính bằng gỗ căm xe, còn lại là cột xi măng.

Phần khung nhà cổ xây theo hình chữ đinh. Mặt tiền là một hành lang có cửa thông hai bên bằng cầu thang. Phần cửa ra vào xây theo hình vòm bán nguyệt, thể hiện chủ nhân là một người có tầm ảnh hưởng nhất định. Bên trong ngôi nhà được bài trí theo kiến trúc ba gian đặc trưng của người Việt. 

Ở giữa nhà là bàn thờ, các hoa văn chạm trổ cầu kỳ mang vẻ uy nghi của những gia đình giàu có thời xưa.

Thông thường, bố cục nhà cổ chữ đinh ở gian chính là nơi để thờ cúng ông bà, gian 2 bên sẽ kê bàn ghế, tủ hoặc bộ đi văng trang trí. Tuy nhiên, nhà ông Chung thiết kế gian 2 bên gồm 7 phòng nghỉ, trong đó có 4 phòng lớn (mỗi phòng có diện tích 4 m x 8 m) và 3 phòng nhỏ (3 m x 2 m), hiện tại các phòng này được sử dụng làm nơi làm việc của MTTQ và các đoàn thể xã rất tiện lợi.

Nếu như bên trong ngôi nhà cổ được thiết kế theo kiến trúc truyền thống mang đậm bản sắc dân tộc Việt, thì bên ngoài lại mang hơi hướng phương Tây, với gian tiền sảnh được thiết kế theo mô tuýp Roman, đặc trưng với các đầu cột và chạm nổi hoa văn.

Nhìn từ bên ngoài, yếu tố phương Tây rất rõ nét với vách xây tường, cột hàng ba bằng xi măng, cửa vòm. Các vật liệu xây nhà như gạch, kính đều được nhập về từ Pháp.

Qua cánh cổng rêu phong, từ sân nhìn vào, ngôi nhà cổ toát lên vẻ cổ kính bởi  những hoa văn chạm khắc trên các bức phù điêu thời phục hưng ở thế kỷ XVIII, XIX, cùng với mặt tiền sảnh của nhà với những vòm cửa hình vòng cung, theo kiến trúc Pháp…, toát lên vẻ uy nghiêm, bề thế.

GÌN GIỮ, TÔN TẠO NÉT VĂN HÓA KIẾN TRÚC XƯA

Theo đánh giá của Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử tỉnh Tiền Giang Lê Ái Siêm, trong đề tài nghiên cứu về Di sản văn hóa vật thể tại Tiền Giang, nhà cổ ở Tiền Giang phần lớn được xây dựng từ thế kỷ thứ XIX và những năm đầu thế kỷ XX.

Với lối kiến trúc đặc trưng thời nhà Nguyễn hoặc được xen vào các yếu tố của kiến trúc Nam Trung Hoa hoặc các yếu tố của kiến trúc Pháp là nguồn sử liệu quý giá cho những người đương đại nhận thức về xã hội và văn hóa phong kiến ở Tiền Giang.

Hầu hết chủ nhân các nhà cổ ở Tiền Giang là những địa chủ, những người giàu có, những người có địa vị trong xã hội thời phong kiến. Sau thời gian trên dưới một thế kỷ, sự thay đổi về xã hội, các chủ nhân đầu tiên không còn. Cùng với sự tàn phá của cuộc chiến tranh, sự hủy hoại do thời tiết đã nhanh chóng làm cho các nhà cổ bị xuống cấp ngày một nghiêm trọng.

Trong thành phần vật liệu cấu tạo nên các nhà cổ thì gỗ chiếm tỷ trọng lớn nhất (trên 70%), mặc dù vật liệu gỗ được chọn một cách cẩn trọng nhưng hiện tượng mối mọt, mục chân, rỗng ruột ngày một nhiều, làm tăng nhanh sự xuống cấp của nhà cổ.

Có thể nói, ngôi nhà cổ của ông địa chủ Chung là sự kết hợp độc đáo giữa kiến trúc Đông - Tây, thể hiện sự giao thoa văn hóa Việt - Pháp, là công trình nghệ thuật tinh xảo, vừa mang nét cổ kính, trang nghiêm, vừa thể hiện tính phóng khoáng, trang nhã trong thưởng thức cái đẹp của người xưa. Giữ gìn và phát huy giá trị của ngôi nhà cũng là góp phần gìn giữ nét đẹp văn hóa kiến trúc cổ của dân tộc…

Thật vậy, không ít nhà cổ ở Tiền Giang xuống cấp theo thời gian, một số ngôi nhà đã được công nhận di tích văn hóa cấp tỉnh thì được trùng tu, sửa chữa nhưng vẫn cố gắng giữ nét kiến trúc cổ và đã được khai thác làm điểm du lịch thu hút du khách. Một số nhà cổ chưa được công nhận di tích cũng được chính quyền địa phương đầu tư sửa chữa, khai thác khá hiệu quả. Nhà ông Đoàn Hữu Chung là một điển hình.

Phó Bí thư Đảng ủy xã Lương Hòa Lạc Võ Văn Hùng cho biết: “Theo những người cao niên kể lại, ông Đoàn Hữu Chung là một đại địa chủ rất giàu có thời bấy giờ. Nếu xứ Gò Công xưa có Đốc Phủ Hải thì vùng chợ Gạo có Đốc Phủ Chung với đất đai ruộng vườn “cò bay thẳng cánh”.

Tuy nhiên, đến khoảng năm 1960, gia đình ông Chung sang Pháp định cư, ông thuê người quản lý ngôi nhà. Đến năm 1975, ngôi nhà được tỉnh trưng dụng làm Trường Cải tạo nông nghiệp tỉnh Tiền Giang, sau đó là Trường Hành chính tỉnh. Đến năm 1992, Trường Hành chính tỉnh sáp nhập với Trường Chính trị tỉnh Tiền Giang, lãnh đạo nhà trường bàn giao lại ngôi nhà cho UBND xã Lương Hòa Lạc quản lý.

Đến cuối năm 1992, ngôi nhà được sử dụng làm nơi làm việc tạm thời của Đảng ủy, UBND và khối Vận của xã, do sửa chữa trụ sở UBND xã. Đến năm 1998, trụ sở UBND xã xây dựng xong, Đảng ủy, UBND xã và khối Vận xã dời về trụ sở mới làm việc, ngôi nhà bỏ trống; riêng phần trước nhà (sân), UBND xã cho một số người dân thuê buôn bán nước giải khát.

Đến năm 2009, UBND xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) xét thấy cần tận dụng lại ngôi nhà cổ của ông địa chủ Chung làm Nhà văn hóa xã, đã kiến nghị huyện cấp kinh phí để đầu tư nâng cấp, sơn sửa lại ngôi nhà ông Chung thành Nhà văn hóa xã, với kinh phí trên 800 triệu đồng…”.

Trao đổi với chúng tôi, anh Võ Quốc Khánh, công chức Văn hóa - Xã hội xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang cho biết, năm 2010, Nhà Văn hóa xã được đưa vào sử dụng. Tuy nhiên, nhà rất rộng nên không sử dụng hết, vì vậy đến năm 2011 UBND xã quyết định cho MTTQ và các đoàn thể xã dời qua làm việc tại Nhà văn hóa xã (tức ngôi nhà cổ của ông địa chủ Đoàn Hữu Chung xưa) cho đến nay.

Dù trải qua một lần đại tu, nhưng hơn một thế kỷ trôi qua ngôi nhà cổ của ông địa chủ Chung vẫn giữ nguyên lối kiến độc đáo vốn có. Khi chuyển sang ngôi nhà này làm việc, hầu hết cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên rất phấn khởi, do kiến trúc xưa nhà rộng rãi, cao ráo, thoáng mát.

 

Hiện tại, một số chỗ trong ngôi nhà đã xuống cấp, UBND xã Lương Hòa Lạc đã kiến nghị UBND huyện Chợ Gạo (tỉnh Tiền Giang) và đã được huyện đồng ý cấp kinh phí khoảng 500 triệu đồng, dự kiến tiến hành sửa chửa trong tháng 9 này.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật