“Kỹ sư làng” và chiếc máy xe chỉ xơ dừa

Lovelife Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Giờ đây, người dân chuyên làm nghề xe chỉ tơ xơ dừa ở xã Đức Mỹ (huyện Càng Long, tỉnh Trà Vinh) đã “khoẻ” hơn trước rất nhiều nhờ có chiếc máy xe chỉ của anh “kỹ sư làng” Nghiêm Đại Thuận.
“Kỹ sư làng” và chiếc máy xe chỉ xơ dừa
Anh Thuận

Xem Video: Kỹ sư về quê chế tạo máy nông nghiệp cho dân

Hơn 10 lần thất bại

Anh Nghiêm Đại Thuận quê gốc ở thị xã Vĩnh Châu (Sóc Trăng). Vì gia cảnh nghèo, đông anh em nên hết tiểu học anh phải nghỉ để theo người thân tha phương kiếm sống.

Anh Thuận bên chiếc máy xe chỉ tơ xơ dừa do mình sáng chế.  Ảnh: Huỳnh Xây

Đến nay, HTX của anh Thuận đã bán được gần 200 cái máy xe chỉ tơ xơ dừa tại ĐBSCL với giá từ 60 - 80 triệu đồng/cái. Riêng về sản phẩm chỉ tơ xơ dừa, trung bình mỗi tháng, HTX đạt doanh thu 300 triệu đồng, lợi luận khoảng 45 triệu đồng.

“Tôi đến tỉnh Cà Mau rồi đi TP.HCM làm thuê nhiều công việc như: in lụa, đi giao bánh ở các chợ, chạy xích lô… Có thời gian tôi sang nước ngoài làm lao động nhưng... nghèo vẫn hoàn nghèo. Khi về quê cưới vợ xã Đức Mỹ này, tôi quyết định lập nghiệp tại đây với nghề xe chỉ tơ xơ dừa”, anh Thuận kể.

Anh Thuận cho biết, ở xã Đức Mỹ có hàng chục hộ dân sống bằng nghề xe chỉ tơ xơ dừa. Họ làm bằng tay rất vất vả nhưng số lượng sản phẩm làm ra không được nhiều. Mỗi ngày  xe chỉ xơ dừa chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng nên cuộc sống của những người dân ở đây rất khó khăn. Khi đó, anh Thuận luôn suy nghĩ đến việc làm thế nào để chế tạo ra một chiếc máy hiện đại để làm chỉ xơ dừa.

Anh Thuận kể: “Tôi mang bịch xơ dừa đến nhiều tiệm cơ khí đề nghị họ nghiên cứu làm máy xe chỉ xơ dừa nhưng không ai nhận làm. Vậy nên tôi tự đi học hàn, tiện và tự mày mò, thiết kế. Sau hơn 1 năm ròng rã và hơn 10  lần thất bại, đầu năm 2013 tôi cũng đạt điều mình mong muốn”.

Chiếc máy xe chỉ tơ xơ dừa của anh Thuận lúc này có 4 trục, vận hành bằng điện, có thể cho ra trên 30kg loại chỉ nhỏ sau 8 giờ vận hành. Trong khi đó, cùng thời gian, làm bằng tay chỉ đạt từ 2 - 3kg.

Chứng kiến tận mắt chiếc máy trên, người dân ở Đức Mỹ vô cùng vui mừng và bắt đầu tìm đến anh để học hỏi, đặt mua máy. Tiếng lành đồn xa, người dân các địa phương lân cận cũng lần lượt tìm đến mua

Nâng cấp sáng chế

Thành tích của anh Nghiêm Đại Thuận:
* Năm 2013: Giải nhất Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Trà Vinh.
* Năm 2015: Được UBND tỉnh tặng bằng khen vì thành tích đóng góp cho phong trào thi đua yêu nước.
* Năm 2016: Được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh và cấp khu vực phía Nam.
* Năm 2018: Được nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc 2018”.

Với bước thành công ban đầu, năm 2014, anh Thuận thành lập HTX xe chỉ tơ xơ dừa Đức Mỹ với 11 xã viên tham gia, tổng nguồn vốn điều lệ là 600 triệu đồng. Nhờ có máy móc hiện đại, mỗi tháng HTX của anh xuất bán khoảng 30 tấn chỉ tơ xơ dừa. Để HTX có thêm thu nhập, anh Thuận tổ chức cho xã viên làm ra những tấm lưới, thảm từ xơ dừa. Hai sản phẩm này thân thiện với môi trường, có độ bền cao nên được các nhà nhập khẩu Hàn Quốc ưa chuộng.

“Trong một dịp doanh nghiệp Hàn Quốc về Bến Tre khảo sát, tôi có cơ hội tiếp xúc rồi giới thiệu sản phẩm cho họ. Sau quá trình kiểm tra và tìm hiểu, phía Hàn Quốc nhận thấy sản phẩm của chất lượng tốt nên đã ký kết hợp tác tiêu thụ lưới, thảm làm từ xơ dừa. Tùy kích cỡ mà khách đặt hàng, HTX sẽ làm theo. Ở Hàn Quốc, mặt hàng này được sử dụng nhiều tại các công viên, khu du lịch...” - anh Thuận cho biết.

Bên cạnh thị trường Hàn Quốc, HTX của anh Thuận cũng hợp tác sản xuất cho doanh nghiệp ở tỉnh Bến Tre - chi nhánh của một công ty nước ngoài đóng tại tỉnh Trà Vinh. Để thị trường trong nước biết đến mình, vài năm qua, anh Thuận đã đem sản phẩm đến nhiều hội nghị, hội thảo, triển lãm do tỉnh nhà và các bộ, ngành có liên quan tổ chức.

Từ khi chế tạo máy thành công, đến nay, nhà sáng chế không chuyên ở quê hương Trà Vinh tiếp tục nghiên cứu, nâng cấp từ máy 4 trục lên 6 trục cho năng suất mỗi ngày đến hơn 120kg sợi tơ xơ dừa. Đồng thời, xây dựng 2 xưởng sản xuất, với sự giúp sức của hơn 20 nhân công lao động.

Anh Thuận còn bật mí là mình vừa mới nghiên cứu thành công một loại máy mới, hoàn toàn tự động, không cần người giũ tơ dừa như chiếc máy mà anh đã tạo ra trước đó. Ngoài ra, anh cũng dự định sẽ nghiên cứu chế tạo chiếc máy lột dừa.

“Đây là công việc mà người lao động phải dùng sức, sử dụng mũi dao nhọn để lột dừa nên hay xảy ra tai nạn lao động. Nếu thành công, người lao động nghèo chuyên làm nghề lột dừa, xe chỉ tơ xơ dừa sẽ bớt đi phần vất vả và tăng thêm thu nhập cho gia đình” – anh Thuận nói thêm.

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật