Nước giàu mua gom một nửa số vaccine Covid-19 tương lai

Susucn Nguyen nguồn bình luận 999
A- A A+
Oxfam ghi nhận các nước giàu có, chỉ chiếm 13% dân số thế giới, đã mua gom hơn một nửa lượng vaccine dự kiến sẽ phân phối trên toàn thế giới trong tương lai.
Nước giàu mua gom một nửa số vaccine Covid-19 tương lai
Một nhân viên y tế tình nguyện tiêm thử vaccine Covid-19 tại bệnh viện Sao Lucas, Porto Alegre, Brazil, ngày 8/8. Ảnh: AFP

Oxfam là liên minh quốc tế của 20 tổ chức, làm việc ở 94 quốc gia để tìm giải pháp cho tình trạng đói nghèo và bất công. Khuyến cáo đưa ra hôm 17/9, trong cuộc họp của các bộ trưởng y tế và tài chính thuộc các nước G20, thảo luận về đại dịch Covid-19.

Cơ quan đã phân tích các thỏa thuận giữa tập đoàn dược phẩm, nhà sản xuất vaccine với các quốc gia trên thế giới cho 5 "ứng viên" hàng đầu, đang trong thử nghiệm lâm sàng giai đoạn ba.

Họ chỉ ra rằng các công ty sẽ không đủ năng lực sản xuất đủ liều tiêm cho tất cả khu vực bị ảnh hưởng. Ngay cả trong trường hợp cực kỳ lý tưởng là 5 loại vaccine đều thành công, gần hai phần ba dân số thế giới sẽ không có đủ vaccine, ít nhất đến năm 2022. Trên thực tế, nhiều khả năng một số thử nghiệm sẽ thất bại, khiến số người "bị bỏ lại" thậm chí còn cao hơn.

Moderna, một trong những hãng dược dẫn đầu cuộc đua, đã nhận được khoản hỗ trợ lên tới 2,48 tỷ USD từ chính phủ. Song, công ty vẫn có ý định kiếm lời từ sản phẩm của mình, bán chúng cho các quốc gia giàu có khác với giá 12-16 USD một liều. Nhiều chuyên gia lo ngại nước thu nhập thấp sẽ khó lòng tiếp cận chương trình tiêm chủng. Dù thực sự nỗ lực để tăng quy mô nguồn cung, công ty chỉ có đủ năng lực sản xuất vaccine cho 475 triệu người (khoảng 6% dân số thế giới).

Hợp đồng từ các đơn vị khác cũng cho thấy sự bất bình đẳng rõ rệt giữa các quốc gia. Chính phủ Anh đã cố gắng mua gom lượng vaccine đủ cho tất cả công dân, mỗi người một liều. Ngược lại, Bangladesh cho đến nay chỉ có một liều vaccine trên mỗi 9 đầu người.

Thái độ của các công ty dược phẩm giữa quốc gia thu nhập thấp và cao cũng tương tự. AstraZeneca dành 66% lượng sản phẩm của mình cho nước đang phát triển. Dù đã cố hết sức để mở rộng năng lực cung ứng bằng cách hợp tác và chuyển giao công nghệ, số liều tiêm cũng chỉ đủ cho 38% dân số toàn cầu.

Oxfam nhận định các dữ liệu cho thấy vấn đề của một hệ thống đầy lỗ hổng, chú trọng vào việc bảo vệ tính độc quyền và lợi nhuận của tập đoàn dược phẩm, ủng hộ quốc gia giàu có. Như vậy, phần đông dân số thế giới sẽ phải chờ đợi lâu hơn mức cần thiết để được dùng vaccine.

Oxfam và các tổ chức khác trên toàn thế giới kêu gọi các đơn vị phát triển phân bổ đồng đều nguồn cung vaccine dựa trên tình hình thực tiễn. Điều này chỉ khả thi khi tập đoàn lớn chia sẻ công nghệ mà không cần bằng sáng chế, thay vì bảo vệ tính độc quyền và bán sản phẩm cho những khu vực trả giá cao.

Chema Vera, Giám đốc điều hành lâm thời của Oxfam International, cho biết: "Các chính phủ sẽ kéo dài cuộc khủng hoảng, với thảm kịch về con người và nền kinh tế, nếu họ cho phép các hãng dược bảo vệ tính độc quyền và lợi ích. Không công ty nào có thể đáp ứng được nhu cầu vaccine Covid-19 cho toàn thế giới. Đó là lý do chúng tôi hối thúc họ chia sẻ kiến thức để đạt bước nhảy vọt trong sản xuất, đảm bảo an toàn cho mọi người. Chúng ta cần một loại vaccine vì cộng đồng, không phải vì lợi nhuận".

Winnie Byanyima, giám đốc điều hành UNAIDS, nhận định: "Trong phong trào chống AIDS, chúng tôi từng chứng kiến cảnh các tập đoàn sử dụng tính độc quyền để hạn chế nguồn cung, tăng giá thuốc. UNAIDS và các thành viên khác của Liên minh Vaccine Gavi kêu gọi cách tiếp cận mới, đặt sức khỏe cộng đồng lên hàng đầu bằng cách chia sẻ kiến thức và tối đa hóa sản phẩm. Bất cứ sự khan hiếm nào cũng dẫn đến nhiều cái chết và một nền kinh tế hỗn loạn, buộc hàng triệu người rơi vào cảnh túng quẫn".

Nguồn Tin:
Video và Bài nổi bật